Thứ 5, 26/12/2024, 19:57[GMT+7]

Lễ hội chùa Keo mùa xuân: Thu hút với hội thi kéo lửa nấu cơm

Thứ 6, 27/01/2023 | 11:07:46
5,120 lượt xem
Đã thành thông lệ, cứ tới ngày 4 tháng Giêng, người dân lại nô nức trẩy hội chùa Keo mùa xuân, trang trọng các nghi thức dâng hương lễ Phật, lễ Thánh, cầu cho một năm mùa màng no ấm và tham gia vào những trò chơi dân gian độc đáo, trong đó có tục kéo lửa nấu cơm thi. Niềm vui hân hoan từ hội thi đầu xuân mới tạo tinh thần, khí thế phấn khởi, hứa hẹn một năm nhiều thuận lợi và may mắn.

Thi kéo lửa nấu cơm tạo không khí quây quần, sum họp trong ngày đầu xuân.

Khác với lễ hội mùa thu diễn ra trong 5 ngày, lễ hội chùa Keo mùa xuân chỉ diễn ra vào ngày 4 tháng Giêng với các cuộc đua tài giải trí gắn với sinh hoạt của cư dân nông nghiệp như thi bắt vịt, thi kéo lửa nấu cơm. Năm nay thời tiết thuận lợi, nắng ráo khiến cho hội thi dân gian độc đáo này diễn ra thuận lợi và thu hút đông đảo du khách, nhân dân địa phương tham gia cổ vũ, tìm hiểu về nét văn hóa cổ truyền. 

Ông Nguyễn Hữu Khang, Trưởng ban khánh tiết lễ hội chùa Keo mùa xuân cho biết: Sau 2 năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, năm nay người dân địa phương vui mừng, phấn khởi khi lễ hội cùng các trò đua tài lại được diễn ra theo đúng nghi lễ truyền thống. Việc có rất đông khán giả hô hào, cổ vũ tạo nên không khí thi đua hăng hái cho thành viên của mỗi đội. Người chạy giải lấy nước như cũng nhanh hơn, người kéo lửa, nấu cơm như cũng nhịp nhàng, khéo léo, kết hợp với nhau hài hòa hơn để cùng tạo nên mâm cỗ hoàn chỉnh nhất dâng cúng Đức Thánh.

Để tham gia hội thi kéo lửa nấu cơm, các giáp trong làng Keo cử ra 4 đội, mỗi đội gồm 8 người. Trong đó, 2 người có sức khỏe, nhanh nhẹn và sức bền tốt để tham gia thi chạy giải, các thành viên đều phải có sự phối hợp nhuần nhuyễn trong từng công đoạn từ kéo lửa đến nấu cơm. Nếu như trước đây thành viên tham gia thi là các thanh niên trai tráng trong làng Keo thì nay không giới hạn về độ tuổi. Trong một đội bao gồm cả thanh niên, trung niên nhưng phải là những người đã có kinh nghiệm trong tục thi này để hoàn thành mâm cỗ trong thời gian nhanh nhất. Tuy năm nào cũng có sự thay đổi về nhân sự nhưng những nét văn hóa cổ truyền, tục lệ của làng Keo xưa vẫn luôn được người dân nơi đây chung tay gìn giữ và phát huy. Với quan niệm làng nào thắng giải của hội thi, được dâng mâm cơm lên lễ Thánh thì năm đó cả làng ấy sẽ gặp nhiều may mắn, công việc thuận lợi, hanh thông, mùa màng bội thu... nên để được đại diện cho làng mình tham gia vào hội thi mỗi thành viên đều được tuyển chọn gắt gao, mang trong mình vinh dự và trọng trách lớn lao.

Hội thi kéo lửa nấu cơm gồm 2 công đoạn: Khi thành viên chạy giải lấy nước đã hoàn thành 3 vòng hồ và mang nước về thì việc kéo lửa nấu cơm mới bắt đầu. Lúc này cần tới sự khéo léo và kiên nhẫn của từng thành viên trong việc tham gia kéo lửa. Người thi dùng một đoạn tre già khô đục lỗ thủng ở giữa thân, sau đó luồn một sợi dây bện bằng tre nứa khô qua lỗ thủng này. Ở hai đầu dây hai người giữ chặt, kéo qua kéo lại thật nhanh tạo lực cọ sát mạnh phát thành lửa. Một thành viên trong đội dùng bùi nhùi cho vào lấy lửa; người thi dừng kéo, thổi thật khéo cho bùi nhùi cháy, lửa được lấy ra đem nấu cơm, xôi, chè.

Thời gian thi không giới hạn nên ban giám khảo sẽ chấm điểm mâm cơm nào đạt các tiêu chí cơm chín, xôi rền, chè sánh, vệ sinh sạch sẽ để tuyên bố thắng cuộc và dâng lên lễ Thánh. Người dân làng Keo tin rằng tham gia hội thi là được Đức Thánh phù hộ nên tục lệ này đã được người dân nơi đây đời nối đời trao truyền qua bao thế hệ và năm nào cũng có rất đông người mong muốn được tranh tài. Hội thi truyền thống như sợi dây vô hình kéo các thế hệ lại gần nhau hơn, cùng cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cả làng quây quần, sum vầy bên nhau. Ngoài ra, một quan niệm nữa là dân làng Keo tin rằng các ông đầu rau được các đội sử dụng trong hội thi này sẽ đem lại may mắn trong gia đình nên khi hội thi kết thúc ai cũng mong muốn xin được 1 ông đầu rau mang về để trong gian bếp của nhà mình, cầu cho một năm ấm áp, gia đình sum vầy, gian bếp luôn đỏ lửa.

Hội thi kết thúc khi cả 4 đội đều đã hoàn thành mâm cỗ bao gồm cơm, xôi và chè. Khi mâm cỗ chưa được chấm điểm và chưa được dâng lên lễ Thánh, việc ban lộc là xôi, cơm còn thừa lại trong nồi, trong chõ là điều cấm kỵ. Năm nay, với sự xuất sắc của các đội thi, cả 4 mâm cơm đều được lựa chọn dâng lên lễ Thánh. Vậy là cả làng Keo lại có thêm niềm vui mừng, phấn khởi trong ngày đầu xuân mới.

Kéo lửa nấu cơm thi kết thúc nhưng tiếng trống rộn ràng, tiếng cười giòn tan của những đội thắng giải, tiếng hò reo cổ vũ của dân làng, du khách như vẫn vang vọng, trở thành một kỷ niệm thật đẹp về lễ hội đầu xuân. Giữa nhịp sống hối hả thường nhật, trẩy hội đầu xuân không chỉ là dịp để mỗi người có được phút tĩnh lặng trong tâm hồn, dâng hương lễ Phật, lễ Thánh mà còn có thêm niềm tin và hy vọng về một năm với thật nhiều điều tốt đẹp đón đợi phía trước.

Người dân làng Keo hân hoan dâng mâm cơm lên Đức Thánh.

Tú Anh

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày