Thứ 6, 10/01/2025, 19:17[GMT+7]

Lễ hội đền Trần Thái Bình Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Thứ 2, 06/02/2017 | 09:16:16
5,273 lượt xem
Trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam, vương triều Trần được biết đến là một vương triều cường thịnh, một triều đại với chiến công lẫy lừng 3 lần đánh thắng giặc Nguyên - Mông, một đế quốc hùng mạnh nhất thời bấy giờ.


Sử sách ghi rằng: Các vua triều Lý khi qua đời đã xây lăng mộ ở quê hương Đình Bảng (Bắc Ninh), nhà Lê thì xây lăng mộ tại đất dấy nghiệp Lam Sơn (Thanh Hóa). Triều Trần, lăng mộ của các vua Trần được xây ở đất phát nghiệp vương của nhà Trần, đó là làng Tam Đường, hương Đa Cương, phủ Long Hưng (nay là thôn Tam Đường, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Trên vùng đất Hưng Hà, các vua Trần đã cho xây dựng hành cung Long Hưng - nơi diễn ra những sự kiện lịch sử trọng đại và Tam Đường - nơi lưu giữ hài cốt các vị tổ triều Trần như Thủy tổ Trần Kinh, Thái tổ Trần Hấp, Nguyên tổ Trần Lý, Thái thượng hoàng Trần Thừa. Thái Đường Lăng là nơi an nghỉ của các Hoàng đế nhà Trần như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông. Năm 2014, khu di tích lịch sử Lăng mộ và Đền thờ các vị vua triều Trần ở Hưng Hà được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Nơi đây không chỉ thu hút các nhà nghiên cứu về văn hóa, sử học, khảo cổ học mà còn là điểm du lịch văn hóa tâm linh độc đáo.

Đền Trần tọa lạc trên diện tích hơn 16ha, kiến trúc quay về hướng Nam. Phía trước có 3 gò ấn kiếm (phần Đa, phần Bụt, phần Trung), còn gọi là mả vua. Phía sau tựa vào làng Tam Đường. Cổng đền uy nghi, hoành tráng có trụ biểu lồng đèn lá lật, nghê chầu nơi sơn thủy tối linh. Tòa Bái Đường của ngôi đền gồm 7 gian hai chái. Mái hai tầng, kiểu chéo đao tàu gốc, đao song loan cách điệu nâng cao bay bổng với hệ thống chắn phong gỗ tiện nhẹ nhàng thanh thoát, bộ cánh của lim phục hồi phong cách thời Lê và hệ thống bẩy kẻ, vì kèo chạm trổ tứ quý, tứ linh, có niên đại thời Nguyễn. Tòa Đại Bái là một công trình kiến trúc gỗ rộng lớn, hai mái chồng diêm cổ các, cửa thông gió giữa hai mái thoáng đãng, bảo đảm ánh sáng cần thiết cho không gian, đôi rồng đá đứng trên thềm của tòa Bái Đường tạo thế uy nghi tối linh. Hai bên tả hữu tòa Đại Bái có cổng ra vào nối tường bao viên ngăn cách công trình hai khu riêng biệt. Qua tòa Đại Bái là không gian hành lễ thoáng đãng rộng 400m2, được bao viên khép kín bởi hai tòa giải vũ Đông, Tây, mỗi tòa 5 gian. Sân chầu là nơi diễn ra những hoạt động nghi lễ như dâng hương, sửa lễ. Tại cửa Thánh có những cây đèn bằng đá, chạm trổ tinh vi, có lô nhang xanh bằng đá xanh uy nghi tạo không gian thiêng liêng ngay trước cửa đền. Hai đôi rồng bằng đá lớn mang phong cách thế kỷ XV phủ phục trước tòa Đệ Nhị. Những họa tiết trên đầu, thân, đuôi rồng đã biểu hiện nghệ thuật điêu khắc tài hoa đương đại. Tòa Đệ Nhị và Hậu Cung kết cấu chữ Đinh. Tòa Đệ Nhị rộng 270m2. Mái toà Đệ Nhị chéo đao tàu góc bay bổng, trải rộng, thanh thoát. Tòa Hậu Cung 3 gian kiến trúc gỗ lim, mái chảy, bộ vì kèo chồng đấu hoa sen và nhiều họa tiết chạm khắc tinh xảo có niên đại triều Nguyễn. Nói chung, các tòa kiến trúc của đền Trần được bố cục trong không gian gọn nhưng thông thoáng. Đây là nơi thờ phụng các vua và hoàng thân quốc thích nhà Trần ngay trên chính mảnh đất đã diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của triều Trần.

Hàng năm, lễ hội đền Trần được tổ chức từ ngày 13 tháng Giêng với nhiều nội dung phong phú và những nét đặc trưng riêng, thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương. Lễ hội nhằm khẳng định và tôn vinh công lao dựng nước, giữ nước của nhà Trần, là dịp để nhân dân thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", tri ân với các bậc liệt tổ, các vị vua, hoàng thân quốc thích, tướng sĩ nhà Trần. Qua đó giáo dục thế hệ trẻ truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Lễ hội cũng là nơi đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân đồng thời bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của lễ hội đền Trần và các di sản thời Trần trên mảnh đất Hưng Hà.

Múa rồng lân tại lễ hội đền Trần Thái Bình. Ảnh: Minh Đức

Lễ hội bao gồm phần lễ được cử hành trang trọng, uy nghi và tôn kính như: lễ tế mở cửa đền, lễ rước nước thiêng từ ngã ba sông Hồng về đền Trần, lễ tế mộ, đặc biệt có lễ bái yết được tổ chức nhằm khôi phục lại nghi lễ xa xưa các vua Trần thường làm lễ bái yết tổ tiên mỗi khi có sự kiện trọng đại… Phần hội cũng được tổ chức sôi nổi với những trò chơi mang đậm tính dân gian như: thi cỗ cá, thi nấu cơm cần, thi vật cầu, kéo co, pháo đất, cờ tướng... Hội làng Tam Đường chính thức được tổ chức từ đêm ngày 13 tháng Giêng. Vào thời khắc giữa đêm, dân làng tổ chức làm lễ dâng hương tại đền Trần, sáng ngày 14 tổ chức nghi thức rước nước - một nghi lễ mang tính phổ biến, được thực hành trong hầu khắp các hội làng của cộng đồng cư dân ven các dòng sông lớn thuộc châu thổ Bắc Bộ. Với người dân Tam Đường nói riêng và cộng đồng các làng thuộc xã Tiến Đức nói chung, lễ rước nước rất được chú trọng, tổ chức trên sông Hồng. Theo các bậc cao niên trong vùng, nghi lễ này được thực hiện từ nhiều trăm năm qua, mỗi khi đến kỳ lễ hội tri ân và tưởng nhớ các vua Trần, có ý nghĩa nhắc nhở con cháu nhớ lại thuở xa xưa nhà Trần trước khi có được giang sơn xã tắc vốn làm nghề chài lưới trên sông.

Không chỉ được biết đến là một vương triều với võ công oanh liệt, giỏi đánh giặc, nhà Trần còn để lại cho hậu thế những nét sinh hoạt văn hóa rất riêng biệt, đó là lễ giao chạ (kết nghĩa anh em) giữa hai làng Vân Đài (xã Chí Hòa) và làng Tam Đường (xã Tiến Đức) đã tồn tại hơn 7 thế kỷ; lễ rước nước và thi cỗ cá độc đáo thể hiện đậm nét phương thức sống của cư dân vùng sông nước và mang tính nhân văn sâu sắc, nhắc nhở thế hệ sau tưởng nhớ tới thuở hàn vi tổ tiên nhà Trần sống chủ yếu bằng nghề đánh cá. Song song với các hoạt động lễ hội, công tác quản lý cũng được quan tâm và từng bước đi vào nền nếp. Công tác tuyên truyền được chú trọng, nhấn mạnh đến giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội là nhằm phát huy tinh thần thượng võ của nhà Trần cùng công lao to lớn của triều đại nhà Trần đối với sự phát triển của quốc gia, dân tộc Việt Nam và văn hóa Việt Nam trong lịch sử.

Lễ hội đền Trần là một trong những lễ hội có lịch sử lâu đời và gắn liền với lịch sử của một triều đại có võ công oanh liệt và nền văn hóa phát triển rực rỡ, nó mang một ý nghĩa "Uống nước nhớ nguồn" của người dân Việt Nam. Lễ hội đền Trần còn tạo ra một môi trường tốt để bảo tồn và củng cố những phong tục tập quán truyền thống. Các di sản văn hóa đời Trần nơi đây cũng góp phần lưu giữ và củng cố những phong tục, tập quán, nghi lễ tốt đẹp của quá khứ, khi người dân tham gia thực hành tín ngưỡng và tổ chức lễ hội. Điều đó vừa giúp bảo lưu các giá trị văn hóa truyền thống, vừa bảo đảm sự liền mạch văn hóa dân tộc, giúp thế hệ trẻ không bị đứt đoạn với quá khứ lịch sử, không bị xa rời với các giá trị của di sản văn hóa dân tộc.

Nguyễn Thanh Tuyền
(Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà)

Ông Đặng Vũ Trần Nhã, thủ nhang đền Tiên La (Hưng Hà)
Phải khẳng định Thái Bình là đất phát tích và hưng nghiệp của nhà Trần. Điều này được minh chứng khi khu Lăng mộ và Đền thờ các vị vua triều Trần ở làng Tam Đường, xã Tiến Đức (Hưng Hà) được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Do đó, lễ hội đền Trần Thái Bình không chỉ mang ý nghĩa về văn hóa tâm linh mà còn có ý nghĩa sâu sắc về lịch sử. Lễ hội cũng là điều kiện để duy trì hiệu quả việc bảo tồn và khai thác các giá trị văn hóa truyền thống. Do đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá về các di tích, lễ hội nơi đây để các cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương cũng như nhân dân các nơi khác hiểu và có nhận thức đúng giá trị lịch sử văn hóa của di tích, đồng thời hiểu rõ ý nghĩa của việc tổ chức lễ hội truyền thống tại địa phương.
Ông Phạm Văn Cường, Phó ban Quản lý di tích đền Trần Thái Bình
Ban Quản lý di tích đền Trần Thái Bình sẽ cùng địa phương tổ chức lễ hội với phương châm tiết kiệm, an toàn, mang đậm màu sắc văn hóa. Đặc biệt, không để xảy ra các hoạt động mang tính chất thương mại hóa nhằm tránh sự lộn xộn, phản văn hóa và những hiểu biết sai lệch về ý nghĩa của lễ hội. Ban Quản lý cam kết sẽ chuẩn bị tốt các phương án về an ninh trật tự, an toàn giao thông để bảo đảm an toàn cho du khách thập phương tham dự lễ hội.
Bà Trần Phương Ngọc (Hà Nội)
Mặc dù là người con Hưng Hà nhưng mọi năm tôi hay đi đền Trần tại Nam Định. Gần đây tôi mới biết đến đền Trần tại Thái Bình nên dịp tết này tôi cùng gia đình đến tham dự lễ hội. Tôi thấy cảnh quan ở đền Trần Thái Bình vừa đẹp vừa khang trang mà vẫn mang vẻ uy nghi. Đến với lễ hội đền Trần Thái Bình lần này ngoài cầu mong cho gia đình luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, tôi còn có tâm nguyện tìm hiểu thêm về lịch sử của đền cũng như các nét văn hóa của lễ hội để góp sức mình trong việc giới thiệu, quảng bá về một di tích đặc biệt của quê hương mình. Tôi cũng mong địa phương đẩy mạnh hơn nữa việc quảng bá về di tích cũng như lễ hội để nhiều người được biết và thu hút du khách thập phương đến với lễ hội.
Mai Thư



  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày