Thứ 5, 26/12/2024, 19:41[GMT+7]

Những lễ hội truyền thống Việt Nam cho chuyến du xuân

Thứ 6, 20/01/2023 | 16:36:39
3,222 lượt xem
Lễ hội Hoa Ban, Lồng Tồng, Mường Căm, núi Bà Đen là những gợi ý cho chuyến du xuân.

Du lịch Tết năm nay ghi nhận sự trở lại của các tour tâm linh ngắn ngày, với các đoàn khách đi theo nhóm gia đình. Sau 2 năm Covid-19, các lễ hội đã bắt đầu tổ chức lại với quy mô lớn.

Nếu dự định thực hiện các chuyến du xuân mà chưa chọn được địa điểm, bạn có thể tham khảo gợi ý từ các công ty lữ hành, ứng dụng đặt phòng như Vietravel và Booking. 10 lựa chọn dưới đây dựa trên các tiêu chí: là lễ hội truyền thống, mang dấu ấn riêng về văn hóa của từng địa phương, diễn ra trong tháng 1 và 2 Âm lịch, số lượng khách đặt tour nhiều nhất trong nhiều năm gần đây.

Lễ hội Đền Gióng, Hà Nội

Hội Đền Gióng được bắt đầu ngày 6 tháng giêng hàng năm ở xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn. Theo truyền thuyết, đây là nơi dừng chân cuối cùng của Thánh Gióng trước khi cởi bỏ áo giáp bay về trời. Lễ hội diễn ra trong ba ngày với các nghi lễ: khai quang, rước, dâng hương, dâng hoa tre lên đền Thượng, nơi thờ Thánh Gióng.

Hội đền Gióng ở Sóc Sơn. Ảnh: Ngọc Thành

Hội đền Gióng ở Sóc Sơn. Ảnh: Ngọc Thành

Lễ hội Lồng Tồng, Bắc Kạn

Đây là lễ hội đặc trưng của người Tày, được tổ chức thường niên vào đầu tháng giêng (khoảng mùng 6 đến mùng 10). Lễ hội là dịp để người dân cầu phúc, mưa thuận gió hòa, cuộc sống no ấm bình yên. Nhiều trò chơi dân gian được tổ chức dịp này như bịt mắt bắt dê, hát lượn.

Lễ hội Căm Mường, Lai Châu

Người Lự ở Lai Châu mang trong tâm thức tín ngưỡng về các vị thần sông, núi, suối. Họ tin rằng các vị thần này che chở để có cuộc sống ấm no, mùa màng bội thu. Vì vậy, hàng năm, họ tổ chức lễ hội Căm Mường để tạ ơn và cầu nguyện. Lễ hội thường diễn ra vào ngày 3/3 Âm lịch.

Lễ hội Hoa ban, Điện Biên

Đây là lễ hội của người Thái, còn được biết đến với tên gọi khác là Xên bán, Xên mường, thường tổ chức vào tháng hai Âm lịch, khi hoa ban nở ở Tây Bắc. Lễ hội mang ý nghĩa cầu mưa thuận gió hòa, cầu phúc cầu may và cũng được coi là ngày hội của tình yêu đôi lứa. Đây cũng là dịp để người địa phương và du khách tham gia các trò chơi, hát giao duyên, thi tài vào những đêm trăng sáng. Năm nay, lễ hội Hoa ban Điện Biên diễn ra từ 10 đến 13/3.

Lễ hội chùa Bái Đính và Tam Chúc

Đây là lễ hội xuân, dành cho du khách hành hương về vùng đất cố đô Hoa Lư, Ninh Bình, diễn ra từ mùng 6 Tết đến hết tháng 3, diễn ra tại thôn Sinh Dược, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn.

Cách chùa Bái Đính khoảng 30 km là quần thể khu du lịch Tam Chúc, một khu tâm linh nằm ở Hà Nam. Ngày mùng 4 Tết năm nay, nơi này khai trương khu phố cổ Tam Chúc, nhằm tái hiện lại không gian xưa với những gian hàng ẩm thực truyền thống của người Việt. Cạnh đó, du khách còn có thể tham gia các trò chơi dân gian, xem biểu diễn nghệ thuật, xin chữ.

Khu du lịch Tam Chúc, Hà Nam. Ảnh:

Khu du lịch Tam Chúc, Hà Nam. Ảnh: KDL Tam Chúc

Lễ hội Cầu Ngư, Thừa Thiên Huế

Đây là lễ hội của nhân dân làng Thái Dương hạ, thuộc thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang. Lễ được tổ chức vào ngày 12 tháng giêng hàng năm. Ba năm, làng lại làm đại lễ long trọng một lần.

Lễ hội Dinh Cô, Bà Rịa - Vũng Tàu

Đây là một khu đền lớn nằm hai bên bờ biển Long Hải, nơi thờ một người phụ nữ giàu lòng nhân ái, gặp nạn sau một lần đi biển. Sự kiện diễn ra trong hai ngày, từ mùng 10 đến 12 tháng hai Âm lịch. Chủ lễ mặc trang phục trang nghiêm, cầu nguyện mưa thuận gió hòa và bắt đầu nghi lễ nghinh Cô ngoài biển với những chiếc thuyền trang trí kín hoa.

Lễ hội Núi Bà Đen, Tây Ninh

Diễn ra thường niên tại khu du lịch núi Bà Đen vào những ngày đầu năm mới, hội xuân núi Bà Đen là lễ hội lớn và được người dân Tây Ninh đón đợi nhất năm. Hội xuân đặc trưng với những nghi thức bày tỏ lòng tôn kính trước Linh Sơn Thánh Mẫu, là nơi người dân đến cầu nguyện cho một năm mới ấm no, an bình. Năm nay, lễ hội bắt đầu từ 25/1.

Tượng Phật Tây Bổ Đà Sơn trên đỉnh núi Bà Đen. Ảnh: Sun

Tượng Phật Tây Bổ Đà Sơn trên đỉnh núi Bà Đen. Ảnh: Sun

Theo nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày