Lễ hội truyền thống đền Đồng Bằng
Tháng 8, khi cái nắng hanh vàng của mùa thu hòa cùng màu vàng rực trên cánh đồng lúa chín cũng là lúc người dân Thái Bình và du khách thập phương lại tìm về đền Đồng Bằng, hay còn gọi là đền Đức Vua Cha Bát Hải Động Đình. Tọa lạc bên dòng sông cổ Mai Diêm thơ mộng, đền Đồng Bằng là một biểu tượng uy linh, tôn kính của người dân xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ.
Tục truyền, vào đời Vua Hùng thứ mười tám, bờ cõi bị giặc ngoại bang xâm lấn, triều đình đã phải lập đàn, triệu linh sơn, tú khí về giúp sức dẹp giặc. Thủy thần làng Đào Động đã ra phò vua dẹp tan giặc dữ và có công đầu trong việc trấn giữ 8 cửa bể phía Tây. Đất nước thái bình, vua sắc phong "Trấn tây An Nam - Tam kỳ linh ứng - Vĩnh công Đại vương Thượng Đẳng Thần" và từ đó nơi đây được coi là địa linh, khắp nơi bái vọng.
Đến thế kỷ XIII, khi giặc Nguyên Mông tràn vào bờ cõi nước Nam, Đào Động lại là nơi đóng quân và luyện tập binh pháp của tướng quân nhà Trần. Trước khi xung trận, Hưng Đạo Đại Vương cùng các tướng đều về dâng hương, cầu nguyện âm phù. Sau ba lần đại thắng quân Nguyên Mông, nhà Trần đã tôn tạo lại ngôi đền. Phò mã Nguyễn Chí Nghĩa và Thượng tướng quân Phạm Ngũ Lão ngưỡng mộ trước cảnh đền đã vịnh bài thơ hiện còn lưu lại trên bức cuốn thư tại cung Đệ Nhị:
"Ngày xuân có bóng hoa lay động
Gió thu xa đưa tiếng hạc vọng tới
Nơi đây hội tụ linh tú của thiên hạ
Quả chốn thần tiên không đâu bằng".
Ban đầu, đền Đồng Bằng là ngôi miếu nhỏ nằm trong cảnh quan sông nước hữu tình của đất Đa Dực xưa. Tới thời Tiền Lê, đền được xây dựng, mở rộng thành 5 cung với 4 ban thờ khang trang, bề thế và được coi là một trong tứ cố cảnh. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đền vẫn giữ được nét xưa của một công trình kiến trúc cổ hoành tráng, đồ sộ và tinh tế.
Điều đặc biệt, tại đền Đồng Bằng vẫn lưu giữ được nhiều đồ tế khí rất có giá trị như các bài vị từ thời nhà Lê cùng các bài vị thời Nguyễn và các bộ lư hương, án thờ, long ngai, mũ thờ cũng như các công trình điêu khắc gỗ tinh xảo tuyệt mỹ như hoành phi, câu đối, đại tự từ thời Khải Định, Bảo Đại... Nơi đây là một bảo tàng điêu khắc gỗ vô cùng quý hiếm, bảo lưu nguyên vẹn những giá trị di sản văn hóa quý báu của cha ông để lại.
Có đến thăm đền Đồng Bằng vào những ngày lễ hội mới cảm nhận hết những nét văn hóa đặc sắc của vùng đất thiêng này. Hòa mình trong dòng người đông đúc, chúng tôi cũng như bao người cảm thấy phấn chấn trong bầu không khí rộn rã, nhộn nhịp lạ thường. Người già, con trẻ, nam thanh, nữ tú, dân trong vùng, khách thập phương từ mọi miền Tổ quốc cùng về trảy hội.
Ngày mở hội là ngày nhân dân trong làng rước bài vị, bát hương từ các đền Mẫu Sinh, Quan Đệ Nhất, Quan Đệ Nhị, Quan Đệ Tam, Quan Điều Thất, Quan Đệ Bát về đền Đức Vua Cha. Người người khăn áo chỉnh tề, rước kiệu thánh trong sắc cờ hoa rực rỡ, trong tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng nhạc rộn ràng. Mỗi làng lựa chọn mang về hội những gì đặc sắc nhất của mình, được chuẩn bị công phu từ nhiều ngày trước. Các bô lão kính cẩn rước bài vị, chân linh của các vị quan lớn vào đền chính. Nghi lễ dâng hương cũng được bắt đầu. Nén hương thơm mang theo tấm lòng thành kính, thơm thảo. Con cháu cúi đầu bái tạ, tưởng nhớ về những vị anh hùng dân tộc đã có công dựng xây và bảo vệ quê hương, đất nước mình.
Dưới trời thu trong xanh, chúng tôi cùng bao du khách được đắm mình trong những điệu múa, lời ca của người dân An Lễ. Họ hát về quê hương giàu truyền thống anh hùng, về con người An Lễ cần cù, sáng tạo. Họ ca ngợi cuộc sống ấm no, tươi đẹp mà các vị anh hùng dân tộc bao thế hệ đã đem đến cho muôn dân.
Vào mỗi dịp lễ hội đền Đồng Bằng, hội thi bơi chải đã trở thành nét đẹp truyền thống. Dù năm nào cũng diễn ra nhưng vào ngày hội, một không khí háo hức, rộn ràng lan tỏa khắp đường làng, ngõ xóm. Sự nhiệt tình, say mê của mỗi người tham gia đã nói lên ý nghĩa tâm linh vô cùng quan trọng của hội thi này đối với người dân nơi đây.
Bởi hội thi nằm trong khuôn khổ các hoạt động của lễ hội đền Đồng Bằng nên người dân ở đây thường rất bận rộn. Tuy nhiên, những người con của đất Quỳnh Phụ dù sinh sống ở nơi đâu, ở trên đất liền hay đang đánh bắt ở ngoài biển cả xa xôi cũng đều tìm về dự hội. Từ thanh niên đến người già đều tự nguyện tạm gác lại những bộn bề của cuộc sống thường nhật để tham gia vào hội thi với tất cả sự nhiệt tình và lòng thành tâm.
Ngoài ý nghĩa sâu sắc, bơi chải là môn thể thao lành mạnh, nâng cao sức khỏe, rèn luyện cho con người tính bền bỉ, dẻo dai. Tiếp nối dòng chảy văn hóa dân gian, bơi chải đã trở thành nét đẹp văn hóa, góp phần khơi dậy vẻ đẹp truyền thống, tượng trưng cho tinh thần thượng võ.
Chia tay lễ hội đền Đồng Bằng, kịp ghé mua những sản vật từ đồng đất quê hương mang về làm quà cho gia đình, người thân, chúng tôi thả bước thư thái trong nắng chiều ngả vàng, cảm nhận làn gió trong lành từ cánh đồng xa xa thổi về cùng hơi nước từ dòng Mai Diêm ùa lên mát dịu. Tạm biệt Đồng Bằng với những con người giàu lòng mến khách, không biết tự khi nào bỗng thấy lòng trào dâng một cảm xúc vô hạn, thấy yêu hơn, tự hào hơn về mảnh đất, con người quê hương.
Ông Đinh Văn Thuẫn, Trưởng Ban tổ chức lễ hội đền Đồng Bằng |
Hàng năm, địa phương đều tổ chức lễ hội theo đúng tập tục, phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống. Ban tổ chức đã có công tác chuẩn bị từ nhiều tháng trước khi lễ hội diễn ra nhằm bảo đảm tốt nhất việc an toàn cho du khách khi đến với lễ hội. Lễ hội giữ vai trò lớn trong đời sống tinh thần của người dân An Lễ cũng như du khách thập phương. |
Ông Lâm Huệ Vỹ, xã Quỳnh Hải, huyện Quỳnh Phụ |
Năm nay, lễ hội truyền thống đền Đồng Bằng diễn ra trong điều kiện thời tiết đẹp. Dù đã đến lễ hội này liên tiếp 14 năm qua nhưng tôi vẫn thấy rất vui, các tiết mục mang đậm màu sắc dân gian. Ban tổ chức lễ hội tổ chức các hoạt động rất quy củ, du khách được tham gia vào nhiều trò chơi dân gian đặc sắc. |
Anh Tú
Tin cùng chuyên mục
- Lễ dâng hương tưởng niệm 1982 năm ngày hóa của Đông Nhung Đại tướng quân Vũ Thị Thục 14.04.2025 | 16:12 PM
- Khai mạc lễ hội truyền thống đền A Sào năm 2025 09.03.2025 | 18:18 PM
- Khai mạc lễ hội đền Rèm 28.02.2025 | 16:25 PM
- Gần 350 vận động viên nữ tham gia hội thi kéo co tại lễ hội đền Trần 14.02.2025 | 17:30 PM
- Thi têm trầu cánh phượng tại lễ hội đền Trần 13.02.2025 | 15:57 PM
- Hơn 1.000 người tham gia rước nước tại lễ hội đền Trần 10.02.2025 | 21:08 PM
- Lễ tế mở cửa đền và dâng hương tại khu lăng mộ các vua Trần 10.02.2025 | 15:12 PM
- Khai mạc lễ hội chùa Keo mùa thu năm 2024 12.10.2024 | 23:28 PM
- Lễ hội Bà Chúa Muối năm 2024 21.05.2024 | 16:41 PM
- Lễ hội truyền thống đền Hai Bà Trưng: Tri ân hai vị nữ tướng anh hùng dân tộc 27.04.2024 | 09:37 AM
Xem tin theo ngày
-
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình cho ý kiến về một số báo cáo, tờ trình
- Tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trao quyết định công tác cán bộ tại Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh
- Khai mạc tuần du lịch tỉnh Thái Bình và khai trương phố đi bộ Đinh Tiên Hoàng
- Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Kiểm tra công tác chuẩn bị khai mạc Tuần du lịch tỉnh Thái Bình và khai trương phố đi bộ thành phố Thái Bình
- Thái Bình lựa chọn được nhà thầu xây dựng cao tốc Nam Định - Thái Bình với vốn đầu tư 19.784 tỷ đồng
- Diễn văn của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước
- Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đại biểu đến dự Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
- Tri ân sâu sắc các anh hùng, liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình có công trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc
- Tỉnh Trà Vinh đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh, kỷ niệm 65 năm kết nghĩa Trà Vinh - Thái Bình