Thứ 6, 10/01/2025, 17:26[GMT+7]

Tiếp bước truyền thống vẻ vang của nông dân Thái Bình

Thứ 2, 30/03/2020 | 09:18:12
2,791 lượt xem
Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, nông dân Thái Bình luôn tích cực lao động, chiến đấu, góp phần cùng với nông dân cả nước giành độc lập, tự do. Sau ngày đại thắng 30/4/1975 của dân tộc, các thế hệ nông dân Thái Bình lại tiếp tục góp sức mình vào công cuộc kiến thiết đất nước, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Mô hình nuôi cá lồng của nông dân Nguyễn Văn Tấn, thôn Tân Mỹ, xã Quỳnh Ngọc (Quỳnh Phụ) cho thu nhập hơn 600 triệu đồng/năm.

Cùng với nông dân cả nước, nông dân Thái Bình sớm có truyền thống yêu nước, cách mạng. Ngay từ đầu năm 1927 đã hình thành tổ chức “Nông đoàn” ở Trình Phố và Nam Huân (Kiến Xương). Tiếp đó là tổ chức “Nông dân đoàn” được thành lập ở khắp các địa phương nhằm giáo dục đạo đức cách mạng và vận động nông dân đấu tranh chính trị. Cuộc biểu tình ngày 1/5/1930 của nông dân Tiên Hưng - Duyên Hà và đỉnh cao là cuộc biểu tình của nông dân Tiền Hải ngày 14/10/1930 ủng hộ phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh đã thể hiện tinh thần đấu tranh oanh liệt của nông dân Thái Bình. Mặc dù bị thất bại nhưng hai cuộc biểu tình của nông dân Tiên Hưng - Duyên Hà và nông dân Tiền Hải là đỉnh cao của cao trào cách mạng ở Thái Bình những năm 1930 - 1931. Điều đó đã chứng minh dưới sự lãnh đạo của Đảng, giai cấp nông dân cả nước nói chung, nông dân Thái Bình nói riêng đã trưởng thành về mọi mặt. Sự phát triển đó đòi hỏi Đảng ta phải thành lập một tổ chức nông dân trong cả nước, tập hợp, đoàn kết và thực hiện tốt các nhiệm vụ mà Đảng đề ra.

Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, nông dân Thái Bình đã giương cao ngọn cờ cách mạng, kề vai sát cánh cùng nông dân cả nước kiên định một lòng đi theo Đảng. Đáp lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Hãy đem sức ta mà giải phóng cho ta”, “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, nông dân Thái Bình hăng hái phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ trường kỳ của dân tộc với tinh thần “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Lớp lớp những thế hệ nông dân đã đổ mồ hôi, xương máu, tích cực lao động, sản xuất, làm nên thành tích là tỉnh đạt 5 tấn thóc/ha đầu tiên toàn miền Bắc, góp phần cùng nông dân cả nước đấu tranh, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Sau thắng lợi vĩ đại của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nông dân Thái Bình cùng Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh thực hiện công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng kinh tế và thực hiện nếp sống mới.

Trải qua 9 kỳ đại hội, các cấp hội nông dân tỉnh Thái Bình không ngừng đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Hiện nay, Hội Nông dân tỉnh có 254 cơ sở hội, 1.777 chi hội với trên 300.000 hội viên. Các cấp hội đã tổ chức, triển khai hiệu quả phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Bình quân hàng năm,  toàn tỉnh có trên 240.000 gia đình hội viên đăng ký tham gia, có trên 73% số hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi. Nhiều mô hình do hội viên nông dân thành lập có quy mô sản xuất lớn, thu hút và tạo việc làm cho hàng trăm lao động, thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, các cấp hội nông dân đẩy mạnh hoạt động tín chấp giúp hội viên vay hàng nghìn tỷ đồng; phối hợp tổ chức 75.600 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho trên 3,7 triệu lượt hội viên, xây dựng được hơn 120.000 mô hình trình diễn chuyển giao khoa học kỹ thuật về cây trồng, con vật nuôi, ngành nghề mới; liên kết các ngành, doanh nghiệp cung cấp vật tư nông nghiệp theo phương thức trả chậm phục vụ sản xuất của hội viên.

Trong xây dựng nông thôn mới, hội viên nông dân toàn tỉnh đã hiến hơn 2,3 triệu mét vuông đất, đóng góp hơn 2.100 tỷ đồng và 1,9 triệu ngày công để xây dựng các hạng mục công trình nông thôn mới. Phong trào nông dân tha­m gia bảo đảm quốc phòng, an ninh được các cấp hội đẩy mạnh. Toàn hội hiện quản lý 78 tổ tự quản về an ninh trật tự tại 45 xã, phường, thị trấn. Hội viên nông dân tích cực vận động con em thực hiện tốt nghĩa vụ quân sự, tham gia lực lượng dân quân tự vệ và các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh

Trong những năm qua, nông dân Thái Bình thực sự trở thành chủ thể quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, xây dựng nông thôn mới. Điều đó thể hiện bằng việc hiến hàng triệu mét vuông đất, đóng góp hàng nghìn tỷ đồng, hàng triệu ngày công xây dựng các công trình phúc lợi, giao thông công cộng, thể hiện bằng sự đồng thuận, đồng hành dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng - một cuộc cách mạng lớn về đất đai, đó cũng là thể hiện vai trò làm chủ, lòng yêu quê hương, đất nước của nông dân Thái Bình. Sau các cuộc kháng chiến giữ nước, cứu nước, chưa có thời kỳ nào nông dân ý thức được vai trò làm chủ của mình như hiện nay. Thành quả đến nay, 100% xã và 7/7 huyện đã đạt các tiêu chí quốc gia, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đây là thành quả to lớn kết tinh sức mạnh của ý Đảng, lòng dân.

Ông Đinh Quang Hanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Chí Hòa (Hưng Hà)

Cuộc biểu tình của nông dân Tiên Hưng - Duyên Hà và cuộc biểu tình của nông dân Tiền Hải đã viết nên bản hùng ca bất diệt, là điểm tựa vững chắc tạo thêm nghị lực và quyết tâm cho các thế hệ nông dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế. Là người con quê hương Chí Hòa, một trong những cái nôi của phong trào cách mạng, hội viên nông dân xã Chí Hòa không ngừng phát triển kinh tế, giúp đỡ nhau trong hoạt động tình nghĩa, đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó.

Ông Trần Quốc Khánh, xã Minh Hưng, huyện Kiến Xương

Phát huy truyền thống cần cù trong lao động sản xuất của nông dân Thái Bình, tôi tích cực đầu tư phát triển kinh tế vươn lên làm giàu. Với hơn 2ha đất chuyển đổi, tôi chọn nuôi một số con đặc sản như tắc kè, thỏ, các loại cá truyền thống. Sau khi trừ chi phí, mô hình của gia đình tôi thu về 600 - 700 triệu đồng/năm. Bên cạnh hoạt động phát triển kinh tế, tôi cũng tạo điều kiện giúp hội viên nông dân trong và ngoài xã tham quan, trao đổi kinh nghiệm để cùng nhau làm giàu chính đáng. Tôi mong các cấp hội nông dân trong tỉnh sẽ phát huy truyền thống quê hương, có nhiều hơn nữa những hoạt động hỗ trợ hội viên, góp phần giúp đỡ hội viên nông dân vươn lên làm giàu chính đáng.


Tiến Đạt

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày