Thứ 6, 22/11/2024, 11:33[GMT+7]

Để lễ hội thực sự an toàn, lành mạnh, văn minh

Thứ 4, 08/02/2023 | 09:39:10
2,689 lượt xem
Đã thành nét đẹp văn hóa, mùa Xuân luôn gắn liền với những lễ hội truyền thống của người Việt. Bên cạnh những giá trị tích cực, việc tổ chức một số lễ hội có lúc, có nơi còn những hạn chế nhất định, các địa phương cần tăng cường công tác quản lý, điều hành bảo đảm phù hợp và bám sát thực tiễn.

Đông đảo du khách và phật tử tham dự khai hội Chùa Hương năm 2023. Ảnh: Hải Yến.

Đến thời điểm này, hầu hết các vùng miền trên cả nước đã vào mùa lễ hội đầu năm. Sau 2 năm tạm hoãn hoặc hạn chế số lượng người tham dự vì chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, năm nay các lễ hội đã được tổ chức trở lại bao gồm cả phần lễ và phần hội. Có thể kể đến các lễ hội tiêu biểu như: Lễ hội Chùa Hương, Lễ hội Gò Đống Đa, Lễ hội Đền Sóc (Hà Nội); Lễ Tịch điền Đọi Sơn (Hà Nam); Lễ hội xuân Yên Tử (Quảng Ninh); Lễ hội Đền Trần (Thái Bình); Lễ hội núi Bà Đen (Tây Ninh); Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu (Bình Dương)… Nhìn chung, công tác tổ chức và phục vụ du khách đã có nhiều chuyển biến tích cực: Tính văn minh tại nơi thờ tự được nâng cao; không gian lễ hội được bảo đảm sạch đẹp, an toàn; các yếu tố truyền thống được bảo tồn, giữ gìn có hiệu quả; người dân và du khách cơ bản chấp hành tốt hơn các quy định… 

Bên cạnh đó, điểm nhấn đáng ghi nhận khi mùa lễ hội năm nay bắt đầu đó là các địa phương, trực tiếp là các ban tổ chức, ban quản lý lễ hội đã có những đầu tư về hạ tầng, tăng cường lực lượng phục vụ khách đến lễ, dự hội; làm tốt việc thu gom đồ lễ, vệ sinh di tích; công tác tổ chức cũng bảo đảm trang trọng, tiết kiệm, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, thuần phong mỹ tục. Tệ nạn và những biến tướng ở lễ hội có chiều hướng giảm mạnh, góp phần đưa hoạt động lễ hội và nhu cầu đi lễ đầu năm của người dân dần trở về với những giá trị văn hóa truyền thống vốn có.

Nhiều ý kiến cho rằng, những tín hiệu tích cực kể trên có được là nhờ sự chỉ đạo thường xuyên của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các cơ quan quản lý địa phương, nhất là sự phối hợp chặt chẽ cùng làm từ cấp trung ương đến cơ sở; sự vào cuộc thực sự trách nhiệm của các ban tổ chức, ban quản lý lễ hội và ý thức của mỗi người dân khi tham gia các lễ hội đầu năm. 

Điển hình như tại Hà Nội, theo đồng chí Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội, đối với các lễ hội lớn, dài ngày tập trung đông người, các doanh nghiệp, cá nhân tham gia dịch vụ phải ký cam kết với ban tổ chức lễ hội, thực hiện việc niêm yết công khai giá bán các mặt hàng, các phí phục vụ tại lễ hội. Nghiêm cấm các hoạt động mê tín, dị đoan như: bói toán, xóc thẻ; tàng trữ, buôn bán, sử dụng văn hóa phẩm cấm lưu hành; tổ chức trò chơi có tính chất cá cược, đánh bạc dưới mọi hình thức; không tổ chức các hoạt động dịch vụ trong khu vực bảo vệ một của di tích lịch sử - văn hóa; không quảng cáo bằng loa, đài gây tiếng ồn quá mức quy định trong lễ hội… Nhờ đó, các lễ hội trên địa bàn Thủ đô đã có những chuyển biến mạnh mẽ theo hướng an toàn, lành mạnh, văn minh.

Trên phạm vi cả nước, chia sẻ với báo chí, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương cho biết, với mùa lễ hội 2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khuyến khích các địa phương tổ chức theo hướng thiết thực, hiệu quả, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc, thuần phong mỹ tục; ngăn chặn biểu hiện tiêu cực, lợi dụng lễ hội thu lợi bất chính; hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc, cờ bạc trá hình, ăn xin, dịch vụ đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch… diễn ra trong lễ hội. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nét đẹp văn hóa và ý nghĩa biểu trưng của các thực hành lễ hội đến cộng đồng; kịp thời động viên, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp tích cực cho công tác quản lý và tổ chức lễ hội.

Phần tái hiện cảnh vua Lê Đại Hành cày ruộng tại Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn năm 2023. Ảnh: Trần Chiến.

Từ góc nhìn nghiên cứu, một số chuyên gia cho rằng, trong quản lý, tổ chức các lễ hội, cần phải chú ý đảm bảo yếu tố “văn hóa gốc” của lễ hội. Lễ hội không nên tổ chức dài ngày, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh. Đồng thời, ban tổ chức các lễ hội cần tăng cường kiểm tra các hoạt động văn hóa, xử lý nghiêm vi phạm, phòng ngừa các tệ nạn xã hội như bói toán, bán thẻ, sách báo ngoài luồng, hàng hóa không rõ nguồn gốc, đồ chơi trẻ em nguy hiểm… Chính quyền địa phương cùng cơ quan quản lý các cấp cần phát hiện, xử lý kịp thời và có biện pháp chấn chỉnh những trường hợp vi phạm.

Mới đây, ngày 27/01, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Chỉ thị số 03/CT-TTg đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Trong đó, về việc tổ chức lễ hội, Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương tăng cường thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lễ hội theo thẩm quyền. Hướng dẫn các địa phương khẩn trương tổ chức những biện pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước về lễ hội trên địa bàn, bảo đảm trang trọng, tiết kiệm, văn minh, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về tổ chức và tham gia lễ hội; yêu cầu người cung ứng dịch vụ, hàng hóa tại khu vực lễ hội phải niêm yết công khai và bán đúng giá niêm yết; không chèo kéo, ép giá, ép du khách mua hàng tại các điểm du lịch, lễ hội…

Do đặc điểm văn hóa truyền thống, mùa lễ hội đầu năm trên cả nước thường diễn ra trong nhiều tháng sau Tết Nguyên đán. Nhiều lễ hội kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch như Lễ hội chùa Hương, Lễ hội xuân Yên Tử… Bên cạnh đó, tuy dịch COVID-19 đã được khống chế, nhưng nguy cơ lây lan một số loại dịch bệnh tại các khu vực đông người vẫn hiện hữu. Do vậy, để lan tỏa những điểm tích cực, bảo đảm mùa lễ hội năm nay thực sự an toàn, lành mạnh, văn minh, cần phát huy hơn nữa vai trò của ban tổ chức lễ hội, ban quản lý các di tích, kịp thời nắm bắt, giải quyết các tình huống nảy sinh trong lễ hội; thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc quản lý và tổ chức lễ hội; ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là những hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép; lôi kéo đông người tại lễ hội để tuyên truyền, quảng bá các hoạt động có dấu hiệu mê tín dị đoan, trái với thuần phong mỹ tục, vi phạm quy định về thực hiện nếp sống văn minh.

Bên cạnh đó, mỗi người khi tham gia các lễ hội cần đề cao ý thức trách nhiệm, tuân thủ đầy đủ các quy định. Lễ hội đầu năm vốn luôn gắn với những giá trị truyền thống cao đẹp, nhân văn. Những giá trị này chỉ có thể có được một cách trọng vẹn trên cơ sở ý thức của từng cá nhân và của cả cộng đồng xã hội trong tham gia lễ hội./.

Theo dangcongsan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày