Thứ 3, 16/04/2024, 20:27[GMT+7]

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận

Thứ 2, 09/01/2023 | 08:50:19
1,566 lượt xem
Với hệ thống các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, sát với tình hình thực tiễn đặt ra hiện nay, Đề án số 05-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030” được kỳ vọng sẽ tạo sự chuyển biến tích cực về tư tưởng, nhận thức và hành động của các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, của cán bộ, đảng viên đối với công tác dân vận, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận trên địa bàn tỉnh.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nhiều hộ dân tổ 1, xã Phú Xuân (thành phố Thái Bình) đồng thuận, chủ động bàn giao mặt bằng để thi công tuyến đường tỉnh 454.

Theo đồng chí Vũ Đức Quyền, Phó Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Thái Thụy: Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Đề án số 05 là cần thiết và phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ công tác dân vận hiện nay. Trên cơ sở đánh giá toàn diện, sâu sắc, nhận diện khách quan về thực trạng công tác dân vận thời gian qua, đặc biệt là thẳng thắn chỉ ra những điểm còn tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đề ra hệ thống các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp toàn diện, đồng bộ, sát hợp với tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị trong bối cảnh, tình hình hiện nay. Vì vậy, khi triển khai thực hiện Đề án sẽ nâng cao hơn nữa nhận thức của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận trong tình hình mới; xác định trách nhiệm thực hiện công tác dân vận là của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị; phát huy vai trò của từng tổ chức đảng và đảng viên, nhất là các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc triển khai các nhiệm vụ công tác dân vận. Đặc biệt, trong Đề án này, các mục tiêu đều được lượng hóa cụ thể giúp các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, địa phương, đơn vị dễ tổ chức thực hiện, dễ nhận diện và dễ kiểm tra, đánh giá.

Đồng chí Trần Thị Mai, Phó Bí thư Đảng ủy, Trưởng khối Dân vận xã Hồng Lý (Vũ Thư) cho biết: Tôi cũng như nhiều cán bộ, đảng viên đánh giá rất cao Đề án đã cụ thể hóa các mục tiêu giúp cấp ủy các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở trong tổ chức triển khai thực hiện cũng như trong quá trình kiểm tra, đánh giá. Cụ thể như một số mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2025: 100% thôn, tổ dân phố xây dựng và duy trì hiệu quả hoạt động của các tổ tự quản về an ninh trật tự; 100% thôn, tổ dân phố xây dựng và duy trì tổ hòa giải ở cơ sở; 90% trở lên gia đình, thôn, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa; hàng năm mỗi xã, phường, thị trấn xây dựng, duy trì hiệu quả và nhân rộng ít nhất 2 mô hình “Dân vận khéo”... Hiện nay, địa phương đang duy trì 6 tổ tự quản về an ninh trật tự ở 6 thôn và 1 mô hình giáo xứ không ma túy. Trung bình mỗi năm, địa phương xây dựng từ 3 - 4 mô hình “Dân vận khéo”, tuy nhiên chỉ có từ 1 - 2 mô hình phát huy hiệu quả và có thể nhân ra diện rộng. Đối chiếu với một số mục tiêu Đề án đưa ra, chúng tôi đã cơ bản đạt. Trong thời gian tới, địa phương sẽ tập trung duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ tự quản an ninh trật tự; xây dựng, duy trì hiệu quả và nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo” phù hợp với thực tế và bám sát với nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng giúp người dân xã Hồng Lý (Vũ Thư) nâng cao thu nhập.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận trên địa bàn tỉnh, bên cạnh 8 mục tiêu cụ thể, Đề án đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đồng thời phân công rõ trách nhiệm thực hiện của các cơ quan, địa phương, đơn vị. Tại buổi quán triệt nội dung Đề án, trong các nhóm nhiệm vụ, giải pháp, đồng chí Nguyễn Văn Giang, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy nhấn mạnh: Việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận phải gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, tạo sự đồng thuận rộng rãi trong xã hội, huy động mọi nguồn lực và tạo ra sự khởi sắc mọi mặt về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị. Bên cạnh đó, cần đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, ngoài việc phát huy hiệu quả các hình thức tuyên truyền đã có như tuyên truyền qua hội nghị, diễn đàn, sân khấu hóa, tuyên truyền trực quan, cần tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng có hiệu quả mạng xã hội. Phát huy vai trò chủ động, sáng tạo và nâng cao chất lượng công tác triển khai, tổ chức thực hiện của hệ thống dân vận các cấp; lựa chọn những nội dung trọng tâm, trọng điểm để triển khai thực hiện. Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực thực tiễn, gương mẫu, tận tụy, nói đi đôi với làm, “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân”. Thực hiện nghiêm túc việc phân công lãnh đạo sở, ngành phụ trách công tác dân vận, ban hành bộ tiêu chí đánh giá công tác dân vận của chính quyền. Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong toàn hệ thống chính trị. Thành lập ban chỉ đạo thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã... Đồng chí cũng đề nghị các sở, ban, ngành, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, các địa phương, cơ sở nắm chắc các nội dung trong Đề án để tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả.

Bám sát nhiệm vụ được phân công, thời gian qua, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây xựng kế hoạch thực hiện Đề án, ban hành Chỉ thị về đẩy mạnh công tác dân vận trong hệ thống chính trị; thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” của tỉnh; lựa chọn 8 mô hình “Dân vận khéo” để nhân rộng trong toàn tỉnh. Các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy tập trung tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến nội dung của Đề án đến các cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên trong đảng bộ; đồng thời xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án cụ thể sát với đặc điểm tình hình của địa phương, đơn vị để lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án. 

Đồng chí Vũ Viết Mạnh, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Đông Hưng cho biết: Ban Dân vận Huyện ủy tập trung tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án, xác định lộ trình thời gian hoàn thành và các giải pháp cụ thể để thực hiện các mục tiêu nêu trong Đề án. Trong đó chú trọng nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức đảng và đảng viên đối với công tác dân vận. Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tạo sự đồng thuận, huy động sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân. Đẩy mạnh công tác dân vận của các cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp. Chủ động nắm chắc tình hình tư tưởng các tầng lớp nhân dân, tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền giải quyết, bảo đảm ổn định tình hình an ninh trật tự ở cơ sở. Tham mưu thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” huyện, chỉ đạo thành lập ban chỉ đạo ở cấp xã. Đẩy mạnh xây dựng các mô hình, điển hình trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, giải phóng mặt bằng; chú trọng xây dựng các mô hình “dân vận khéo” trong các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp.

Sự vào cuộc đồng bộ, quyết tâm của các cấp, các ngành trong thực hiện Đề án sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận trên địa bàn tỉnh, từ đó phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước; xây dựng và củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền; góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, xây dựng Thái Bình ngày càng giàu đẹp, văn minh, sớm trở thành tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng.

Đào Quyên

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày