Thứ 2, 12/05/2025, 11:47[GMT+7]

Múa thuồng luồng cầu mưa thuận gió hòa

Thứ 2, 18/02/2013 | 10:10:28
5,029 lượt xem
Theo quan niệm của người Khơ mú, thuồng luồng là con vật gọi mưa, múa thuồng luồng thể hiện ước muốn một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, con người được thần linh che chở mạnh khỏe, có cuộc sống đầy đủ, sung túc.

Lễ cầu mùa của người Khơ mú diễn ra trong khoảng từ ngày 20.1 - 10.2 (âm lịch), thể hiện niềm tin vào các thế lực siêu nhiên, tôn vinh thần lúa và thần cây trồng khác, cầu mưa, cầu năm mới được mùa, trâu bò sinh sản nhiều, cuộc sống ấm no. Và trong lễ cầu mưa, cầu mùa đầu năm này của người dân tộc Khơ mú, không thể thiếu nghi lễ múa thuồng luồng.

Thông thường, để chuẩn bị cho nghi lễ này, từ nhiều ngày trước, các bậc lão niên trong thôn, trong bản sẽ chọn lựa 4 - 5 thanh niên khỏe mạnh, nhanh nhẹn để tập luyện đóng các vai các thần sấm, thần sét và múa thuồng luồng. Ông thuồng luồng được làm khá đơn giản. Phần đầu được tạo hình từ gốc cây khô, thân được kết bện bằng những thanh tre nứa, đuôi làm bằng lá cau hoặc lá dừa sau đó trang trí bằng sơn với nhiều màu sắc khá sặc sỡ. Theo nghệ nhân Hà Văn Inh, đội văn hóa dân gian xã Nghĩa Sơn, huyện Văn Chấn, Yên Bái, mâm lễ cúng các thần trong lễ cầu mưa nhất thiết phải có gà trống để nguyên nội tạng, rượu trắng, gạo nếp, nến, điếu cày, thuốc lào... Mâm cúng năm sau bao giờ cũng được bày biện to và tươm tất hơn năm trước. Bên mâm lễ cầu mưa cũng không thể thiếu cây dương xỉ và cây chuối rừng với búp hoa đỏ. Người Khơ mú quan niệm, cây dương xỉ là loại cây có từ thời cổ đại, việc trồng loại cây này bên mâm lễ là để tưởng nhớ về tổ tiên đã khuất. Còn hoa chuối rừâng có màu đỏ tượng trưng cho mào của thuồng luồng, linh vật mang lại mưa thuận gió hòa.

Lễ cúng cầu mưa sẽ do bậc cao niên trong thôn, bản làm chủ lễ. Đến ngày giờ tốt, các thanh niên được lựa chọn nhập vai các vị thần sẽ được bôi mặt thật dữ tợn đứng vào vị trí đã được chỉ định. Riêng người vào vai thần sét mang mặt nạ phải trèo lên một cây cao gần đó núp sẵn với chiếc búa trong tay. Chủ lễ cung kính đến trước mâm lễ thắp nến, lên hương thành kính khấn vái, khấn rằng: Năm cũ đã hết, Tết đã qua. Hôm nay ngày tốt tháng đẹp ta làm lễ hội cầu mưa. Ta mời thần sấm, thần sét, thần thuồng luồng về đây ăn lễ vật ta đã dâng lên. Mời các thần ăn cho no, uống cho say thỏa thích. Từ nay trở đi dân làng ta sẽ làm ăn sản xuất, ta mong các thần linh phù hộ cho mưa thuận gió hòa, con người mạnh khỏe, mùa màng bội thu. Sang năm mới ta sẽ dâng cúng lễ vật cho thần ăn to hơn.

Sau khi khấn vái thần linh, chủ lễ khua chiêng để bắt đầu nghi lễ múa thuồng luồng. Chàng thanh niên nhập vai thần sét tay cầm búa từ trên cây cao nhảy xuống dáng điệu hùng hổ, dữ tợn, múa rìu bổ vào hai ống tre, một ống đựng nước, một ống đựng tro than đã chuẩn bị trước hất tung lên trời. Một chàng trai khác vác đội linh vật thuồng luồng bắt đầu nhảy múa xung quang khu vực mâm lễ. Trong quá trình biểu diễn, người đóng vai thần sét và người đội linh vật thuồng luồng phải phối hợp các động tác thật nhịp nhàng. Khi điệu múa đến cao trào, tiếng chiêng, tiếng phèng la thúc giục, nhiều trẻ em trong thôn bản tham dự lễ hội cũng ùa vào nắm đuôi ông thuồng luồng, hòa chung niềm vui mong ước một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, trong điệu múa thiêng. Trong suốt thời gian trình diễn nghi lễ múa thuồng luồng, các thanh niên mặc quần áo đen vẽ mặt giả làm các vị thần sẽ múc nước đổ đầy vào các ống tre, nứa vẩy ra xung quanh để làm mưa. Người Khơ mú cũng quan niệm, người đi xem nghi lễ múa thuồng luồng nếu được vẩy nhiều nước sẽ được mạnh khỏe, gặp nhiều may mắn trong năm mới.

Theo daibieunhandan

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày