Chủ nhật, 12/01/2025, 17:04[GMT+7]

Ấn Độ tổ chức lễ hội tắm tập thể lớn nhất hành tinh

Chủ nhật, 12/01/2025 | 12:09:26
171 lượt xem
Lễ hội Kumbh Mela với khoảng 400 triệu tín đồ Hindu tham gia nghi thức tắm rửa tập thể sẽ diễn ra tại Ấn Độ từ ngày 13/1, kéo dài sáu tuần.

Lễ hội Kumbh Mela năm 2025 sẽ được tổ chức tại Prayagraj, bang Uttar Pradesh. Đây là sự kiện quan trọng của cộng đồng theo đạo Hindu, được tổ chức mỗi 12 năm một lần.

Kumbh Mela trong tiếng Hindi có nghĩa là "lễ hội bình nước thiêng", được tổ chức tại ngã ba sông Ganges, Yamuna và Sarasvati huyền thoại. Nghi lễ biểu tượng của lễ hội là tắm rửa tập thể trong các dòng sông linh thiêng, đoàn người dẫn đầu thường là các thầy tu khỏa thân bôi tro, nhiều người đã đi bộ hàng tuần để đến địa điểm này.

Một nhóm tín đồ tại Kumbh Mela nửa kỳ năm 2019 ở Prayagraj. Ảnh: India Today

Một nhóm tín đồ tại Kumbh Mela nửa kỳ năm 2019 ở Prayagraj. Ảnh: India Today

Phát ngôn viên lễ hội Vivek Chaturvedi chia sẻ với AFP, quy mô chuẩn bị cho Kumbh Mela được ví như xây dựng một quốc gia tạm thời từ con số không. Năm nay, số lượng tín đồ dự kiến tham gia đông hơn cả dân số Mỹ và Canada cộng lại.

Khoảng 150.000 nhà vệ sinh đã được dựng lên, cùng với mạng lưới bếp ăn cộng đồng có thể phục vụ đồng thời tới 50.000 người. 68.000 cột đèn LED đã được lắp đặt để phục vụ lễ hội, lớn đến mức ánh sáng từ khu vực này có thể nhìn thấy từ ngoài không gian.

Chính quyền và lực lượng cảnh sát đã thiết lập mạng lưới các trung tâm tìm kiếm trên ứng dụng điện thoại, nhằm kết nối với khách bị lạc trong đám đông khổng lồ.

Là quốc gia đông dân nhất thế giới với 1,4 tỷ người, Ấn Độ đã quen với việc tổ chức các sự kiện có quy mô lớn. Năm 2019, quốc gia này tổ chức Ardh Kumbh Mela" hay "Kumbh Mela nửa kỳ", một phiên bản nhỏ hơn của lễ hội Kumbh Mela, thu hút 240 triệu tín đồ, theo thống kê của chính phủ. Trong tiếng Hindi, từ "ardh" có nghĩa là "một nửa". Lễ hội này được tổ chức xen kẽ giữa hai kỳ Kumbh Mela chính, diễn ra 12 năm một lần.

Chính phủ gọi Kumbh Mela là sự hòa quyện sống động của các nền văn hóa, truyền thống và ngôn ngữ, thể hiện một Ấn Độ thu nhỏ, nơi hàng triệu người cùng tụ hội.

Người Hindu tin rằng tắm trong các dòng nước sẽ giúp thanh tẩy tội lỗi, giải thoát khỏi vòng luân hồi và đạt được sự cứu rỗi. Nhiều tín đồ chọn sống đơn giản trong thời gian diễn ra lễ hội, cam kết không bạo lực, giữ giới hạnh, bố thí cho người nghèo, tập trung vào cầu nguyện và thiền định.

Các naga sadhus hay người thánh thực hiện nghi lễ tắm rửa trong Shahi Snan (lễ tắm thiêng) tại lễ hội Kumbh Mela  nửa kỳ năm 2019 ở Prayagraj. Ảnh: India Today

Các naga sadhus hay "người thánh" thực hiện nghi lễ tắm rửa trong Shahi Snan (lễ tắm thiêng) tại lễ hội Kumbh Mela nửa kỳ năm 2019 ở Prayagraj. Ảnh: India Today

Santosh Mishra, 55 tuổi, đến từ một ngôi làng gần thành phố Varanasi chia sẻ ông và hàng xóm háo hức chờ lễ hội bắt đầu. "Cả làng tôi sẽ tham gia, thật tuyệt vời khi mọi người cùng nhau lặn mình trong dòng sông", Mishra nói.

Lễ hội Kumbh Mela bắt nguồn từ thần thoại Hindu về cuộc chiến giữa các vị thần và quỷ dữ để giành quyền kiểm soát chiếc bình chứa mật bất tử. Bốn giọt mật rơi xuống trong cuộc chiến, trong đó một giọt rơi tại thành phố Prayagraj, nơi diễn ra lễ hội Kumbh Mela chính. Ba giọt còn lại rơi tại Nashik, Ujjain và Haridwar, nơi các lễ hội nhỏ hơn được tổ chức vào các năm xen kẽ.

Ngày tổ chức mỗi kỳ lễ hội được xác định dựa trên vị trí chiêm tinh của Mặt Trời, Mặt Trăng và sao Mộc. Lễ hội bao gồm các nghi thức hoành tráng, nổi bật có aarti. Đây là nghi lễ cầu nguyện được thực hiện bằng cách dâng lên các vị thần linh một ngọn nến hoặc đèn dầu, thường được thắp sáng bằng bấc hoặc dầu gió. Tín đồ cũng thả hàng triệu đèn cầu nguyện làm từ bột mì nướng, được đốt sáng bằng dầu mù tạt hoặc bơ lỏng.

Ngày 13/1 sẽ đánh dấu khởi đầu lễ hội, trùng với ngày trăng tròn. Lễ hội kết thúc vào ngày 26/2, ngày tắm rửa thiêng liêng cuối cùng, các tín đồ thực hiện nghi lễ tắm trong các con sông linh thiêng để thanh tẩy tội lỗi và đạt được sự giải thoát tâm linh.

Kumbh Mela được nhắc đến trong Rig Veda, văn bản linh thiêng của người Hindu viết cách đây hơn 3.000 năm. Sự kiện này được miêu tả trong các ghi chép của Đường Huyền Trang, nhà sư kiêm học giả Phật giáo Trung Quốc đời Đường, khi ông tham dự lễ hội vào thế kỷ thứ VII.

UNESCO đã công nhận Kumbh Mela là Di sản văn hóa phi vật thể thế giới năm 2017. Đây là sự công nhận quan trọng đối với lễ hội, ghi nhận giá trị văn hóa, tôn giáo và cộng đồng của Kumbh Mela, cũng như tác động của nó đối với hàng triệu tín đồ tham gia mỗi năm.

Theo vnexpress.net

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày