Thứ 3, 23/04/2024, 18:51[GMT+7]

Cùng về trảy hội Đình Bo

Thứ 2, 15/11/2010 | 08:02:40
5,869 lượt xem
Vào 3 ngày 14, 15, 16 tháng 11 (tức các ngày 9,10,11 tháng 10 âm lịch) Phường Kỳ Bá, Thành phố Thái Bình tổ chức Lễ hội truyền thống Đình Bo.

Một cảnh trong lễ hội Đình Bo.

Đình Bo - một di tích lịch sử văn hóa

Năm 930, Trần Lãm được hưởng thực ấp ở Kỳ Bố hải khẩu. Năm 933 hưởng ứng lời kêu gọi cứu nước Ngô Quyền, Trần Lãm vận động nhân dân chặt cây đẽo cọc, vận chuyển lương thực góp phần vào chiến thắng lịch sử trên sông Bạch Đằng năm 938.

Kỳ Bố hải khẩu thuở ấy là vùng cửa biển, đất đai màu mỡ . Mặc dù dần dần được làm chủ một vùng trù phú sẵn nguồn nhân lực, Trần Lãm vẫn ra sức chiêu tập dân, khai phá đất đai, quy tụ thêm lực lượng, xuất tiền và vàng để mua ruộng đất phân phát cho dân. Trần Lãm còn mộ binh, tích trữ lương thảo, huấn luyện quân sỹ ngày càng hùng mạnh.

Năm 944, Ngô Quyền mất, đất nước không có người đứng chủ, các thế lực địa phương nổi lên lập giang sơn riêng, gây loạn “Thập nhị sứ quân”.  Trước tình hình đó, Trần Lãm đã tự xưng là Trần Minh Công giữ miễn Kỳ Bố hải khẩu và đã trở thành một sứ quân có thế lực mạnh và uy tín nhất.

Đinh Bộ Lĩnh bước đầu dựng cờ gặp rất nhiều khó khăn về nhân tài vật lực nên đã chọn Trần Lãm và đất Kỳ Bố hải khẩu làm nơi tựa dựa. Trần Lãm thấy Bộ Lĩnh dáng mạo khôi ngô, lạ thường lại có khí độ bèn nhận làm con nuôi. Người còn đem tài sản, binh quyền và bầy mưu tính kế cho Đinh Bộ Lĩnh dẹp tan nạn cát cứ, dựng lên nước Đại Cổ Việt.

Trần Lãm đã cống hiến tất cả cho sự nghiệp thống nhất đất nước, nêu gương sáng về phẩm chất đạo đức. Trong triều chính Trần Lãm - Trần Minh Công giữ chức “Phụ dực quốc tể thượng tướng công”. Khi tuổi ngoài sáu mươi, Người chu cấp cho dân 20 hốt vàng để sản xuất, khuyết khích nghề nông, trồng dâu nuôi tằm, chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Để ghi nhớ công lao của Trần Minh Công, nhân dân vùng Kỳ Bố hải khẩu đã tạo dựng nơi thờ tự ngài tại Đình Bo. Các vương triều đều ban sắc phong Trần Minh Công là “Phụ Dực quốc chính thượng tướng công, thượng đẳng thần”. Thế kỷ XII, vua Lý Nhân Tông đã về đất này cày tịnh điền, khuyến cáo dân trăm họ yêu việc nhà nông, quốc sử còn ghi.

Ngày 30/4/1930, Đình Bo là địa điểm được Đảng chọn treo cờ búa liềm. Vào những năm 1938 - 1941 Đình Bo là cơ sở dạy học của ông Đào Quang Đỉnh - một yếu nhân trong phong trào cách mạng ở làng Kỳ Bá. Đình Bo trở thành một cơ sở liên lạc để xây dựng phong trào cách mạng. Đêm 30 Tết Tân Tỵ (1941), cây muỗm ở Đình Bo là một trong 5 nơi được Tỉnh ủy chọn treo cờ đỏ búa liềm.

Từ năm 1942 đến trước ngày tổng khởi nghĩa 19/8/1945 các đồng chí Đào Thiện Bật, Tống Trung Dực, Trung Hưng, Nguyễn Văn Cúc đã về Đình Bo gặp gỡ với đồng chí Đào Quang Đỉnh để xây dựng phong trào cách mạng.

Tháng 8 năm 1945, tại Đình Bo ông Đào Quang Đỉnh đã cùng 40 thanh niên và quần chúng Kỳ Bá tham gia giành chính quyền tại nhà Sec (nay là sân vận động Thành phố Thái Bình). Ngày 6/1/1946 Đình Bo là nơi được chọn tổ chức bầu cử Quốc hội khoá I.

Năm 1947, tại đây dân quân du kích Kỳ Bá đã thành lập đội quyết tử quân. Từ năm 1948 - 1952 Đình là cơ sở hoạt động của quân chủ lực tỉnh và Tỉnh đội đã thành lập lực lượng giao liên trong lòng địch, là nơi đặt hòm thư bí mật.

Thiếu tướng tình báo Vũ Ngọc Nhạ nguyên là Thị uỷ viên, Bí thư chi bộ Trần Lãm cũng đã từng về hoạt động ở Đình Bo . Đồng chí Đặng Trịnh (sau này là Chủ tịch UBND tỉnh) - người đã thay đồng chí Vũ Ngọc Nhạ làm Bí thư xã Trần Lãm cũng đã chọn Đình Bo làm địa điểm hoạt động.

Đình Bo một di tích lịch sử văn hóa

Đình Bo bị thời gian và chiến tranh huỷ hoại. Vào những năm cuối cùng thế kỷ XX, bằng tất cả quyết tâm, nhân tài vật lực đóng góp của nhân dân, sự giúp đỡ của các cấp, các ngành, Đình Bo đã được phụng dựng trên vị trí cũ, nơi tôn thờ chiêm bái tướng quân Trần Lãm.

Toạ lạc trên diện tích 1.134m2, khu di tích Đình Bo mang đậm phong cách kiến trúc truyền thống dân tộc: tiền nhất, hậu đinh 3 toà 7 gian. Tòa đại bái gồm 3 gian được xây dựng theo kiểu phương đình, 2 tầng, 8 mái, chồng diêm, cổ các, thượng thu, hạ thách... Các đao vút cong khiến du khách ngỡ như gặp mái đình làng xưa. Nội thất tòa đại bái, ở gian chính giữa có ban thờ tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, hai gian bên là bia ghi danh các liệt sỹ của phường.

Hậu cung thờ Tướng quân Trần Lãm gồm 3 gian trung đường, 1 gian hậu cung kết cấu chữ đinh, tường hồi bít đốc, mái chảy, chéo đao tầu gốc... cân đối hài hoà. Đình vẫn bảo lưu một số câu đối, đại tự, cuốn thư thời Nguyễn.

Ngày 9/10/2002, UBND tỉnh đã ra quyết định công nhận Đình Bo là di tích lịch sử văn hóa. Phát huy truyền thống của cha ông, Đảng bộ và nhân dân phường Kỳ Bá đang ra sức phấn đấu, giữ vững là Đảng bộ nhiều năm đạt “Trong sạch vững mạnh”, “Chính quyền vững mạnh”, các đoàn thể tiên tiến xuất sắc, được Trung ương, Tỉnh và Thành phố  biểu dương khen thưởng.

Lễ hội truyền thống Đình Bo

Hàng năm vào dịp tháng 8 và tháng 10 âm lịch (ngày sinh và ngày mất của tướng quân Trần Lãm) là Đình Bo mở hội. Năm nay, vào 3 ngày 14, 15, 16  tháng 11 (tức các ngày 9, 10, 11 tháng 10 âm lịch), phường Kỳ Bá tổ chức Lễ hội truyền thống Đình Bo.

Trong 3 ngày sẽ diễn ra các hoạt động lễ mở cửa đền, tế nam quan, nữ quan; khai mạc lễ hội dâng hương. Lễ hội còn diễn ra nhiều trò chơi dân gian như cờ tướng, đi cầu kiều, bắt vịt... Đặc biệt tối ngày 14 có múa rối nước đặc sắc trên ao đình.

Đặc biệt hơn, lễ hội Đình Bo năm nay cũng là ngày khởi động chuẩn bị cho lễ khởi công xây dựng Nhà bia tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ trên ao đình trong thời gian tới. Nhà bia là một công trình mang ý nghĩa tâm linh, thể hiện tấm lòng “Uống nước nhớ nguồn”, giáo dục truyền thống yêu nước cách mạng, cùng với di tích Đình Bo góp phần tạo lên một quần thể di tích lịch sử văn hóa của vùng đất Kẻ Bo xưa và  phường Kỳ Bá, Thành phố Thái Bình hôm nay. 

Lã Quý Hưng
(Hội Nhà báo tỉnh Thái Bình)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày