Chủ nhật, 28/07/2024, 03:13[GMT+7]

Lễ rước ông thầy bà thợ làng Giắng

Thứ 6, 05/02/2016 | 15:46:52
2,041 lượt xem
Hàng năm, cứ vào dịp đầu xuân, làng Giắng lại nô nức tổ chức lễ hội mừng năm mới. Bên cạnh nghi thức múa giáo cờ giáo quạt vốn đã nổi tiếng, tục rước lễ ông thầy, bà thợ cũng là một bộ phận không thể thiếu của hội làng.

Bà thợ làng Giắng xuân Ất Dậu.

Tương truyền rằng, vào thế kỷ thứ XIV, công chúa Trần Thị Quý Minh con vua Trần Duệ Tông đã rời bỏ kinh thành về vùng lau sậy hoang vu nay thuộc xã Đông Tân (Đông Hưng) chiêu tập dân chúng lập nên làng Giắng. Nhờ phúc đức của công chúa, dân về đây sinh cơ lập nghiệp đều có cuộc sống no ấm đủ đầy, chẳng bao lâu sau làng Giắng trở thành một vùng dân cư đông đúc, trù phú. Không những chăm lo đời sống vật chất của nhân dân mà về mặt tinh thần, công chúa cũng hết sức chú trọng. Vào những dịp nông nhàn, công chúa cho gọi con em trong làng về dạy những điệu hát, lời ca, giúp họ vơi đi những vất vả trong lao động. Một lần dạo chơi trên sông Đọ, nhặt được một cái tráp, trong đó có những bài nhạc cổ, công chúa đã cảm hứng rồi sáng tạo nên điệu múa giáo cờ giáo quạt dựa theo tích Chiêu Quân cống Hồ. Giáo cờ giáo quạt được quy định múa vào dịp lễ hội mừng xuân, trước khi thực hiện 36 cấp múa làng bắt buộc phải tiến hành lễ rước ông thầy bà thợ. Ông thầy là người lo hương khói cho đình, lăng trong thời hạn một năm, bà thợ là người phụ trách việc múa giáo cờ giáo quạt trong năm đó. Nếu lễ rước này chưa được tiến hành thì hội múa chưa được thực hiện.

Theo truyền thống, ngày mùng 1 tháng Chạp năm trước, làng bắt đầu chọn ông thầy bà thợ. Làng chọn một cặp ông thầy bà thợ phía Đông làng, một cặp ông thầy, bà thợ phía Tây làng. Người được chọn phải là người làng Giắng, biết múa, trong năm không gặp tang tóc, có đạo đức tốt, lao động chăm chỉ, giỏi quản lý gia đình, thân thiện với bà con lối xóm. Thời phong kiến, việc lựa chọn phải do hội đồng kỳ mục quyết định, về sau để bảo đảm tính dân chủ, việc này được tiến hành trong cuộc họp làng, ai cũng được tham gia, không kể sang hèn, trai gái. Sau khi đã thống nhất lựa chọn được người trông coi việc lễ, các ông thầy bà thợ sẽ xin âm dương tại nơi thờ phụng Đức Thánh Bà. Đài âm dương được xin tối đa ba lần, nếu Đức Thánh Bà đồng ý người được chọn mới được phép tổ chức, nếu không phải tìm người thay thế. Có những khi sự lựa chọn của Đức Thánh Bà khác với sự lựa chọn của làng nhưng làng luôn tin vào sự linh nghiệm mà quyết định. Bà Nguyễn Thị Thắng nói về tục lệ: "Người được Đức Thánh Bà lựa chọn thì dù đang làm gì, ở đâu, nhận được tin báo phải lập tức quay về nhà, sắm sửa lễ vật mang ra lễ Thánh. Tôi còn nhớ bà cụ Ngạch, hồi ấy đang đi tát nước ngoài đồng nhận được tin báo phải lập tức trở về, thay quần áo mang lễ ra đình". Việc lựa chọn ông thầy cũng được thực hiện tương tự. Với làng Giắng, quan niệm việc lựa chọn người hương khói, chăm lo việc làng trước là thể hiện sự quan tâm, chăm sóc phần tâm linh, sau là bày tỏ niềm tri ân, kính trọng đối với bậc cao tuổi. Dòng họ tự hào vì công đức của người trong dòng tộc được làng công nhận, gia đình coi việc rước lễ như một cách báo hiếu cha mẹ, thể hiện lòng biết ơn đối với đấng sinh thành. Bản thân người được chọn hết sức hãnh diện vì được cả làng trọng vọng, con cháu báo hiếu .

Con cháu quây quần ngày rước lễ bà thợ.

Ăn tết xong, đến ngày mùng 4 tháng Giêng, làng bắt đầu mở cửa đình. Sau khi các phe giáp trong làng hoàn thành thủ tục đăng cai tổ chức múa sẽ tiến hành rước chân nhang từ đình về nhà hai bà thợ, từ đây đội múa được phép luyện tập. Bà thợ là người trực tiếp hướng dẫn các cô lèn học múa. Bà sẽ được giao ruộng công trong vòng một năm, lấy hoa lợi ấy để bà chăm lo việc múa, nuôi cơm cô lèn khi các cô luyện tập. Sau ba ngày tập luyện ở nhà bà thợ, các quan viên trong làng lựa chọn những cô gái xinh nhất, múa đẹp nhất vào vai cô đi sứ, đi đôi, đứng cửa đình.

Quy mô rước ông thầy có phần đơn giản hơn so với rước bà thợ. Với vai trò là ông điển lễ, đến ngày rước, ông thầy chỉ cần mang vật phẩm cúng lên chùa lễ Phật và báo cáo Thành hoàng làng. Với bà thợ, bà được rước như một thánh mẫu, ngày rước có kiệu bát cống đến cửa, đội tứ linh, kèn trống, hội Phật giáo đội cầu. Bà ngồi trên võng đòn cong, được kiệu đi quanh làng, có đại diện cao nhất của làng tới dự. Bà thợ được trang điểm lộng lẫy, nổi bật với áo tế đỏ, khăn nhiễu đội đầu, quần hồng, theo sau là con cháu, đội múa do bà phụ trách. Bà ngồi trên võng đòn cong được kiệu đi quanh làng, dân làng đứng hai bên đường chiêm ngưỡng, võng bà đi đến đâu dân làng cúi chào đến đó. Đến đình, hai bà thợ được ngồi ở hai bên cửa chính đình, tại đây có buông rèm hồng, hai bà thợ ngồi theo dõi chỉ đạo đội múa. Người phụ nữ của làng quanh năm chân lấm tay bùn, đến ngày rước lễ bỗng trở nên bừng sáng. Bà thợ được tôn lên vị trí cao nhất, bất kể trong đời sống bà thuộc tầng lớp nào, địa vị có chênh lệch ra sao. Người dân tâm niệm rằng, vô lễ với bà thợ là có tội với Thánh sẽ bị Thánh phạt.

Lễ rước ông thầy bà thợ đã trở thành truyền thống quý báu của làng Giắng. Dù trải qua nhiều thăng trầm, biến động của lịch sử nhưng tục lệ ấy vẫn được gìn giữ nguyên vẹn cho đến ngày nay. Xuân về, qua làng Giắng trải nghiệm cảm giác hòa mình trong đoàn rước, ngập chìm trong sắc màu của áo thắm, quần hồng hẳn sẽ mang đến cho người tham dự một cảm giác vô cùng thú vị.

Ông Trần Đình Ân, Trưởng Ban quản lý khu di tích đình, chùa, lăng Thượng Liệt

Ban quản lý khu di tích luôn làm hết sức mình trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của lễ rước. Chúng tôi có những chương trình tuyên truyền giúp người dân hiểu về phong tục tập quán của làng, có những tư vấn về cách thức tổ chức, hỗ trợ một phần vật chất giúp những người được lựa chọn làm ông thầy bà thợ trong năm. Điều đáng mừng là nhân dân địa phương rất tích cực trong việc gìn giữ lệ làng, bởi vậy mà tục rước lễ ông thầy bà thợ được giữ gìn bền vững. Lễ hội đầu xuân, xin mời quý khách thập phương cùng về làng Giắng chung vui rước lễ.

Ông Phạm Tâm Anh, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Đông Tân

Lễ rước ông thầy, bà thợ mang đậm tính dân tộc, thể hiện sự tôn trọng, đề cao vai trò của người cao tuổi trong đời sống, sự biết ơn người cao tuổi của cháu con đối với các bậc sinh thành. Người cao tuổi được tham gia vào công tác xã hội, được lấy ý kiến đó là cách đánh giá vị thế người cao tuổi xứng đáng. Hoạt động này cần được duy trì.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Thắng

Lễ rước ông thầy bà thợ chứa đựng nhiều bài học về lễ nghĩa, cách ứng xử xã hội, do đó cần quan tâm và giữ gìn truyền thống đáng tự hào của làng.

Bà Thợ Trần Thị Gái (rước lễ năm 2004)

Khi được lựa chọn làm bà thợ, bản thân tôi cảm thấy hãnh diện và tự hào. Không những nhận được sự quan tâm của cả làng, tôi còn cảm thấy xúc động trước sự chăm lo báo hiếu của các con. Khi được làng lựa chọn làm bà thợ, trách nhiệm của chúng tôi đối với nghệ thuật múa giáo cờ giáo quạt càng to lớn.

Nguyễn Thu Hiền
(Đông Tân, Đông Hưng)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày