Tháng ba giỗ Mẫu Tiên La
Ngôi đền ghi dấu chiến công Đông Nhung Đại tướng quân
Sử cũ ghi, thời Đông Hán, tại quận Giao Chỉ, Phượng Lâu thuộc châu Bạch Hạc có nàng Thục Nương (Vũ Thị Thục) không chỉ đẹp người, đẹp nết, văn võ song toàn mà còn giàu lòng nhân ái, yêu nước thương dân. Năm 18 tuổi, Thục Nương đính hôn với Phạm Danh Hương - quận trưởng Nam Chân. Đôi trai tài gái sắc đang chờ ngày hôn lễ thì Thái thú Tô Định hám sắc, bạo tàn, ép Thục Nương làm vợ. Bị từ chối, hắn giết cha và chồng chưa cưới của bà rồi cho quân lùng bắt bà. Không để rơi vào tay Tô Định, Thục Nương một mình giao chiến với kẻ thù, phá vòng vây, vượt sông về vùng Đa Cương, nương thân nơi cửa Phật.
Tại vùng đất thiêng Đa Cương, bà đã chiêu tập binh mã, dựng cờ mang 4 chữ vàng “Bát Nạn tướng quân”, lập đàn tế trời đất, dấy binh chống quân xâm lược. Năm 39 sau Công nguyên, Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa, kêu gọi các hào kiệt cả nước về tụ nghĩa, Bát Nạn tướng quân cùng quân sĩ vùng Đa Cương đầu quân để hợp sức chống quân Đông Hán. Mùa xuân năm 40, cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng toàn thắng. Sau khi lên ngôi, Trưng Vương ban phong Bát Nạn tướng quân là “Ngọc hoa công chúa, Đông Nhung Đại tướng quân” đứng đầu các tướng.
Năm 42, vua Đông Hán sai Mã Viện đem quân sang tái chiếm nước ta. Đông Nhung Đại tướng quân thống lĩnh quân tiên phong cùng Hai Bà Trưng quyết liệt đánh trả. Thế giặc bấy giờ rất mạnh, Hai Bà Trưng rút quân về Hát Môn, Phú Thọ. Trong trận quyết chiến, Hai Bà Trưng đã anh dũng hy sinh vào ngày 6 tháng 2 năm Quý Mão (năm 43 sau Công nguyên). Đông Nhung Đại tướng quân Vũ Thị Thục cùng quân sĩ lui về vùng Đa Cương tiếp tục kháng chiến. Tại đây, quân Đông Hán đã tập trung toàn bộ lực lượng vây ép nghĩa quân. Sau 39 ngày đêm giao chiến ác liệt, quân lương cạn kiệt, bà cùng quân sĩ đã anh dũng hy sinh tại gò Kim Quy vào ngày 17 tháng 3 năm Quý Mão (năm 43 sau Công nguyên).
Cảm kích, biết ơn công đức và chí khí oai hùng của bà, nhân dân quanh vùng đã lập đền thờ. Theo phong tục cổ truyền, hàng năm vào ngày 10 tháng 3 âm lịch là ngày khai mạc lễ hội đền Tiên La. Đây là dịp để các tầng lớp nhân dân địa phương và du khách thập phương về thắp nén tâm nhang tỏ lòng tri ân người nữ anh hùng dân tộc.
Ông Đặng Vũ Trần Nhã, thủ nhang đền Tiên La cho biết: Đền Tiên La được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1986. Hiện nay đền còn lưu giữ nhiều đồ tế có giá trị lịch sử quý giá... Lễ hội Tiên La trở thành nét đẹp văn hóa tâm linh của cộng đồng, là dòng chảy xuyên suốt thời gian, nối liền không gian quá khứ - hiện tại - tương lai, khơi dậy và phát huy truyền thống, tôn vinh đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Ngày 15/4/2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa lễ hội Tiên La vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là điểm nhấn quan trọng, là nguồn cổ vũ lớn lao để chúng tôi tiếp tục phấn đấu, giữ gìn và phát huy giá trị của quần thể khu di tích thờ Đông Nhung Đại tướng quân cho muôn đời sau.
Sẵn sàng cho mùa lễ hội an toàn
Năm 2022, đền Tiên La được đầu tư nâng cấp các hạng mục: 1 tòa trung tế, 7 gian tòa đại bái, 9 gian thờ lầu cô, lầu cậu và một số hạng mục khác với kinh phí gần 100 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa. Ông Vũ Văn Thắng, Ủy viên Ban trị sự đền Tiên La cho biết: Hiện nay nhà đền đã chủ động chuẩn bị các điều kiện để tổ chức lễ hội như: họp Ban quản lý đền để triển khai các hoạt động trước, trong và sau lễ hội; tiến hành tổng vệ sinh môi trường; chuẩn bị chu đáo cơ sở vật chất đón du khách thập phương về lễ hội... Chúng tôi cũng bảo đảm các hoạt động phần lễ diễn ra trang trọng, phần hội với nhiều hội thi độc đáo, sôi nổi, thu hút đông đảo du khách tham gia.
Lễ hội Tiên La diễn ra từ ngày 29/4 - 6/5/2023 (10 - 17/3 âm lịch). Cùng với việc tổ chức lễ bái yết, lễ rước nước, lễ dâng hương tưởng niệm 1980 năm ngày mất Đông Nhung Đại tướng quân, lễ rước Thánh Mẫu thỉnh kinh, rước Thánh Mẫu hồi cung còn có các hội thi giã bánh giầy, cờ biển, pháo đất, kéo co, tổ tôm điếm, têm trầu cánh phượng cùng một số hoạt động văn hóa dân gian tại đền Buộm và đền Rẫy trong những ngày diễn ra lễ hội.
Bà Nguyễn Thị Tuyết, xã Đoan Hùng (Hưng Hà) cho biết: Năm nào tôi cũng tham gia rước kiệu, rước nước, đây là niềm vinh dự và tự hào của mỗi người dân nơi đây. Năm nay tôi tiếp tục tham gia các nghi thức tế, rước và hội thi giã bánh giầy, têm trầu cánh phượng với mong muốn dâng lên Mẫu những vật phẩm ngon nhất, ý nghĩa nhất.
Nét mới của lễ hội Tiên La năm nay là khai mạc lễ hội được tổ chức vào sáng ngày 29/4/2023 thay vì tổ chức vào buổi tối như mọi năm để tạo điều kiện cho du khách thập phương đến tham gia lễ hội.
Ông Phạm Cao Quân, Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà cho biết: Chúng tôi đã thành lập và phân công nhiệm vụ cụ thể cho Ban tổ chức lễ hội, các tiểu ban, các ngành, đơn vị có liên quan; giao Ban quản lý di tích đền Tiên La chủ trì, thống nhất với Ban quản lý đền Buộm, đền Rẫy bố trí lực lượng tổ chức hành trình rước, bảo đảm an toàn trong lễ rước; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền nhân dân địa phương và du khách thập phương thực hiện các quy định về văn minh, an toàn, tiết kiệm trong lễ hội, phù hợp với điều kiện và tình hình hiện nay; có kế hoạch tổ chức phân luồng bảo đảm an toàn giao thông; chủ động các phương án phòng, chống cháy, nổ, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường; ký cam kết với các hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống tại khu vực diễn ra lễ hội.
Gần 2.000 năm đã trôi qua, quần thể di tích thờ Đông Nhung Đại tướng quân Vũ Thị Thục vẫn còn đó và được đời đời cháu con và nhân dân hương khói, giữ gìn, trở thành một trong những điểm nhấn du lịch văn hóa tâm linh của huyện Hưng Hà, của tỉnh Thái Bình nói riêng, của cả nước nói chung.
Đông đảo người dân tham gia lễ rước bộ.
Thanh Thủy
Tin cùng chuyên mục
- Khai mạc lễ hội chùa Keo mùa thu năm 2024 12.10.2024 | 23:28 PM
- Lễ hội Bà Chúa Muối năm 2024 21.05.2024 | 16:41 PM
- Lễ hội truyền thống đền Hai Bà Trưng: Tri ân hai vị nữ tướng anh hùng dân tộc 27.04.2024 | 09:37 AM
- Lễ hội Tiên La năm 2024 diễn ra từ ngày 18 - 22/4/2024 10.04.2024 | 09:44 AM
- Quảng Ninh: Khai hội Đền Cửa Ông năm 2024 13.03.2024 | 03:45 AM
- Lễ rước Nghinh Ông độc đáo của ngư dân vùng biển Bạc Liêu 19.02.2024 | 19:47 PM
- Khai mạc lễ hội Lềnh truyền thống làng Lịch Động 19.02.2024 | 19:52 PM
- Lễ hội chùa Keo: Không gian văn hóa đặc sắc đầu xuân 16.02.2024 | 14:40 PM
- Lễ rước pháo khổng lồ làng Đồng Kỵ 13.02.2024 | 15:45 PM
- Chuẩn bị các điều kiện tổ chức lễ hội đền Trần năm 2024 16.01.2024 | 17:17 PM
Xem tin theo ngày
- Triển khai công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và cải cách tư pháp năm 2025
- Tăng cường kiểm tra, giám sát ở những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh sai phạm, tiêu cực
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra tiến độ thi công đường vành đai phía Nam thành phố Thái Bình
- Hội nghị kiểm điểm tập thể và cá nhân các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh
- Nhân lên sức mạnh bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới
- Đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế tạo đà bứt phá cho tăng trưởng năm 2025
- Xác định công tác cán bộ là nhiệm vụ “then chốt” của công tác xây dựng Đảng
- Các đồng chí lãnh đạo hai tỉnh Thái Bình, Hưng Yên: Thăm, chúc mừng Tòa Giám mục Giáo phận Thái Bình nhân dịp lễ Giáng sinh năm 2024
- Công tác dân vận góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội
- Đưa nội hàm “chống lãng phí” vào công tác kiểm tra, giám sát của Đảng