Thứ 4, 29/01/2025, 06:36[GMT+7]

Học Bác về tập trung nhân tài để phát triển đất nước

Thứ 7, 28/08/2021 | 16:50:42
3,205 lượt xem
Chiến lược đại đoàn kết Hồ Chí Minh, tập hợp và đoàn kết đội ngũ trí thức, tập trung nguồn lực trí tuệ cho “kháng chiến - kiến quốc” thể hiện rõ trong quan điểm của Người về “tìm người tài đức” cách đây 75 năm vẫn mang giá trị và được vận dụng trong tình hình mới.

Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tháng 9/1945 (Hàng đầu, từ trái sang phải: Võ Nguyên Giáp - Bộ trưởng Nội vụ; Luật sư Vũ Đình Hòe - Bộ trưởng quốc gia Giáo dục; Chủ tịch Hồ Chí Minh, kiêm Bộ trưởng Ngoại giao; Trần Huy Liệu - Bộ trưởng Thông tin, Tuyên truyền; Nguyễn Văn Tố - Bộ trưởng Cứu tế). Ảnh: Tư liệu.

Năm 1995, một đoàn cán bộ của Viện Mác - Lê-nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh được cử đi sưu tầm, nghiên cứu những tài liệu, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh được lưu trữ tại các Viện, Cục lưu trữ, Bảo tàng trong cả nước. Khi đến đọc tài liệu tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, một cán bộ phát hiện một mảnh giấy ghi mấy chữ Hán trong hồ sơ lưu trữ “phông” Hồ Chí Minh. Anh cầm bản photo những chữ Hán đó đến hỏi nhà báo lão thành Quang Đạm.

Sau khi đã được khẳng định rằng đó là hiện vật gốc tại Bảo tàng Cách mạng, nhà báo Quang Đạm nhìn thật kỹ mảnh giấy rồi chậm rãi giải thích: “Đây là tám chữ Hán Bác Hồ viết theo lối viết thảo, lại là “thảo tắt”. Ai không quen lối viết này của Bác cũng khó luận ra, nhưng tám chữ này cũng không khó đọc lắm. Bốn chữ đầu là Tập trung nhân tài bốn chữ sau là Bất phân đảng phái…”. Cùng những chữ đó là dòng “Phát triển quốc dân liên hiệp (đại đoàn kết)” cũng ghi bằng chữ Hán.

Thời điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi những dòng đó là năm 1946. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ đang trong tình thế vô cùng khó khăn. Thù trong giặc ngoài cùng nhau tấn công Chính quyền cách mạng. Để giải quyết những nhiệm vụ nặng nề trong điều kiện vô cùng khó khăn, vừa phải chống thù trong giặc ngoài, vừa phải xây dựng chính quyền, kiến thiết đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tin và dựa chắc vào nguồn sức mạnh của nhân dân. Người đã nêu lên nhiệm vụ xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân như một trong những nhân tố quyết định để bảo vệ thành công Chính quyền cách mạng khi đó.

Hơn 500 năm trước, Thân Nhân Trung đã từng viết trên tấm bia đá đầu tiên trong Văn Miếu Thăng Long (1484): “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà đi lên”. Cũng với tinh thần đó, trong những năm tháng đầu tiên đầy khó khăn thử thách của nền dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao vai trò của những người hiền tài. Người đã tìm mọi cách huy động tối đa mọi nguồn sức mạnh của dân tộc. Trong đó nguồn lực trí tuệ được Chủ tịch Hồ Chí Minh tìm mọi cách để phát triển. Người trân trọng “tìm người tài đức” cho công cuộc kháng chiến và kiến quốc còn đang gặp nhiều khó khăn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chú trọng đến việc kêu gọi tập hợp đội ngũ trí thức xung quanh Chính quyền cách mạng của nhân dân. Ngày 14/11/1945, Người viết bài “Nhân tài và kiến quốc” đăng báo Cứu Quốc số 91, nhấn mạnh: “Nhân tài nước ta dù chưa nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển thêm nhiều” (Hồ Chí Minh (2011) - Toàn tập - Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tập 4, tr.114).

Trước vận mệnh dân tộc đang lâm nguy, mọi quyền lợi của các giai cấp, đảng phái đều nằm trong và phục tùng lợi ích tối cao của Tổ quốc. Khẩu hiệu chiến lược của cách mạng khi đó là “Dân tộc trên hết - Tổ quốc trên hết”. Chính phủ cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã thu hút được sự tham gia, ủng hộ của nhiều trí thức tiêu biểu thời đó. Họ đã gạt sang một bên cuộc sống vật chất đầy đủ, gạt sang một bên những âu lo, băn khoăn của riêng mình để sống trong cuộc đấu tranh của dân tộc, để đi theo kháng chiến, “đi theo Cụ Hồ”, vì “Điều mấu chốt là Chủ tịch Hồ Chí Minh áp dụng chính sách tín nhiệm đối với trí thức” - như lời Luật sư Phan Anh sau này trả lời phỏng vấn của Nhà sử học Na Uy S. Tonnesson về thời kỳ 1945 - 1946.

Luật sư Phan Anh trước tháng 8/1945 đã từng là Bộ trưởng Bộ Thanh niên trong Chính phủ Trần Trọng Kim. Sau tháng 8/1945 ông giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng trong Chính phủ cách mạng. Cùng với ông Phan Anh, nhiều vị đã từng giữ những chức vụ cao trong chính quyền cũ như Khâm sai đại thần Phan Kế Toại, Thượng thư Bộ hình Bùi Bằng Đoàn... cũng tham gia Chính phủ mới. Có thể kể thêm nhiều nhà trí thức lớn khác đã đồng hành cùng cuộc kháng chiến của dân tộc như Nguyễn Văn Tố, Dương Đức Hiền, Hồ Đắc Di, Hoàng Tích Trí, Phạm Quang Lễ (Giáo sư Trần Đại Nghĩa), Nguyễn Văn Huyên, Trần Hữu Tước, Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Phạm Ngọc Thạch... v.v. và v.v...

Những chữ Người vội ghi cách đây hơn 75 năm, khi vận mệnh đất nước như ngàn cân treo sợi tóc càng minh chứng rõ hơn chiến lược đại đoàn kết của Hồ Chí Minh trong năm đầu tiên của công cuộc dựng xây và bảo vệ nền độc lập của đất nước. Hôm nay, đọc lại tám chữ Chủ tịch Hồ Chí Minh vội ghi, vẫn thấy rõ ý nghĩa thời đại trong đó - khi chúng ta đang chú trọng phát huy mọi nguồn lực, cả đồng bào trong nước và người Việt ở nước ngoài, kêu gọi mọi sự đóng góp bằng tâm, bằng tài... để phát triển đất nước. Những chữ ngắn gọn của Người năm xưa vẫn cần được chúng ta hiểu rộng thêm, hiểu sâu thêm.

Gần đây nhất, tại Hội nghị trực tuyến với 64 điểm cầu trong cả nước, triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng do Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tổ chức ngày 16/8. Trước những diễn biến phức tạp của  tình hình, để ứng phó tốt với những diễn biến khó lường, nhất là dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu... Tổng Bí thư  Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Để đạt được những mục tiêu phát triển tổng quát của đất nước ta không chỉ cho những năm trước mắt mà cho cả một giai đoạn tương đối dài đến năm 2045… không có cách nào khác là chúng ta phải phát huy được sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng - trong đó nguồn lực trí tuệ và đội ngũ trí thức cả trong và ngoài nước được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đoàn kết và tổ chức góp vai trò quan trọng. Đó cũng là sự vận dụng và hiện thực hóa Tư tưởng đại đoàn kết của Hồ Chí Minh trong bối cảnh mới hiện nay.

NGÔ VƯƠNG ANH (Ghi theo lời kể của TS Nguyễn Văn Khoan - Nguyên cán bộ Viện Mác - Lê-nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh)

Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày