Thứ 4, 15/01/2025, 19:50[GMT+7]

Học Bác từ những điều nhỏ nhất

Thứ 4, 29/05/2024 | 15:29:35
6,945 lượt xem
Trong rất nhiều hoạt động của các cơ quan, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cách làm của các cấp hội phụ nữ mang những đặc trưng riêng, tạo thành bức tranh nhiều màu sắc. Học Bác từ những điều nhỏ nhất và cho đi theo cách của riêng mình, các bà, các cô, các chị đã lan tỏa những điều tốt đẹp đến những người sống xung quanh mình.

Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phú Châu (Đông Hưng) trao gạo hàng tháng cho phụ nữ đơn thân, khuyết tật.

Tiết kiệm giúp người nghèo và phát triển kinh tế

Mô hình tổ tiết kiệm theo gương Bác của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Phú Châu (Đông Hưng) được xây dựng hơn 10 năm trước. Khi mới thành lập, mô hình chỉ có 20 thành viên. Nhờ sự nhiệt tình, khéo léo trong tuyên truyền, vận động, thấy được lợi ích khi tham gia, đến nay toàn xã có gần 1.000 hội viên phụ nữ tham gia tại 35 tổ tiết kiệm, tiết kiệm được gần 1 tỷ đồng, cho 47 lượt thành viên vay vốn phát triển sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh. Tùy theo điều kiện của mình mà chị em tiết kiệm từ 50.000 đồng/tháng trở lên. Có nhiều hội viên tiết kiệm được hàng chục triệu đồng/năm. Số tiền tiết kiệm được ngoài việc cho các thành viên trong tổ vay, các chị còn dùng vào việc chi phí học tập cho con, mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thân thể cho các thành viên trong gia đình. Ngoài việc tiết kiệm theo địa bàn dân cư, các chị em còn tham gia tổ tiết kiệm và vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. 

Chị Trần Thị Như, thôn Cốc, xã Phú Châu nhớ lại: Thời gian đầu mới thành lập cơ sở mây tre đan, tôi thiếu vốn. Trong lúc cần vốn xoay vòng gấp thì tôi được vay 30 triệu đồng từ tổ tiết kiệm. Có vốn, có nguyên liệu, cơ sở hoạt động tốt, tạo việc làm cho hơn 100 phụ nữ, chủ yếu là người trung, cao tuổi. Bản thân tôi vẫn luôn thực hiện tiết kiệm theo gương Bác. Tổ tiết kiệm không chỉ cho vay vốn giúp các chị em phát triển kinh tế mà còn là nơi để chị em chia sẻ kinh nghiệm trong cuộc sống, giúp nhau phát triển kinh tế.

Không chỉ thực hành tiết kiệm, Hội LHPN xã Phú Châu còn triển khai thêm nhiều mô hình làm theo Bác, điển hình như mô hình hũ gạo tiết kiệm; thu gom phế liệu giúp phụ nữ, trẻ em nghèo; cặp lá yêu thương. 3 năm qua, phụ nữ Phú Châu đã trao 740kg gạo cho phụ nữ đơn thân, khuyết tật; thu được 19 triệu đồng từ bán phế liệu để tặng quà cho phụ nữ, trẻ em; đỡ đầu 2 trẻ mồ côi; hỗ trợ 2 học sinh theo chương trình cặp lá yêu thương... Điều đặc biệt là tất cả các nguồn lực trên được huy động từ chính cán bộ, hội viên, phụ nữ đang sinh hoạt hội tại địa phương. 

Bà Phạm Thị Mai Luyên, Chủ tịch Hội LHPN xã Phú Châu cho biết: Cán bộ, hội viên, phụ nữ trong xã vẫn luôn truyền nhau lời dạy của Bác Hồ: “Tiết kiệm là tiêu dùng hợp lý mà tiêu dùng hợp lý chính là biểu hiện của một lối sống văn minh, hiện đại”. Qua nhiều năm thực hiện mô hình tiết kiệm theo gương Bác, chị em phụ nữ trong xã nhận thấy rằng, tham gia mô hình không chỉ giúp mỗi người hình thành thói quen, tích lũy cho riêng bản thân, gia đình mình mà còn có điều kiện chia sẻ với những trường hợp khó khăn đột xuất.

“Dân vận khéo” giúp phụ nữ, trẻ em nghèo

Phụ nữ thu gom, phân loại, rồi bán phế liệu gây quỹ giúp người nghèo là những hình ảnh quen thuộc trong các khu dân cư. 

Bà Tưởng Thị Phượng, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Ô Mễ 3, xã Tân Phong (Vũ Thư) chia sẻ: Lúc đầu gặp một số khó khăn do chị em còn tâm lý e ngại cho rằng đây là việc làm thu gom đồng nát không muốn tham gia. Tuy nhiên, sau tuyên truyền, chị em đã hiểu và cùng vào cuộc gây quỹ giúp đỡ phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Hàng ngày, các gia đình phân loại rác thải sinh hoạt để xử lý. Với những rác tái chế được như chai, lọ nhựa, bìa, giấy vụn, vỏ lon nước ngọt... được để gọn gàng rồi đều đặn mỗi tháng, mang ra nhà văn hóa thôn góp cho Chi hội Phụ nữ thôn gom phế liệu bán lấy tiền làm việc thiện. Qua 10 đợt thu gom gần đây, Chi hội thu về 3,2 triệu đồng. Không chỉ vậy, qua thực hiện mô hình phân loại rác tại hộ gia đình và tiết kiệm từ phế liệu, đã tạo thuận lợi cho tổ thu gom rác vận chuyển về bãi rác tập trung của xã để xử lý. Đồng thời hỗ trợ thêm nhiều hộ gia đình đạt danh hiệu “gia đình 5 không, 3 sạch” và “5 có, 3 sạch”, nâng số hộ gia đình đạt danh hiệu này lên 265 hộ, đạt 90%.

Cũng như Chi hội Phụ nữ thôn Ô Mễ 3, định kỳ 2 tuần/lần hoặc 1 tháng/lần, các chi hội phụ nữ trong tỉnh phân công cán bộ hoặc hội viên đi thu gom phế liệu của từng gia đình; hoặc hội viên mang phế liệu đến một điểm cố định để ủng hộ (cổng chợ/nhà văn hóa thôn/nhà chi hội trưởng, chi hội phó). Sau khi thu gom, phế liệu được bán cho các đại lý. Số tiền thu được sử dụng tặng quà cho phụ nữ, trẻ em khó khăn trên địa bàn hoặc bổ sung vào quỹ hội góp phần tăng nguồn lực cho hoạt động của hội phụ nữ cơ sở. Đến nay, 237 cơ sở hội đã xây dựng được 990 mô hình tại các chi hội, số tiền thu được là hơn 2,1 tỷ đồng dùng để hỗ trợ phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, trẻ mồ côi. Thành công này là kết quả của phong trào thi đua “Dân vận khéo”, thể hiện sự chung sức đồng lòng và quyết tâm của cán bộ, hội viên, phụ nữ và người dân. 

Ông Hoàng Ngọc Lâm, thôn Hòa Bình, xã Bình Định (Kiến Xương) cho biết: Con dâu tôi mất khi cháu nội chưa được 1 tuổi. Con trai tôi thường đi làm xa nhà. Có các cô ở Hội LHPN xã nhận đỡ đầu, hỗ trợ hàng tháng từ kinh phí của mô hình biến rác thải thành tiền, gia đình rất trân trọng tình cảm này. Ý nghĩa nhất là tuổi thơ của cháu có thêm những người mẹ đỡ đầu, được an ủi phần nào.

Phụ nữ xã Bình Định (Kiến Xương) thực hiện tiết kiệm từ phế liệu để giúp đỡ trẻ em khó khăn, trẻ mồ côi. 

Chọn nội dung để học và làm theo Bác

Để vận dụng tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người vào thực tiễn cuộc sống, các cấp hội phụ nữ đã lựa chọn những vấn đề phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của hội viên, phụ nữ gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị để tổ chức cho hội viên đăng ký và thực hiện việc làm theo Bác nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức và thay đổi hành động. Việc làm theo Bác được gắn với thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới”, cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và “Xây dựng gia đình 5 có, 3 sạch” góp phần giữ vững và nâng cao các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tiến tới xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trong toàn tỉnh.

Phụ nữ xã Tân Hòa (Vũ Thư) chăm sóc đường hoa. 

Bà Ngô Thị Hồng Huệ, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Sau 3 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các cấp hội đã vận động, quyên góp được trên 9 tỷ đồng để thực hiện các hoạt động nhân đạo, từ thiện; xây dựng, sửa chữa 95 mái ấm tình thương. Thực hiện chương trình “Mẹ đỡ đầu”, đến nay toàn tỉnh đã có 824 trẻ em mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được đỡ đầu với tổng số tiền đã trao là 2,57 tỷ đồng và hơn 10,4 tấn gạo; các cơ sở hội đã thực hiện 251 công trình cây xanh với 601.451 cây xanh các loại được trồng. Chị em tích cực học tập, tiếp thu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; mạnh dạn đầu tư chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa; vay hơn 2.875 tỷ đồng từ các ngân hàng, tổ chức tài chính để đầu tư phát triển kinh tế; mạnh dạn, sáng tạo khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp. Hội viên, phụ nữ ngày càng tự tin tham gia giải quyết các vấn đề xã hội; thực hiện quyền làm chủ, tham gia giám sát, phản biện xã hội, xây dựng tổ chức hội vững mạnh.

Cũng theo bà Ngô Thị Hồng Huệ, đi đôi với triển khai sôi nổi các mô hình, nhân rộng các điển hình làm theo lời Bác, cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn tỉnh còn noi gương Bác trong tác phong, lối sống hàng ngày, không ngừng phát huy phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam trong các lĩnh vực học tập, rèn luyện và công tác.

Xuân Phương

         

 

 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày