Thứ 5, 26/12/2024, 07:36[GMT+7]

Lễ hội đền Trần năm 2023: Tự hào truyền thống quê hương

Thứ 6, 03/02/2023 | 09:41:50
4,373 lượt xem
Lễ hội đền Trần, xã Tiến Đức (Hưng Hà) được tổ chức từ ngày 13 - 18 tháng Giêng hàng năm là dịp để du khách vãn cảnh, tìm hiểu, tưởng nhớ công lao và sự phát triển rực rỡ của vương triều Trần. Những dấu ấn lịch sử của cha ông để lại đã trở thành niềm tự hào, là động lực để người dân Hưng Hà tiếp nối truyền thống xây dựng Hưng Hà phồn vinh, cường thịnh.

Đền Trần tọa lạc trên diện tích 32,4ha, đền thờ các vua Trần được xây dựng công phu, uy nghi bề thế nằm giữa trung tâm xã Tiến Đức với các hạng mục đã hoàn thành gồm: tòa hậu cung, tòa bái đường, tả vu, hữu vu, nghi môn, đài hóa vàng, ba ngôi mộ các vua Trần và một số công trình kiến trúc liên quan. Đây được coi là nơi phát tích, vùng quê sáng nghiệp, hưng nghiệp và giữ nghiệp của vương triều Trần. Ngay từ đầu thế kỷ thứ XIII vùng đất Long Hưng (nay là Hưng Hà) đã được nhà Trần chọn làm nơi dựng nghiệp. Nơi đây không chỉ là nơi giữ gìn long mạch giúp vương triều Trần hưng vượng mà còn là hậu cứ hiểm yếu luyện binh khiển tướng, tích lũy lương thảo, chế tạo vũ khí, phụ trợ đắc lực cho công cuộc nuôi quân đánh giặc. Đây cũng là nơi yên nghỉ của các liệt tổ nhà Trần, của Thái tổ Trần Thừa và ba vị vua đầu triều Trần. Ngày 27/1/2014, lễ hội đền Trần Thái Bình được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. 

Ông Vũ Xuân Thắng, thành viên Ban Quản lý lễ hội đền Trần chia sẻ: Lễ hội đền Trần luôn chú trọng bảo tồn, gìn giữ nguyên vẹn nhiều hoạt động văn hóa dân gian gắn với sinh hoạt của cư dân vùng trồng lúa nước Bắc Bộ. Năm nay, ngoài những nghi thức cổ truyền, lễ hội đền Trần còn tổ chức giải võ cổ truyền tỉnh Thái Bình, triển lãm nhiếp ảnh mỹ thuật mừng Đảng, mừng xuân, giải kéo co, liên hoan văn nghệ quần chúng huyện Hưng Hà, ngày thơ Việt Nam... Những hoạt động đó không chỉ mang lại không khí sôi nổi, phấn khởi cho lễ hội mà còn nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân và khơi dậy niềm tự hào của mỗi người dân, đồng thời giúp du khách thập phương hiểu hơn về nét đẹp văn hóa của dân tộc. Là người gắn bó nhiều năm với đền nên chúng tôi luôn trân trọng, nâng niu và gìn giữ những truyền thống tốt đẹp của vùng đất địa linh nhân kiệt.

Những ngày này, bà con nhân dân huyện Hưng Hà càng phấn khởi và tự hào khi lễ hội đền Trần lần đầu tiên được tổ chức quy mô cấp tỉnh. Trên gương mặt người dân ai cũng rạng rỡ nụ cười và sự hào hứng tham gia các hoạt động lễ hội. 

Ông Vũ Văn Vân, thôn Trung Thượng, xã Tiến Đức cho biết: Hơn 20 năm qua, năm nào tôi cũng đến dự lễ hội đền Trần để tưởng nhớ công ơn của các vua Trần triều. Tôi rất tự hào khi được sinh ra và lớn lên tại vùng đất cổ này. Lễ hội đền Trần đã gắn bó với mỗi người dân chúng tôi và ngày càng trở lên sâu đậm trong đời sống văn hóa tinh thần, là niềm tự hào kiêu hãnh để chúng tôi luôn trân trọng quá khứ, biết ơn các thế hệ tiền nhân.

Phát huy truyền thống vùng đất phát tích sáng nghiệp đế vương triều Trần, thế hệ trẻ hôm nay cũng ra sức thi đua học tập, rèn luyện để xứng danh con cháu họ Trần. Anh Trần Văn Hải, thôn Tây Nha, xã Tiến Đức sinh ra trong một gia đình có truyền thống viết thư pháp nên đã sớm tiếp xúc với bộ môn nghệ thuật này. Với anh Hải, việc học và viết chữ thư pháp là một trong cách lưu giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống của cha ông và quảng bá hình ảnh quê hương với các bạn bè. 

“Tôi rất tự hào là người con của quê hương Tiến Đức là con cháu của các vua Trần triều, vì thế tôi chọn cho mình việc viết thư pháp tại đền Trần để tưởng nhớ công ơn to lớn của các vua Trần. Nhờ đó, tôi được thả hồn vào những giá trị tinh hoa của cha ông để lại. Là người trẻ tuổi, tôi sẽ cố gắng rèn luyện, noi gương các bậc tiền nhân để tiếp tục cống hiến công sức, trí tuệ xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp” - anh Hải chia sẻ.

Lễ hội đền Trần độc đáo với thi cỗ cá.

Người dân Hưng Hà hôm nay, càng tự hào khi những trò chơi dân gian của địa phương được tái hiện lại trong cuộc sống hiện đại. Chị Nguyễn Thị Hằng, thị trấn Hưng Nhân cho biết: Hiếm có lễ hội nào quy tụ được các trò chơi dân gian, các thú chơi xuân phong phú như lễ hội đền Trần Thái Bình. Tôi cảm thấy rất vui và tự hào khi được tận mắt chứng kiến người dân tham gia các trò chơi dân gian này. Đây là dịp giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần uống nước nhớ nguồn cho người dân địa phương và giáo dục cho lớp trẻ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Còn anh Nguyễn Văn Minh, xã Tây Đô đang công tác tại thành phố Hà Nội phấn khởi cho biết: Sau 2 năm dịch Covid-19, năm nay chúng tôi lại được hòa mình vào lễ hội đền Trần. Mỗi khi đến đây, trong lòng tôi lại dâng lên một cảm xúc thiêng liêng tự hào về truyền thống cha ông để khi ra về lại cảm thấy trong lòng thanh thản với niềm tin một năm mới hạnh phúc và may mắn. Nét đẹp này cần được duy trì và phát triển để mỗi người dân Hưng Hà dù đi bất cứ đâu cùng nhớ về cội nguồn với niềm tự hào sâu sắc.

Với nét độc đáo và linh thiêng, lễ hội đền Trần đã vượt qua tính chất vùng miền, trở thành niềm tự hào người dân Thái Bình.

Thanh Thủy

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày