Thứ 6, 22/11/2024, 10:51[GMT+7]

Kon Tum: Đặc sắc lễ hội trỉa lúa của người Brâu

Thứ 6, 31/05/2024 | 10:39:07
3,292 lượt xem
Lễ cúng trỉa lúa của người Brâu thường tổ chức vào khoảng tháng 5 âm lịch.

Nghi thức bôi máu của vật hiến tế vào hạt giống.

Vừa qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh phối hợp với các ngành liên quan tỉnh, huyện Ngọc Hồi và xã Pờ Y tổ chức phục dựng Lễ hội cúng trỉa lúa của người Brâu tại làng Đắk Mế, thuộc xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. 

Theo Cổng thông tin điện tử huyện Ngọc Hồi tỉnh Kon Tum, khi đã chuẩn bị xong các lễ vật hiến tế, thầy cúng - thường là già làng, người có uy tín trong làng bắt đầu cho hương liệu lấy từ nhựa của cây Long dung hum vào ống nứa và bỏ than vào để đốt hương liệu, ống hương liệu đó được đặt gần bên ghè rượu, mục đích là nhờ hương thơm dẫn dắt, mời các thần linh về ăn tiệc, uống rượu. Chủ lễ ngồi bên gùi hạt giống, tay cầm ống huyết khấn cầu thần linh.

Vừa cúng, chủ lễ vừa lấy máu vật hiến tế (máu trâu, dê, heo, gà...) bôi lên hạt giống. Hành động ấy có nghĩa các hạt giống này đều đã được các thần linh chứng dám, phù hộ cho một vụ mùa mới an lành và bội thu.

Trong lễ cúng trỉa lúa cũng như các lễ hội khác, thủ tục cúng Chiêng Tha và mời Tha ăn là quan trọng nhất vì người Brâu cho rằng Chiêng Tha không chỉ là nhạc khí mà còn là thần linh, là tổ tiên của họ. Vì vậy, để mời Tha, trước tiên phải làm lễ mời Tha ăn, mời Tha uống. Để thực hiện nghi thức, già làng lấy tiết vật hiến tế bôi vào lòng 2 chiếc chiêng rồi rót rượu vào chiêng vừa khấn mời Tha ăn, Tha uống.

Sau hai ngày lễ hội, già làng sẽ gói các hạt giống đã cúng tế chia cho các gia đình về làm phép. Những hạt giống đó được mang về trộn chung với hạt giống của mỗi gia đình. Sau đó họ đem đi trỉa đại trà trên rẫy để khởi đầu cho một vụ mùa mới bội thu.

Đặc biệt, trong các ngày lễ hội, người Brâu bắt buộc phải mặc các trang phục truyền thống dành cho các ngày lễ. Đối với đàn ông thì mặc khố, đàn bà mặc Ktu. Váy, áo, khố đều dệt nhiều họa tiết với các màu đen và đường viền màu đỏ, xanh, tím, vàng xen lẫn các hoa văn đặc trưng của người Brâu.

Buổi chiều, chủ các gia đình đem hạt giống lên rẫy trỉa một ít hạt làm phép. Trong quá trình trỉa hạt, chủ nhà khấn xin các thần linh phù hộ cho hạt giống lên đều, con chim, con chuột không ăn mất hạt.

Việc tổ chức, phục dựng hiệu quả các lễ hội giúp phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, qua đó tăng cường giao lưu, quảng bá, giới thiệu rộng rãi đến quần chúng nhân dân, góp phần bảo tồn, giữ gìn những giá trị văn hóa dân gian truyền thống của các dân tộc. Đồng thời, từng bước đưa các nét văn hóa truyền thống trong việc phát triển du lịch cộng đồng, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo vtv.vn

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày