Thứ 7, 23/11/2024, 06:26[GMT+7]

Độc đáo lễ rước Đức Thánh trong lễ hội chùa Keo

Thứ 2, 12/02/2024 | 17:05:35
2,584 lượt xem
Theo chia sẻ của những bậc cao niên làng Keo, đã gần 400 năm, lễ rước Đức Thánh Dương Không Lộ trong lễ hội chùa Keo (Vũ Thư) mùa thu vẫn được giữ nguyên bản, không lai căng. Chẳng thế mà “Dù cho cha đánh mẹ treo/Em không bỏ hội chùa Keo hôm rằm” là những câu ca đã gắn liền với lễ hội chùa Keo mùa thu, cho thấy sức hút, nét độc đáo của lễ hội truyền thống nơi đây. Náo nức trẩy hội chùa Keo, du khách mong mỏi được tham gia vào lễ rước cùng với hàng trăm người dân, tín đồ Phật tử cầu cho quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt, bội thu.

Lễ rước Đức Thánh trong lễ hội chùa Keo thu hút sự tham gia của người dân ở mọi lứa tuổi.

Náo nức chuẩn bị

Một năm chùa Keo có 2 mùa lễ hội là lễ hội mùa xuân và lễ hội mùa thu. Trong đó, lễ hội mùa thu diễn ra từ ngày mùng 10 - 15/9 âm lịch với nhiều nghi thức tế lễ độc đáo, trò chơi dân gian được tổ chức gần gũi với nét sinh hoạt của cư dân đồng bằng châu thổ sông Hồng. Lễ rước Đức Thánh chỉ diễn ra ở lễ hội mùa thu, bao gồm 18 đoàn rước, hàng trăm người rước Đức Thánh từ đền Thánh ra Tam quan ngoại vào buổi sáng và từ Tam quan ngoại về đền Thánh vào buổi chiều các ngày 13 - 15/9 âm lịch. 

Đã nhiều năm gắn bó với nghi thức tế lễ cổ truyền, ông Nguyễn Hữu Khang, Trưởng ban khánh tiết lễ hội chùa Keo, cũng là một trong những bậc cao niên của làng Keo chia sẻ: Điều đáng quý nhất trong lễ rước là gần 400 năm rồi nghi lễ truyền thống này vẫn giữ nguyên bản, không lai căng. Trước lễ rước nhiều tháng, nhân dân làng Keo đã họp bàn, thực hiện công tác chuẩn bị sao cho mọi công việc diễn ra được tươm tất, đủ đầy nhất. Trong đó, từ các bô lão đến các cháu thiếu nhi dù đã tham gia vào lễ rước nhiều năm vẫn phải dành cả tháng tập luyện sao cho đều và đẹp. Các cụ áo vàng phải tập tay cầm binh khí, cách đi theo hàng. Đội trai kiệu, các cháu bơi chải phải tập sao cho mọi động tác đều chuẩn chỉ thì khi lễ rước diễn ra mới trang nghiêm, tôn kính.

Đoàn những trai đinh khiêng kiệu Thánh. 

Là một trong những người dân làng Keo tham gia vào lễ rước trong cả 3 ngày lễ hội, bà Nguyễn Thị Hương, xã Duy Nhất (Vũ Thư) chia sẻ: Trong các đoàn rước, nhiều du khách đặc biệt ấn tượng với đoàn những em bé mục đồng tượng trưng cho các trẻ chăn trâu trong lễ rước kiệu Đức Thánh, đây như sự tiếp nối những giá trị truyền thống của thế hệ hôm nay. Các em bé đều xin tham gia lễ rước với mong muốn xin sức khỏe, xin trí tuệ thông minh, học tập giỏi giang. Tôi đã tham gia những buổi dạy các cháu hiểu về tục lệ cổ truyền của làng và từ trước đến giờ vẫn cứ lớp người đi trước truyền lại cho lớp người đi sau như vậy. Người dân làng Keo đều mong muốn năm nào cũng được đi rước Đức Thánh.

Trang nghiêm lễ rước

Với sự chuẩn bị chu đáo của người dân làng Keo và các tín đồ Phật tử nên khi đến với lễ hội chùa Keo trong các ngày hội chính, từ ngày 13 - 15/9 âm lịch, du khách được chiêm ngưỡng đoàn rước gần 500 người với nghi thức rước Đức Thánh lên kinh đô chữa bệnh cho vua và diễn tả lại cuộc đời của ngài vốn xuất thân từ nghề chài lưới. Đi đầu đoàn rước là 2 cỗ ngựa một hồng một trắng, chân ngựa lắp bánh xe, mỗi ngựa có 4 người đẩy. Tham gia vào lễ rước là các đoàn như: đoàn vác cờ thần; đoàn mang đồ tế khí, bát biểu; đoàn khiêng giá thuyền rồng sơn son thếp vàng tượng trưng cho thuyền của Thiền sư Dương Không Lộ khi lên kinh đô chữa bệnh cho vua; đoàn khiêng giá tiểu đĩnh trên đặt chiếc thuyền con dân gian vẫn gọi là thuyền vỏ trấu tượng trưng cho chiếc thuyền đánh cá của Thiền sư Dương Không Lộ thuở hàn vi; đoàn những em bé mục đồng tượng trưng cho lũ trẻ chăn trâu; đoàn những trai đinh vạm vỡ, mình trần, khố đỏ, đầu đội mũ võ khiêng kiệu Thánh... Điều hành toàn bộ lễ rước là hai ông tổng cờ, ngược xuôi hai bên đoàn rước.

Ông Đỗ Ngọc Trung, Trưởng ban Quản lý di tích chùa Keo cho biết: Thuở trước, làng Keo có 8 giáp. Theo định lệ cổ truyền, hàng năm 8 giáp của làng Keo cùng chăm lo mở hội vào 2 kỳ lễ hội. Ở hội thu, cuộc đời và hành trang của vị thánh Dương Không Lộ được tái hiện như một diễn xướng lịch sử, bảo lưu nhiều lễ thức mang tính tôn giáo nhưng đậm đà sắc thái của những sinh hoạt văn hóa dân gian, trong đó có múa ếch vồ và chèo chải cạn.

Đoàn khiêng giá tiểu đĩnh trên đặt chiếc thuyền con dân gian vẫn gọi là thuyền vỏ trấu tượng trưng cho chiếc thuyền đánh cá của Thiền sư Dương Không Lộ thuở hàn vi. 

Trong 3 ngày lễ rước Đức Thánh được diễn ra, vào chiều ngày 14, khi bài vị Thánh tổ đã hồi cung, tại tòa Giá roi diễn ra điệu múa ếch vồ. Đây là điệu múa cổ có sự tham gia của 14 trai kiệu với những động tác khỏe mạnh, dứt khoát, ngoài ra còn có 1 người đánh mõ, 1 người đánh trống khẩu và 1 người phất cờ. Ngày 15, mọi nghi lễ được tiến hành tương tự như ngày 14 và kết thúc bằng lễ bơi chải cạn chầu thánh, tục gọi là múa chèo chải cạn. Đây cũng là cuộc lễ để kết thúc 3 ngày hội chính của lễ hội chùa Keo mùa thu. Cho đến nay, tục bơi chải trên sông Hồng ở lễ hội chùa Keo mùa thu chưa khôi phục được nhưng tục rước kiệu Đức Thánh khi hồi cung có múa ếch vồ và múa chèo chải cạn vẫn được dân làng Keo duy trì nghiêm cẩn như lệ cũ.

Lễ hội chùa Keo với những nghi thức tế lễ độc đáo là điểm đến văn hóa tâm linh trên miền quê lúa Thái Bình.  

Trải qua gần 400 năm, chùa Keo và lễ hội chùa Keo là điểm đến văn hóa tâm linh trên miền quê lúa Thái Bình. Với sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự đồng thuận của mỗi người dân, những nghi thức tế lễ độc đáo riêng có như lễ rước Đức Thánh tại lễ hội chùa Keo ngày càng được chung tay gìn giữ, qua đó không chỉ có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần mà còn là điểm hẹn của du khách thập phương mong muốn được tìm hiểu, khám phá mảnh đất, con người nơi đây.

Minh Đức 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày