Chủ nhật, 19/05/2024, 21:14[GMT+7]

Tự hào Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thứ 3, 07/05/2024 | 11:09:59
831 lượt xem
70 năm đã trôi qua nhưng những ký ức hào hùng về 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt...” vẫn vẹn nguyên trong tâm trí của những cựu chiến binh đã từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Đây chính là niềm tự hào để thế hệ sau tiếp bước cha anh tiếp tục cống hiến, bảo vệ vững chắc nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Cựu chiến binh Nguyễn Viết Lương, xã Quỳnh Thọ, huyện Quỳnh Phụ

Tôi luôn tự hào vì gia đình có 7 người đều tham gia cách mạng, trong đó có 4 người tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp, 2 người trực tiếp tham gia chiến đấu trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Tháng 12/1950, tôi nhận lệnh sang Trung Quốc để học pháo binh, khi đó tôi học hết lớp 4 nên được đơn vị cho học kế toán pháo binh nhiệm vụ chủ yếu là khi có yêu cầu của bộ binh, tôi phải tính toán thật nhanh chóng các phép tính để có thể tính ra được vị trí của địch rồi chuyển cho các chiến sĩ hướng nòng pháo bắn cho chuẩn. Những ngày chiến đấu ở Điện Biên Phủ, tôi nhớ nhất là khi được đơn vị tổ chức lễ kết nạp Đảng ngay dưới hầm chiến đấu. Lễ kết nạp Đảng tuy diễn ra đơn sơ, nhanh gọn nhưng cảm xúc trong tôi vẫn còn vẹn nguyên. Nhờ có Đảng, có cách mạng soi đường mà sau này tôi cùng đơn vị đã lập nhiều chiến công, được khen thưởng nhiều huân, huy chương các loại. Khi nghe tin chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, tướng De Castries bị bắt, cả đơn vị tôi vui sướng lắm, mặc dù không trực tiếp cầm súng chiến đấu nhưng mồ hôi, công sức và trí tuệ của anh em đã được đền đáp xứng đáng, chúng tôi ôm lấy nhau, hò reo trong hầm chiến đấu mãi không thôi. Những ngày sau đó, chúng tôi được tham gia văn nghệ mừng công với các đơn vị bạn, các thiếu nữ dân tộc Thái với điệu múa uyển chuyển, anh em chiến sĩ cũng hòa chung niềm vui với người dân Điện Biên. Dân tộc ta đã trải qua những cuộc kháng chiến vĩ đại, giữ vững độc lập tự do, tiếp nối cha ông, tôi mong thế hệ hôm nay và mai sau sẽ luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, quyết tâm và nỗ lực cao nhất, làm nên nhiều chiến thắng Điện Biên Phủ trong thời kỳ đổi mới.

Cựu chiến binh Vũ Như Úy, phường Bồ Xuyên, thành phố Thái Bình

Tôi nhớ nhất là khi đơn vị tôi nhận lệnh hành quân lên gần biên giới Việt Nam - Lào, nhiệm vụ chúng tôi khi đó là ngăn chặn không để quân tiếp viện của Pháp từ Lào sang Việt Nam và chặn đường lui của quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ. Giao tranh ác liệt giữa hai bên, mãi đến khi quân đội Pháp chạy dần tới biên giới Thái Lan thì chúng tôi mới dừng lại không đuổi theo. Sau khi trở lại Điện Biên Phủ, tôi được biên chế vào Sư đoàn 308, nhờ chiến đấu dũng cảm nên tôi được đơn vị tổ chức kết nạp Đảng vào ngày 13/3/1954, đúng ngày chiến dịch bắt đầu. Trong 56 ngày đêm chiến đấu dưới giao thông hào, tôi được các thiếu nữ dân tộc tiếp tế thức ăn, nước uống, cứ 7 ngày thì được lên khỏi chiến hào và vào rừng làm vệ sinh cá nhân. Trong một đêm, Trung đoàn của tôi đánh mạnh vào cứ điểm địch ở đồi cao 106 và cứ điểm 311B khiến chúng thất bại hoàn toàn. Khi quân Pháp đầu hàng thì tôi hô tiếng Pháp “Giơ tay lên”, lúc này chúng đều rệu rã, cúi đầu trước các chiến sĩ của ta. Sau ngày đại thắng 7/5/1954, đơn vị tôi nhận lệnh về tiếp quản Thủ đô Hà Nội, khi đến Thủ đô thì người dân chào đón nhiệt tình lắm, cờ đỏ sao vàng treo kín hai bên đường chúng tôi đi, người dân hô to: “Đảng Cộng sản Việt Nam muôn năm, Hồ Chủ tịch muôn năm!”. Tất cả anh em trong đơn vị đều thấy sung sướng vô cùng, cảm nhận được giá trị của chiến thắng, của tự do.

Cựu chiến binh Lê Thanh Khâm, xã Đông Hoàng, huyện Đông Hưng

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, hầu hết hoạt động của quân ta đều diễn ra dưới hầm, hào chiến đấu, đánh địch bất ngờ. Chiến dịch diễn ra khi có mưa, đường trơn trượt, giao thông hào thì nước ngập tới bụng nên anh em chiến sĩ chiến đấu rất vất vả, nhưng ai cũng bền gan, vững chí, quyết tâm đánh đuổi giặc Pháp. Khi đó, quân Pháp tiếp viện cho Điện Biên Phủ bằng đường hàng không nhưng đều bị quân đội ta cắt đứt, lương thực, thực phẩm, vũ khí quân địch thả dù xuống đều bị chúng tôi chiếm được. Gian khổ nhất là khi đơn vị tôi tiến công xuống cánh đồng Mường Thanh, vì đây là khu vực đồng bằng, quân địch bắn nhiều nên mỗi lần tiến công chúng tôi phải nằm rạp người xuống đất, cố gắng đào lấy cho mình một cái hố để hạn chế việc bị trúng đạn, sau này khi có con cúi chống đạn thì việc đào hào chiến đấu thuận lợi hơn rất nhiều. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi mong muốn mỗi chiến sĩ đã từng tham gia chiến đấu tại Điện Biên mạnh khỏe, luôn phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ giáo dục thế hệ trẻ hãy tiếp nối truyền thống yêu nước của quê hương, tích cực học tập, rèn luyện góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh.

Ông Trần Hữu Vinh, Chủ tịch Hội  Cựu chiến binh huyện Hưng Hà

Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Hội Cựu chiến binh huyện Hưng Hà tổ chức cho chủ tịch hội cựu chiến binh các xã, thị trấn và Ban Thường vụ Hội Cựu chiến binh huyện đi dâng hương, viếng các anh hùng liệt sĩ, thăm các di tích lịch sử tại tỉnh Điện Biên. Tìm hiểu, nghe hướng dẫn viên giới thiệu về những chiến công oanh liệt của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng tôi thực sự cảm phục, trân trọng, biết ơn sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thế hệ cha anh đi trước, cùng những cống hiến, hy sinh của các anh hùng, chiến sĩ. Đã có rất nhiều đổi thay trên vùng đất từng là chiến trường khốc liệt năm xưa với chiến dịch 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”. Đặc biệt, quần thể di tích lịch sử chiến trường Điện Biên Phủ đã được Nhà nước, tỉnh Điện Biên đầu tư, xây dựng, giữ gìn, bảo vệ xứng tầm với chiến thắng vĩ đại của dân tộc; cùng với  tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đã góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho thế hệ trẻ để họ ra sức rèn đức, luyện tài, phấn đấu hết mình xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Chúng tôi là thế hệ “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” thấy tự hào được đóng góp vào khúc khải hoàn ca ấy để đất nước Việt Nam hoàn toàn độc lập, nhân dân ta có cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc. Phát huy tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ, truyền thống của các thế hệ cha anh đi trước, chúng tôi nguyện giữ vững phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

Anh Đàm Văn Lực, Bí thư Đoàn Thanh niên xã An Mỹ, huyện Quỳnh Phụ

Qua những bài học lịch sử, những thước phim tư liệu, những câu chuyện và nhân chứng lịch sử, chúng tôi cảm nhận sâu sắc chiến thắng Điện Biên Phủ mãi mãi là niềm tự hào của các thế hệ người Việt Nam, là biểu tượng sáng ngời của ý chí quyết tâm và sức mạnh Việt Nam. Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng của toàn dân tộc, trong đó thanh niên là lực lượng xung kích vì phần lớn cán bộ, chiến sĩ, dân công tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ khi đó đều còn trẻ. Với những hành động dũng cảm của anh Tô Vĩnh Diện lấy thân chèn pháo, anh Bế Văn Đàn lấy thân làm giá súng, anh Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai, Trần Can kiên cường, hiên ngang dẫn đầu tiểu đội vượt qua lô cốt, chọc thẳng vào sở chỉ huy... khiến thế hệ trẻ chúng tôi vô cùng cảm phục. Chiến tích oanh liệt đó như nhắc nhở, thúc giục thế hệ trẻ chúng tôi, càng phải nung nấu ý chí kiên cường, bền bỉ nuôi dưỡng tinh thần, không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị vững vàng như tinh thần của chiến sĩ Điện Biên năm xưa. Biến niềm tin, ý chí, trí tuệ, sức mạnh của mỗi người thành sức mạnh của cộng đồng, để chung tay góp sức bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Nhóm phóng viên