Thứ 6, 25/07/2025, 10:48[GMT+7]

Hội làng tinh hoa văn hóa Việt

Thứ 6, 06/01/2012 | 10:24:30
3,700 lượt xem
Quanh năm làm lụng vất vả, đầu xuân hoặc cuối thu khi tiết trời ấm áp, nông nhàn, dân quê lại tổ chức hội làng để nghỉ ngơi- thư giãn; ôn lại truyền thống- tập tục, tưởng nhớ cội nguồn và tri ân đối với những người có công với bản thân và làng xã, phát huy khối đại đoàn kết, tương ái tương trợ, niềm tự hào và tình yêu quê hương- xứ sở.

Hội làng thường diễn ra trong ba ngày: ngày vào hội, ngày chính hội và ngày giã hội gồm hai phần: Lễ là các nghi thức cầu cúng Trời Phật để xin mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu và tưởng nhớ tiền nhân đã có công dựng làng, khởi nghiệp, đánh đuổi ngoại xâm. Trong đó thường thấy dâng hương, tế bái, rước kiệu, múa hát miêu tả sự tích của làng, xuất thân, chiến công và cảnh hóa thánh của các vị thành hoàng. Hội là các hoạt động vui chơi nhằm chào đón quan khách, giao lưu văn nghệ, tụ tập và đình đám. Thường thấy các màn múa rồng- lân- ly- quy phụng, rối nước, hát thờ, chầu văn, quan họ, trống quân, xoan, ghẹo, đúm, ví, tuồng, chèo...; các trò vui như kéo co, đánh đu, leo cột mỡ, chạy vượt đồng, chạy hóa trang, thổi cơm gánh, bắt chạch trong chum, đập niêu, bịt mắt bắt dê... Nếu làng còn chuyên về nghề cá, nghề đi biển thì có thêm bơi chải, đua thuyền thúng, đan lưới, đi cà kheo, quăng chài...; làng thượng võ có chọi gà, chọi trâu, đả cầu, cướp cờ, đấu vật, cờ người, pháo đất, đánh roi, đi quyền,…

Để chuẩn bị cho hội làng, trước đó nhiều tháng người dân đã phải tụ tập tại khuôn viên đình, chùa bàn việc làng. Các giáp ở bốn phía đông tây nam bắc sẽ bầu ra  ban tế tự và đô tùy làm việc công cho làng. Ban tế tự của làng thường là các cao lão gồm ít nhất một cụ tiên chỉ- chủ tế, bốn vị mạnh bái, bồi bái, đông xướng, tây xướng- phụ tế và mười thị vệ vận triều phục. Ngoài ra, các xóm cũng lập nên ban tế lễ riêng gồm hai nhóm nam và nữ vận trang phục truyền thống. Đô tùy là các tráng đinh khỏe mạnh và thanh nữ khéo léo có nhiệm vụ khênh kiệu, bưng phẩm vật, dâng rượu trà, thao diễn theo chủ tế. Trong các ngày lễ, mọi thành viên của ban tế tự và đô tùy đều phải trai giới, ăn nghỉ lánh đời đến hôm lễ mới ra mặt. Dân làng cũng đăng cai các trò vui, ăn uống và cắt đặt an ninh, trật tự trong suốt mùa hội. Khắp đình, chùa nơi đâu cũng cắm phên, treo cờ thần, cờ tướng, cờ tổ quốc, dựng các cây nêu, cây đu, cây còn sau này phục vụ các màn đánh đu, ném còn. Ở các bãi đất rộng, nhân dân dựng sạp bầy hàng phục vụ việc mua sắm ngày hội. Tiếng đài sập sình xen lẫn với nhạc lễ, tiếng tụng kinh, gõ mõ xôn xao. Đặc biệt trong chùa còn có biểu diễn hát kể hạnh, ở cửa đình có hát thờ, ven cổng làng, cổng ngõ có hát quan họ và các điểm văn hóa có hát nhà tơ chào đón khách. Người hát vừa bưng khay trầu, khay trà vừa mời khách bằng những lời ca ngọt ngào, niềm nở khiến ai nấy không thể không nán lại.

Trước hội một ngày, dân làng sẽ tổ chức rước nước - một tín ngưỡng phồn thực cầu nước từ xa xưa của cư dân nông nghiệp. Ban tế tự sẽ vào làm lễ xin kiệu gồm kiệu long đình, kiệu bát cống ở hậu cung đình, chùa và đặt trên đó một cái chóe to cùng đô tùy và nhân dân rước kiệu ra sông hoặc giếng làng múc nước về thực hiện lễ mộc dục: tắm tượng, lau rửa ngai thờ, tự khí, mũ, áo của Phật Thánh. Tiếp tục xin rước tượng từ hậu cung, điện thờ ra sân và pha nước thơm, tắm rửa cho tượng rồi lại rước về trang thờ. Nhân đó, các cụ phụ lão cũng làm văn tế kể về xuất xứ của làng, công lao, đức độ của thánh nhân, Trời Phật và những lời cầu mong của dân gian về một cuộc sống ấm no, thanh bình, đem cất trong hộp sơn đặt lên kiệu chuẩn bị rước ra đình, chùa.

Sáng chính hội, toàn thể dân làng sẽ rước kiệu đi vòng quanh các thôn xóm để hộ giá các vị thành hoàng, thần tiên, linh thú đang ngự ở các đình, chùa, đền, miếu, nhà thờ trong phạm vi xóm ấp cùng về chùa thượng hoặc đình cả làm lễ dâng hương cho toàn dân vạn bái. Tùy điều kiện, có một hoặc vài, ba đám rước đi từ các điểm thờ khác nhau của làng, tuy nhiên khi ra đến đường chính sẽ nhập vào làm một. Đám rước vì vậy hết sức long trọng, náo nhiệt có sự tham gia của nhiều giáo phường, văn nghệ sĩ, giới, nghiệp và du khách. Đi đầu đám rước thường thấy đội hình múa lân, rồng, thao diễn võ thuật hoặc các màn sĩ nông công thương miêu tả cảnh sống trù phú và đa nghệ của làng quê, tiếp đó là đội tuần đinh, thị vệ do trai gái làng đóng cầm gươm, giáo, cờ quạt, võng, lọng; ban ngũ nhạc, bát âm, tứ tấu, tam tấu; tăng đoàn; ban tế tự đi cạnh các kiệu do các đô tùy khiêng và sau kiệu là toàn dân lũ lượt, chạy nhảy, níu kéo hồn nhiên. Với lòng ái mộ, sùng tín đến hội làng dù bận việc gì, người ta cũng gác lại. Mưa gió, nắng lửa thế nào, đám đông vẫn bao quanh đám rước ngưỡng vọng và đi theo đến khi đưa các vị thánh thần trở về cấm cung yên vị.

Đám rước dừng trước đại đình. Nhân dân túa ra hai bên nhường lối cho các cao tăng, đạo nhân mang lễ vật vào linh đường làm lễ tế hội đồng. Đầu tiên, ban tế tự của làng sẽ đại diện cho làng làm lễ dâng hương, rồi lễ dâng hoa, trà, oản, quả, thực, quần áo, mũ mã tuần tự trước hương án. Khi ban tế tự của làng thực hiện xong, các xóm thôn tiếp tục có mâm lễ riêng của xóm mình dâng lên Phật Thánh. Cuối cùng mỗi nhà dân mang đồ lễ của gia tộc dâng trước linh sàng. Lễ vật thường là các sản phẩm nông nghiệp do làng trồng, nuôi, đánh bắt được hoặc là đồ chế tác do các phường hội thủ công mỹ nghệ làng nghề làm nên.  Tựu chung, phẩm vật cúng dàng gồm có cỗ quả gồm chín mâm, mỗi mâm có ít nhất một loại quả (thường là quả ngọt) như chuối, cam, bưởi, hồng, táo, na, đu đủ, xoài, dưa; cỗ bánh gồm chín mâm, mỗi mâm có ít nhất một loại bánh hoặc kẹo như bánh chưng, bánh dày, bánh giò, bánh cốm, bánh nếp, bánh tro, bánh gai, bánh đậu, bánh khảo; cỗ thực gồm chín mâm, mỗi mâm 12 món như giò, chả, nem, chạo, măng, bóng, miến, mọc, thịt, gà, tôm, cá. Ngoài ra còn có một đến ba mâm xôi hay cơm trắng đội một con lợn quay, thủ lợn hoặc gà trống cùng nhiều mâm oản, trà, thuốc, rượu và nước ngọt.

Trong quá trình dâng hương, người dân cũng thực hiện các lễ tế (cúi lạy) gồm lễ tế trời đất, Phật, Bồ Tát, thần linh; tế thần hoàng, tiền hiền, hậu hiền; và tế thập loại chúng sinh. Tế thập loại chúng sinh thường diễn ra trên sân kế cận linh đường, gắn với lễ phóng sinh - giải thoát các loại chim, thú, cá, tôm cũng là giải thoát về tâm linh mọi sự ưu phiền, nạn ách. Trong khi làm lễ này, pháp sư của nhà chùa và ông từ của nhà đình sẽ lấy các đồ lễ gồm gạo, muối, tiền, vàng mã, oản, quả, bánh kẹo có trên mâm cúng vãi ra tứ phương cho nhân dân và muôn vật đều được chia lộc thánh. 

Để mọi người hiểu rõ hơn về làng, trong nghi lễ cúng tế, thường có phần đọc văn, sắc phong và biểu diễn thần tích. Trong đó dân làng tự đóng vai các vị tướng, thần tiên hoặc con thú là thần hoàng, thần thú của làng diễn lại ngày sinh ngày hóa của các vị cùng các cảnh cưỡi ngựa, chèo thuyền, vượt gềnh, bắt cá, chém rắn, đả hổ, thuần phục voi, đánh bại quân thù hay giặc thủy, giặc hỏa...

Ngoài lòng thành kính tưởng nhớ tiên tổ, dâng hương là dịp để làng báo cáo trước trời đất, quỷ thần những thành tích của thôn xóm, dòng họ trong một năm qua, ví dụ trong vụ thu hoạch vừa rồi đã đạt năng suất bao nhiêu tấn lúa, rau màu hay hoa trái, sản xuất được bao nhiêu tranh, gốm, khảm, lụa, có bao nhiêu cháu đỗ đại học, có bao nhiêu người trong làng là giáo viên, bác sĩ, nhà khoa học... Đồng thời hứa hẹn sang năm mới, mùa mới sẽ thực hiện được những chỉ tiêu, những điều ước mong chi. Riêng mỗi người dân đến đình, chùa làm lễ còn để cầu xin cho mình những điều hạnh lợi như xin có con trai- con gái, gia đình yên ấm- hạnh phúc, tiền của- quan chức, sống lâu- khỏe mạnh...

Sau khi cử hành tất cả các nghi thức cúng tế, làng sẽ cho rước tượng, bài vị, kiệu thánh hoàn cung và gióng một hồi trống dài khai mạc hội. Tuy nhiên, từ trước đó khi các nghi lễ chưa dứt, thậm chí chưa bắt đầu thì ở nhiều nơi đã rậm rịch đủ trò. Bên các ao hồ, thủy đình trẻ con tụ tập xem múa rối nước. Những chú tễu, cô tễu sơn xanh sơn đỏ được các nghệ nhân dân gian cho nhảy múa và làm các cảnh lao động dập dềnh trên sóng. Giữa hồ, trên thuyền trai gái vừa chèo thuyền vừa hát các làn điệu quan họ, ví ghẹo tình tứ. Trên sân đình người già tập trung ở các chiếu chèo nghe kể chuyện đời xưa.... Đặc biệt nhiều thanh niên, thanh nữ không chỉ xem mà còn tham gia vào các cuộc thi đấu vui, phồn thực có thưởng của làng xóm. Vì không được tập luyện bài bản, lại chơi một cách vô tư, ngẫu hứng nên họ đem tới cho người xem rất nhiều tiếng cười vui, sảng khoái. Thường thấy các trò chơi sau:

Trò đả cầu: Hai đội nam, mỗi đội có 12 người khỏe mạnh đóng khố, cởi trần, đứng đối diện trước một vạch kẻ (vạch chia đôi hai phần sân của hai đội) và một quả cầu gỗ bọc giấy đỏ. Khi có hiệu lệnh, họ sẽ phải xô vào nhau giành lấy quả cầu rồi đẩy cầu bằng tay về phía sân đối phương để cầu rơi xuống đất bên đó. Đội nào làm được việc ấy sẽ thắng. Đây là một trò chơi mang tính cầu mùa và quả cầu tượng trưng cho mặt trời- mặt trăng cùng các vì tinh tú, việc đoạt cầu làm nó rơi xuống thể hiện cho ý chí chinh phục tự nhiên của con người.

Cướp cờ: Hai đội đứng ở vạch xuất phát cắm cờ đỏ giữa sân đình, chùa. Khi có hiệu lệnh, họ xông vào cướp cờ và chạy nhanh về cuối sân mình, bên kia đuổi cướp lại cờ. Để bảo vệ người cầm cờ, các thành viên của đội sẽ phải làm các động tác cản trở đối phương vì nếu người này bị túm hoặc đập tay thì cuộc chơi lại quay trở về lúc ban đầu.

Đấu vật: Hai tráng sĩ cùng đứng trong một vòng tròn đổ cát còn gọi là sới vật, ở tư thế hai tay ôm nhau. Sau màn phô diễn vẻ đẹp thân thể, khi có hiệu lệnh, họ sẽ dùng tay để nhấc bổng người kia lên không hoặc đẩy, quật ngã đối phương ra khỏi sới hay nằm úp lưng ngửa bụng trên mặt sân. Ai làm được điều ấy sẽ thắng.

Cờ người: Trên sân đình, chùa vẽ một bàn cờ tướng to nhưng không bày quân bình thường mà cho người đóng thế vào đó. Ở ngoài sân, hai chủ cờ sẽ điều phối trò chơi. Hễ người chủ hô tiến hoặc lùi ở các vị trí nào đó trên sân thì người đóng quân cờ sẽ đến chỗ đó theo lệnh.

Kéo co: Hai đội nam hoặc nữ đứng sắp hàng đối diện, mỗi bên cầm đầu một sợi dây ở giữa buộc vải đỏ và trỏ vị trí chính giữa sân, giữa hai bên. Khi có hiệu lệnh họ sẽ phải ra sức kéo cho mảnh vải đỏ thiên về phía mình. Đội nào làm được việc ấy sẽ thắng.

Pháo đất: Hai hoặc nhiều người hợp thành đội chơi với nhau. Người chơi lấy đất sét nặn thành hình đĩa mỏng, quanh đĩa đắp vành dầy sau đó nhấc lên quá ngực và thả xuống đất để nó bục mà phát ra tiếng nổ vui tai như tiếng pháo. Ai có tiếng nổ to ròn hoặc vành pháo bong ra đẹp mắt nhất sẽ thắng.

Đi cầu kiều: Làng cho đóng một cái cọc giữa ao, treo một số phần thưởng. Sau đó ngả một cây tre tựa một đầu vào cọc và đầu kia dựa vào bờ làm thành một cây cầu. Ai muốn có phần thưởng phải đi cầu đến giữa ao mà lấy, nếu bị ngã thì không được chơi tiếp và phải tự lội vào bờ.

Chạy vượt đồng: Hai đội cởi trần mặc quần cụt đứng hàng ngang trước sân đình, đợi hiệu lệnh thì cùng chạy ra cánh đồng trước mặt. Trong thời gian ngắn nhất, đội nào có số người lội nước, vượt đồng đích nhiều nhất sẽ thắng. Vào xuân, thường người dân đã đổ nước đầy đồng cho đất oải nhằm chuẩn bị gieo giống nên đường chạy rất trơn và ướt, khiến người thắng hay kẻ thua đều bị ngã dúi dụi, dính bết.

Chạy hóa trang: Hai đội cử ra hai cặp nam cởi trần hoặc mặc quần cộc, đợi hiệu lệnh thì chạy qua một quãng đồng. Khi họ chạy được một đoạn, hai đội lại cho hai cặp nữa ra chạy tiếp, đến khi hết người thì thôi. Dọc đường, các cặp sẽ phải dừng lại ở những cái giỏ đựng quần áo, lục áo quần ra mặc và tiếp tục chạy về đích. Trong thời gian ngắn nhất, đội nào có nhiều cặp về đích và mặc được đồng bộ nhất sẽ thắng. Vì không tìm được quần áo thích hợp để lẫn lộn trong các giỏ hoặc quần áo đã bị đội kia giành mất nên khi về đích nhiều người thường bị mặc nhầm áo của nam hoặc nữ, hoặc chỉ mặc được quần mà không mặc được áo rất ngộ nghĩnh.

Ngoài thi thố cũng có những trò vui có tính chất biểu diễn giải trí gây cười như trò múa con đĩ đánh bồng, trong đó một số thanh niên mặc áo tứ thân, giả gái, ưỡn ẹo đeo trống vừa đi vừa đánh trống và làm đỏm khiến khán giả cười ngả nghiêng. Thường bọn họ đều được nhận giải. Tùy trò, giải thưởng là ít hay nhiều song nói chung đều là vật ăn hoặc dùng được ngay như bánh trái, hoa quả, áo, mũ, nhiều khi là xâu thịt, xâu cá, túi gạo để người thắng mang về nấu cỗ thưởng thức mừng vui.

Các trò và văn nghệ thường lặp đi lặp lại nhiều lần trong ngày, cho phép nhiều đối tượng tham gia. Đặc biệt có nhiều cuộc hát hò thâu đêm suốt sáng để mọi người có thể thể hiện năng khiếu và bày tỏ tình cảm trước tập thể hoặc riêng tư. Vì tiếng nhạc réo rắt, lúc khoan lúc nhặt, vì sự đa nghệ, đa dạng có cảm tưởng các trò vui không bao giờ dứt.

Sau khi du chơi thấm mệt, mọi người tìm đến hàng quán ăn uống, cũng tới các đình, chùa, đền, miếu và nhà thờ trong làng làm cỗ, bồi bổ cơ thể và thưởng thức món ngon. Cỗ ở đình, chùa đều lấy từ đóng góp của làng và các cuộc thi nấu ăn ở hội, đầu tiên để cúng sau đó chia cho người dân làm cái lộc đầu năm nên ai cũng háo hức, hồ hởi, xem hội xong cả làng cùng kéo nhau ra đình, chùa ăn cỗ với tâm ý ăn cỗ làng là hưởng lộc của thần hoàng, sự ân huệ và xẻ chia của cộng đồng. Các mâm cỗ được bày đầy sân. Đầy đủ bánh trái, thịt, gà, cá, tôm, nem, giò, chả, xôi, chè... Cứ bốn người một cỗ, không khí vui nhộn khó tả. Không chỉ người làng, du khách thập phương đến chung vui cũng có phần.

Hội làng đã phản ánh một điều tất yếu của đời sống nông nghiệp là: Có làm thì cũng có chơi. Quanh năm kham khổ, chắt chiu đây là dịp mọi người thể hiện sự ăn ngon, mặc đẹp, khoe diễn những điều mới lạ. Ngoài ra cũng là dịp để người dân giới thiệu về làng nghề, danh lam thắng cảnh, các phong tục tập quán, để con cháu tha hương được trở về với cội nguồn, quê hương trong không khí ấm cúng, thân thiết. Điều quan trọng hơn, hội làng còn giúp duy trì và làm sống dậy những sinh hoạt văn hóa từ ngàn xưa, với cách ăn mặc, cách đi đứng nói năng, hành xử, các trang phục cổ truyền, trò chơi, món ăn tưởng chừng đã bị quên lãng.

Là một sự kiện cộng đồng, có tính chu kỳ, đến hẹn lại lên, hội làng luôn ghi dấu sâu sắc trong lòng mỗi người, đi đâu cũng thương nhớ bồi hồi, cứ đến ngày đó lại trảy hội về làng.

Chu Mạnh Cường

(Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày