Thứ 2, 05/08/2024, 07:15[GMT+7]

Lễ hội trong đời sống hiện đại

Thứ 2, 25/02/2013 | 08:40:39
1,018 lượt xem
Nhân dân ta từ bao đời đã sáng tạo ra cách thức giao cảm cộng đồng, giao hoà giữa con người với con người, với trời đất; giữa hiện tại với hồi tưởng quá khứ và hy vọng tương lai thật tưng bừng, đó là lễ hội.

Lễ hội Ðền Trần (Tiến Ðức - Hưng Hà)

 Chính tâm cảm sâu xa ấy thu hút cả cộng đồng đến lễ hội. Lễ hội diễn ra rải rác quanh năm nhưng sống động nhất là lễ hội mùa xuân, mùa thu. Có lễ hội quốc gia thu hút con cháu mọi miền  đất nước và kiều bào ta ở nước ngoài như lễ hội Ðền Hùng. Có lễ hội đông vui một vùng rộng lớn  như lễ hội Bà Ðen, Chùa Hương, Kiếp Bạc, Yên Tử, Phủ Giầy, Bà Chúa Xứ … Dòng chảy lịch sử văn hóa trên đất nước mấy ngàn năm hòa làm một, là dịp toả sáng tâm thức dân tộc, là cuộc trình diễn văn hoá tưng bừng của cả cộng đồng để ngợi ca, suy ngẫm, thấm thía, tiếp nối vầ nâng cao không ngừng văn hóa lịch sử.

Thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa càng cần cổ vũ mạnh mẽ tinh thần dân tộc, tình cảm cộng đồng; nhu cầu và cảm hứng sáng tạo, giao lưu, hưởng thụ các giá trị vật chất, tinh thần, văn hóa lành mạnh. Lễ hội ngày càng, đông vui, tưng bừng chưa từng thấy. Vì vậy việc tổ chức quản lý thật tốt các lễ hội sao cho an toàn, trật tự, văn minh, đạt hiệu quả tinh thần - văn hóa cao nhất là đòi hỏi cần thiết. Trước hết là tôn vinh các giá trị văn hsoa lịch sử của mỗi lễ  hội. Chưa tìm lại được bản sắc riêng chủ đạo vốn có của mỗi lễ hội thì lễ hội sẽ thiếu vắng cốt cách văn hóa làm điểm tựa. Rất đáng hoan nghênh nhiều nơi khôi phục bản sắc riêng của hội làng, hội vùng, bằng các cuộc thi múa hát, tấu nhạc cụ dân tộc, thi hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống, thi làm cỗ, làm bánh hoặc diễn xướng chiến trận ngợi ca các anh hùng dân tộc; diễn xướng trình nghề tưởng nhớ tổ nghề… Ðó là cách tái hiện hấp dẫn giá trị chủ đạo truyền thống của từng lễ hội.

 Làm sống lại và nâng cao mọi hoạt động văn hóa nghệ thuật, trò vui dân gian giàu tinh thần yêu quê  hương đất nước, thượng võ, nhân ái là mở rộng không gian, tìm lại chiều sâu văn hoá của lễ hội. Cuốn hút đông đảo người dự lễ hội bằng các màn diễn xướng, biểu diễn, thi tài để cho công chúng thưởng thức cùng hào hứng tham gia sáng tạo, sẽ làm cho phần hội càng thêm sôi động, người đi hội được đánh thức và bồi đắp khả năng sáng tạo tiềm ẩn của mình. Khéo làm giàu thêm ngày hội bằng các cuộc biểu diễn, giao lưu, thử tài của các lực lượng văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao chuyên nghiệp và không chuyên, càng làm tăng hấp dẫn cho lễ hội. Làm giàu có và nâng cao chất lượng lễ hội như thế đòi hỏi sự nhập cuộc của người nghiên cứu, thiết kế, đạo diễn… có chuyên môn cùng việc tôn tạo kiến trúc, cảnh quan, tổ chức các sân chơi và đa dạng các loại hình dịch vụ.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, xu hướng thương mại hóa đang tác động không tốt đến tinh thần văn hóa trong lành của lễ hội. Ðể tránh những hạn chế, tiêu cực không đáng có, cần xử lý nghiêm những kẻ buôn thần bán thánh, hành nghề mê tín dị đoan, cùng những người lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi, những kẻ cờ bạc, reo rắc tệ nạn xã hội trong lễ hội. Những “bóng đen” này đang có chiều hướng loang rộng, bởi không ít người đi lễ hội mải mê cúng bái cầu quan tước, cầu tài, cầu bổng lộc, “giải hạn”, tin vào may rủi, đỏ đen. Bên cạnh đó, tổn hại về cảnh quan các công trình kiến trúc, nhất là tình trạng ô nhiêm môi trường ở những nơi mở hội ngày càng đáng lo ngại. Kiểm soát nghiêm ngặt các hoạt động dịch vụ dễ gây ô nhiễm, xây dựng đủ các điểm vệ sinh công cộng, bố trí sắp xếp đủ lực lượng vệ sinh môi trường, xử lý nghiêm các hành vi làm thiệt hại cảnh quan môi trường, các hành vi gây tổn hại di sản văn hoá lịch sử là công việc không thể xem nhẹ. Mỗi người tự giác góp sức gìn giữ vẻ đẹp cảnh quan nơi lễ hội là cách cư xử văn minh. Nếu ai nấy trảy hội đều với mục đích trong sáng, hướng thiện để tắm mình trong không khí giao cảm cộng đồng, để thưởng ngoạn vẻ đẹp núi sông, đền miếu, để nhập cuộc các trò vui văn hoá sôi nổi làm thư thái tâm hồn, làm giàu hiểu biết và xúc cảm thẩm mỹ của mình thì lễ hội vui tưng bừng mà đẹp đẽ, trong lành như nguồn nước mát vui tươi của đời sống dân ta.

LƯƠNG SƠN

(Văn Lâm, Hưng Yên)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày