Thứ 2, 29/07/2024, 03:30[GMT+7]

Ðộc đáo trò chơi dân gian pháo đất ở Chi Lăng

Thứ 6, 17/02/2012 | 08:51:43
2,971 lượt xem
Những ai đã từng về và được xem tận mắt trò chơi dân gian pháo đất (hay còn gọi với cái tên khác là pháo nổ, pháo nang) ở Chi Lăng (Hưng Hà) thì không thể không ấn tượng với trò chơi đã có lịch sử từ lâu đời và gắn bó với mọi người dân nơi đây.

Hàng  năm, cứ vào ngày rằm tháng giêng âm lịch ban tổ chức lễ hội đền Trần ở xã Tiến Ðức (Hưng Hà) lại có dịp tổ chức cho các xã trong huyện thi pháo đất với nhau. Năm nay xã Chi Lăng tham gia hội thi với bốn đội là Tiền Phong, Quyết Thắng, Minh Khai và Thống Nhất.

 

Nói về nguồn gốc ra đời của trò chơi dân gian này, các cụ cao tuổi ở làng Ðún (Chi Lăng) thường kể lại cho con cháu nghe rằng, năm 1288 trong khi đang đi đánh trận Bạch Ðằng thì con voi của Hưng Ðạo Ðại Vương Trần Quốc Tuấn bị sa vào khúc sông Hoá chảy qua đây, nhân dân trong vùng đã lấy đất ném xuống sông cho voi thoát lên, tạo ra những tiếng nổ lạ như tiếng sấm. Từ đó, mỗi khi nông nhàn người dân thường tụ tập diễn lại cảnh này và dần dần hình thành nên hội thi pháo đất. Cổ xưa hơn, truyền thuyết của người dân xã Hồng Phong – Ninh Giang – Hải Dương thì cho rằng, trò chơi này có từ thời Hai Bà Trưng khi nữ tướng Lê Chân dùng pháo đất với mục đích nghi binh và chơi trong những ngày hội hè nhằm xua tan âm khí và dịch bệnh.

 

Pháo đất được làm từ loại đất có độ quánh cao như đất sét, đất thịt…pháo thường có hình dạng như cái chảo hoặc hình bầu dục, không có tay cầm với kích thước linh hoạt. Với những quả pháo đất có hình dạng như vậy thường nặng từ 18 cho đến 25kg tuỳ theo sức khoẻ của từng người chơi, pháo được chơi trên nền sân bằng phẳng, sạch sẽ để tạo ra độ khít làm cho tiếng nổ to hơn, các con pháo được co giãn đều.

 

Tham gia cuộc thi đấu pháo đất, mỗi đội phải có 12 người và được chia theo nhiều đội để thi đấu với nhau. Mỗi pháo thủ được mặc trang phục truyền thống là áo màu đỏ hoặc vàng, đầu chít khăn đỏ, chân quấn xà cạp, đai lưng cùng màu áo. Ðồng thời, mỗi pháo thủ chỉ được gieo 3 lượt pháo và phải có số đo từ 4 thước (mỗi thước là 40cm) trở lên. Nếu pháo không đủ số đo thì coi như bất túc (pháo không nổ). Tuỳ vào số lượng đội tham gia mà kèm theo số trọng tài nhiều hay ít, thông thường thì mỗi đội sẽ có một trọng tài giám sát, kiểm tra pháo sau khi pháo đã hoàn thành. Khi trọng tài đo xong thì các pháo thủ mới được cuộn pháo vào chuẩn bị làm tiếp những quả pháo tiếp theo cho đến khi người chơi hết lượt gieo pháo.

 

Kết thúc hội thi pháo đất, trọng tài công bố đội nào có tổng số đo pháo cao nhất thì đội đó thắng cuộc, giải thưởng trao cho các đội tham gia có thể là tiền hoặc hiện vật.

 

Ngoài Chi Lăng, ngày nay, pháo đất được chơi phổ biến và rộng rãi ở hai huyện Quỳnh Phụ và Hưng Hà trong những ngày đầu năm hoặc những dịp lễ hội của địa phương để cầu mong cho một năm thuận lợi và an bình.

Nguyễn Văn Cảnh (SVTT)

                                                                                  

                                                                         

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày