Thứ 6, 22/11/2024, 09:00[GMT+7]

Lễ hội đền Nguyễn Cảnh Hoan được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Thứ 3, 23/04/2024 | 11:13:13
3,148 lượt xem
Tối 22/4, trong khuôn khổ lễ hội Thập niên sự lệ 2024, ông Nông Quốc Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trao bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho Lễ hội đền Nguyễn Cảnh Hoan, xã Tràng Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An.

Ông Nông Quốc Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản trao Quyết định công nhận Lễ hội đền Nguyễn Cảnh Hoan là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. (Ảnh: DHA)

Lễ hội đền Nguyễn Cảnh Hoan (Thập niên sự lệ) diễn ra tại đền thờ Đức Thánh Thái phó Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan (xã Tràng Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An).

Đây là lễ hội bắt nguồn từ văn hóa dân gian, tôn vinh, tưởng nhớ công lao của Thái phó Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan và nhiều thế hệ con cháu dòng họ Nguyễn Cảnh có công lớn trong lịch sử dân tộc.

Kể từ năm 1604, vào ngày 15/3 âm lịch hằng năm, con cháu dòng họ Nguyễn Cảnh cùng nhân dân trong vùng tề tựu về Đền thờ Thái phó Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan để cử hành lễ hội, gọi là “Lễ hội chay” hay “Thập niên sự lệ”. Từ một hoạt động lễ nghi của dòng họ, lễ hội Đền thờ Nguyễn Cảnh Hoan đã dần có sức lan tỏa, trở thành một sinh hoạt văn hóa tâm linh của cộng đồng.

Cứ 10 năm một lần, lễ hội được tổ chức quy mô lớn với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc như lễ hành hương về nguồn cội, lễ dâng cỗ chay và lễ cáo yết tại đền.

Tại lễ hội cũng có lễ rước các bậc tiên tổ về nhà thờ Đức Thánh Thái phó Tấn Quốc công được tổ chức quy mô, hoành tráng, cùng lễ cầu siêu cho các vong linh chiến sĩ và chúng sinh trong họ Nguyễn Cảnh và của các thời đại được siêu thoát, đàn lễ cầu an cho quốc thái dân an.

Dòng họ Nguyễn Cảnh có hơn 600 năm lịch sử phát triển, từ Đông Triều (Quảng Ninh) đến định cư trên đất Nghệ An.

Với 25 đời con, cháu hậu duệ, dòng họ Nguyễn Cảnh không chỉ góp phần xây dựng cơ nghiệp mà còn sản sinh ra những danh tướng, danh nhân, nhà văn hóa và lương y nổi tiếng tài năng, có những đóng góp ý nghĩa trong lịch sử dân tộc.

Dòng họ Nguyễn Cảnh từng có 18 người được phong quận công, 72 người được phong tước hầu. Trong đó, có nhiều trọng thần như Thái bảo Tả Tư không Thư quận công Nguyễn Cảnh Kiên, Thiếu phó Đô Úy Tả Tư mã Thắng quận công Nguyễn Cảnh Hà, Tả đô đốc Phó tướng Liêu quận công Nguyễn Cảnh Quế… Dòng họ Nguyễn Cảnh từng được vua Lê ban 8 chữ vàng “Trung cần nhân nghĩa – Bảo hộ quốc dân”.

Nguyễn Cảnh Hoan thuộc đời thứ 5 của dòng họ Nguyễn Cảnh, là con thứ hai của Phúc khánh Quận công Nguyễn Cảnh Huy. Năm 14 tuổi, ông đã thi đậu hương cống, 15 tuổi cùng cha và ba người anh em ruột đi yết kiến vua Lê Trang Tông ở Sầm Châu, được Vua phong tước Dương Đường hầu và trở thành một trong những cận thần quan trọng của nhà Lê.

Trong sự nghiệp cầm quân, phò Lê diệt Mạc, Nguyễn Cảnh Hoan đã cùng các tùy tướng nhiều lần lập chiến công hiển hách, góp phần đánh đuổi quân nhà Mạc ở địa bàn hai tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa. Ông được Thái sư Trịnh Kiểm trọng thị, được coi là vị tướng mưu trí, dũng lược, đánh đâu thắng đó và ban cho quốc tính là Trịnh Mô, thuộc dòng dõi của chúa Trịnh.

Để tưởng nhớ công đức lớn lao của Thái phó Tấn Quốc công, nhân dân trong vùng đã lập đền thờ và tôn ngài là Đức Thánh Thái Phó Nguyễn Cảnh Hoan.

Sắc chỉ triều đình nhà Lê lập đền thờ chính của Ngài ở thôn Chân Ngọc, xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương. Năm 1991, đền thờ được công nhận Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia.

Ngoài đền thờ chính ở Tràng Sơn, Ngài còn được thờ ở đền Phú Thọ thuộc xã Lưu Sơn (Đô Lương), đền Hữu ở xã Thanh Yên, phủ thờ ở xã Thanh Văn (Thanh Chương), đền thờ tại Hồ Nón (Nam Đàn)... Phần mộ của Ngài hiện thuộc Rú Cấm, xã Tràng Sơn huyện Đô Lương.

Theo nhandan.vn

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày