Thứ 3, 03/12/2024, 04:05[GMT+7]

Kỷ niệm 55 năm ngày Bác Hồ về thăm Thái Bình lần thứ năm (31/12/1966 - 31/12/2021) Bác về mừng công 5 tấn (Tiếp theo)

Thứ 6, 24/12/2021 | 08:23:49
12,830 lượt xem

Cán bộ và nhân dân Thái Bình báo cáo với Chủ tịch Hồ Chí Minh những nông sản của địa phương khi Người về thăm Thái Bình ngày 1/1/1967. Ảnh tư liệu

Sáng hôm sau, Bác dậy sớm tay xách đèn bão bước ra nhà ngoài:
- Năm mới Bác chúc Tết các đồng chí.
Chúng tôi vui sướng, ngỡ ngàng nhìn Bác rồi nhìn nhau. Bây giờ mới nghĩ ra nay là mồng một Tết dương lịch. Chúng tôi không vào chúc Tết Bác trước, thật là một thiếu sót.

Hôm trước đã báo cáo với Bác là 7 giờ sáng nay mời Bác gặp đại biểu các địa phương trong tỉnh, nhưng phải thay địa điểm nên 8 giờ, rồi 9 giờ vẫn chưa chuẩn bị xong. Bác ngồi ở sân chơi với các cháu. Nhìn tôi ở ngoài đi vào, Bác giục:
- Đi thôi chứ.
- Thưa Bác, xin Bác độ nửa tiếng nữa ạ, tỉnh nông nghiệp giờ giấc không được đúng lắm ạ.
Bác cười bảo:
- Thế tỉnh nông nghiệp các cô có đồng hồ riêng à?
9 giờ 30 chúng tôi mời Bác tới đình Phương Cáp, xã Hiệp Hòa, nơi cán bộ tập trung đón Bác.
Chúng tôi theo Bác đi giữa hàng cây xanh, Bác hỏi:
- Hàng cây này trồng lâu chưa?
Anh Đông thưa:
- Thưa Bác, trồng trong dịp Bác phát động Tết trồng cây.

Tới địa điểm phải qua một quãng đường khá dài, Bác đi bộ, chúng tôi băn khoăn sợ Bác mệt nhưng Bác đi ung dung, Bác vừa đi vừa hỏi chúng tôi về việc xây dựng đồng ruộng, sửa đường sá, cải tạo nông thôn. Nhìn chiếc cầu tre bắc chưa cẩn thận, Bác chỉ cái cầu nói:
- Phải sửa ngay để mọi người qua lại khỏi ngã.
Bác tới đình Phương Cáp, cán bộ hướng về phía Bác vỗ tay mừng rỡ. Bác vui, Bác khoát tay ra hiệu cho mọi người ngồi xuống. Đồng chí nào cũng rướn mình muốn nhìn Bác thật rõ.
Bác đứng trước bàn, thấy anh Đông định giới thiệu nên Bác cười, Bác nói:
- Bác mà còn phải giới thiệu à!
Cả hội trường cười vui vẻ. Đoạn, Bác nói:
- Bây giờ Bác làm nhiệm vụ giới thiệu, đây là đồng chí Hoàng Anh phụ trách nông nghiệp, đồng chí Tố Hữu làm công tác tuyên giáo và còn đồng chí này (Bác chỉ anh Đông) các chú biết cả rồi chứ.

Tất cả lại cười, Bác bắt đầu nói chuyện:
- “Hiện nay, nhiệm vụ quan trọng nhất của toàn Đảng và toàn dân ta là sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi, để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Sản xuất và chiến đấu là hai mặt trận quan hệ rất mật thiết với nhau. Các hợp tác xã nông nghiệp là đội quân hậu cần của quân đội chiến đấu ngoài mặt trận. Các xã viên hợp tác là chiến sĩ sản xuất, cần phải cố gắng như chiến sĩ ngoài mặt trận. Các xã viên hợp tác xã phải sản xuất thật tốt để bộ đội và nhân dân ta ăn no đánh thắng. Vì vậy, nhiệm vụ của các hợp tác xã nông nghiệp, của bà con xã viên, của cán bộ công tác ở nông thôn là rất quan trọng.
Các chiến sĩ ở ngoài mặt trận phải có đủ vũ khí, phải nắm vững chiến thuật để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Trên mặt trận sản xuất, cán bộ và xã viên phải nắm vững kỹ thuật canh tác để thâm canh tăng năng suất”1. Bác nói: Muốn tăng năng suất trước hết phải chú ý biện pháp hàng đầu..., các cô, các chú có nhớ biện pháp gì không?
Nhiều đồng chí thưa:
- Biện pháp thủy lợi ạ!
Thủy lợi, “phải làm tốt thủy lợi, phải nhiều phân bón. Phân bón thì có thứ phân bón sẵn có, chỉ cần ta xúc lấy là được, như bùn, phù sa. Nhưng phân chuồng vẫn là loại phân bón tốt nhất. Muốn có nhiều phân chuồng thì phải chăn nuôi tốt, nhất là nuôi lợn. Có đủ nước, nhiều phân rồi, lại còn phải chọn giống tốt, phải phòng, trừ sâu bệnh thì mới thu hoạch được nhiều. Trong sản xuất có nhiều việc quan hệ với nhau. Có làm tốt tất cả các biện pháp thì ruộng mới có năng suất cao, mùa màng mới thắng lợi.
Trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, phải coi trọng cả lúa và hoa màu. Có lúa lại phải có nhiều hoa màu thì lương thực mới dồi dào. Hoa màu làm thức ăn cho người, lại còn để chăn nuôi lợn.

Trong việc chăn nuôi còn phải chú ý nuôi nhiều cá, để thêm thức ăn”2. Nói đến đây Bác quay lại hỏi anh Đông:
- Ở Thái Bình việc nuôi cá có khá không?
Anh Đông thưa:
- Thưa Bác, đang phát triển ạ.
Bác nói:
- Đang phát triển à? Nói đang thì dễ thôi.
Cả hội trường cười ồ.
Bác nói tiếp:
- Một việc quan trọng nữa là phải trồng cây gây rừng.
Bác lại hỏi:
- Ở đây việc trồng rừng có tốt không?
Anh Trìu thưa:
- Thưa Bác, có xã Hiệp Hòa trồng khá, bình quân mỗi người 12 cây ạ.
Bác hỏi lại:
- Chú tính cây như thế nào? Cây thì phải cao hơn đầu người mới tính là cây chứ. Bác nghe nói có nơi tính cả cây muồng muồng vào cho nhiều.
Mọi người cười vui, Bác nhìn về phía các cụ phụ lão và hỏi:
- Xã Hiệp Hòa trồng cây giỏi là do các cụ phụ lão góp phần tích cực, có phải không?
- Thưa Bác, đúng ạ.
- Đúng thì hoan hô đi chứ.
Bác vỗ tay, tất cả mọi người vỗ tay cười vui theo. Bác nói tiếp:
- “Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Trồng 100 cây mà sống cả, tốt cả thì hơn trồng 1.000 cây mà sống được 90 cây. Việc trồng nên dựa vào các lực lượng các cụ phụ lão và các cháu nhi đồng. Các cụ vừa có kinh nghiệm trồng cây, vừa cẩn thận, tỉ mỉ chăm sóc cây cối. Các cháu nhỏ ở nông thôn cần giúp các cụ giữ gìn cây tốt, không để cho trâu, bò phá hại.

Muốn làm tốt những công việc sản xuất thì phải tổ chức và phân phối sức lao động cho tốt. Sau này, kháng chiến thắng lợi, chúng ta còn cần nhiều sức trâu, bò. “Con trâu là đầu cơ nghiệp”. Phải chăm sóc trâu, bò, không được để trâu, bò đói rét.

Muốn sử dụng tốt sức người vào công việc sản xuất thì cần ra sức cải tiến công cụ. Một người gánh khỏe thì cũng chỉ được độ 50 cân, nhưng một người kéo một cái xe thì có thể chở được vài tạ, tức là gấp mấy lần gánh.

Sức người có nhiều loại: có thanh niên, có phụ nữ, có người trẻ, có người già. Phải phân công cho hợp lý, người khỏe cần làm việc nặng, người yếu thì làm việc nhẹ.

Phải đặc biệt chú ý đến sức lao động phụ nữ. Phụ nữ là đội quân lao động rất đông. Phải giữ gìn sức khỏe cho phụ nữ để chị em tham gia sản xuất được tốt. Ví dụ: khi phụ nữ có kinh thì hợp tác xã chớ phân công cho họ làm ở chỗ ruộng sâu, nước rét. Các hợp tác xã phải có những tổ giữ trẻ tốt để phụ nữ có con mọn có chỗ gửi các cháu để yên tâm lao động.

Một điều nữa Bác cần nói là: Phải kính trọng phụ nữ”3. Bác hỏi:
- Nghe nói ở Thái Bình còn một số người còn đánh vợ, có không?
- Thưa Bác, có ạ! Có ít thôi ạ.
- Không ít đâu, các chú có gan mà nhận. Chú nào đánh vợ thì dũng cảm giơ tay lên.
Cả hội trường nhìn nhau im lặng, có đồng chí nói rụt rè:
- Chúng cháu không dám đánh, chỉ kỳ kèo thôi ạ.
- Kỳ kèo rồi tiến tới bạt tai.
Bác chỉ đồng chí phụ nữ gần đó và hỏi:
- Cô có bị đánh lần nào không?
- Thưa Bác, nhà cháu là cán bộ nên không đánh ạ.
- Có đúng thế không? Bác nghe nói, đánh vợ công khai thì sợ phê bình nên có đánh chỉ đánh lén. Còn các cô khi bị chồng đánh thì không dám nói. Đánh vợ là tật rất xấu. Các nước văn minh người ta tôn trọng phụ nữ. “Chúng ta làm cách mạng là để tranh lấy quyền bình đẳng, trai gái đều ngang quyền như nhau. Lênin dạy chúng ta: Phụ nữ là một nửa xã hội. Nếu phụ nữ chưa được giải phóng thì xã hội chưa được giải phóng cả. Phụ nữ thì phải tự mình phấn đấu giữ gìn quyền bình đẳng với đàn ông. Đàn ông phải kính trọng phụ nữ. Nhưng Bác nghe nói vẫn có người đánh chửi vợ. Đó là một điều đáng xấu hổ. Như thế thì còn gì là tình nghĩa vợ chồng? Như thế là phạm pháp, là cực kỳ dã man”4. Việc này Hiến pháp đã quy định. Đảng phải nghiêm khắc. “Chi bộ phải giáo dục đảng viên và nhân dân về quyền bình đẳng giữa vợ chồng. Đoàn thể phụ nữ và thanh niên phải bảo ban nhau cách cư xử hòa thuận trong gia đình. Bác mong rằng từ nay về sau sẽ không còn thói xấu đánh chửi vợ nữa”5.
Cả hội trường vỗ tay tỏ ý vâng theo lời Bác.

Bác nói tiếp:
- “Bây giờ Bác nói đến tình hình các hợp tác xã nông nghiệp ở Thái Bình. Nói chung đều có tiến bộ, thu hoạch khá. Nhưng chưa phải hợp tác xã nào cũng đều tốt cả. Cho nên các hợp tác xã đã khá rồi phải cố gắng vươn lên nữa. Các hợp tác xã kém thì phải cố gắng tiến lên thành hợp tác xã khá. Các hợp tác xã đều phải:
- Đoàn kết chặt chẽ, giữa xã viên với nhau, đoàn kết giữa Ban quản trị và xã viên.
- Thực hành dân chủ, nghĩa là công việc đều phải bàn bạc với xã viên, cán bộ không được quan liêu, mệnh lệnh.
- Tài chính phải công khai, tuyệt đối chống tham ô, lãng phí”6. Bác hỏi:
- Các hợp tác xã ở đây tài chính có công khai không?
Đồng chí Bí thư Đảng ủy địa phương đứng dậy thưa:
- Thưa Bác có ạ.
- Công khai như thế nào?
- Thưa Bác, từng tháng, từng vụ, từng năm, thu gì, chi gì Ban quản trị đều phải báo cáo trước cho xã viên ạ.
- Xã viên thắc mắc có được hỏi lại không?
- Có ạ.
- Chú có nợ hợp tác không?
- Thưa không ạ.
Mọi người cười vui vẻ.

Bác khen Thái Bình:
- “Năm nay Thái Bình được mùa khá. Nhưng chớ vì được mùa mà chủ quan. Cụ thể là:
a) Phải cố gắng hơn nữa, không nên cho như thế là đủ rồi. Phải làm cho năng suất cao hơn nữa;
b) Phải tiết kiệm, không được lãng phí;
c) Thái Bình vốn là một tỉnh đất hẹp, người đông. Cho nên phải hết sức tăng năng suất cây trồng, nhưng vẫn phải đi vỡ hoang thêm ruộng đất. Trong việc vỡ hoang có xã Nam Cường, năm nọ Bác về thăm thì mới bắt đầu vỡ hoang. Bây giờ Nam Cường chẳng những sản xuất đủ ăn mà còn xung phong bán thóc làm nghĩa vụ cho Nhà nước. Như thế là rất tốt.
Ruộng đất khôn lắm, nó cũng biết suy tính đấy. Người chăm sóc nó chừng nào thì nó trả ơn cho người chừng ấy”7. Bác nghe nói ở đây có hai ý kiến. Một cho rằng đất tốt là do người. Một cho rằng đất tốt có hạn, đất xấu thì người đành chịu. Hai ý kiến đó cái nào đúng?
Có đồng chí trả lời:
- Đất tốt do người là đúng ạ.
Bác gật đầu.
Nói đất xấu người đành chịu là bi quan. Người nhất định cải tạo được đất. Muốn cải tạo đất, trước hết phải cải tạo người. Người tốt thì đất tốt.
Đồng chí Tố Hữu thưa với Bác:
- Ở Tân Phong đất không tốt lắm, nhưng hợp tác xã tốt, cán bộ, xã viên tốt nên lúa Tân Phong rất tốt ạ.
Bác hỏi:
- Có đại biểu Tân Phong ở đây không?
Đồng chí Bí thư Tân Phong đứng dậy.
Bác nói:
- Đất Tân Phong trước đây cũng không tốt mấy nhưng Đảng bộ và bà con xã viên ở đó quyết tâm cải tạo đất, bây giờ cả Hợp tác xã Tân Phong đạt hơn 7 tấn thóc một ha. Đạt như vậy cũng chưa phải tột bậc còn có thể cao hơn nữa.
Bác nói tiếp:
- “Bác nghe nói ở Thái Bình đang có phong trào báo công bình công. Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước ai có công thì báo công và đưa ra xã viên bình công. Làm như thế là tốt, vì:
- Ai có công, ai không có công, bà con xã viên đều biết. Do đó thúc đẩy lẫn nhau cùng cố gắng lập công mới.
- Người có công gì tự báo công để tập thể bình bầu, như thế là thực hành quyền dân chủ trong nhân dân, làm cho mọi người đều phấn khởi và cố gắng.
- Đó là một dịp phê bình và tự phê bình một cách thiết thực, nhân dân tự giác giáo dục lẫn nhau, qua đó mà mọi người biết làm việc gì thì tốt, làm thế nào là tốt...”8.

Bác nói tiếp về công tác xây dựng Đảng:
“Về việc xây dựng Đảng ở Thái Bình, phát triển Đảng như vậy là khá. Nhưng đảng viên phụ nữ hiện nay mới chiếm 17% tổng số đảng viên, như thế là còn ít, còn hẹp hòi với phụ nữ. Trong lúc đề bạt cán bộ trẻ, phải chú ý đến sự đoàn kết giữa đảng viên cũ và đảng viên mới. Đảng viên nhiều tuổi thì từng trải. Đảng viên trẻ tuổi thì hăng hái. Cho nên đảng viên phải giúp đỡ nhau cùng nhau tiến bộ. Công việc cách mạng rất nhiều, không sợ thiếu việc. Phải chú ý phát triển Đảng vào thanh niên. Không nên hẹp hòi. Nhưng việc phát triển Đảng phải làm cẩn thận, không được cẩu thả.

Còn hai điều nữa phải rất chú ý:
Một là việc phòng không nhân dân...
Hai là nhân dân phải ra sức bảo vệ tài sản của Nhà nước và của hợp tác xã hơn nữa. Phải giáo dục nhân dân, làm cho mọi người rõ: của Nhà nước, của hợp tác xã tức là của mình, do đó mọi người phải ra sức giữ gìn, không để cho mất mát, hao hụt”9.

Bác nói đã gần hai tiếng đồng hồ, nhưng chúng tôi cứ muốn nghe mãi. Nghỉ giây lát, Bác nói tiếp:
“Cuối cùng, Bác nhờ các cụ, các cô, các chú chuyển lời hỏi thăm tới toàn thể bà con xã viên trong hợp tác xã, công nhân trong xí nghiệp, cán bộ trong cơ quan, các đơn vị bộ đội và công an, dân quân trong tỉnh. Năm nọ Bác về thăm, cán bộ và đồng bào trong tỉnh đã hứa với Bác sẽ đưa phong trào tiến lên mạnh mẽ. Bây giờ, Bác rất vui lòng thấy Thái Bình có tiến bộ nhiều. Bác mong các đồng chí và đồng bào đều cố gắng hơn nữa để làm cho Thái Bình trở thành một tỉnh gương mẫu về mọi mặt”10.

Bác ngừng lời giữa những tràng vỗ tay giòn giã. Ai nấy vui mừng biểu lộ quyết tâm thực hiện lời dạy. Anh Ngô Duy Đông thay mặt Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh hứa sẽ làm theo lòng mong muốn của Bác.

Đoàn đại biểu Hợp tác xã Tân Phong mang lên Bác những lọ thóc có dán nhãn hiệu bên ngoài, xem từng lọ, Bác đọc:
- Nếp quít 43,33 tạ một ha, mộc tuyền 44,17 tạ.
Đoàn đại biểu xã Hiệp Hòa lên biếu Bác sáu quả dừa tươi. Bác khen dừa to. Bác nhận, rồi Bác gửi lại nhân dân địa phương.

Bác ra khỏi hội trường, chúng tôi xúm xít quây quần quanh Bác và được chụp ảnh chung với Bác. Bác ra về, trên đường làng Bác thăm hỏi bà con thôn xóm, Bác âu yếm xoa đầu các cháu nhỏ. Đường làng mỗi lúc một đông, có người đương làm đồng được tin chạy lên đón Bác. Tới đầu xóm Dân Chủ, một tốp thiếu nhi tiến lại gần, đồng thanh:
- Chúng cháu chào Bác ạ!
Bác tươi cười hỏi:
- Các cháu có ngoan không?
- Thưa có ạ!
- Có chăm học không?
- Thưa có ạ!
- Có vâng lời bố mẹ không?
- Thưa có ạ!
- Chìa tay cho Bác xem nào.
Bác gật đầu tỏ ý bằng lòng vì thấy những bàn tay xinh xắn, nhỏ nhắn của các cháu sạch sẽ. Bác gọi đồng chí cần vụ lấy kẹo chia cho các cháu.
Bác xoa đầu mấy cháu:
- Các cháu thích hát bài gì?
- Bài Giải phóng miền Nam ạ.
- Các cháu hát cho Bác nghe.
Bác giơ tay bắt nhịp, các cháu đồng thanh hát. Đồng bào đứng xung quanh nhìn Bác, nhìn con mình, nét mặt vui tươi hớn hở. Có người rưng rưng nước mắt cảm động vì sung sướng, Bác đi giữa dòng người lưu luyến tiễn chân Bác, hàng cây xanh vẫy chào Bác.

Bác về thăm Thái Bình, tỉnh đạt 5 tấn thóc/ha đầu tiên trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa ngay giữa thời chiến. Bác thăm hỏi đời sống nhân dân, Bác chỉ đường vẽ lối đưa phong trào tiến lên. Năm 1967, được Bác về thăm, gửi thư khen và biểu dương trên báo. Sự quan tâm của Bác đã cổ vũ toàn Đảng, toàn dân liên tục hai năm liền giành mục tiêu 5 tấn/ha trên toàn bộ diện tích cấy lúa. Thắng lợi đó đã chứng minh một cách đúng đắn đường lối phát triển kinh tế của Đảng ta trong điều kiện có chiến tranh, đồng thời cũng nói lên tình cảm chân thành của một triệu nhân dân Thái Bình đối với sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và đối với Bác, những người phụ nữ chúng tôi cũng thấy vinh dự đã góp phần mình cùng toàn Đảng, toàn dân lập nên những chiến công đó. Nhân dân Thái Bình nói chung, phụ nữ Thái Bình nói riêng sẽ khắc sâu trong tâm trí những lời Bác dạy, quyết tâm phấn đấu xây dựng Thái Bình trở thành một tỉnh gương mẫu về mọi mặt để đền đáp công ơn trời biển của Bác.

Ngày 20 tháng 4 năm 1970

Lê Thị Định kể

Nguyễn Thành Long ghi


(1,2,3,4,5,6,7,8,9,10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000
Theo sách: Thái Bình năm lần đón Bác, Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Tỉnh ủy Thái Bình xuất bản, 1970.