Chủ nhật, 05/01/2025, 14:01[GMT+7]

Phát huy sức mạnh giá trị văn hóa, con người, phát triển Thái Bình nhanh, bền vững

Thứ 2, 13/02/2023 | 07:45:44
8,267 lượt xem
Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là di sản tinh thần vô giá của Đảng và dân tộc ta. Từ nhiều nhiệm kỳ qua, Đảng đã chú trọng phát động trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhằm trau dồi đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và lan tỏa những giá trị lý luận và thực tiễn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, lan tỏa tấm gương đạo đức cao quý của Bác đến toàn thể nhân dân.

Quần thể Đền thờ Bác Hồ và Tượng đài “Bác Hồ với nông dân Việt Nam” tại phường Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình.

Thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XIII, trên cơ sở chuyên đề toàn khóa “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tham mưu với Ban Thường vụ Tỉnh ủy biên soạn chuyên đề cụ thể hàng năm, bám sát thực tiễn của tỉnh, các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX. Năm 2023, chuyên đề được lựa chọn là “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phát huy sức mạnh giá trị văn hóa, con người, phát triển Thái Bình nhanh, bền vững”. Đây vừa là sự cụ thể hóa chuyên đề học tập toàn khóa của trung ương, phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 vừa tiếp nối tinh thần Nghị quyết số 04-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX nhằm tăng cường giáo dục, phát huy truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước, cách mạng của quê hương Thái Bình cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; khơi dậy khát vọng phát triển Thái Bình thành tỉnh phồn vinh, hạnh phúc.

Ngoài phần mở đầu và kết luận, chuyên đề có 2 phần chính. Phần 1, khái quát tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa và yêu cầu xây dựng nền văn hóa mới, về con người và yêu cầu xây dựng con người. Trên cơ sở phân tích khái niệm văn hóa mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra - bao hàm các hoạt động vật chất và tinh thần của con người cùng với các giá trị mà con người sáng tạo ra, chuyên đề nhấn mạnh “Khái niệm văn hóa của Người cũng chỉ ra nhu cầu sinh tồn của con người với tư cách chủ thể hoạt động của đời sống xã hội chính là nguồn gốc, động lực sâu xa của văn hóa”. Nét đặc sắc trong quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về con người là nhìn nhận đặc điểm con người Việt Nam với những điều kiện lịch sử, những cấu trúc kinh tế, xã hội cụ thể. Do đó: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần phải có những con người xã hội chủ nghĩa”, “Vì lợi ích trăm năm thì phải “trồng người”; đối với cán bộ, đảng viên càng cần phải nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, bồi dưỡng về năng lực trí tuệ, trình độ lý luận chính trị, văn hóa, khoa học - kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ, sức khỏe. Chuyên đề cũng đã điểm lại những chỉ đạo quan trọng của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, nhất là sau hơn 35 năm đổi mới để thấy trên cơ sở tiếp thu, kế thừa, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, con người, nhận thức của Đảng ta về văn hóa, xã hội, con người ngày càng toàn diện, sâu sắc hơn. Đặc biệt, Đại hội XIII của Đảng đã xác định những quan điểm, chủ trương mới, sâu sắc và toàn diện, đột phá về phát triển văn hóa, con người và nguồn nhân lực. Đây là đường hướng quan trọng để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vững bước đi lên, lập những thành tựu mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời đại mới.

Phần 2, tập trung phân tích sâu những giá trị văn hóa, con người Thái Bình và việc thực hiện các giải pháp trọng tâm nhằm phát huy giá trị văn hóa, con người, góp phần phát triển Thái Bình nhanh, bền vững. Chuyên đề nhấn mạnh: chính “quá trình xây dựng và phát triển của mảnh đất và con người Thái Bình đã tạo lập, hình thành nên những giá trị truyền thống, trở thành nét tiêu biểu trong văn hóa, con người Thái Bình đó là: tinh thần yêu nước, cách mạng, đoàn kết, khoan dung; ý chí kiên cường bất khuất; cần cù, sáng tạo, hiếu học”. Những giá trị, sức mạnh về văn hóa, con người Thái Bình ấy đã và đang được Đảng bộ tỉnh quán triệt sâu sắc, xuyên suốt qua các thời kỳ, với những chủ trương, định hướng lớn được cụ thể hóa trong các văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh, nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy.

Trên cơ sở phân tích bối cảnh, tình hình thế giới, trong nước và trong tỉnh, chuyên đề khẳng định: “Để phát triển Thái Bình nhanh, bền vững, thì việc phát huy các giá trị văn hóa, sức mạnh con người Thái Bình, làm cho các giá trị đó mãi là hành trang, là cội rễ, động lực và trở thành sức mạnh nội sinh của sự phát triển là đòi hỏi khách quan, yêu cầu cấp thiết hiện nay”. Từ đó đưa ra 5 giải pháp trọng tâm gồm: (1) Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu quê hương, đất nước của con người Thái Bình; (2) Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết gắn bó cộng đồng trong nhân dân; (3) Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xây dựng môi trường và đời sống văn hóa phong phú, đa dạng, văn minh, lành mạnh, hội nhập, phát triển bền vững; (4) Xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Thái Bình mới, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại; (5) Đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền, quảng bá, giáo dục, phát huy các giá trị văn hóa, sức mạnh con người Thái Bình trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Cùng với các giải pháp là xác định trách nhiệm của các ngành, các giới để triển khai hiệu quả các giải pháp trên.

Đại hội XIII của Đảng xác định: “Động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Đồng thời xác định rõ: “Lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam làm nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững”.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX chỉ rõ nhiệm vụ xây dựng phát huy giá trị văn hóa, con người Thái Bình, coi đây là 1 trong 3 khâu đột phá để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh: “Xây dựng con người Thái Bình phát triển toàn diện cả về đạo đức, nhân cách, trí tuệ, thể chất và năng lực. Tích cực đổi mới công tác đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Phát huy truyền thống văn hóa, yêu nước, cách mạng của quê hương Thái Bình; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh”.

Việc tổ chức thực hiện nghiêm túc Kế hoạch số 151-KH/TU, ngày 2/2/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện chuyên đề năm 2023 “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phát huy sức mạnh giá trị văn hóa, con người, phát triển Thái Bình nhanh, bền vững” sẽ giúp cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, con người, nhân lên niềm tự hào về văn hóa, con người Thái Bình và khát vọng cống hiến của mỗi người vì sự phát triển nhanh, bền vững của tỉnh.

        Trần Thị Loan
   (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày