Thứ 4, 04/12/2024, 00:27[GMT+7]

Hành trình của một chiến sĩ Điện Biên

Thứ 5, 25/04/2024 | 10:33:51
1,858 lượt xem
Hướng về kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), nhớ về ông Nguyễn Văn Thuận, từng là chiến sĩ chiến đấu trên chiến trường Điện Biên năm xưa, lòng tôi lại bồi hồi, xúc động và rất đỗi tự hào. Cùng con trai cả của ông là Nguyễn Văn Tiến, câu chuyện của chúng tôi trở về những năm tháng hào hùng trong những ngày cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp.

Anh Nguyễn Văn Tiến luôn khắc ghi, tự hào những câu chuyện của cha trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Năm 1952, nghe theo tiếng gọi của Đảng, ông Thuận tình nguyện nhập ngũ ở huyện Vũ Tiên để bổ sung cho chiến trường Tây Bắc. Từ Thái Bình, ông hành quân lên Chi Nê, Xích Thổ (Hòa Bình), rồi quay lại Hà Đông, lên Phú Thọ, Thái Nguyên, gia nhập vào Đoàn 99. Cuối năm 1953, ông được biên chế vào Đại đội 3, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 165, Sư đoàn 312, rồi cùng đơn vị đi bổ sung cho chiến trường Tây Bắc. Từ Thái Nguyên, đơn vị hành quân sang Nghĩa Lộ, Sơn La. Đến Sơn La thì ăn tết trên đường, rồi vượt đèo Pha Đin đến Tuần Giáo để lên Điện Biên Phủ tham gia chiến dịch.

Sau mấy tháng hành quân, đơn vị ông đã tới tiếp viện cho chiến trường Điện Biên Phủ. Khi đó, chiến dịch đã bước vào giai đoạn 2, quân ta đang siết chặt vòng vây khu trung tâm. Đơn vị ông được bố trí ở Tây Bắc sân bay Mường Thanh, giáp đồi 75 và đồi Mâm Xôi. Ngoài súng đạn, mỗi chiến sĩ được phát một chiếc xẻng nhỏ để thực hiện nhiệm vụ đào hầm, hào, lấn sâu vào cứ điểm địch. Đêm đến đào hào, ban ngày nghỉ theo tổ tam chế, ba người ngồi trong một hầm hàm ếch trú ẩn. Giao thông hào sâu ngập vai với các đường ngang, dọc như mạng nhện.

Những khi ngồi nghỉ ở hầm, hào, ai nấy đều thèm điếu thuốc lào. Lúc đó, thuốc lào trở thành nhu cầu thiết yếu đối với các chiến sĩ. Mỗi khi có một vê thuốc thì ba, bốn người chung nhau hút. Ở trận địa không có điếu, anh em chiến sĩ phải nắm tay vào làm điếu, mỗi người chụm miệng vào hít một hơi. Lửa cháy bỏng tay vẫn cố chịu, còn hơn phải chịu cơn thèm thuốc dày vò.

Để tiến công được vào các cứ điểm địch, phải dùng bộc phá phá hàng rào dây thép gai dày đặc, kiên cố với 3 tầng kế tiếp nhau mà anh em thường gọi là tầng chữ V, tầng mái nhà hay tầng giàn mướp. Hàng cọc sắt giữ dây thép gai cách nhau chừng mét rưỡi một cọc; dưới chân mỗi cọc, địch gài một quả mìn cóc. Chốt mìn buộc vào sợi dây nilon rồi nối liền với chốt quả khác, sơ ý vấp dây nilon thì mìn nổ. Để gài bộc phá vào hàng rào, chiến sĩ ta phải lựa lúc ban đêm, dùng một chiếc vọt tre như chiếc cần câu lùa vào giữa hai cọc sắt để dò sợi dây buộc chốt mìn, nhẹ nhàng cắt ra rồi lần đầu dây để tìm, vô hiệu hai quả mìn hai bên. Cứ thế, khi nào gỡ được mìn, tạo ra một lối vào an toàn tới giữa hàng rào thì cho bộc phá vào. Bộc phá để phá hàng rào thường nhồi vào ống bương, dài chừng hơn một mét để lùa vào được sâu. 

Đêm mùng 6/4/1954, ông Thuận cùng hai đồng chí Quỹ và Nữ, mỗi người mang hai quả bộc phá vào phá hàng rào để mở ba mũi tiến công. Khi bộc phá nổ thì những quả mìn cóc cũng nổ, làm ông Thuận bị thương vào đầu, chân và bắp tay. Mặc dù đau đớn nhưng ông Thuận rất vui vì ông cùng đồng đội đã hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu. Ông được đưa về đội điều trị dã chiến của Tiểu đoàn để cứu chữa. Sau hai ngày, ông Thuận được chuyển về Đoan Hùng để tiếp tục điều trị. Vết thương chưa khỏi hẳn, song tin chiến thắng liên tục đưa về, khiến ông nóng lòng không thể nằm mãi ở bệnh viện. Không được ra trận, ông xin đi coi tù binh ở Việt Trì. Khi chiến dịch kết thúc, hòa bình được lập lại, đơn vị ông Thuận chuyển về đóng ở phố Giỏ (Bắc Giang).

Năm 1957, thực hiện chính sách giảm binh, với thương binh được chuyển ngành vào các cơ quan dân sự hay nhà máy, nông, lâm trường, tùy theo sức khỏe; ông Thuận vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên xin được phục viên.

Từ quân ngũ trở về, tài sản duy nhất của ông là một Huy chương Chiến thắng hạng Hai, một Kỷ niệm chương và một Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ. Gia đình ông lúc ấy rất nghèo, chỉ có ba gian nhà tre vách đất và mấy sào ruộng được chia sau cải cách ruộng đất. Mang trên mình bốn, năm vết thương đã thành sẹo, còn bao sức lực, trí tuệ, ông dồn vào lo cho mẹ già, cho vợ, cho con.

Noi gương cha, ông, các con, các cháu của ông Thuận đều nỗ lực phấn đấu đóng góp cho cách mạng, dựng xây quê hương. Con cả Nguyễn Văn Tiến hai lần nhập ngũ, tham gia kháng chiến chống Mỹ hơn 10 năm. Con thứ ba Nguyễn Văn Hải đi nghĩa vụ 6 năm, tham gia chiến đấu ở chiến trường biên giới phía Bắc. Con thứ tư và 2 cháu trai của ông cũng tham gia quân ngũ trước khi trở về quê hương lao động sản xuất.

Trong câu chuyện về cuộc đời chiến đấu của người cha năm xưa, nắm chặt tay tôi anh Nguyễn Văn Tiến xúc động bày tỏ: Cha cháu đã về với cõi vĩnh hằng song cháu luôn luôn nhắc nhớ các con con, các cháu về truyền thống gia đình, noi gương cha, noi gương ông để luôn có ý thức phấn đấu, dù làm công việc gì cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ để không hổ thẹn với cha, ông của mình.

Vũ Duy Yên

(Vũ Thư)