Chủ nhật, 24/11/2024, 08:01[GMT+7]

Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ

Thứ 6, 03/04/2020 | 09:07:00
4,392 lượt xem
(Chuyên đề đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tháng 4/2020)

Cán bộ và công tác cán bộ luôn là nhân tố đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Vì vậy, trong cả cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ vừa hồng, vừa chuyên.

Khái niệm về cán bộ được Hồ Chủ tịch nêu lên lần đầu tiên trong dịp thăm tỉnh Thanh Hóa, ngày 20/02/1947: “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là những người đem chính sách của Chính phủ, của Đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”, với cách đánh giá như vậy, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (10/1947), Người đúc rút: “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém. Trong công tác cán bộ, yêu cầu đầu tiên của Hồ Chủ tịch là phải vận dụng quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin vào việc xem xét, đánh giá cán bộ. Đó là quan điểm khách quan, bởi nếu không thì “cũng như mắt đã mang kính có màu, không bao giờ thấu rõ cái mặt thật của những cái mình trông”; quan điểm phát triển “Trong thế giới, cái gì cũng biến hóa. Tư tưởng của người cũng biến hóa. Vì vậy, cách xem xét cán bộ, quyết không nên chấp nhất, vì nó cũng phải biến hóa”; quan điểm lịch sử, cụ thể “Quá khứ, hiện tại và tương lai của mọi người không phải luôn giống nhau”. Người yêu cầu phải biết phân tích bản chất và hiện tượng, bên trong và bên ngoài của một con người khi thực hiện các công việc khác nhau trong cả một giai đoạn dài: “Xem xét cán bộ, không chỉ xem ngoài mặt mà còn phải xem tính chất của họ. Không chỉ xem một việc, một lúc mà phải xem toàn cả lịch sử, toàn cả công việc của họ”. Cùng với đó, Người dẫn chứng rất cụ thể một số biểu hiện của người tốt, người không tốt, thậm chí là tay sai của địch; trong đó, tiêu chuẩn quan trọng nhất để phân biệt cán bộ tốt là “cần phải xét rõ người đó có gần gũi quần chúng, có được quần chúng tin cậy và mến phục không”. Với quan điểm và phương pháp đánh giá cán bộ như vậy không những đánh giá, sử dụng đúng cán bộ mà còn khắc phục được những căn bệnh, khuyết điểm chủ quan thường mắc trong công tác cán bộ.

Trên cơ sở đánh giá đúng cán bộ, còn phải “khéo dùng cán bộ” - “dụng nhân như dụng mộc” mới có thể đem lại hiệu quả cao cho công việc và “thực hành đầy đủ chính sách của Đảng và Chính phủ”. Người đưa ra 3 tiêu chuẩn để lựa chọn cán bộ: trung thành với cách mạng; liên hệ mật thiết với quần chúng và vì lợi ích của quần chúng; đồng thời, cán bộ còn phải là người dám làm, dám chịu trách nhiệm, không sợ khó khăn, gian khổ. Quan điểm xuyên suốt của Hồ Chủ tịch trong sử dụng cán bộ là phải khách quan, công khai, dân chủ và vì hiệu quả công việc; phải bàn bạc hỏi ý kiến mọi người, thậm chí ngay với bản thân người định trao công việc xem có thể đảm nhiệm và phấn khởi thực hiện không? Chỉ có như vậy mới luôn dùng đúng người, đúng việc, đúng năng lực, sở trường, phát huy cao nhất năng lực của mỗi người: “Tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy”. Bất cứ vấn đề gì Hồ Chủ tịch cũng suy xét kỹ cả tác động theo chiều thuận và chiều ngược để có biện pháp khắc phục, đôi khi chế phục không cho tác động xấu xảy ra. Do đó, việc tổ chức lựa chọn cán bộ một cách dân chủ, vì hiệu quả công việc còn đạt được mục đích là giúp cho người lãnh đạo tránh được những căn bệnh ham dùng người thân, ham dùng những kẻ nịnh hót và căn bệnh hẹp hòi làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng. Cả cuộc đời hoạt động cách mạng, thấu hiểu nhân tình, thế thái nên Hồ Chủ tịch phát triển kinh nghiệm dùng người của các bậc tiền nhân một cách rất biện chứng và nhân văn: “Ta phải dùng chỗ hay của người và giúp người sửa chữa chỗ dở. Dùng người cũng như dùng gỗ. Người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng, cong, đều tùy chỗ mà dùng được”. Bởi vì, tuy nói “tùy tài mà dùng người”, nhưng năng lực của mỗi người không phải tự nhiên mà có, phần nhiều tích lũy được qua rèn luyện, phấn đấu nên quá trình sử dụng phải biết tạo điều kiện để cán bộ phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu, nếu không vừa hỏng việc vừa mất cán bộ: “Khi cất nhắc rồi không giúp đỡ họ. Khi họ sai lầm thì đẩy xuống, chờ lúc họ làm khá, lại cất nhắc lên. Một cán bộ bị nhắc lên thả xuống ba lần như thế là hỏng cả đời”.

Muốn dùng cán bộ lâu dài, đạt hiệu quả vừa phải có tinh thần đấu tranh phê bình vừa phải biết yêu thương cán bộ. Bằng sự từng trải, Hồ Chủ tịch cho rằng, có làm việc thì có sai lầm, vấn đề là phải phê bình cho đúng và kịp thời để người cán bộ dễ dàng nhận ra và vui vẻ sửa chữa. Phê bình cho đúng tức là không nên nặng lời, công kích mà bằng thái độ chân thành cùng với họ phân tích nguyên nhân và hậu quả của sai lầm đó, làm cho người mắc sai lầm tự nhận rõ để sẵn sàng khắc phục, không có cảm giác bị ép buộc phải sửa chữa. Kịp thời là “hễ thấy cán bộ sai lầm, phải lập tức sửa chữa ngay”, không để xảy ra sai lầm lớn. Nếu để xảy ra lầm lỗi lớn mà không xử phạt thì sẽ mất sự tôn nghiêm của kỷ luật, mà xử phạt thì làm cho người đó “mất cả lòng tự tin, người hăng hái cũng hóa thành nản chí, từ nản chí đi đến vô dụng”. Như vậy, quan điểm về phê bình cán bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện tính nhân văn sâu sắc và tình thương đối với cán bộ. Người cho rằng: “Không phải vài ba tháng, hoặc vài ba năm, mà đào tạo được một người cán bộ tốt. Nhưng cần phải công tác, tranh đấu, huấn luyện lâu năm mới được. Trái lại, trong lúc tranh đấu, rất dễ mất một người cán bộ”. Theo Hồ Chủ tịch, phê bình và yêu thương có sự tác động với nhau một cách biện chứng: “Thương yêu là luôn luôn chú ý đến công tác của họ, kiểm thảo họ. Hễ thấy khuyết điểm thì giúp cho họ sửa chữa ngay”. Người còn cho rằng, thương yêu là tạo điều kiện để cán bộ học tập nâng cao trình độ và cơ hội cống hiến; đồng thời, quan tâm giúp họ giải quyết những vấn đề khó khăn trong cuộc sống để yên tâm công tác.

Để khéo dùng cán bộ theo quan điểm của Bác, yêu cầu đầu tiên là đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý, người làm công tác tổ chức cán bộ phải thực sự có đức, có tài, vô tư, trong sáng, biết quan tâm và yêu thương cán bộ. Các cơ quan, đơn vị phải thường xuyên thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc, quy trình, quy định trong công tác cán bộ, bảo đảm dân chủ, minh bạch. Tuyển chọn cán bộ cho một vị trí cần phải có nhiều ứng viên đáp ứng đầy đủ tiêu chí theo quy định, sau đó lựa chọn bằng cách tổ chức thi tuyển hoặc lấy phiếu tín nhiệm rộng rãi trong quần chúng nhân dân. Các bộ, ban, ngành, địa phương cần tổ chức thực hiện tốt việc luân chuyển cán bộ theo Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) để phát hiện và kiểm nghiệm năng lực thực tế của cán bộ ở các vị trí khác nhau, làm cơ sở cho việc đề bạt, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ.

Cùng với đó, phải thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, uốn nắn những sai phạm, tránh hỏng việc, mất cán bộ; động viên, khen thưởng đối với những cán bộ tích cực, có thành tích tốt. Phải kiên quyết xử lý, thậm chí loại ra khỏi tổ chức những cán bộ coi thường kỷ cương hoặc sai phạm có tính hệ thống. Đi đôi với đấu tranh phê bình, phải có lòng yêu thương cán bộ, thường xuyên rà soát, bổ sung và tổ chức thực hiện tốt các chế độ, chính sách, quan tâm đến đời sống, hậu phương cán bộ.

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ đến nay còn nguyên giá trị. Tư tưởng của Người soi rọi qua tất cả các khâu, các bước của quy trình công tác cán bộ, từ quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, nhận xét, đề bạt, luân chuyển đến chính sách cán bộ và được vận dụng một cách thiết thực trong từng giai đoạn cách mạng. Học tập tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ để vận dụng phù hợp vào việc xây dựng đội ngũ là một trong những việc làm cấp thiết hiện nay, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng vừa hồng vừa chuyên, xứng đáng với vai trò nòng cốt trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

(Theo Tạp chí Tổ chức Nhà nước - tcnn.vn)