Chủ nhật, 06/07/2025, 12:58[GMT+7]

Về Tiên La tưởng nhớ công ơn Bát Nạn tướng quân

Thứ 6, 15/04/2011 | 15:23:04
10,111 lượt xem
Lễ hội đền Tiên La diễn ra vào trung tuần tháng ba hàng năm với các nghi thức tế lễ độc đáo, linh thiêng.... Song không chỉ dịp lễ hội, quanh năm đền mở cửa đón du khách thập phương đặc biệt các nhà nghiên cứu, các thầy cô giáo và em học sinh đến tham quan, viếng vọng, tưởng niệm Nữ tướng Anh hùng và ôn lại một thời đấu tranh giữ nước hào hùng của dân tộc.

Bà Cao Thị Hải – Phó chủ tịch UBND tỉnh dự khai mạc và chúc mừng lễ hội

Cách thành phố Thái Bình khoảng hơn ba mươi ki lô mét về phía bắc, trên địa bàn xã Đoan Hùng, huyện Hưng Hà có một ngôi đền nguy nga lộng lẫy, ẩn mình trong những rặng nhãn xanh tốt. Đó là đền Tiên La (Tiên La linh từ)  di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia - nơi thờ Bát Nạn Tướng quân Vũ Thị Thục (thường gọi là Thục Nương) là danh tướng triều Hai Bà Trưng.

 

Đền Tiên La dù vào ngày thường hay dịp lễ hội đều đông khách thăm quan viếng vọng, đặc biệt là những ngày cuối tuần lượng người thường đông gấp nhiều lần ngày thường. Khách đến tham quan muốn hiểu về lịch sử, kiến trúc ngôi đền hay những truyền thuyết liên quan, có thể được nghe kể rành rọt từ ông thủ nhang hay bất cứ người dân nào trong vùng.

 

Toạ lạc trên một gò đất cao với diện tích gần 4000m2, đền Tiên La được xây theo kiểu tiền nhất hậu đinh, với ba toà chính là Đại Bái (Tiền tế), Trung tế và toà Thượng Điện hay còn gọi là Hậu cung. Qua cổng (Tam quan ngoại), vào sân đền là Tam quan nội và hai bên có Lầu cậu, Lầu cô. Bước lên toà Tiền tế gồm năm gian, du khách sẽ bắt gặp những bức đại tự với các câu đối cổ ca ngợi Triều Trưng Vương và phẩm hạnh, tài sắc của nữ tướng Bát Nạn. Tiếp đó là toà Đệ nhị, được xây bằng đá gồm 16 cột đá lớn, tám xà đá và tám kèo đá. Hệ thống cột, kèo đều được chạm khắc rất công phu kỹ xảo. Bốn cột cột chạm tứ linh,12 cột quân chạm long vân, tám xà chạm thông  trúc  cúc -  mai xen long  ly  quy - phượng, sườn cột và tám kèo đá chạm điểm băng hoa dây và chữ triện. Toà cuối cùng của đền là Hậu cung gồm ba gian nằm sâu bên trong, trên nóc hiện còn bức đại tự rất quý có bốn chữ “Anh linh vạn cổ”. Gian giữa hậu cung đặt một bàn thờ trên có ngai và tượng Bát Nạn tướng quân Vũ Thị Thục. Xung quanh thờ các tướng sỹ và quân lính của Bà. Gian bên trái thờ thân phụ, gian phải thờ thân mẫu của bà. Toà hậu cung còn giữ được nhiều đồ tế khí có giá trị thẩm mỹ bằng đồng, gốm, gỗ quý giá niên đại từ thời Lê, nhiều thần tích và sắc phong từ thời Lê đến thời Nguyễn... làm tăng giá trị ngôi đền.

 

Người dân trong vùng qua nhiều đời lưu truyền câu chuyện về nữ tướng Vũ Thị Thục (thường là gọi Thục Nương) trùng với nội dung cuốn thần tích còn lưu lại trong đền. Sinh ra trong một gia đình làm nghề bốc thuốc chữa bệnh cứu người thuộc trang Phượng Lâu (nay là huyện Phù Ninh - Phú Thọ), bố là Nguyễn Công Chất - mẹ là Hoàng Thị Mầu, Thục Nương lớn lên không chỉ đẹp người, đẹp nết, văn võ song toàn mà còn giàu lòng nhân ái, yêu nước thương dân. Năm 18 tuổi, Thục Nương đính hôn với Phạm Danh Hương, quận trưởng Nam Chân. Đôi trai tài gái sắc đang chờ ngày cưới thì tai hoạ ập xuống.

 

Vào thời đó, nước ta là thuộc địa của phong kiến phương Bắc. Viên quan thái thú nhà Hán, tên Tô Định khi đó đang cai trị nước ta. Hắn vốn tham tiền, hám sắc, lại tàn bạo. Biết tin Thục Nương là cô gái tài sắc vẹn toàn, Tô Định cho lính bắt phụ thân và chồng chưa cưới vào dinh ép buộc phải gả nhường Thục Nương cho hắn. Bị cự tuyệt, Tô Định tìm cách giết hại cha Thục Nương và Phạm Danh Hương, sau đó cho quân về lùng bắt Thục Nương. Hay tin Thục Nương gửi mẹ, giả vờ chấp lệnh lên kiệu, bất ngờ dùng đôi kiếm bạc phá vòng vây mở đường ra bến sông. Thấy thuyền vô chủ, nàng xuống thuyền lấy kiếm làm chèo mải miết chỉ sau một ngày đêm về tới hương Đa Cương, vào chùa Tiên La nương thân cửa Phật. Nợ nước thù nhà, Thục Nương chiêu tập binh mã, dựng cờ khởi nghĩa  mang tên bốn chữ vàng “Bát Nàn tướng quân” lập đàn tế trời dấy binh chống lại bọn xâm lược phương Bắc. Nghĩa quân do Bà chỉ huy ngày càng lớn mạnh và làm tổn thất rất nhiều quân thù. Hay tin Hai Bà Trưng khởi nghĩa tại Hát Môn, Thục Nương đem quân hợp sức với quân của Hai Bà Trưng và được phong chiếu “Đông Nhung Đại Tướng Quân”.

 

Cuộc khởi nghĩa của dân tộc ta do Hai Bà Trưng lãnh đạo đã giành toàn thắng vào mùa xuân năm 40. Nước nhà được độc lập, Trưng Trắc lên ngôi xưng là Trưng Vương, khao thưởng quân sĩ. Bát Nạn tướng quân được thưởng 1000 quan tiền và làng Tiên La  - căn cứ của nghĩa quân được coi là đất thang mộc, nhân dân trong làng được xoá tô thuế.

 

Bị thất bại nặng nề, tháng 4 năm 42 nhà Hán sai Mã Viện đem quân sang đánh nước ta, đàn áp cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Tướng quân Bát Nạn đã cùng nghĩa quân hương Đa Cương sát cánh cùng quân của Hai Bà Trưng đánh giặc. Thế giặc rất mạnh, quân ta phải rút lui dần.... Cuối năm 43 cuộc kháng chiến chống xâm lược của Hai Bà Trưng thất bại, Hai Bà Trưng đã anh dũng hy sinh để giữ vẹn toàn khánh tiết. Bát Nạn và nghĩa quân Đa Cương phải về Tiên La cố thủ. Quân Hán vây ép, cuối cùng căn cứ Tiên La bị phá. Trong trận chiến đấu cuối cùng, Bát Nạn tướng quân cùng quân sỹ của mình đã anh dũng hy sinh ở gò Kim Quy vào ngày 17-3-43. Nhân dân ta vô cùng thương tiếc Bát Nạn tướng quân và những dũng tướng trung thành của Bà đã lập đền thờ ngay trên mảnh đất Bà đã anh dũng hy sinh để đời đời tưởng nhớ công đức.

 

Trải qua bao tháng năm thăng trầm lịch sử, tuy có bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, khắc nghiệt của thời tiết... song đền Tiên La được nhà nước và nhân dân bảo tồn, tôn tạo mỗi ngày thêm nguy nga, lộng lẫy - là điểm đến lý tưởng của đông đảo du khách. Hàng năm cứ vào dịp trung tuần tháng 3 âm lịch, UBND huyện Hưng Hà, UBND xã Đoan Hùng và nhân dân địa phương lại mở lễ hội đền Tiên La để tưởng nhớ công ơn Bà.

 

Bài, ảnh: Hà Dung

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày