Tuyên Quang: Nhiều hoạt động văn hoá đặc sắc tại lễ hội Đền Hạ, Đền Thượng, Đền Ỷ La
Lễ hội không chỉ khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa của các di tích quốc gia mà còn góp phần quảng bá hình ảnh Tuyên Quang – vùng đất giàu truyền thống đến với du khách trong và ngoài nước.
Lễ hội là dịp để tôn vinh truyền thống tín ngưỡng dân gian, bày tỏ lòng thành kính với các bậc thánh thần, tri ân tiền nhân; đồng thời là cơ hội bảo tồn và phát huy giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu, tạo không gian giao lưu văn hóa và thúc đẩy du lịch.
Với chủ đề "Tôn vinh tín ngưỡng thờ Mẫu và bản sắc văn hóa Tuyên Quang", mùa lễ hội năm nay sẽ đưa công chúng khám phá chiều sâu của Đạo Mẫu – dòng chảy tâm linh quan trọng trong đời sống tín ngưỡng của người Việt, đặc biệt là tục thờ Mẫu Thoải tại vùng đất linh thiêng Tuyên Quang.
Chia sẻ về ý nghĩa của sự kiện, bà Vũ Quỳnh Loan, Phó Chủ tịch UBND thành phố Tuyên Quang, Trưởng Ban Tổ chức cho biết: "Lễ hội Đền Hạ, Đền Thượng và Đền Ỷ La năm 2025 không chỉ là một sự kiện văn hóa thường niên, mà còn là dịp để cộng đồng cùng nhìn lại, tôn vinh và phát huy giá trị của tín ngưỡng dân gian trong đời sống hiện đại. Đạo Mẫu không chỉ mang lại sự an yên cho tâm hồn, mà còn có thể trở thành nền tảng cho du lịch tâm linh bền vững – một xu hướng quan trọng trong phát triển văn hóa – kinh tế hiện nay. Chúng tôi hy vọng lễ hội năm nay sẽ không chỉ là một trải nghiệm đặc biệt mà còn là một lời mời gọi cộng đồng cùng chung tay bảo tồn và lan tỏa những giá trị tốt đẹp này".
Lễ hội Đền Hạ, Đền Thượng, Đền Ỷ La năm 2024.
Bên cạnh việc tái hiện đầy đủ các nghi thức rước Mẫu truyền thống và tế lễ trang nghiêm, lễ hội năm nay còn mở rộng góc nhìn về di sản văn hóa trong phát triển du lịch bền vững. Nhiều hoạt động đặc sắc được tổ chức nhằm mang đến những trải nghiệm văn hóa độc đáo cho người dân và du khách.
Phần lễ giữ nguyên các nghi thức truyền thống, giúp công chúng cảm nhận sự giao thoa giữa tâm linh và nghệ thuật. Phần hội sẽ mang đến không gian trải nghiệm văn hóa phong phú, bao gồm: Trình diễn hầu đồng – di sản đặc trưng trong tín ngưỡng thờ Mẫu. Không gian Trà Xứ Tuyên – giới thiệu nét văn hóa trà của vùng đất Tuyên Quang. Trưng bày khăn chầu, áo ngự – tái hiện nét đẹp của trang phục hầu đồng. Tọa đàm "Phát huy giá trị truyền thống của Đạo Mẫu và Thiền Trúc Lâm trong đời sống tín ngưỡng", giúp nâng cao nhận thức về giá trị di sản. Các hoạt động thể thao dân gian và không gian văn hóa tương tác.
Đặc biệt, Lễ hội năm nay nhấn mạnh vai trò của tín ngưỡng trong phát triển du lịch bền vững, khuyến khích bảo tồn và khai thác giá trị di sản để thúc đẩy kinh tế – văn hóa địa phương.
Lễ hội Đền Hạ, Đền Thượng, Đền Ỷ La không chỉ là một sự kiện văn hóa tâm linh mà còn là cầu nối để lan tỏa bản sắc văn hóa Tuyên Quang, góp phần đưa vùng đất này trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Theo phong tục truyền thống, phần Lễ của lễ hội Đền Hạ, Đền Thượng, Đền Ỷ La bao gồm lễ rước Kiệu Mẫu và tế lễ. Lễ rước kiệu Mẫu bắt đầu từ Đền Ỷ La ra Đền Hạ, tiếp đến Lễ rước Kiệu Mẫu từ Đền Thượng qua sông về Đền Hạ để cùng hợp tế.
Phần hội diễn ra với các hoạt động như: Thi đấu thể thao, các trò chơi dân gian, (Kéo co, đẩy gậy, bóng chuyền hơi, bơi thuyền, chọi gà...) cùng các hoạt động giao lưu, giới thiệu văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu như: Giới thiệu trang phục, Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ; diễn xướng dân gian kết hợp với biểu diễn âm nhạc…
Đây là lễ hội truyền thống không chỉ riêng của người dân sinh sống trên địa bàn thành phố Tuyên Quang mà còn là ngày hội của Nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang luôn được bảo tồn, phát huy trong nhiều năm qua.
Di tích Đền Hạ (hay còn gọi là Đền Tam cờ) thuộc tổ 4, phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang.
Đền Hạ (hay còn gọi là Đền Tam cờ) thuộc tổ 4, phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang được xây dựng vào năm 1738 và được trùng tu lần thứ nhất tháng 6 năm Mậu Ngọ (1878). Đền Hạ thuộc loại hình kiến trúc tín ngưỡng, nghệ thuật cổ. Đền được nhân dân lập nên để thờ mẫu thần. Theo truyền thuyết là thờ Ngọc Hoa công chúa.
Đền vẫn còn giữ được nhiều hiện vật cổ có giá trị trong đó phải kể đến là sắc phong ngày 1 tháng 7 năm Đồng Khánh thứ 2 (1877). Trước khi phong, thần đã có mỹ tự là: Hiệp Thuận, Minh Khiết, Tĩnh Uyên, Nhàn Uyển phu nhân (chi thần). Điều đó có nghĩa là đã có nhiều sắc phong từ trước và đến năm Đồng Khánh thần được tặng thêm 2 cặp mĩ tự là: Dực Bảo, Trung Hưng, cùng với các bản sắc phong hiện nay đền Hạ còn có nhiều hiện vật cổ được lưu giữ, bảo quản khá nguyên vẹn như: hệ thống các bia ký trạm khắc bằng đá nguyên khối, tượng thờ bằng gỗ mít được trạm khắc và dát vàng hết sức tinh sảo, hai quả chuông đồng và một chiếc khánh đồng cùng các bức đại tự, hoành phi câu đối đều có niên đại hàng trăm năm tuổi...
Đền Hạ không chỉ là nơi thờ phụng của Nhân dân trong vùng mà còn có sức cuốn hút đối với khách thập phương xa gần. Các lễ hội được tổ chức tại đền đều mang tính cộng đồng cao; người dân đến đây để bày tỏ khát vọng của mình trong cuộc sống ngày thường. Họ cầu mong cho cuộc sống đủ đầy hơn, mưa thuận gió hòa để mùa màng được tốt tươi.
Ngày nay cứ vào khoảng thời gian từ ngày 11/2 đến 16/2 âm lịch hằng năm lễ hội đền Hạ lại được tổ chức với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc, tiêu biểu nhất là lễ rước Mẫu từ đền Ỷ La về đền Hạ và lễ rước Mẫu từ đền Thượng về đền Hạ được Nhân dân địa phương thực hiện với một nghi thức tâm linh hết sức trang nghiêm, thành kính.
Di tích Đền Ỷ La.
Đền Ỷ La thuộc phường Ỷ La thành phố Tuyên Quang. Đền được khởi dựng năm 1743, niên hiện Cảnh Hưng năm thứ 4 và được trùng tu lại vào đầu thế kỷ XIX. Theo truyền thuyết thì đền Hạ thờ công chúa Phương Dung. Do gặp nạn binh đao đền bị đốt phá nghiêm trọng. Dân cư phải rước tượng thần đến làng Ỷ La để lánh nạn. Năm 1817, Khải Định thứ 3, khởi công dựng lại đền trên địa điểm cũ nhưng quy mô lớn hơn để thờ công chúa Phương Dung. Đồng thời đền cũng thờ Tam tòa Thánh Mẫu: Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng ngàn và Mẫu Thoải.
Đền Ỷ La lưu giữ nhiều bảo vật: Ba mươi hai pho tượng; bốn sắc phong vào các năm 1887, niên hiệu Đồng khánh thứ 2; năm 1890 niên hiệu Thành Thái thứ 2; năm 1909, niên hiệu Duy Tân năm thứ 3. Bốn sắc phong này ban cho thần Hiệp Thuận và năm 1923, niên hiệu Khải Định thứ 9; hai quả chuông, hai đôi chân đèn, hai lư hương cỡ nhỏ, sáu lư hương cỡ lớn, đôi lục bình cỡ lớn, đôi lục bình cỡ nhỏ, hai bức hoành phi, ba đôi câu đối, ba bộ long ngai, hai bài vị, bộ đài rượu, đôi hạc đồng, hai bức phù điêu, chín khám thờ, hai bộ bát bửu, đôi lọng, sáu bức y môn, đôi tàn.
Cùng với đền Thượng, đền Hạ cứ vào dịp từ 11 đến 16 tháng 2 âm lịch hằng năm, đền Ỷ La lại long trọng tổ chức lễ hội với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc, trong đó phải kể đến lễ rước Mẫu từ đền Ỷ La về đền Hạ và lễ rước Mẫu hoàn cung.
Di tích Đền Thượng (xã Tràng Đà, thành phố Tuyên Quang).
Đền Thượng tọa lạc tại xã Tràng Đà, thành phố Tuyên Quang, đền thờ Mẫu Thần, được dựng vào năm 1801. Truyền thuyết kể rằng: Đời trước hai công chúa Ngọc Lân, tức Mai Hoa và Phương Dung, tức Quỳnh Hoa theo xa giá đi xem xét địa phương, đỗ thuyền ở bờ sông. Đến đêm nổi cơn mưa gió, hai công chúa vụt bay lên trời, người ta cho là linh dị, lập đền để thờ.
Đền thờ Phương Dung công chúa ở phía hữu sông Lô thuộc địa phận xã Ỷ La, tức là đền Hạ ngày nay. Đền thờ Ngọc Lân công chúa ở phía tả sông Lô thuộc xã Tình Húc tức là đền Thượng ngày nay. Những ngày lễ thu hút được đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh. Cảnh quan của đền thật là huyền ảo, hữu tình. Trước mặt đền là dòng sông Lô chảy hiền hoà, phía sau là những dãy núi trùng điệp tạo sự linh thiêng huyền bí.
Đến đền Thượng, du khách tâm linh vừa đi lễ vừa có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp thơ mộng của sông nước, núi rừng nơi đây. Lễ hội rước Mẫu Đền Hạ, Đền Thượng, Đền Ỷ La ra đời và tồn tại từ lâu đời gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu tại ba ngôi đền kể trên: Đền Hạ, Đền Thượng và Đền Ỷ La.
Theo vtv.vn
Tin cùng chuyên mục
- Gần 350 vận động viên nữ tham gia hội thi kéo co tại lễ hội đền Trần 14.02.2025 | 17:30 PM
- Thi têm trầu cánh phượng tại lễ hội đền Trần 13.02.2025 | 15:57 PM
- Khai mạc lễ hội đền Trần năm 2025 11.02.2025 | 00:35 AM
- Hơn 1.000 người tham gia rước nước tại lễ hội đền Trần 10.02.2025 | 21:08 PM
- Lễ tế mở cửa đền và dâng hương tại khu lăng mộ các vua Trần 10.02.2025 | 15:12 PM
- Khai mạc lễ hội chùa Keo mùa thu năm 2024 12.10.2024 | 23:28 PM
- Lễ hội Bà Chúa Muối năm 2024 21.05.2024 | 16:41 PM
- Lễ hội truyền thống đền Hai Bà Trưng: Tri ân hai vị nữ tướng anh hùng dân tộc 27.04.2024 | 09:37 AM
- Quảng Ninh: Khai hội Đền Cửa Ông năm 2024 13.03.2024 | 03:45 AM
- Khai mạc lễ hội Lềnh truyền thống làng Lịch Động 19.02.2024 | 19:52 PM
Xem tin theo ngày
-
Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ các cơ quan Đảng tỉnh lần thứ nhất
- Công bố nghị quyết, quyết định thành lập các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và công tác cán bộ
- Kỳ họp HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 để giải quyết công việc phát sinh đột xuất thông qua 5 nghị quyết
- Bế mạc kỳ họp bất thường lần thứ chín, Quốc hội khóa XV
- Đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị triển khai cuộc kiểm tra đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình
- UBND tỉnh làm việc với các nhà đầu tư dự án Nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình
- Thường trực HĐND tỉnh: Thông qua kết quả thẩm tra một số tờ trình
- Kỳ họp bất thường lần thứ chín: Quốc hội xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng
- Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội
- Công bố quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác cán bộ