Thứ 4, 24/04/2024, 17:49[GMT+7]

“Cơn bão” Việt Á và phép thử công tác cán bộ!

Thứ 4, 28/09/2022 | 07:43:55
602 lượt xem
Câu hỏi đặt ra: Vì sao từ một đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia trong lúc rất nguy cấp phòng, chống dịch COVID-19, Công ty Việt Á lại dễ dàng “thâu tóm” được? Từ đó, bộ kít xét nghiệm COVID-19 được “thổi giá” và “đóng dấu chất lượng” mang tên Công ty Việt Á, hợp thức hóa tài sản Nhà nước thu lợi bất chính hàng ngàn tỷ đồng!?

Phan Quốc Việt và các đồng phạm Công ty Việt Á đã bị khởi tố

LTS: Cơn cuồng phong đại dịch COVID-19 ập tới, hoành hành trong hơn hai năm qua để lại hậu quả hết sức nặng nề, với nước ta, có hơn 43.000 người tử vong, gần 4.500 trẻ em mồ côi mất cha, mất mẹ, cả dân tộc chịu nhiều mất mát đau thương. Và nỗi đau còn lớn hơn khi mà cả hệ thống chính trị, các y, bác sĩ, lực lượng vũ trang nơi tuyến đầu“chống dịch như chống giặc”, chấp nhận hy sinh, thì bên cạnh đó lại có một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái, “tự diễn biến” ‘tự chuyển hóa”, gục ngã trước “Cơn bão” mang tên Việt Á. Đây là vụ án điển hình về tham nhũng, tiêu cực, quy mô lớn từ cấp Trung ương đến cấp cơ sở; nhiều cán bộ bị kỷ luật, khởi tố trong đó có cả ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh, Bộ Trưởng. Những con số chưa từng có trong lịch sử tố tụng.

Bài 1: Việt Á là ai, đã làm gì thành "cơn bão" dữ?

(ĐCSVN) - Câu hỏi đặt ra: Vì sao từ một đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia trong lúc rất nguy cấp phòng, chống dịch COVID-19, Công ty Việt Á lại dễ dàng “thâu tóm” được? Từ đó, bộ kít xét nghiệm COVID-19 được “thổi giá” và “đóng dấu chất lượng” mang tên Công ty Việt Á, hợp thức hóa tài sản Nhà nước thu lợi bất chính hàng ngàn tỷ đồng!?

Khởi nguồn là "thâu tóm" Đề tài khoa học cấp Quốc gia

Công ty Việt Á được thành lập vào năm 2007 với số vốn ban đầu là 80 triệu đồng từ 3 thành viên. Ông Phan Quốc Việt (SN 1980) là người sáng lập kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á. Cuối năm 2017, Việt Á Corp tăng vốn điều lệ từ 200 tỉ đồng lên 1.000 tỉ đồng, mặc dù trước năm 2017, công ty này chỉ thu nhập vài chục tỉ đồng và thường báo lỗ. Trải qua 6 lần tăng vốn điều lệ, tỉ lệ góp vốn của 3 cổ đông sáng lập vào Công ty Việt Á không biến động, vẫn nắm giữ khoảng 20%. Tuy số vốn nhiều, Công ty Việt Á chỉ mượn chỗ để đặt cái bảng hiệu trụ sở công ty trong 10 năm. Phòng sản xuất kit của công ty này chỉ rộng chừng hơn 10m2 với 10 nhân sự. Hệ thống thiết bị, máy móc chỉ là vài chiếc tủ cấp đông và vài chiếc máy tách chiết cũ.

Trước đại dịch COVID-19, công ty được Bộ Y tế cấp phép sản xuất 15 bộ kit thử bệnh lao, viêm gan A, viêm gan B, tay - chân - miệng, HPV… Việt Á tự giới thiệu là công ty có kinh nghiệm 10 năm về lĩnh vực sinh học phân tử.

Ngày 04 tháng 3 năm 2020, bộ sinh phẩm realtime PCR chẩn đoán SARS-CoV-2 do Học viện Quân y và Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á phối hợp nghiên cứu với ngân sách gần 19 tỷ đồng, sản xuất trở thành sản phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 đầu tiên của Việt Nam được Bộ Y tế Việt Nam cấp phép sử dụng tạm thời. Trong giai đoạn thiếu hụt kit xét nghiệm toàn cầu, sản phẩm trên đã được dùng đến 80% xét nghiệm tại Việt Nam.

Bằng mánh lới, thủ đoạn chi thật đậm “hoa hồng”, “phần trăm”, “quà biếu”… trong thời gian ngắn, Công ty Việt Á đã thâu tóm được Đề tài nghiên cứu khoa học mặc dù Đề tài được đầu tư 100% kinh phí ngân sách Nhà nước do Học viện Quân y là cơ quan chủ trì, Công ty Việt Á là cơ quan phối hợp và đang trong quá trình thực hiện, chưa nghiệm thu, chưa bàn giao kết quả nghiên cứu, nhưng Công ty Việt Á đã sử dụng Đề tài nghiên cứu và uy tín của Học viện Quân y để hợp thức hóa các sản phẩm, đề nghị Bộ Y tế cấp phép lưu hành tạm thời và chính thức bộ kít xét nghiệm, chẩn đoán COVID -19 ra đời. Do đó Công ty Việt Á dễ dàng “thâu tóm” và chiếm đoạt sở hữu bất hợp pháp kết quả Đề tài nghiên cứu; chuyển sản phẩm nghiên cứu thuộc sở hữu Nhà nước thành sở hữu của Công ty Việt Á, tiến hành thương mại hóa sản phẩm, cung cấp ra thị trường thu lợi bất chính hàng ngàn tỷ đồng. Đến tháng 12 năm 2021, công ty đã cung ứng kit cho 62 tỉnh, thành phố với doanh thu gần 4.000 tỷ đồng.

Trả lời câu hỏi vì sao Công ty Việt Á lại dễ dàng “thâu tóm” Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Quốc gia? Ủy Ban kiểm tra Trung ương cho rằng:

Ban cán sự Đảng (BCSĐ), Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, để một số đồng chí lãnh đạo Bộ và đơn vị vi phạm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước trong việc phê duyệt, giao tổ chức thực hiện, ký hợp đồng, đánh giá, nghiệm thu, chuyển giao, quản lý, kiểm tra, giám sát, thanh quyết toán kinh phí thực hiện Đề tài khoa học nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm xét nghiệm COVID-19 của Học viện Quân y; trong truyền thông, xác nhận và đề nghị khen thưởng đối với Học viện Quân y, Công ty Việt Á và một số cá nhân.

BCSĐ Bộ KH&CN đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc của BCSĐ; không họp, không ban hành nghị quyết, kết luận cho chủ trương về một số vấn đề quan trọng để chỉ đạo Bộ KH&CN thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống COVID -19; vi phạm trong việc nghiên cứu, nghiệm thu, chuyển giao đối với bộ kít xét nghiệm COVID-19 cho Học viện Quân y; việc ký, quản lý, kiểm tra, giám sát thực hiện hợp đồng; quản lý, sử dụng, thanh toán kinh phí, đánh giá, nghiệm thu Đề tài; đặc biệt là việc chuyển giao kết quả nghiên cứu cho Công ty Việt Á không đúng quy định của pháp luật về khoa học công nghệ…

Việc để Công ty Việt Á “thâu tóm”, chiếm đoạt sở hữu bất hợp pháp Đề tài nghiên cứu bộ sinh phẩm xét nghiệm COVID -19, nguyên nhân chính là do sự buông lỏng lãnh đạo, thiếu trách nhiệm của BCSĐ, để Bộ KH&CN có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong tất cả các khâu của quá trình quản lý Nhà nước đối với nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm xét nghiệm COVID-19, do Học viện Quân y chủ trì, như: Phê duyệt nhiệm vụ, phê duyệt tổ chức chủ trì, cá nhân chủ nhiệm, kinh phí, phương thức khoán chi, thời gian thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ; việc quản lý, theo dõi sử dụng thanh toán kinh phí, kiểm tra, giám sát thực hiện Đề tài, kể cả công tác truyền thông có nội dung không chính xác, không đầy đủ; Đề tài đang trong quá trình thực hiện, chưa nghiệm thu hoàn thành, mới đánh giá, nghiệm thu giai đoạn 1, đã tổ chức họp báo và đăng trên Cổng thông tin điện tử của Bộ KH&CN ngày 26/4/2020 có nội dung “Bộ kít xét nghiệm COVID-19 của Việt Nam sản xuất vừa được Tổ chức Y tế thế giới chấp thuận”; đồng thời, ban hành nhiều văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương có nội dung “Bộ kít được Tổ chức Y tế thế giới chấp thuận và đưa vào quy trình đánh giá sử dụng khẩn cấp ngày 24/4/2020”, đã tạo điều kiện để Công ty Việt Á lợi dụng truyền thông đánh bóng uy tín, quảng bá thương hiệu, thương mại hóa sản phẩm để thu lợi bất chính hàng ngàn tỷ đồng. Song trên thực tế, Tổ chức Y tế thế giới không công nhận bộ kít xét nghiệm COVID-19 này của Việt Nam sản xuất.

Đối với BCSĐ, Lãnh đạo Bộ Y tế đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, để một số đồng chí lãnh đạo Bộ và đơn vị vi phạm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước trong việc đánh giá chuyên môn, kiểm tra, giám sát; cấp phép, cấp số đăng ký lưu hành; hiệp thương giá và mua sắm bộ sinh phẩm xét nghiệm COVID-19 của Công ty Việt Á. Đây là vấn đề mấu chốt dẫn tới hàng loạt vi phạm của Bộ Y tế, Bộ KH&CN và một số địa phương đơn vị, tổ chức đảng, đảng viên liên quan tới bộ kít xét nghiệm COVID -19 xảy ra tại Công ty Việt Á.

Để xử lý nghiêm các vi phạm trên từ ngày 18/12/2021 đến nay hàng loạt cán bộ, lãnh đạo bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, CDC các tỉnh trong đó có cả Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ Trưởng, Bí thư Tỉnh ủy đã bị khởi tố bị can để điều tra liên quan đến vụ Việt Á về các tội: “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” gây thất thoát, lãng phí lớn tài sản nhà nước.

Nhiều câu hỏi được đặt ra?

Ông Nguyễn Thanh Long và ông Chu Ngọc Anh đã bị bắt do những sai phạm liên quan đến Công ty Việt Á

Trao đổi với báo chí về nội dung này, chiều 02/6, tại hội trường Quốc hội, thảo luận về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) bày tỏ đặc biệt quan tâm vụ án Việt Á gây thất thoát, lãng phí tài sản công, bức xúc trong nhân dân. Ông Tuấn cho rằng cần làm rõ Công ty Việt Á là ai và tại sao lại có quyền lực chi phối, sức ảnh hưởng lớn như vậy.

Ông Tuấn nêu cần tiếp cận ở góc nhìn khác, rộng hơn để nhìn toàn diện về vụ Việt Á, bởi vụ án không chỉ dừng lại ở việc gây thất thoát, lãng phí kinh phí, tài sản công mà còn làm thất thoát, lãng phí loại tài sản khác có giá trị quý giá, quan trọng hơn – “lãng phí niềm tin của nhân dân”.

“Dịch COVID-19 đã gây ra thiệt hại khá nặng nề đối với Việt Nam với hơn 43.000 người tử vong và gần 4.500 trẻ em mồ côi và nỗi đau này sẽ mãi khắc ghi. Nhưng nỗi đau lớn hơn là trong khi cả hệ thống chính trị, các y, bác sĩ, lực lượng vũ trang tuyến đầu gồng mình chống dịch, có cả người hy sinh, thì lại có một bộ phận cán bộ, đảng viên tha hóa, suy thoái, biến chất đến cùng cực”, ông Tuấn nói.

“Họ vô cảm trước nỗi mất mát của chính đồng bào mình, biến mình thành những con thiêu thân lao vào đống lửa đầy tiền, trong số đó có cả những người có học hàm, học vị, những giáo sư, bác sĩ. Nhưng trong chớp mắt một cơn đại dịch đi qua, họ trở thành phạm nhân vì những đồng tiền lót tay đầy tinh vi, đầy mưu hèn, kế bẩn của Việt Á. Họ đã làm hoen ố chiếc áo màu blouse trắng thanh tao đang khoác trên người”, ông Tuấn nói tiếp.

Theo đại biểu Quốc hội Trần Quốc có 2 vấn đề rất cần làm sáng tỏ.Thứ nhất, có phải quy định của pháp luật còn kẽ hở, dễ bị lợi dụng hay quy định pháp luật còn thiếu tính răn đe dẫn đến hàng loạt cán bộ y tế vi phạm. “Các cán bộ này ở nhiều địa phương khác nhau và cả ở trung ương, nhưng có sai phạm giống nhau. Nếu thực sự như thế ngoài ngành y còn bao nhiêu Việt Á đã và đang len lỏi sâu trong các gói thầu của các ngành khác?”, ông Tuấn đặt vấn đề. Thứ hai, theo ông Tuấn, cần làm rõ Công ty Việt Á là ai, tại sao lại có quyền lực chi phối và sức ảnh hưởng lớn như vậy.

Trước đó, cũng nêu ý kiến thảo luận tại Quốc hội, đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) đề nghị đánh giá, nhận định sâu, kỹ hơn về việc để xảy ra tình trạng kit xét nghiệm COVID-19 không đạt chuẩn được lưu hành, không chỉ sử dụng cho tiêu dùng cá nhân mà còn sử dụng ở các CDC, cơ sở y tế gây ra sự lãng phí to lớn, thất thoát ngân sách và ảnh hưởng nghiêm trọng đến phòng, chống dịch.

Ông Sơn dẫn lại thông tin của Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho thấy Công ty Việt Á sau 17 tháng được Bộ Y tế cấp phép (từ tháng 4/2020 đến hết năm 2021) chỉ bán kit xét nghiệm cho CDC và cơ sở y tế cũng đã đạt doanh thu gần 4.000 tỉ đồng.

Liên quan đến dư luận đặt câu hỏi về vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á, có thể tổng hợp lại trên một số nội dung cần được cơ quan chức năng làm rõ.

1. Vì sao Công ty Việt Á được chọn cung cấp bộ kit xét nghiệm COVID-19 ở hầu hết các địa phương trên cả nước (62/63 tỉnh, thành - gần như độc quyền) khi áp dụng cơ chế chỉ định thầu? Việc chi hoa hồng khủng tới 20% đã được phát hiện ở CDC Hải Dương (giám đốc CDC Hải Dương nhận gần 30 tỉ đồng) liệu có phải là một trong những lý do?

Ai cũng biết việc một doanh nghiệp tạo dựng được vị thế “gần như là độc quyền” như Việt Á thật sự không dễ dàng. Liệu có thế lực nào đứng sau tiếp tay, trải đường cho Việt Á chiếm lĩnh vị thế “độc quyền” này để bắt tay nhau trục lợi trên tính mạng và tài sản của nhân dân hay không?

2. Năng lực sản xuất kit xét nghiệm của Công ty Việt Á thực sự ra sao? Theo điều tra ban đầu của Bộ Công an, Việt Á đã cung ứng các bộ kit xét nghiệm COVID-19 cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, TP trên cả nước với doanh thu khổng lồ: Gần 4.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, những ngày qua, nhiều cơ quan báo chí đã tìm đến nơi đặt nhà xưởng/văn phòng của công ty này thì thấy quy mô sản xuất không tương xứng, từ đó dấy lên nghi vấn về nguồn gốc/xuất xứ của những bộ kit xét nghiệm dán nhãn Công ty Việt Á sản xuất. Đây là điều mà cơ quan chức năng cần tiếp tục điều tra làm rõ để có câu trả lời minh bạch trước dư luận.

3. Trách nhiệm của Bộ Y tế đến đâu trong đại án này? Tháng 4/2020, Bộ Y tế với tư cách bộ quản lý chuyên ngành đã cấp phép đăng ký lưu hành cho sản phẩm kit xét nghiệm COVID-19 của Công ty Việt Á - bộ kit made in Vietnam đầu tiên được cấp phép. Bộ Y tế cũng là cơ quan thực hiện việc công bố/cập nhật công khai giá bộ kit xét nghiệm (trong đó bộ kit của Việt Á được Bộ Y tế giới thiệu giá 470.000 đồng/kit). Đây là cơ sở để nhiều địa phương tham chiếu khi mua hàng của Việt Á.

Trách nhiệm của Bộ Y tế như thế nào trong vấn đề này khi chính bộ đã giới thiệu cho các địa phương cũng với mức giá này, hay cứ để mặc doanh nghiệp kê giá trên trời và “chúng tôi vô can”?

4. Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) chịu trách nhiệm gì khi cung cấp thông tin “WHO chấp thuận”?

Đối với Bộ KH&CN, tháng 4/2020, bộ này đã gửi thông cáo báo chí, phát ngôn chính thức tại các cuộc họp và đăng tải công khai trên cổng thông tin điện tử của bộ về bộ kit xét nghiệm COVID-19 của Việt Nam sản xuất (là bộ kit của Công ty Việt Á - NV) được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chấp thuận. Tuy nhiên, thông tin đến thời điểm này cho biết WHO chưa từng chấp thuận bộ kit xét nghiệm của Việt Á như nội dung Bộ KH&CN công bố. Đường link chứa nội dung “WHO chấp thuận” cũng đã không tìm thấy trên website của Bộ KH&CN vào thời điểm này. Như vậy, Bộ KH&CN sẽ trả lời trước dư luận ra sao về sự “nhầm lẫn” trên và chịu trách nhiệm gì khi cung cấp thông tin “WHO chấp thuận”?

 Dư luận đang trông chờ câu trả lời sớm từ các cơ quan chức năng.

Theo dangcongsan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày