Thứ 3, 23/07/2024, 10:17[GMT+7]

Độc đáo lễ hội đền Đồng Xâm

Thứ 7, 20/05/2023 | 14:18:57
8,999 lượt xem
Ðền Ðồng Xâm, xã Hồng Thái (Kiến Xương) là nơi thờ đức thánh Triệu Vũ Ðế và Trình Thị Hoàng Hậu gắn với những huyền thoại về một làng chèo, làng ca trù và đền thờ vị tổ nghề chạm bạc Nguyễn Kim Lâu - người đã có công truyền dạy cho nhân dân làng Đồng Xâm nghề vàng bạc cao quý. Hàng năm cứ vào dịp 1/4 âm lịch, xã Hồng Thái lại long trọng mở lễ hội với nhiều loại hình văn hóa truyền thống độc đáo thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh. Lễ hội đền Đồng Xâm năm 2023 diễn ra trong 3 ngày từ ngày 19 - 21/5 (tức từ ngày mùng 1- 3/4 âm lịch).

Ông Nguyễn Văn Niết, Chủ tịch UBND xã Hồng Thái cho biết: Đền Đồng Xâm được xây dựng năm Khải Định nhất niên (1922) và am thờ cụ tổ nghề kim hoàn được xây dựng từ thế kỷ thứ XV. Đền Đồng Xâm được xem như một tập đại thành của nghệ thuật khắc gỗ, kim loại, đắp vữa của Việt Nam thời Nguyễn. Đây là một quần thể di tích có quy mô hoành tráng, rộng lớn với gần 10.000m2 được xây dựng với nhiều công trình kiến trúc đẹp như vọng lâu, thủy tọa, hoành mã, sân tế, phương đình, tòa điện thờ, hậu cung, nhà thờ tổ nghề chạm bạc. Việc tổ chức lễ hội là dịp để thể hiện lòng thành kính, đạo lý uống nước nhớ nguồn tri ân các bậc tiền nhân có công tạo dựng lên quần thể di tích đền Đồng Xâm, đồng thời là dịp để giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống lịch sử của quê hương để mỗi người dân hiểu sâu sắc về truyền thống văn hóa, mảnh đất và con người Hồng Thái.

Am thờ cụ tổ nghề kim hoàn Nguyễn Kim Lâu được xây dựng từ thế kỷ thứ XV.

Lễ hội đền Đồng Xâm là dịp để người dân và du khách về dâng hương cầu nguyện, tham quan, ngắm cảnh.

Nét độc đáo của lễ hội là có nhiều hoạt động văn hoá tâm linh diễn ra như: rước kiệu Thánh Hậu; lễ dâng hương; tế nam quan, tế nữ quan. Tuy nhiên trong tiết mục tế tạ không chỉ có đoàn tế của làng Thượng Gia, xã Hồng Thái mà còn thu hút các đoàn tế của các xã lân cận tham gia.

Bà Trần Thị Thục, Trưởng đoàn tế nữ quan thôn Thượng Gia, xã Hồng Thái cho biết: Đoàn tế của thôn gồm 24 người, mỗi năm tế thánh 2 lần, ngoài lễ hội chúng tôi còn tế đầu xuân, rước kiệu của đức thánh bà về với đức thánh ông. Trước đây cứ đến ngày 6/8, 3 thôn ở 3 xã trong tổng Đồng Xâm đều giết lợn, giết trâu để tế thánh nhưng đến nay chỉ cử đoàn tế thôn Thượng Gia tế đại diện. Hoạt động này nhằm tưởng nhớ và tri ân đức thánh Triệu Vũ Ðế và Trình Thị Hoàng Hậu đã có công khai trương lập ấp lên tổng Đồng Xâm. Vì thế chúng tôi đã tế thánh trong 3 ngày hội và có những giá hầu thánh Triệu Vũ Ðế để cầu mong đức thánh phù hộ cho quốc thái dân an, người dân làm ăn thịnh vượng. 

Khu vực bày bán đồ trang sức thu hút du khách đến tham quan mua sắm.Phần thi bơi trải thu hút đông đảo người dân và du khách đến cổ vũ.

Bên cạnh hoạt động tâm linh, lễ hội Đồng Xâm còn có nhiều trò chơi dân gian độc đáo, trong đó sôi động nhất là trò chơi bơi trải truyền thống với 6 đội nam, 8 đội nữ tham gia đua tài trên sông Vông. Trong tiếng trống hội rộn rã, tiếng reo hò cổ vũ nhiệt tình, các đội đã cống hiến cho khán giả những pha đua hấp dẫn, ngang sức ngang tài.

Anh Tạ Văn Thu, thôn Hữu Bộc cho biết: Năm nào tôi cũng tham gia vào đội bơi trải của thôn, đội đua có 15 người gồm 12 tay chèo, 1 tay lái, 1 tát nước và 1 đánh mõ. Đây là một hoạt động văn hóa thể thao truyền thống và là tiết mục không thể thiếu trong lễ hội. Vì thế tôi đã cố gắng hết mình cùng với các tay chèo khỏe mạnh, lực lưỡng, khéo léo đem về thành tích cao nhất cho thôn. Đây cũng là dịp để người dân gần gũi nhau hơn, thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm giữ gìn nét văn hóa truyền thống của địa phương đồng thời gửi gắm ước nguyện về một năm mưa thuận gió hòa, cuộc sống ấm no hạnh phúc.

Cùng với đó, khi về với lễ hội, du khách còn được tham quan, mua sắm những món quà chạm bạc do chính người dân nơi đây làm ra. Tất cả các mặt hàng đều được chạm trổ hết sức công phu với nhiều đường nét hoa văn tinh xảo thể hiện sự điêu luyện, tinh tế và hoàn hảo trong từng sản phẩm. Không chỉ là những mặt hàng mỹ nghệ nổi tiếng như đồng hồ, tranh mặt trống đồng, tranh tứ quý, danh lam thắng cảnh, đồ lưu niệm mà du khách còn được thỏa sức đắm mình vào các sản phẩm đồ trang sức bằng bạc như dây chuyền, xà tích, nhẫn, hoa tai, lắc, vòng trâm, khánh, thánh giá… 

Bà Nguyễn Thị Sen, thôn Nam Hòa, xã Hồng Thái cho biết: Những ngày thường tôi là người sản xuất trực tiếp ra các sản phẩm này nhưng cứ đến dịp lễ hội tôi lại dừng sản xuất để tập trung vào việc trưng bày và bán sản phẩm. Mặc dù lượng khách mua ít hơn nhiều so với khách tham quan nhưng đây là cơ hội tốt để chúng tôi để quảng bá và giới thiệu sản phẩm của mình.

Bà Nguyễn Thị Nhiên, phường Đề Thám, thành phố Thái Bình chia sẻ: Tôi rất ấn tượng với không khí sôi động, nhộn nhịp của lễ hội. Đến lễ hội tôi không chỉ cầu cho gia đình mình được bình an, vui vẻ, hạnh phúc mà con được tham quan các công trình kiến trúc cổ của ngôi đền, chiêm ngưỡng các sản phẩm độc đáo của làng nghề mà còn được vào yết bái tổ nghề trong am thờ. Tôi thấy khâu tổ chức lễ hội rất chu đáo, người dân nơi đây rất thân thiện nên tôi rất hài lòng.


Bà Trần Thị Ngần, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Kiến Xương

Lễ hội đền Đồng Xâm là một trong 44 lễ hội truyền thống của huyện Kiến Xương. Để lễ hội được tổ chức trọng thể, trang nghiêm và thực sự an toàn, tiết kiệm, Phòng Văn hóa Thông tin đã thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn địa phương thực hiện tốt việc tổ chức lễ hội theo đúng quy định. Bên cạnh đó cũng yêu cầu các thành viên ban tổ chức lễ hội nêu cao tinh thần trách nhiệm, tạo mọi điều kiện cho du khách và nhân dân về dự lễ hội dâng hương an toàn, vui vẻ, phấn khởi thể hiện lòng mến khách của người Hồng Thái.


        Ông Triệu Đăng Khoa, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn chạm bạc Đồng Xâm.

Vinh dự cho xã Hồng Thái năm 2021 được cấp trên đầu tư xây dựng nhà trưng bày sản phẩm chạm bạc ngay cạnh khu vực đền Đồng Xâm. Từ đó đến nay nơi đây đã hội tụ tất cả các sản phẩm tiêu biểu nhất để trưng bày, giới thiệu cho du khách về với làng nghề. Trong dịp lễ hội mỗi ngày đã có hàng nghìn lượt người đến tham quan mua sắm sản phẩm, góp phần để sản phẩm của làng nghề ngày càng bay xa.  

         Bà Phạm Thị Mai, tỉnh Bình Phước

Đây lần thứ 2 tôi về dự lễ hội kể từ năm 1978 chuyển từ xã Trà Giang vào tỉnh Bình Phước sinh sống. Tôi rất phấn khởi và tự hào khi quê hương Kiến Xương vẫn duy trì được lễ hội truyền thống độc đáo này và có các tiết mục đặc sắc phục vụ cho du khách về với lễ hội. Vì thế tôi vừa tham quan, ngắm cảnh tôi vừa đăng tải trực tiếp lên mạng xã hội để khoe với bạn bè, người thân và chắc chắn tôi sẽ mua sản phẩm của làng nghề để mang đi làm quà tặng.


 Thu Thủy

       

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày