Thứ 2, 29/07/2024, 23:18[GMT+7]

Nét đặc sắc Lễ hội đền Đồng Xâm

Thứ 2, 28/04/2014 | 09:49:23
5,590 lượt xem
Ðền Ðồng Xâm nay thuộc xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương thờ Triệu Ðà tức Triệu Vũ Ðế (207 - 136 trước Công nguyên), nằm trong một quần thể di tích có quy mô rộng lớn trong đó có đền thờ Trình Thị Hoàng Hậu (vợ vua Triệu Vũ Ðế) gắn với những huyền thoại về một làng chèo, làng ca trù và đền thờ vị tổ nghề chạm bạc - Nguyễn Kim Lâu (thế kỷ XV) gắn với một làng nghề cùng hệ thống đền chùa nằm kề sông Vông với tục đua thuyền trong ngày hội.

Nghề chạm bạc Ðồng Xâm (xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương). Ảnh: Ngọc Linh.

Hàng năm, theo định lệ làng Ðồng Xâm, đám vào những ngày cuối tháng 3 và khai hội ngày 1/4. Hội đền Ðồng Xâm xưa và nay là hội lớn, cuốn hút du khách trong và ngoài tỉnh đổ về. Từ xưa xa, hội đền Ðồng Xâm thường có nhiều lễ thức, nhiều trò chơi, trò diễn, trò đua tài cuốn hút trai thanh, gái lịch trong vùng tham gia như đấu roi, đấu vật, hát chèo, hát ca trù. Sôi nổi, hấp dẫn nhất là tục đua trải.

Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở hội đền Ðồng Xâm có tục hát chầu cử. Tương truyền vào những ngày mở hội, các giáo phường ca trù xa gần thường cử những ca nương, kép đàn về hát chầu thánh. Từ sau năm 1945, tục hát chầu cử đã bị mai một dần, cho đến nay vẫn chưa khôi phục được.

Tương truyền hoàng hậu Trình Thị, người làng Ðồng Xâm, vợ vua Triệu Ðà là tổ nghề ca công. Hiện đền thờ Bà còn ở làng Thượng Hòa xã Hồng Thái. Những năm gần đây, bằng nguồn vốn của cộng đồng, đền Bà đã được tu sửa, tôn tạo lại khá khang trang. Ðền Ðồng Xâm đã được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp Nhà nước.

Tại đền Ðồng Xâm hiện đến nay còn lưu giữ được một cuốn sách cổ ghi chép thần tích và các bài văn tế, văn khấn của đền. Sách viết bằng chữ Hán lẫn chữ Nôm, có niên đại khoảng cuối triều Nguyễn, dày 140 trang, khổ 28x15 cm. Ngoài những tư liệu quý ghi chép các bài văn tế, văn khấn các tổ nghề như tổ nghề mộc, tổ nghề may, tổ nghề dạy học… và phần mang tính tạp ghi, trong đó có chép cả bài ca trù Tam nguyên Yên Ðổ khóc Dương Khuê thì đáng quan tâm hơn cả là sách chép 8 bài ca trù tế Thánh và một bài ca trù tế tổ nghề ca công. Tám bài ca trù có lời hát khác nhau nhưng cùng chung, một khuôn mẫu, một quy cách. Mỗi bài 16 câu. Trong đó có nội dung chúc hỗ, cầu chúc xóm làng yên ấm, quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu...

Riêng bài tế tổ nghề ca công có 20 câu, được viết theo thể Chúc hỗ. Ðây là một bài ca trù có niên đại cổ với những điển cố có xuất xứ từ Trung Hoa cổ đại.

Bài Tế tổ nghề ca công cùng với tám bài ca trù tế Thánh chép trong cuốn sách ở Ðồng Xâm đã được đưa vào Hồ sơ quốc gia để trình  UNESCO ghi danh Ca trù là kiệt tác văn hóa phi vật thể của nhân loại. Ðây là một trong những tư liệu thành văn, cực kỳ quý hiếm khẳng định hội đền Ðồng Xâm vốn xưa có tục tế tổ nghề ca công bằng ca trù. Tục này diễn ra vào thời điểm nào trong năm và lễ thức như thế nào hiện chưa khảo cứu được.

Xưa và nay, đền Ðồng Xâm thường  đón nhiều lượt khách đến thăm. Du khách tìm về Ðồng Xâm để chiêm ngưỡng một di tích có quy mô kiến trúc hoành tráng, được thỏa mãn nhu cầu lễ Thánh, được thăm và mua đồ lưu niệm của làng nghề chạm bạc.

Nếu có dịp tìm về vào những ngày hội đền, du khách không chỉ lễ bái cầu an, cầu mát mà còn được xem nhiều trò chơi, trò diễn dân gian đặc sắc như đua trải, vật võ, hát chèo, hát nhà tơ (ca trù)… Nếu tục hát ca trù chầu cử được khôi phục ở Ðồng Xâm thì hẳn là điểm du lịch này sẽ còn có sức hấp dẫn  bội phần đối với khách du lịch trong và ngoài nước.

Nguyễn Thanh

(Vũ Quý, Kiến Xương)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày