Chủ nhật, 24/11/2024, 06:30[GMT+7]

Bác về - đất nở hoa

Thứ 3, 12/05/2020 | 10:06:41
36,261 lượt xem
Ngày 26/10/1958, Thái Bình vinh dự được đón Bác Hồ về thăm lần thứ ba và dự Đại hội sản xuất đông - xuân. Được Bác về thăm, nghe Bác căn dặn, một khí thế mới, một quyết tâm cao và cao trào thi đua sản xuất nông nghiệp mới lan tỏa trong toàn tỉnh. Những quyết tâm đó đã được Đảng bộ và nhân dân Thái Bình biến thành hành động cụ thể, đưa Thái Bình từ một tỉnh thiếu lương thực trở thành tỉnh có năng suất lúa cao nhất miền Bắc.

Nông dân xã Phú Lương (Đông Hưng) thu hoạch lúa bằng máy.

Ngày 26/10/1958 - một ngày đặc biệt, thị xã Thái Bình (nay là thành phố Thái Bình) rợp trời cờ, hoa đón Bác. 4 vạn đại biểu nhân dân trong tỉnh háo hức đến sân vận động thị xã từ sớm đón và nghe Bác nói chuyện. Bác khen Thái Bình: “Do có cố gắng của đồng bào và cán bộ, vụ mùa năm nay tốt hơn năm ngoái”. Song Bác cũng khuyên “chớ chủ quan, phải thường xuyên kiểm tra ruộng lúa, chú ý diệt chuột, trừ sâu, phòng bão”. Để nắm chắc vụ đông - xuân thắng lợi, Bác nhấn mạnh tỉnh cần chú ý: Ra sức giữ nước cho ruộng, chọn giống tốt, cày sâu, bừa kỹ, bón phân nhiều, cải tiến kỹ thuật, ra sức chống thiên tai như hạn hán, sâu, chuột. Trong lời huấn thị Bác nêu 6 điểm, trong đó có vấn đề củng cố tốt tổ đổi công và hợp tác xã (HTX). Lời dạy của Bác không chỉ là nguồn cổ vũ, động viên to lớn mà còn chỉ ra những cách làm mới để Đảng bộ, nhân dân Thái Bình áp dụng vào sản xuất nhằm tăng năng suất lúa. Làm theo lời dạy của Bác, bước vào vụ đông - xuân 1958, nông dân toàn tỉnh thi đua đổi công và đăng ký tự nguyện vào HTX. Đến cuối năm 1959, toàn tỉnh đã xây dựng được 2.571 HTX sản xuất nông nghiệp, gồm 110.947 hộ xã viên, chiếm 48,2% tổng số hộ nông dân. Diện tích gieo cấy của HTX là 117.391 mẫu, chiếm 42,27% tổng diện tích canh tác của toàn tỉnh. Cùng với đó, phong trào thi đua đạt 5 tấn thóc/ha được phát động sôi nổi, rộng khắp. Các chiến dịch làm thủy lợi, làm phân bón được phát động rộng rãi với các khẩu hiệu “Muốn có thóc ngàn cân, phải có phân mười tấn”, “kém ải thì rải thêm phân”, “cấy dày vừa phải, thóc rải đầy sân”... Với sự hưởng ứng tích cực của nông dân, vụ đông  - xuân 1958, tỉnh ta được mùa toàn diện, năng suất lúa đạt 2,6 tấn/ha, dẫn đầu toàn miền Bắc, được Trung ương và Bác Hồ khen.

Những lời dạy của Bác không chỉ có ý nghĩa trong thời điểm lúc bấy giờ mà còn có giá trị lâu dài và mãi mãi đối với việc sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Thực tế đã minh chứng, tuy bị thiên tai nặng nề xảy ra liên tiếp, vừa chiến đấu vừa sản xuất nhưng làm theo lời dạy của Bác, Thái Bình không ngừng củng cố và nâng cao chất lượng các HTX, cải tiến kỹ thuật canh tác, làm tốt khâu thủy lợi, làm ra nhiều phân bón... nên đã ghi tên vào bảng vàng 5 tấn thóc của miền Bắc năm 1966.

Phát huy truyền thống quê hương 5 tấn, người Thái Bình cần cù, sáng tạo để đất luôn nở hoa, đưa năng suất lúa không ngừng tăng lên. Đất không chỉ nuôi sống người bằng những hạt thóc mà nay đất đã giúp nông dân Thái Bình làm giàu. Toàn tỉnh có 236 HTX tham gia liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm cho các hộ thành viên với 20 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, tổng diện tích gieo trồng có hợp đồng liên kết là 10.778ha và 130 tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp. Hàng nghìn máy làm đất, máy gặt, máy cấy các loại đã được các địa phương đưa vào phục vụ sản xuất giảm công lao động, giảm chi phí, tăng năng suất, giá trị sản phẩm nông sản. Tỉnh cũng đã có trên 17.400ha đất tích tụ, tập trung để sản xuất hàng hóa quy mô lớn gắn với tiêu thụ nông sản. Hầu hết các mô hình tích tụ, tập trung đều được đánh giá có hiệu quả hơn từ 1,5 - 2 lần so với sản xuất truyền thống. Nhờ đó, đến nay tỉnh vẫn giữ vững ngọn cờ đầu về sản xuất lương thực, hình thành một số mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao hiệu quả.

Hơn 60 năm kể từ ngày Bác về dự Đại hội sản xuất đông - xuân, Thái Bình vẫn luôn ghi nhớ lời Bác dạy, đã phấn đấu vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, chiến thắng thiên tai địch họa, chiến thắng đói nghèo để trở thành một điển hình về thâm canh tăng năng suất lúa và đang vững bước trên quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.


Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Những thành công trong công cuộc đổi mới nông nghiệp, nông thôn của Thái Bình có nguyên nhân từ sự lãnh đạo của Đảng gắn liền với những lời dạy bảo và sự quan tâm của Bác. Ngành Nông nghiệp cũng như nông dân Thái Bình làm theo lời dạy của Bác mỗi ngày nên đạt nhiều kết quả đáng mừng. 100% xã hoàn thành quy hoạch đồng ruộng, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung; giữ vững năng suất lúa trên 132 tạ/ha/năm, sản lượng thóc trên 1 triệu tấn/năm. Thời gian tới, Thái Bình tiếp tục thực hiện 5 hướng đột phá tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung chuyên canh lúa cao sản, lúa chất lượng cao; tăng cường ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất; ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản hướng đến xuất khẩu...
Ông Bút Ngữ, phường Đề Thám, thành phố Thái Bình
Khi Bác Hồ về thăm Thái Bình lần thứ ba (năm 1958), tôi được lãnh đạo tờ Tin Thái Bình (nay là Báo Thái Bình) cử đi đưa tin Bác dự và nói chuyện ở Đại hội sản xuất đông - xuân tại sân vận động thị xã Thái Bình. Đây là lần đầu tiên tôi được gặp Bác, niềm vui dâng trào xen lẫn niềm vinh dự, tự hào. Người đứng trên lễ đài giản dị trong bộ quần áo nâu với giọng nói trầm ấm nên dù đứng dưới sân tôi vẫn cảm thấy Người vô cùng gần gũi, thân thương. Bản thân tôi nhận thấy mình cũng phải có trách nhiệm thực hiện lời dạy của Bác nên luôn đi sâu, đi sát cơ sở, không chỉ phản ánh khí thế thi đua sôi nổi trong sản xuất lúa mà còn trực tiếp tham gia cùng bà con nông dân diệt trừ bệnh hại lúa trên đồng ruộng. Tôi còn có thêm một lần vinh dự được đón Bác về thăm Thái Bình tại đình Phương Cáp, xã Hiệp Hòa (Vũ Thư). Mỗi lần được gặp Bác tôi như có thêm động lực, càng ra sức phấn đấu học tập, làm theo tấm gương của Bác để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Bà Nguyễn Thị Tỉnh, thôn Bổng Điền Bắc, xã Tân Lập, Vũ Thư
Dù không có vinh dự được gặp Bác Hồ khi Bác về dự Đại hội sản xuất đông - xuân của tỉnh nhưng qua hệ thống truyền thanh những lời dạy của Bác hôm đó tôi vẫn được nghe. Thực hiện lời dạy của Bác, tôi tích cực tham gia phong trào cấy chăng dây thẳng hàng, nuôi bèo hoa dâu làm phân bón lúa, thực hiện đổi công với các chị em trong thôn để cấy cho kịp thời vụ, tự nguyện tham gia vào HTX. Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng phát hiện, phòng, trừ sâu bệnh kịp thời cho lúa. Ngoài ra tôi còn tham gia đào đắp mương máng bảo đảm tưới, tiêu cho lúa góp phần để vụ đông - xuân giành thắng lợi, đạt năng suất cao nhất miền Bắc, sau đó là thành tích “5 tấn thóc/ha”.

Thu Hiền