Thứ 5, 28/03/2024, 23:25[GMT+7]

Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 25/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng, phát triển thành phố Thái Bình đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045

Thứ 4, 05/01/2022 | 08:37:03
7,545 lượt xem

Thành phố Thái Bình. Ảnh: Thành Tâm

I- TÌNH HÌNH VÀ NGUYÊN NHÂN

Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, XIX và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXVI, XXVII, thành phố Thái Bình đã có sự phát triển khá nhanh và toàn diện. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp và thương mại dịch vụ là chủ đạo. Kinh tế liên tục tăng trưởng khá cao, bình quân giá trị sản xuất tăng 11,28%/năm. Năm 2020, quy mô kinh tế chiếm 23% tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh; tổng giá trị sản xuất gấp 2,91 lần năm 2010; thu nhập bình quân đầu người đạt 60,6 triệu đồng, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Không gian đô thị từng bước được mở rộng, diện mạo đô thị có nhiều đổi mới, nếp sống văn minh đô thị ngày càng rõ nét; thành phố Thái Bình đã được Chính phủ công nhận là đô thị loại II trực thuộc tỉnh từ tháng 12/2013. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, nhất là y tế, giáo dục có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được bảo đảm, chất lượng cuộc sống của Nhân dân có sự chuyển biến tích cực; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được quan tâm thực hiện; bộ máy hành chính được sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Công tác quốc phòng, an ninh được tăng cường, tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững.  

Tuy nhiên, sự phát triển của Thành phố còn một số hạn chế: Kinh tế phát triển chưa thật sự vững chắc, quy mô và tiềm lực còn nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và yêu cầu phát triển. Chưa huy động được mạnh mẽ các nguồn lực vào đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, chưa có dự án đầu tư lớn tạo điểm nhấn và đột phá phát triển, còn một số dự án chậm tiến độ. Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Không gian đô thị và hạ tầng kỹ thuật đô thị còn nhiều bất cập. Giao thông đô thị phát triển chưa xứng tầm, thiếu tính kết nối, có nơi bị xuống cấp; văn minh đô thị tuy có chuyển biến, nhưng còn chậm. Môi trường đô thị còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Công tác xã hội hóa các hoạt động sự nghiệp, dịch vụ công hiệu quả chưa cao. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có mặt còn hạn chế; cải cách hành chính chưa đạt yêu cầu. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại một số địa bàn còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp.

Những hạn chế, yếu kém nêu trên có nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng chủ yếu là nguyên nhân chủ quan: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố có mặt chưa theo kịp yêu cầu phát triển; một số cấp ủy đảng, chính quyền và một số cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu chưa chủ động, sáng tạo trong triển khai thực hiện nhiệm vụ; năng lực dự báo và khả năng tự chủ trong khắc phục, giải quyết những khó khăn, vướng mắc còn hạn chế. Định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, khu vực trọng điểm của Thành phố chưa rõ; chưa có cơ chế, chính sách đủ mạnh về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý để tạo động lực phát triển mới. Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành của Thành phố và các sở, ban, ngành của tỉnh có lúc, có việc chưa chặt chẽ; kỷ cương, kỷ luật chưa được đề cao, nhất là trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đất đai, giải phóng mặt bằng. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa có nhận thức đúng đắn, tinh thần trách nhiệm chưa cao, năng lực trình độ chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.  

Để góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết về xây dựng, phát triển thành phố Thái Bình đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045.

II- QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU VÀ TẦM NHÌN

1- Quan điểm

- Xây dựng và phát triển thành phố Thái Bình là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và đáp ứng yêu cầu phát triển; là trách nhiệm của cả Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Thái Bình, mà trước hết là của Đảng bộ, Nhân dân thành phố Thái Bình. Phát triển thành phố Thái Bình không chỉ vì Thành phố mà còn vì sự phát triển chung của cả tỉnh.

- Xây dựng, phát triển thành phố Thái Bình phải đảm bảo tính khoa học và thực tiễn, có tầm nhìn dài hạn; đòi hỏi phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn và sự kiên trì bền bỉ; có lộ trình rõ ràng đặt trong chiến lược phát triển chung của Tỉnh và của khu vực, dựa trên ba trụ cột: Kinh tế phát triển năng động dựa trên dịch vụ hiện đại và công nghiệp sạch, giá trị gia tăng cao; đô thị phát triển nhanh theo hướng cảnh quan, trong lành, thông minh, hiện đại; xã hội phát triển văn minh, an toàn, chất lượng sống ngày càng được nâng cao.

- Xây dựng, phát triển thành phố Thái Bình trước hết phải dựa trên nội lực là chính, trên cơ sở khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế đi đôi với phát huy mạnh mẽ động lực đổi mới sáng tạo, sự đồng lòng quyết tâm và khát vọng phát triển của cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

2- Mục tiêu

2.1- Mục tiêu tổng quát

Xây dựng thành phố Thái Bình phát triển nhanh và bền vững, trở thành đô thị xanh, đô thị cảnh quan, văn minh, hiện đại, có bản sắc riêng; có kết cấu hạ tầng đô thị hiện đại, kết nối thuận lợi; là đầu tàu kinh tế, là trung tâm thương mại dịch vụ của Tỉnh, có sức thu hút và lan tỏa cao; phát triển toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh; có nếp sống văn minh đô thị, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao; có tổ chức đảng, chính quyền và hệ thống chính trị vững mạnh. Phấn đấu đến năm 2025 thành phố Thái Bình được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh; đến năm 2030 trong nhóm các đô thị phát triển khá, đến năm 2045 trong nhóm các đô thị dẫn đầu của vùng đồng bằng sông Hồng và là một trong những trung tâm kinh tế - xã hội quan trọng của khu vực.

2.2- Mục tiêu cụ thể

Giai đoạn 2021 - 2025

- Bình quân tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 12,7%/năm; thu ngân sách trên địa bàn (không kể tiền thu sử dụng đất) tăng 12%/năm trở lên và duy trì tự bảo đảm cân đối thu chi ngân sách. Tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm đạt 111.680 tỷ đồng trở lên (gấp 1,99 lần 5 năm 2016 - 2020).

- Đến năm 2025, quy mô kinh tế chiếm tỷ trọng 25% tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh; cơ cấu kinh tế: Công nghiệp - xây dựng chiếm 65,5%, thương mại - dịch vụ chiếm 33,5%, nông nghiệp - thủy sản chiếm 1,0%; thu nhập bình quân đầu người đạt 93 triệu đồng/năm trở lên (bằng 1,2 lần bình quân của cả tỉnh); tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 80%; diện tích cây xanh đô thị bình quân đạt 10,5m2/người; diện tích sàn nhà ở bình quân đạt 39m2/người trở lên. Cơ bản hình thành không gian đô thị hiện đại hai bên sông Trà Lý và các tuyến giao thông đối ngoại. Tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội dưới 12,5%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80%, trong đó có chứng chỉ nghề trở lên đạt 37%. Phấn đấu 100% chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn, 100% nước thải sinh hoạt ở đô thị và 100% nước thải công nghiệp, nước thải y tế được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn.

Giai đoạn 2026 - 2030

- Bình quân tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 12%/năm, thu ngân sách trên địa bàn (không kể tiền thu sử dụng đất) tăng 12%/năm trở lên. Tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm bằng 2,0 lần trở lên so với 5 năm 2021 - 2025.

- Đến năm 2030, duy trì quy mô kinh tế chiếm tỷ trọng 25% tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực với giá trị ngành thương mại, dịch vụ chiếm tỷ trọng 50% trở lên; thu nhập bình quân đầu người bằng 1,3 lần bình quân chung của cả tỉnh. Tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội dưới 9%; tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 85%, trong đó có chứng chỉ nghề trở lên đạt 45%.

2.3- Tầm nhìn năm 2045

Xây dựng thành phố Thái Bình phát triển thông minh, hiện đại, thân thiện; kinh tế thịnh vượng, xã hội tiến bộ, môi trường bền vững, chất lượng cuộc sống người dân ở mức độ cao; là một trong những đô thị phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước, mang đậm nét bản sắc văn hóa của vùng đất và con người Thái Bình.

III- NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1- Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, hình thành động lực mới, quyết tâm mới

Tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền với nhiều hình thức sinh động, hiệu quả, phù hợp; phát huy vai trò của hệ thống thông tin cơ sở để tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương, quan điểm, mục tiêu về xây dựng, phát triển thành phố Thái Bình, làm cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhận thức, quán triệt sâu sắc, thấy rõ các cơ hội, thuận lợi, khó khăn, sự cần thiết, vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển thành phố Thái Bình. Từ đó tạo sự đồng thuận, thống nhất trong nhận thức và hành động, hình thành động lực mới, quyết tâm mới, khát vọng vươn lên của toàn xã hội và từng cán bộ, đảng viên, người dân, trở thành phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực, hiệu quả.

2- Khai thác và phát huy hiệu quả mọi tiền năng, lợi thế để phát triển mạnh mẽ, toàn diện về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, xứng đáng là trung tâm kinh tế, chính trị, là đầu tàu kinh tế của tỉnh

- Huy động hiệu quả các nguồn lực, thu hút các nhà đầu tư chiến lược để xây dựng, phát triển các ngành kinh tế của thành phố nhanh và bền vững.

- Tiếp tục chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp -  nông nghiệp. Đi đầu trong đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, xây dựng thành phố thông minh. Chuyển đổi mạnh mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng ưu tiên phát triển đa dạng các loại hình thương mại, dịch vụ tài chính - ngân hàng và các sản phẩm dịch vụ chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn; khuyến khích phát triển các loại hình thương mại thích ứng với kinh tế số. Chú trọng thu hút đầu tư xây dựng các trung tâm mua sắm, tổ hợp thương mại, hệ thống siêu thị; chú trọng phát triển dịch vụ giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe. Phát triển các loại hình dịch vụ ăn uống, khu vui chơi giải trí, cơ sở lưu trú chất lượng cao, các khu phố thương mại dịch vụ gắn với kinh tế ban đêm, kết hợp với phát triển du lịch đường thủy trên sông Trà Lý tạo sức hấp dẫn và động lực mới cho sự phát triển. Xây dựng trung tâm hội nghị hiện đại, đủ điều kiện tổ chức các hội nghị, hội thảo, hội chợ cấp vùng, cấp quốc gia.

- Tập trung phát triển sản xuất công nghiệp theo hướng đầu tư chiều sâu, chuyển đổi sang công nghiệp sạch, thân thiện môi trường, công nghệ tiên tiến, giá trị gia tăng cao. Đẩy nhanh tiến độ di dời các cơ sở sản xuất trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố không bảo đảm tiêu chuẩn về môi trường đến địa điểm mới theo quy hoạch, hoàn thành trước năm 2030; giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành di dời các cơ sở doanh nghiệp trong khu vực quy hoạch xây dựng, phát triển không gian đô thị hai bên sông Trà Lý.

- Quy hoạch ổn định vùng sản xuất nông nghiệp; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp phục vụ đô thị như: trồng hoa, cây cảnh, rau an toàn; hình thành và phát triển các chuỗi giá trị sản xuất chất lượng cao, bảo đảm an toàn thực phẩm gắn với đô thị vườn và du lịch sinh thái.

- Thực hiện tốt chính sách xã hội, người có công, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội; triển khai đồng bộ, hiệu quả các chương trình, đề án tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, ổn định cuộc sống.

- Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục của các trường phổ thông công lập; đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư đồng bộ các cơ sở giáo dục ở tất cả các cấp học, trong đó chú trọng huy động nguồn lực xã hội đầu tư các cơ sở giáo dục chất lượng cao, cơ sở giáo dục theo chuẩn quốc tế đáp ứng nhu cầu học tập của người dân và yêu cầu phát triển. Nâng cao chất lượng đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề; tăng cường các hình thức đào tạo theo nhu cầu thị trường. Có cơ chế thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đi đôi với chú trọng đào tạo, đào tạo lại lực lượng lao động đáp ứng yêu cầu chuyển đổi nghề nghiệp do quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới công nghệ, các ngành nghề mới phù hợp với xu thế phát triển kinh tế - xã hội.

- Quy hoạch, sắp xếp lại một số bệnh viện; tập trung đầu tư nâng cao năng lực cơ sở vật chất và trang thiết bị, nâng cao năng lực và chất lượng khám chữa bệnh với các dịch vụ chất lượng cao, chủ động phòng, chống hiệu quả dịch bệnh. Chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực y tế, đưa thành phố Thái Bình trở thành một trong những trung tâm dịch vụ y tế kỹ thuật cao của cả nước. Tăng cường quản lý chất lượng an toàn thực phẩm, chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

- Thường xuyên xây dựng, củng cố, tăng cường các tiềm lực trong khu vực phòng thủ thành phố; tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tăng cường phối hợp các lực lượng, chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, kiên quyết đấu tranh với các thế lực thù địch và các loại tội phạm; giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường an toàn, thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo Thành phố có môi trường an toàn, bình yên, là thành phố đáng sống.

3- Tập trung xây dựng văn hóa đậm đà bản sắc; xây dựng nếp sống văn minh đô thị đáp ứng yêu cầu phát triển của Thành phố và của Tỉnh

- Phát triển đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ văn hóa; phát triển mạnh mẽ, đa dạng các loại hình văn hóa, nghệ thuật; xây dựng đời sống văn hóa phong phú, hiện đại trên cơ sở phát huy các giá trị, bản sắc truyền thống làm nền tảng xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao từ thành phố đến cơ sở. Xây dựng mới các công trình văn hóa như: Bảo tàng tỉnh, nhà hát chèo, hệ thống quảng trường, công viên, khu sinh hoạt công cộng và các công trình biểu trưng tạo điểm nhấn văn hóa thành phố.

- Xây dựng con người mang đậm bản sắc, có nếp sống văn minh đô thị và thân thiện, lịch sự, giàu lòng nhân ái, có ý thức giữ gìn cảnh quan môi trường và bảo vệ cảnh quan đô thị; có lòng hiếu khách và tinh thần hội nhập. Tôn vinh lối sống trách nhiệm vì cộng đồng, vì sự phát triển chung của Thành phố, của Tỉnh.

4- Huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển nhanh đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại; có không gian xanh, môi trường trong lành, bền vững

- Tập trung hoàn thiện quy hoạch chung đô thị thành phố Thái Bình tích hợp vào quy hoạch vùng tỉnh. Trên cơ sở đó, tập trung rà soát, cập nhật, điều chỉnh, xây dựng mới các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết theo hướng bảo đảm đồng bộ, có tầm nhìn dài hạn, khai thác hiệu quả lợi thế, cảnh quan sinh thái, tạo động lực phát triển đô thị. Chú trọng quy hoạch phát triển đô thị hai bên sông Trà Lý, khu trung tâm mới tại khu vực phía Đông Bắc thành phố, các khu vực đô thị mới theo hướng có không gian mở, đồng bộ về kiến trúc. Có giải pháp phát triển hệ thống cây xanh đô thị, hình thành vành đai sinh thái xanh. Từng bước mở rộng địa giới hành chính theo định hướng quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn năm 2050. Tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch khoa học, kết hợp hài hòa giữa phát triển khu đô thị mới với cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp hạ tầng các khu dân cư hiện hữu để đáp ứng các tiêu chí đô thị loại I.

- Tăng cường đầu tư xây dựng các dự án phát triển đô thị cảnh quan, trọng tâm là phát triển đô thị hai bên sông Trà Lý, khu đô thị - thương mại thông minh, khu trung tâm hành chính tỉnh, các khu công viên sinh thái, khu vui chơi giải trí. Tập trung đầu tư hệ thống giao thông nội thị, giao thông kết nối; đầu tư xây dựng đường Trần Quang Khải, một số cầu qua sông Trà Lý, cầu qua sông trong nội thành. Thực hiện quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng, giải quyết dứt điểm tồn tại các nút thắt để hoàn thành xây dựng, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường nội đô, đường vành đai phía Nam; mở rộng đường Hai Bà Trưng, các tuyến đường trục đô thị; cải tạo, chỉnh trang nút giao Phúc Khánh, nút giao chân cầu Thái Bình; đầu tư xây dựng hệ thống bãi đỗ xe, thiết chế đi bộ, công trình công cộng. Cải tạo, nâng cấp các bến, cảng hàng hóa và cảng hành khách trên sông Trà Lý. Chú trọng các tuyến đường kết nối đến Khu kinh tế, các huyện như: Đường từ Thành phố đi cầu Nghìn, đường từ Thành phố đi Cồn Vành, các tuyến đường kết nối với đường bộ ven biển.

- Tiếp cận, tranh thủ tối đa các nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA để đầu tư xây dựng hệ thống đê, kè, cống ứng phó với biến đổi khí hậu; đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước mặt, chống ngập úng; nâng cấp hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt hiện có; xây dựng đồng bộ hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tại các khu vực phát triển đô thị mới. Xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt sử dụng công nghệ cao, hiện đại.

- Quy hoạch, xây dựng, cải tạo đồng bộ hệ thống cấp điện, cấp nước; chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ thông tin để đẩy mạnh chuyển đổi số và xây dựng thành phố thông minh.

5- Xây dựng Đảng bộ, chính quyền và hệ thống chính trị thành phố trong sạch, vững mạnh

- Tăng cường xây dựng Đảng bộ, chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đổi mới phong cách chỉ đạo theo hướng sát dân, sát cơ sở, lắng nghe tiếng nói và nguyện vọng chính đáng của Nhân dân. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên; trước hết là nâng cao chất lượng sinh hoạt của các chi bộ, tính tiền phong gương mẫu của đội ngũ đảng viên; thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, giữ vững đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ và hệ thống chính trị. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; tập trung chuyển đổi số, xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, hiện đại, phục vụ. Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chuyên nghiệp, tâm huyết, trách nhiệm, đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng ngang tầm nhiệm vụ.  

- Phát huy vai trò, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong việc tập hợp, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân nhằm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, phát triển thành phố; thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội.

6- Về cơ chế, chính sách

Tăng cường phân cấp quản lý cho Thành phố theo quy định của Pháp luật, phù hợp với năng lực để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển Thành phố, như: mở rộng thẩm quyền quyết định các dự án, ưu tiên sử dụng nguồn thu từ tiền sử dụng đất tại các dự án trên địa bàn thành phố để đầu tư thực hiện các dự án xây dựng, cải tạo, chỉnh trang nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; một số cơ chế hỗ trợ khác phục vụ việc di dời nhà máy, cơ sở sản xuất kinh doanh, nghĩa trang nhân dân và các công trình trong nội thành phục vụ cho việc chỉnh trang, phát triển Thành phố.

IV- NHỮNG NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM VÀ CÁC KHÂU ĐỘT PHÁ

1- Những nhiệm vụ trọng tâm

- Đẩy mạnh cải cách hành chính; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, giỏi về chuyên môn, có ý thức phục vụ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, tâm huyết với công việc đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân; xây dựng và khẳng định môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, có năng lực cạnh tranh cao.

- Tập trung triển khai thực hiện các dự án đầu tư phát triển không gian, kiến trúc đô thị, hạ tầng giao thông kết nối các khu đô thị, kết nối thành phố với Khu kinh tế Thái Bình, các đô thị trong vùng và các đầu mối giao thông; đầu tư, cải tạo, chỉnh trang vỉa hè, thiết chế đi bộ, bãi để xe công cộng.

- Xây dựng văn minh đô thị, xây dựng đời sống văn hóa phong phú, hiện đại trên cơ sở phát huy các giá trị, bản sắc truyền thống.

- Tăng cường công tác xử lý, khắc phục các điểm ô nhiễm môi trường, các khu vực úng lụt; xây dựng cảnh quan xanh, phát triển hệ thống cây xanh đô thị.

- Tăng cường đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; xây dựng Thành phố an toàn, đáng sống.

2- Các khâu đột phá

- Phát triển không gian đô thị hai bên sông Trà Lý; xây dựng các tuyến đường trục chính đô thị, công viên cây xanh, khu đô thị mới tại khu vực phía Đông Bắc thành phố.

- Thu hút các nhà đầu tư chiến lược để thực hiện các dự án trên địa bàn thành phố, tạo nên giá trị mới và phát triển bứt phá. Thu hút các dự án đầu tư xây dựng tổ hợp thương mại, dịch vụ tài chính - ngân hàng, khu vui chơi giải trí chất lượng cao, hệ thống siêu thị, khách sạn.

- Tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến vào mọi lĩnh vực của cuộc sống; đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.

V- TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1- Ban Thường vụ Tỉnh ủy thành lập Ban chỉ đạo xây dựng, phát triển Thành phố. Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh chỉ đạo ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp với thực tế và quy định của pháp luật để thực hiện Nghị quyết và giám sát quá trình thực hiện các cơ chế, chính sách theo quy định. Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo xây dựng các chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện Nghị quyết; định kỳ sáu tháng, một năm hoặc khi cần thiết tổ chức kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện, bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết.

2- Các ban xây dựng Đảng thuộc Tỉnh ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện Nghị quyết, kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết thuộc chức trách, nhiệm vụ được giao; thường xuyên quan tâm, phối hợp, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi giúp Đảng bộ Thành phố trong công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị.

3- Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở tổ chức tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia thực hiện Nghị quyết.

4- Ban Thường vụ Thành ủy tổ chức quán triệt, xây dựng chương trình hành động, kế hoạch cụ thể để thực hiện Nghị quyết; chủ động chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân thành phố; phát huy cao độ vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng, sự vào cuộc của hệ thống chính trị, sự đồng thuận của Nhân dân thành phố, đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống.

5- Các huyện ủy, ủy ban nhân dân huyện quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết, tập trung vào các nội dung có liên quan và công tác phối hợp với Thành phố trong triển khai thực hiện các đề án, dự án, kế hoạch; bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, rút ngắn thời gian thực hiện và phát huy hiệu quả.

6- Các cơ quan thông tin, truyền thông của tỉnh xây dựng kế hoạch tuyên truyền Nghị quyết; kịp thời phản ánh những gương tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến và sáng kiến, kinh nghiệm trong quá trình thực hiện ở cơ quan, đơn vị, địa phương.

Văn phòng Tỉnh ủy phối hợp với các ban, ngành liên quan theo dõi việc thực hiện Nghị quyết, báo cáo kết quả với Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Nghị quyết này được quán triệt đến chi bộ.