Thứ 6, 22/11/2024, 20:43[GMT+7]

Di tích đình Tây và sự tri ân tưởng nhớ danh tướng thời vua Hùng

Thứ 7, 16/03/2024 | 21:28:02
3,019 lượt xem
Lễ hội làng Đào Xá, xã An Đồng (Quỳnh Phụ) tổ chức từ ngày 10 - 12/2 âm lịch hàng năm tại đình Tây và đình Đông, làng Đào Xá.

Đình Tây, thôn Đào Xá, xã An Đồng (Quỳnh Phụ).

Di tích đình Tây được phục dựng vào năm Khải Định thứ 9 (1924). Đình thờ tam vị Đại vương: Đỗ Hiền tướng quân Đại vương, Đỗ Hạ tướng quân Đại vương, Hùng Tuấn Chỉnh Đại vương và thờ nhị vị Phúc thần. Hiện trong đình còn lưu giữ 5 sắc phong thời Nguyễn và 1 quyển thần tích được Lý trưởng làng Đào Xá thừa sao vào năm Khải Định thứ 7 (1922). Đình Tây đã được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2022.

Kiến trúc hiện tồn của đình Tây còn lưu giữ được nguyên vẹn tòa tiền tế và tòa hậu cung với bộ khung kiến trúc hoàn toàn bằng gỗ lim. Đình Tây là một công trình kiến trúc nghệ thuật với nhiều mảng chạm khắc tinh tế, với nhiều đề tài phong phú, kỹ thuật chạm khắc bong kênh, nổi chìm, chạm lộng, lá lật cách điệu với nét chạm mềm mại, uyển chuyển, mang đậm phong cách nghệ thuật điêu khắc thời Nguyễn.

Không gian thờ gồm 4 cỗ ngai cổ thờ tam vị Đại vương và nhị vị Phúc thần; nhiều đồ tế khí như: 2 bộ chấp kích, bát biểu, 4 thanh kiếm cổ, bát hương, y môn, tàn lọng… được nhân dân làng Đào Xá bảo tồn, lưu giữ.

Tóm tắt thần tích ghi: “Thời vua Hùng Vương thứ 6, tại làng Gia Lộc có gia đình chồng là Đỗ Bảo, vợ là Phạm Thị Thiêm, vợ chồng hay làm điều thiện, ngặt nỗi tuổi chồng đã 52, vợ đã 41 mà chưa có con nên rất buồn phiền, lo lắng. Một hôm, ông bà chuẩn bị lễ vật lên núi bái tế thiên địa bách thần cầu cho thỏa ý nguyện. Ngày 15 tháng 3, mộng thấy một vị thần cao lớn cưỡi mây vàng bay tới nói: “Trời cho hai vợ chồng ngươi hai người con trai, sau này giúp nước cứu dân”. Đến ngày 11 tháng 7 năm Đinh Mùi, ông bà sinh được hai người con trai khôi ngô, tuấn tú bèn đặt tên con là Đỗ Đức Hiền, Đỗ Đức Hạ. Đến khi trưởng thành, hai chàng trai văn võ song toàn, thông minh hơn người.

Bấy giờ có giặc Ân sang xâm phạm, vua Hùng sai Phù Đổng Thiên Vương cùng Hùng Thụ, Hùng Quyền, Đỗ Hiền, Đỗ Hạ đem quân dẹp giặc, chém được tướng giặc là Thạch Linh, đuổi giặc Ân ra khỏi bờ cõi. Vua vui mừng bày yến tiệc và phong cấp cho các ông, sau đó sai Đỗ Hiền, Đỗ Hạ đến trấn Sơn Nam Thượng.

Một hôm, hai ông đi tuần đến khu Đào Xá, thấy vùng đất quý, bèn xuất tiền cho các bô lão trong làng mua ruộng làm của công, dựng hành cung. Ngày 12 tháng 8, Đỗ Hiền không bệnh mà hóa; ngày 11 tháng 10, Đỗ Hạ không bệnh mà hóa. Vua Hùng nghe tin thương xót vô cùng, cử Lễ Bộ đến phúng điếu sắc phong làm Thần, lệnh cho khu Đào Xá phụng thờ.

Lại nói: Thời Hùng Vương thứ 17 (Hùng Nghị Vương), có quân Thục đến xâm lược, Nghị Vương sai phó tướng Hùng Tuấn Chỉnh đem quân đánh, Thục Chúa phải bỏ chạy. Ông mất ngày 18 tháng 5, được Nghị Vương gia phong cùng hai ngài Đỗ Hiền, Đỗ Hạ và lệnh cho khu Đào Xá phụng thờ”.

Dân làng Đào Xá xưa nay hết mực tôn kính, phụng thờ tam vị Đại vương; đều kiêng kỵ rất tinh tế, nhân văn ngay cả khi đặt tên cho con trẻ, vì vậy mọi trẻ em sinh ra trong làng không ai đặt tên con cháu trùng với tên húy của các ngài.    

Sự tôn kính tam vị Đại vương còn thể hiện sâu sắc, cung kính hơn khi chúng ta đi từ hướng ngã ba Gốc Gáo về làng, chợt đến cửa đình thấy có tấm bia đá ghi chữ Hạ Mã. Theo các cụ cao niên, gặp bia đá này dù là người đức cao vọng trọng, công hầu khanh tướng, ngồi lọng hay ngựa xe, mỗi khi về làng đi qua cửa đình đều phải xuống đi bộ, khi đi qua hết cửa đình mới được lên xe ngựa đi tiếp.

Dân làng Đào Xá phụng thờ Hùng Quyền Thiên quan Đại vương, Hùng Thụ Phổ quang Đại vương ở đình Đông; thờ Đỗ Hiền tướng quân Đại vương, Đỗ Hạ tướng quân Đại vương và Hùng Tuấn Chỉnh Đại vương tại di tích lịch sử văn hóa đình Tây và thường niên mở lễ hội truyền thống để tri ân, tưởng nhớ các bậc tiền nhân, vừa để lan tỏa tình yêu quê hương, đất nước vừa có tính giáo dục chân - thiện - mỹ vừa tôn vinh, chia sẻ giá trị văn hóa truyền thống của quê hương. Người dân làng Đào Xá nguyện giữ gìn, trùng tu di tích, bảo vệ di sản để hun đúc thêm truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước và cách mạng của quê hương theo Nghị quyết số 04-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIX), nhân lên niềm tự hào, khích lệ nhân dân và lớp lớp con cháu đoàn kết một lòng dựng xây quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Nguyễn Duy Mỡi
(An Đồng, Quỳnh Phụ)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày