Thứ 6, 22/11/2024, 10:14[GMT+7]

Người dân nô nức tham gia lễ rước trong lễ hội đền Trần

Thứ 7, 04/02/2023 | 14:26:44
2,900 lượt xem
Mở màn cho chuỗi hoạt động diễn ra trong lễ hội đền Trần, lễ rước chiều ngày 13 tháng Giêng được tổ chức với sự tham gia thành kính, trang nghiêm của hàng nghìn người dân cùng du khách thập phương. Chưa năm nào lễ rước diễn ra quy mô với số lượng lớn đoàn tham gia như năm nay, thể hiện tấm lòng thành kính tri ân, chung sức đồng lòng của mỗi người dân đối với việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ hội đền Trần.

Mùa lễ hội năm nay, làng Tam Đường, xã Tiến Đức có hơn 100 người dân tham gia lễ rước. Ngay từ sớm, người dân các thôn trong xã Tiến Đức đã nô nức chuẩn bị trang phục, kiệu rồng, cờ phướn... tập trung trước sân đền, bảo đảm lễ rước nước được diễn ra linh thiêng, an toàn nhất. 

Là một trong những người tham gia đoàn rước nước nhiều năm qua, bà Nguyễn Thị Lụa cho biết: Ngay từ tháng Chạp, các đội tế lễ đã lên kế hoạch phục vụ lễ hội đền Trần. Năm nay tôi phục vụ đoàn nghi lễ truyền thống đi theo kiệu rước Thái sư Trần Thủ Độ. Được tham gia các đoàn tế là niềm vui của người dân địa phương, ai cũng phấn khởi và mang theo niềm tin về một năm mới nhiều may mắn, mưa thuận gió hòa, sản xuất thắng lợi. 

Còn bà Phạm Thị Ngà tham gia đoàn tín đồ Phật tử thôn Tam Đường trong lễ rước hào hứng chia sẻ: Sau 3 năm lễ hội truyền thống bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, năm nay nhân dân địa phương ai cũng nô nức đi theo các đoàn rước cầu cho lễ hội đầu năm diễn ra thuận lợi. Người dân chúng tôi đồng lòng tưởng nhớ công lao các vị vua triều Trần, gìn giữ nguyên vẹn những nghi thức tế lễ cổ truyền và những truyền thống tốt đẹp của vùng đất địa linh nhân kiệt. 

Nghi thức rước nước trong lễ hội đền Trần.

Rước nước là nghi lễ mang tính phổ biến, được thực hành trong hầu khắp các hội làng của cộng đồng cư dân ven các dòng sông lớn thuộc châu thổ Bắc Bộ. Với người dân Tam Đường nói riêng, cộng đồng các làng thuộc xã Tiến Đức nói chung, lễ rước nước rất được chú trọng, tổ chức trên sông Hồng. 

Theo các bậc cao niên trong vùng, nghi lễ này được thực hiện từ hàng trăm năm qua, có ý nghĩa nhắc nhở con cháu nhớ lại thuở xa xưa nhà Trần trước khi có được giang sơn xã tắc vốn làm nghề chài lưới trên sông. Là một trong những bậc cao niên của làng Tam Đường, cụ Phan Văn Tư nay đã ngoài 80 tuổi nhưng từ nhiều năm qua luôn tham gia đầy đủ các nghi thức trong lễ rước thủy và rước bộ. Cụ Tư chia sẻ: Đối với lễ hội đền Trần, nghi thức rước nước là nghi thức thiêng liêng. Tham gia lễ rước, ai cũng một lòng hướng về tổ tiên, mong muốn xin được nước ở ngã ba sông Hồng, nguyện cầu một năm mới tốt lành, thuận buồm xuôi gió. Quan trọng nhất trong lễ rước nước là nghi thức lấy nước nơi dòng nước trong sạch, tinh khiết giữa sông Hồng.  

Các bậc cao niên lấy nước nơi dòng nước trong sạch, tinh khiết giữa sông Hồng.

Trên đường từ sông Hồng trở về, trong niềm hân hoan đã lấy được nước thiêng, mọi người cùng chúc nhau một năm mới tốt lành, vạn sự hanh thông. Những con người dù xa lạ, dù chưa một lần gặp mặt nhưng nhờ nghi lễ truyền thống bỗng chốc như trở nên thật gần gũi, thân quen. Giữa không gian sông nước, họ trao nhau nụ cười ấm áp, cùng sẻ chia chút lộc may mắn đầu năm. 

Thủ nhang Đặng Vũ Trần Nhã cho biết: Năm nay dù mưa nhưng người dân một lòng tham gia nghi thức cổ truyền. Mong rằng từ lễ hội truyền thống việc bảo lưu những nét đẹp trong truyền thống văn hóa ngày càng được quan tâm hơn. Sau từ 3 - 5 ngày tế lễ, nước ở trong chum được lấy ra phân phát cho các giáp mang về chia lại cho các gia đình trong thôn làng để lấy phúc. Tập tục này cho đến nay luôn được coi là một nét văn hóa đặc biệt của lễ hội đền Trần. Cũng từ đây, lịch sử dân tộc với một vương triều cường thịnh cùng những chiến công lẫy lừng 3 lần thắng giặc Nguyên Mông trở nên thật gần gũi, chân thực và sống động khiến mỗi người dân cũng như du khách thập phương thêm phấn khởi, tự hào. 

Tú Anh

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày