Du xuân đến với những hội thi, trò diễn dân gian độc đáo
Kéo lửa nấu cơm thi ở lễ hội chùa Keo
Diễn ra vào ngày mùng 4 tháng Giêng hàng năm, lễ hội chùa Keo mùa xuân, xã Duy Nhất (Vũ Thư) luôn thu hút rất đông nhân dân, tín đồ Phật tử từ mọi miền đất nước về lễ Phật, lễ Thánh, du xuân tận hưởng không khí của đất trời và chiêm ngưỡng cảnh đẹp của ngôi chùa cổ kính.
Sau nghi lễ khai chỉ, mở cửa đền Thánh ghi nhớ công ơn của đức Thiền sư Không Lộ là hội thi kéo lửa nấu cơm - nét văn hóa độc đáo với ý niệm cầu may mắn, công việc hanh thông, mùa màng bội thu. Hội thi có sự tham gia của 4 đội là những thanh niên trai tráng trong làng Keo. Mỗi đội có 8 thành viên đều được tuyển chọn khắt khe với tiêu chí nhanh nhẹn, khéo léo, sức khỏe dẻo dai và có tinh thần đồng đội tốt. Để hoàn thành 1 mâm “xôi chín, cơm rền, chè sánh”, thành viên của mỗi đội phối hợp nhịp nhàng trong từng công đoạn: người chạy giải lấy nước, người kéo lửa, người nấu cơm. Nếu như những thành viên chạy giải lấy nước cần sức khỏe dẻo dai, nhanh và bền thì những thành viên đảm nhận khâu kéo lửa, nấu cơm cần sự khéo léo và kiên nhẫn. Sau thời gian đã định, mâm cơm nào đáp ứng đủ các tiêu chí của hội thi và được chấm giải nhất sẽ được dâng lên lễ Thánh.
Người dân làng Keo tin rằng, tham gia hội thi là được Đức Thánh ban lộc, ngoài ra, họ cũng tin rằng những vật dụng được các đội sử dụng trong hội thi sẽ đem lại may mắn nên khi hội thi kết thúc, các vật dụng thường được xin về đặt trong gian bếp với hy vọng một năm mới ấm áp và sum vầy.
Lễ hội chùa Keo đầu xuân với những nét đẹp văn hóa dân gian.
Thi vật cầu ở lễ hội đền Hét
Được tổ chức vào ngày mùng 8 tháng Giêng, lễ hội đền Hét, xã Thái Thượng (Thái Thụy) có hội thi vật cầu độc đáo mang tinh thần thượng võ của cư dân vùng biển. Tương truyền, khi quân sĩ nhà Trần đóng tại làng Bích Du, xã Thái Thượng, tướng quân Phạm Ngũ Lão đã sáng tạo ra nhiều hình thức phong phú để rèn luyện thể lực và ý chí quả cảm cho quân sĩ, trong đó có vật cầu. Để tham dự hội thi này, các thôn cử ra 18 người chơi là những trai tráng khỏe mạnh, chia thành 2 đội, bao gồm 1 tướng và 8 quân. Sân cầu là bãi cát, quả cầu là củ chuối hột, nặng 8kg, được gọt tròn, nhẵn, đặt ở giữa sân. Khi cuộc vật cầu bắt đầu, người chơi phải vận dụng sức khỏe, sự nhanh nhẹn, khéo léo giành lấy quả cầu đem về bồ của đội mình.
Trong cuốn sách “Lễ hội truyền thống ở Thái Bình” xuất bản năm 1999 của nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Thanh có ghi: “Trước giờ thi đấu, quả cầu được chôn sâu ở vạch ngang giữa sân, phủ kín không còn dấu vết nơi chôn cầu... Trống cái điểm vào cuộc, hai bên dùng chân gạt cát ở điểm giữa sân để tìm quả cầu. Khi thấy cầu thì tranh nhau dùng chân hất lên, khi quả cầu được hất lên mặt sân mới được dùng tay cướp cầu. Đây là một thao tác khó vì người này gạt cát ra để gảy cầu lên thì người kia lại gạt cát phủ xuống...”.
Dù thể thức thi đấu có khác so với trước nhưng đây vẫn luôn là môn thể thao độc đáo, thể hiện tính cộng đồng, tái hiện tinh thần thượng võ chỉ có ở vùng quê ven biển này, đồng thời, tạo nên không khí tưng bừng, háo hức cho người xem. Tham gia hội thi vật cầu, trai tráng nào cũng mong đội mình thắng cuộc, khởi đầu một năm mới nhiều may mắn và thuận lợi.
Thi vật cầu ở lễ hội đền Hét.
Múa giáo cờ giáo quạt - điệu múa cổ làng Giắng
Lễ hội làng Thượng Liệt (làng Giắng), xã Đông Tân (Đông Hưng) được tổ chức vào dịp đầu xuân mới, từ ngày 10 - 12 tháng Giêng hàng năm, trong đó nổi bật và đặc sắc nhất là lễ rước ông thầy bà thợ và điệu múa giáo cờ giáo quạt. Ở làng Giắng, múa giáo cờ giáo quạt là nét văn hóa đặc trưng, là niềm tự hào của người dân. Tính nhân văn và thẩm mỹ chính là giá trị cao nhất giúp điệu múa có sức sống bền lâu, vượt qua gần 700 năm với bao thăng trầm của thời cuộc vẫn hiện diện trong mỗi lễ hội làng Giắng cho đến ngày nay.
Theo các thần tích, thần sắc hiện đang được lưu giữ và lời kể của các cụ cao niên thì điệu múa do công chúa Trần Thị Quý Minh, con vua Trần Duệ Tông sáng tạo ra. Đây là điệu múa vừa có tính nghi lễ vừa đậm chất dân gian, mang tính tập thể cao, được duy trì biểu diễn hàng năm vào ngày 10 tháng Giêng. Đội múa gồm 40 - 50 người là các cô gái trẻ từ 8 - 15 tuổi, qua quá trình tuyển chọn được các bà thợ dạy múa. Điểm đặc biệt của điệu múa là sự di chuyển nhịp nhàng của đội hình trong mỗi cấp múa khác nhau kết hợp với các động tác chân và tay linh hoạt.
Ngày nay, các cấp múa tuy có giảm đi từ 36 cấp múa xuống gần 20 cấp nhưng vẫn giữ được nội dung nguyên bản của điệu múa cổ từ xa xưa. Người múa giáo cờ giáo quạt giờ đây không chỉ là những cô gái chưa chồng mà còn là cả người già, phụ nữ đã có chồng. Trang phục cũng đã có sự thay đổi, cải tiến hơn để phù hợp với lứa tuổi của người múa nhưng tinh thần của bài múa vẫn giữ được nguyên vẹn những nét duyên dáng của bài múa cổ xưa. Với bản sắc văn hóa độc đáo, từ đồng quê Thái Bình, điệu múa giáo cờ giáo quạt đã nhiều lần được trình diễn tại các nước châu Á, châu Âu...
Múa giáo cờ giáo quạt ở làng Thượng Liệt.
Không chỉ lễ hội chùa Keo, lễ hội đền Hét, lễ hội làng Giắng mà Thái Bình còn có hơn 400 lễ hội được tổ chức vào mùa xuân, trong đó mật độ lễ hội diễn ra ở tháng Giêng khá dày đặc. Ngoài ra, năm 2023 cũng là năm đầu tiên lễ hội đền Trần, xã Tiến Đức (Hưng Hà) được tổ chức với quy mô cấp tỉnh với 5 ngày lễ hội sôi nổi các trò chơi, hội thi dân gian độc đáo. Tiếp sau đó, ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình 21/3 cũng sẽ được tổ chức với nhiều hoạt động đặc sắc.
Mùa xuân này, du khách hãy về với Thái Bình để tận hưởng trọn vẹn không khí lễ hội nơi đây.
Tú Anh
Tin cùng chuyên mục
- Khai mạc lễ hội chùa Keo mùa thu năm 2024 12.10.2024 | 23:28 PM
- Lễ hội Bà Chúa Muối năm 2024 21.05.2024 | 16:41 PM
- Lễ hội truyền thống đền Hai Bà Trưng: Tri ân hai vị nữ tướng anh hùng dân tộc 27.04.2024 | 09:37 AM
- Lễ hội Tiên La năm 2024 diễn ra từ ngày 18 - 22/4/2024 10.04.2024 | 09:44 AM
- Quảng Ninh: Khai hội Đền Cửa Ông năm 2024 13.03.2024 | 03:45 AM
- Lễ rước Nghinh Ông độc đáo của ngư dân vùng biển Bạc Liêu 19.02.2024 | 19:47 PM
- Khai mạc lễ hội Lềnh truyền thống làng Lịch Động 19.02.2024 | 19:52 PM
- Lễ hội chùa Keo: Không gian văn hóa đặc sắc đầu xuân 16.02.2024 | 14:40 PM
- Lễ rước pháo khổng lồ làng Đồng Kỵ 13.02.2024 | 15:45 PM
- Chuẩn bị các điều kiện tổ chức lễ hội đền Trần năm 2024 16.01.2024 | 17:17 PM
Xem tin theo ngày
- Công bố quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác cán bộ
- Quyết tâm đạt mục tiêu “5 không” trong bảo đảm an ninh trật tự tết Nguyên đán
- Đảng đoàn HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh: Kiểm điểm tập thể và cá nhân năm 2024
- Công tác tuyên giáo góp phần tạo sự thống nhất trong hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân
- Triển khai công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và cải cách tư pháp năm 2025
- Tăng cường kiểm tra, giám sát ở những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh sai phạm, tiêu cực
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra tiến độ thi công đường vành đai phía Nam thành phố Thái Bình
- Hội nghị kiểm điểm tập thể và cá nhân các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh
- Nhân lên sức mạnh bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới
- Đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế tạo đà bứt phá cho tăng trưởng năm 2025