Thứ 3, 26/11/2024, 11:44[GMT+7]

Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng làm Trưởng BCĐ phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Hải Dương

Thứ 7, 18/06/2022 | 16:58:13
1,076 lượt xem
Tại văn bản số 500-QĐ/TU, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh gồm 15 đồng chí. Đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng Ban Chỉ đạo.

Đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Hải Dương

Phó Trưởng Ban Chỉ đạo gồm 5 đồng chí: Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Vũ Tiến Phụng, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy; Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; Vũ Hồng Hiên, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy; Bùi Quang Bình, Giám đốc Công an tỉnh. Đồng chí Vũ Tiến Phụng làm Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo.

9 đồng chí ủy viên Ban Chỉ đạo là các đồng chí lãnh đạo nhiều ban, sở, ngành của tỉnh. 

Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh thực hiện theo Quy định 67-QĐ/TW ngày 2/6/2022 của Ban Bí thư Trung ương. Theo đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (viết tắt là Ban Chỉ đạo cấp tỉnh) chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Thành uỷ và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong việc chỉ đạo, phối hợp, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ban Chỉ đạo cấp tỉnh chỉ đạo công tác phòng chống tham nhũng; phòng chống tiêu cực, trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp ở địa phương; trực tiếp chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm xảy ra ở địa phương theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Nhiệm vụ hàng đầu của Ban Chỉ đạo phòng, chống tiêu cực tỉnh Hải Dương là ban hành các văn bản để làm cơ sở thực hiện nề nếp, hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của BCĐ theo Quy định số 67/QĐ-TW (Quy chế làm việc, Quyết định phân công nhiệm vụ cho các thành viên, Chương trình công tác 6 tháng cuối năm, Chế độ thông tin, báo cáo;…). Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Chỉ đạo hoàn thiện cơ chế, chính sách để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường công tác quản lý nhà nước và có biện pháp quyết liệt để ngăn chặn, phòng ngừa và xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh.

Tổ chức tuyên truyền, thông tin rộng rãi về chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của BCĐ. Chỉ đạo tuyên truyền các văn bản của Đảng, pháp luật của nhà nước về về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Chỉ đạo tăng cường công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án liên quan đến tham nhũng, tiêu cực thông qua công tác tiếp nhận đơn tố cáo; công tác thanh tra; công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; công tác xử lý tin báo tội phạm, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; tin phản ánh từ dư luận xã hội, cơ quan truyền thông;...

Chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực như: Quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; quy hoạch, đất đai; đấu thầu, đấu giá, mua sắm tài sản công; lựa chọn nhà đầu tư; các lĩnh vực, vấn đề nổi cộm, phức tạp gây bức xúc trong xã hội. Tập chung chỉ đạo thực hiện các biện pháp nâng cao hiệu quả trong công tác đấu thầu, đấu giá; công tác giám định, định giá tài sản trong các vụ án tham nhũng (nếu có)…

Theo dangcongsan.vn