Chủ nhật, 24/11/2024, 20:35[GMT+7]

10 năm đổi mới giáo dục và đào tạo: Biến nghị quyết thành hiện thực Kỳ 3: Kết quả bền vững

Thứ 3, 21/11/2023 | 20:22:52
3,308 lượt xem
10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giáo dục và đào tạo và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các cấp, ngành, trọng tâm là ngành giáo dục đã có nhiều nỗ lực đưa giáo dục và đào tạo tiến những bước mạnh mẽ, thực hiện tốt cả 3 mục tiêu: Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.

Giáo viên Trường Mầm non Thụy Hồng (Thái Thụy) áp dụng phương pháp lấy học sinh làm trung tâm trong giảng dạy.

Người học là trung tâm

Sau 14 năm thành lập, thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục và thực hiện quyết định của UBND tỉnh, năm 2011, Trường THPT Nguyễn Huệ là một trong những trường bán công đầu tiên trong tỉnh chuyển đổi sang mô hình trường tư thục. Mặc dù chuyển đổi trong điều kiện nhiều khó khăn, đặc biệt là khó khăn về đội ngũ cán bộ, giáo viên và cơ sở vật chất song bám sát chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW, tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường đã thống nhất đề ra một loạt giải pháp khắc phục khó khăn, trong đó chú trọng đổi mới phương pháp dạy học, lấy học sinh làm trung tâm. 

Ông Nguyễn Văn Hoàng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường không ngừng nỗ lực xây dựng môi trường học tập, rèn luyện thông qua việc triển khai thực hiện tốt các hoạt động đổi mới sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập như: tổ chức sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn, xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh, đổi mới phương pháp, hình thức dạy học, kiểm tra và đánh giá kết quả học tập theo hướng phát huy tư duy, năng lực của học sinh.

Cô giáo Nguyễn Thị Thoan, Trường THPT Nguyễn Huệ chia sẻ: Mỗi giáo viên chúng tôi đều tự nghiên cứu, tự bồi dưỡng, trau dồi kiến thức để nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, phục vụ đổi mới giáo dục. Việc giảng dạy thay vì truyền thụ kiến thức một chiều thì giờ đây học sinh trở thành trung tâm của quá trình này. Vì vậy, các em rất hào hứng với các tiết học, đặc biệt là tiết học thực hành trải nghiệm hoặc ứng dụng thiết bị dạy học hiện đại.

Với phương châm “lấy học sinh làm trung tâm - chất lượng giáo dục làm nền tảng cho sự phát triển bền vững”, cán bộ, giáo viên các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện Hưng Hà đã mạnh dạn áp dụng nhiều phương pháp dạy học mới. Đam mê lịch sử, cô giáo Phạm Hồng Lê, Trường Tiểu học và THCS Kỳ Đồng miệt mài tìm tòi, đổi mới sáng tạo không ngừng làm cho giờ học Lịch sử trở nên hấp dẫn, hiệu quả, thu hút học sinh. 

Cô giáo Phạm Hồng Lê chia sẻ: Hưng Hà có những di tích lịch sử rất nổi tiếng như đền Trần, đền Tiên La... là kho tư liệu lịch sử quý giá, lưu giữ nhiều giá trị thế hệ trước trao truyền cho thế hệ sau. Vì vậy, tôi tích cực tổ chức cho học sinh các tiết học không phải ngồi ở lớp mà là trải nghiệm cùng di sản. Trong những tiết học này, giáo viên giữ vai trò người trung gian, giúp học sinh tiếp nhận kiến thức từ đó bồi đắp tình yêu quê hương, giữ gìn di sản, văn hóa dân tộc. Hiệu quả của các tiết học trải nghiệm là học sinh từ chỗ “phải học” đã trở thành “muốn học”.

Từ hiệu quả của mô hình dạy học gắn với di sản của huyện Hưng Hà, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức “Giờ học toàn tỉnh” chủ đề Bác Hồ với nông dân Việt Nam tại Quảng trường Thái Bình (thành phố Thái Bình) tạo hiệu ứng lan tỏa trong toàn ngành. 

Bà Trần Thị Bích Vân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Đây là hình thức dạy học giàu sự sáng tạo, sinh động, trực quan, hấp dẫn, mang lại hiệu quả thiết thực trong việc giáo dục truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước và cách mạng của quê hương cho học sinh. Qua thực tế sau nhiều năm tổ chức hình thức dạy học này, nhiều học sinh và cả phụ huynh rất hào hứng, ủng hộ việc sử dụng di sản trong dạy học ở trường phổ thông. Các em cho biết rất chờ đợi đến giờ học được tiếp cận và tìm hiểu nội dung bài học thông qua các di sản. Từ đó giúp các em phát triển kỹ năng học tập, tự chiếm lĩnh kiến thức, phát triển trí tuệ và nhân cách.

Duy trì chất lượng giáo dục

Hiện nay, 100% các huyện, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; phổ cập giáo dục tiểu học, THCS đạt mức độ 3; xóa mù chữ mức độ 2. Ngày 16/5/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 1386 công nhận tỉnh Thái Bình đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, THCS mức độ 3 và xóa mù chữ mức độ 2. Với sự thay đổi hình thức thi tốt nghiệp THPT theo từng giai đoạn, ngành giáo dục luôn thích ứng nhanh, kịp thời, có các giải pháp khoa học và hiệu quả, giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Kết quả chung về chất lượng giáo dục đại trà tiếp tục ổn định và có bước phát triển phù hợp với tiêu chí phát triển năng lực người học. Thái Bình luôn nằm trong tốp 10 tỉnh, thành phố có điểm trung bình các môn thi cao nhất toàn quốc giai đoạn 2013 - 2022.

Trong khối các trường THPT, Trường THPT Bắc Duyên Hà là đơn vị xuất sắc dẫn đầu các phong trào thi đua. Bà Vũ Thị Ngân, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Chúng tôi không ngừng đẩy mạnh các phong trào thi đua, trong đó nổi bật là phong trào đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập; triển khai thực hiện hiệu quả chương trình GDPT 2018; không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và chất lượng giáo dục mũi nhọn. Trong đó, đặc biệt quan tâm, ưu tiên, tạo môi trường học tập thuận lợi nhất để các em học sinh có ước mơ, hoài bão và khát vọng vươn lên. Nhà trường chú trọng xây dựng đội ngũ giáo viên giỏi về nghiệp vụ, gương mẫu về đạo đức, lối sống, luôn là tấm gương sáng để các thế hệ học sinh noi theo. Năm 2022, em Đặng Lê Nguyên Vũ, học sinh của Trường đã xuất sắc đạt ngôi vị quán quân chương trình Đường lên đỉnh Olympia.

Cùng với chất lượng giáo dục đại trà, tại các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, giáo dục Thái Bình khẳng định “thương hiệu”, vị thế trong hệ thống giáo dục cả nước, xứng danh với truyền thống hiếu học. 10 năm qua, toàn tỉnh có hàng trăm lượt học sinh THPT đạt học sinh giỏi quốc gia, 3 lượt học sinh giành huy chương vàng Toán quốc tế là các em: Trần Hồng Quân, Trường THPT Chuyên Thái Bình, huy chương vàng năm học 2013 - 2014; em Vũ Xuân Trung giành cú đúp khi liên tiếp giành huy chương vàng trong 2 năm học 2014 - 2015, 2015 - 2016; gần đây nhất, em Phạm Xuân Trung dự thi Tin học châu Á - Thái Bình Dương.

Trong thành quả chung ấy có đóng góp quan trọng của Trường THPT Chuyên Thái Bình, đơn vị chịu trách nhiệm trong công tác tuyển chọn, bồi dưỡng các đội tuyển của tỉnh tham gia các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia và Olympic khu vực, quốc tế. 

Ông Nguyễn Văn Dũng, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Chất lượng giáo dục mũi nhọn của nhà trường luôn bảo đảm ổn định và có chiều hướng phát triển. Kết quả này đã khẳng định bước đi đúng hướng, vững chắc trong quản lý cũng như công tác tuyển chọn, bồi dưỡng, đào tạo các “hạt nhân” của nhà trường. Để thực hiện mục tiêu đề ra, nhất là việc giữ vững thành tích qua các kỳ thi quốc gia, khu vực và quốc tế, cùng với sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành chức năng, hàng năm nhà trường tập trung đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý trường học, quản lý công tác chuyên môn, coi trọng phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng học sinh giỏi. Đặc biệt, quan tâm thực hiện tốt cơ chế, chính sách động viên, khen thưởng, tạo môi trường giảng dạy, học tập tốt nhất để mỗi giáo viên, học sinh phấn đấu, phát huy hết năng lực của mình.

Bối cảnh hiện nay đang tạo ra nhiều cơ hội nhưng đồng thời cũng đặt ra không ít thách thức đối với sự nghiệp “trồng người”. Song, những thành quả đạt được trong 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW đã và đang tạo niềm tin, động lực để thầy và trò các trường nỗ lực phấn đấu, tự tin bước vào những cuộc thử sức mới.

Giáo viên Trường Tiểu học Đông Phương (Đông Hưng) tổ chức cho học sinh làm việc nhóm để phát huy tính sáng tạo, chủ động của các em.

(còn nữa)

Đặng Anh