Thứ 7, 23/11/2024, 15:18[GMT+7]

Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 Xây dựng Thái Bình trở thành trung tâm phát triển công nghiệp của vùng

Thứ 6, 01/03/2024 | 08:44:35
48,207 lượt xem
Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nhìn vào phương hướng và phương án phát triển ngành công nghiệp, nhiều chuyên gia nhận định Thái Bình sẽ sớm trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng đồng bằng sông Hồng.

Công ty TNHH Top Performance Việt Nam đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất ngũ kim tại cụm công nghiệp Quỳnh Giao (Quỳnh Phụ).

Khát vọng lớn

Nhằm hiện thực hóa khát vọng xây dựng Thái Bình phát triển thịnh vượng, Quy hoạch tỉnh đã xác định rõ tầm nhìn và đích đến. Trong đó, tỉnh tập trung phát triển công nghiệp và kinh tế đô thị làm động lực để thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển. Mục tiêu đặt ra đến năm 2030 Thái Bình trở thành địa phương thuộc nhóm phát triển khá và là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng đồng bằng sông Hồng; có cơ cấu kinh tế hiện đại với công nghiệp là động lực chủ yếu cho tăng trưởng. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt 13,4%/năm, trong đó công nghiệp - xây dựng tăng 18%/năm; về cơ cấu kinh tế, đến năm 2030 công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng khoảng 62,1% toàn ngành kinh tế của tỉnh.

Nhận định về mục tiêu phát triển, ông Vũ Ngọc Khiếu, nguyên Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Với vị trí địa lý thuận lợi, nguồn nhân lực dồi dào và chất lượng cao, vùng biển rộng lớn, tài nguyên khoáng sản phong phú, hạ tầng giao thông không ngừng được đầu tư đồng bộ, hiện đại, việc Thái Bình đặt ra mục tiêu phát triển ngành công nghiệp đến năm 2030 là hoàn toàn khả thi và phù hợp. Không chỉ có vậy, Đảng bộ và chính quyền tỉnh còn có khát vọng lớn khi đưa vào quy hoạch với tầm nhìn đến năm 2050 Thái Bình là tỉnh phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng; có nền kinh tế phát triển thịnh vượng, xã hội tiến bộ và môi trường sinh thái được bảo đảm. Tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và các ngành kinh tế trụ cột có sức cạnh tranh cao. Đó vừa là ý chí vừa là mong muốn của mỗi người dân nên tôi tin Thái Bình sẽ thực hiện thành công Quy hoạch tỉnh.

Định hướng chiến lược

Dựa trên quan điểm không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã chỉ rõ: Phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, công nghệ tiên tiến, giá trị gia tăng cao; tham gia sâu, toàn diện vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu. Khuyến khích đầu tư phát triển các ngành có thế mạnh và có thể tạo đột phá cho địa phương như năng lượng, cơ khí, chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao, điện, điện tử; chế biến sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản... Tiếp tục duy trì các ngành công nghiệp nhẹ, tạo nhiều việc làm, bảo đảm an sinh xã hội như dệt may, da giày, tiểu thủ công nghiệp...

Tỉnh cũng sẽ tập trung nghiên cứu phát triển điện gió, điện khí để tạo nguồn điện sạch; đầu tư xây dựng nhà máy chế biến Condensate (hỗn hợp hydrocarbon lỏng chủ yếu được sử dụng để sản xuất xăng, dung môi công nghiệp và làm nguyên liệu cho tổ hợp hóa dầu); chuẩn bị mọi điều kiện để xây dựng và đưa vào vận hành Nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình. 

Ông Trần Ngọc Giang, Trưởng phòng Quản lý năng lượng (Sở Công Thương) cho biết: Về góc độ năng lượng, đây là chủ trương có tầm chiến lược bởi các dự án bên cạnh trực tiếp mang lại giá trị sản xuất, kinh doanh còn bảo đảm cung cấp đủ nguồn năng lượng phục vụ phát triển công nghiệp của tỉnh cũng như khu vực và cả nước trong dài hạn.

Sản xuất đồ bảo hộ y tế tại Công ty TNHH Tập đoàn Envinronstar tại khu công nghiệp Cầu Nghìn (Quỳnh Phụ).

Phát triển hệ sinh thái công nghiệp

Khi nghiên cứu Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhiều người đánh giá Thái Bình sẽ có hệ sinh thái đa dạng để phát triển ngành công nghiệp. Trước hết, Khu kinh tế Thái Bình tiếp tục được đầu tư xây dựng và phát triển thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực. Trong đó, tỉnh quy hoạch ưu tiên phát triển các khu công nghiệp (KCN) - đô thị - dịch vụ, KCN phía Bắc và các KCN khác trong Khu kinh tế Thái Bình có nhiều điều kiện thuận lợi về kết nối hạ tầng, thu hút đầu tư, hình thành các KCN - đô thị - dịch vụ công nghệ cao.

Thái Bình có hệ thống KCN, cụm công nghiệp (CCN) phát triển đều khắp trên địa bàn nhằm phát huy hiệu quả hệ thống giao thông kết nối và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Ngoài duy trì hoạt động của 8 KCN hiện có với tổng diện tích gần 2.000ha, tỉnh đẩy nhanh tiến độ triển khai 2 KCN mới thành lập gồm Hải Long và VSIP Thái Bình, tổng diện tích hơn 630ha và sẽ quy hoạch phát triển thêm 13 KCN mới với tổng diện tích 3.574ha. Trong 13 KCN này sẽ có một số KCN chuyên ngành như KCN dược - sinh học (Quỳnh Phụ), KCN - cảng, dịch vụ, du lịch Thái Thượng (Thái Thụy), KCN - đô thị, dịch vụ logistics Hưng Hà. 

Ông Đỗ Văn Vẻ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho rằng: Với hàng loạt KCN được thành lập, Thái Bình là nơi hội tụ của rất nhiều doanh nghiệp hàng đầu trong và ngoài nước. Cộng đồng doanh nghiệp tỉnh sẽ lớn mạnh và đóng góp tích cực hơn cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Song song với phát triển các KCN, trong 6 năm tới tỉnh sẽ quy hoạch phát triển 24 CCN mới với tổng diện tích 1.674ha, nâng tổng số CCN trên địa bàn tỉnh lên 67 CCN với tổng diện tích khoảng 4.198ha. Đây được coi là khu vực phụ trợ cho các KCN, thu hút các doanh nghiệp nhỏ và vừa vào hoạt động, tạo ra mạng lưới công nghiệp có tính liên kết chuỗi hoàn chỉnh, hiệu quả kinh tế cao.

Để có thể triển khai hệ thống Khu kinh tế, KCN, CCN theo định hướng, quy hoạch, tỉnh chuẩn bị mọi nguồn lực, nhất là về vốn đầu tư, trong đó nguồn vốn từ các doanh nghiệp ngoài nhà nước, doanh nghiệp FDI và dân cư đóng vai trò chủ đạo. Toàn tỉnh sẽ huy động khoảng 237 nghìn tỷ đồng trong giai đoạn 2021 - 2025 và khoảng 577 nghìn tỷ đồng trong giai đoạn 2026 - 2030, chủ yếu đầu tư cho các dự án lớn về kết cấu hạ tầng kỹ thuật như giao thông, thủy lợi, cấp điện, KCN, CCN... Tỉnh cũng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, vừa kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp vừa hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư đến Thái Bình hợp tác cùng phát triển.

Khu công nghiệp Cầu Nghìn, huyện Quỳnh Phụ.


Khắc Duẩn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày