Thứ 2, 22/07/2024, 22:43[GMT+7]

Hoàng Công Chất - Tiếng thơm còn lưu danh

Thứ 2, 23/07/2012 | 15:09:28
38,440 lượt xem
Hoàng Công Chất tên thật là Hoàng Công Thư, xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo ở làng Hoàng Xá, huyện Thư Trì, trấn Sơn Nam Hạ, tỉnh Thái Bình, nay thuộc xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư. Ông là một lãnh tụ nông dân kiệt xuất, dựng cờ khởi nghĩa chống triều đình ruỗng nát của họ Trịnh thời Lê mạt, cứu giúp dân nghèo.

“Lên Điện Biên mà chưa đến Thành Bản Phủ - nơi thờ Hoàng Công Chất thì cũng coi là chưa đến Điện Biên”. Nhất là những người Thái Bình như các anh. Đó là câu nói mà anh bạn tôi đang làm Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Điện Biên tâm sự ngay hôm chúng tôi đặt chân đến Điện Biên. Rất may trong chương trình công tác của Đoàn cán bộ tỉnh, có nội dung dâng hương ở đền thờ Hoàng Công Chất, ở Thành phố Thái Bình có một đường phố mang tên ông. Nhưng, hiểu về ông và ảnh hưởng của vị tướng áo nâu Hoàng Công Chất ở Điện Biên thế nào thì cũng không phải ai cũng biết. Bài viết này xin giới thiệu đôi nét về ông và cũng là nén tâm nhang với người quá cố đã gần 200 năm.

Hoàng Công Chất tên thật là Hoàng Công Thư, xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo ở làng Hoàng Xá, huyện Thư Trì, trấn Sơn Nam Hạ, tỉnh Thái Bình, nay thuộc xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư. Ông là một lãnh tụ nông dân kiệt xuất, dựng cờ khởi nghĩa chống triều đình ruỗng nát của họ Trịnh thời Lê mạt, cứu giúp dân nghèo. Đây là cuộc khởi nghĩa nông dân dài nhất, hoạt động trong phạm vi rộng nhất, liên kết với nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân khác, tập hợp được các cư dân dân tộc khác nhau, không chỉ có tính chất phản phong mà còn tác dụng bảo vệ Tổ quốc chống ngoại xâm và duy trì được 30 năm (1739 – 1769). Hoàng Công Chất dựng cờ khởi nghĩa với mục đích: “Bảo quốc, an dân”, diệt cường hào ác bá, lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo, với hoài bão xóa bỏ bất công, lập lại kỷ cương, phục hưng đất nước, thống nhất giang sơn, thái bình muôn thuở.

Sử sách có ghi: Từ năm 1739, Hoàng Công Chất – người Anh hùng áo nâu đã tập hợp nông dân nghèo nổi dậy hoạt động ở  vùng Sơn Nam. Nghĩa quân có sở trường về thuật đánh du kích “khi tan, khi hợp”. Như nhận xét: “Giặc đóng ở trong các vùng cỏ rậm rạp, quan quân đến phía trước thì lần ra phía sau; quan quân chọn phía tả thì chạy sang phía hữu”. Khi cuộc khởi nghĩa của Lê Duy Mật ở vào thế khó khăn, buộc phải chuyển dần địa bàn hoạt động lên miền Trung du và Thượng du. Hoàng Công Chất từ miền Thượng du Thanh Hóa tiến lên hoạt động ở Tây Bắc. Hoàng Công Chất đã phối hợp với quân của thủ lĩnh người Thái là tướng Ngải, tướng Khanh đánh giặc Phẻ cứu dân, bảo vệ miền biên giới Tổ quốc.

Sau khi giải phóng được Mường Thanh, Hoàng Công Chất tính đường cố thủ lâu dài để chống lại triều đình dưới xuôi và chống ngoại xâm. Ông quyết định xây dựng đền Chiềng Lề (nay gọi là Thành Bản Phủ, thuộc xã Noọng Hẹt – Điện Biên). Thành này là một kỳ công của Hoàng Công Chất. Thành rộng 80 mẫu, dựa lưng vào dòng sông Nậm Rốm, có đường thành đắp bằng đất trồng tre gai đem từ Thanh Hóa lên vây kín, bên ngoài có hào rộng từ 4 – 5 mét, sâu 10 mét, thành cao 5 mét, mặt thành rộng 4 đến 6 mét. Thành có 4 cửa: Tiền, hậu, tả, hữu. Ở mỗi cửa có đắp đồn cao, có vọng tiêu là nơi lính đóng. Ở đây Hoàng Công Chất cho đào tới 133 giếng và ao hình dáng khác nhau để trữ nước cho quân lính dùng. Giữa thành có phủ là nơi các thủ lĩnh nghĩa quân đóng.

Trong khoảng thời gian từ 1754 – 1769, Hoàng Công Chất một mặt củng cố miền Mường Thanh, mặt khác mở rộng thế lực ra toàn sông Mã, sông Đà, sông Hồng. Từ Mường Thanh, Hoàng Công Chất đánh chiếm lại miền Thập Châu, thuộc phủ An Tây xưa. Hoàng Công Chất chiếm toàn bộ 12 châu Thái, tức miền Sơn La, Nghĩa Lộ và bắc Hòa Bình. Thế là toàn thể các chúa đất của cả một dải sông Đà, sông Thao, sông Mã đều thuần phục Hoàng Công Chất và không chịu cống nạp về triều đình nữa. Mường Thanh trở thành khu trung tâm văn hóa, chính trị của đất Tây Bắc. Hoàng Công Chất thu cống nạp, điều binh khi chiến trận, cắt cử, phong ấp cấp sắc phong cho các tù trưởng trong miền.

Ông làm nhiều điều tốt cho dân: Chia ruộng đất, bảo vệ dân, chống được mọi cuộc xâm lấn, duy trì an ninh trật tự trong vùng. Vì vậy, ở vùng Điện Biên, hiện còn lưu hành một số câu vè nói lên phạm vi thế lực của nghĩa quân Hoàng Công Chất và lòng yêu mến của nhân dân địa phương đối với ông: “Đây! Dưới xuôi có Vua, trên này có Chúa/ Nghe chăng tiếng hát của quân Keo Chất trong phủ/ Ngân vang khắp cánh đồng Mường Thanh bao la”.

Công lao to nhất của Hoàng Công Chất, trong thời gian ở Mường Thanh là giữ yên bờ cõi của Tổ quốc, tránh được nạn xâm lăng của người Miến vào những năm 1753 – 1765 đô hộ toàn bộ vương quốc Luông Pha Băng và uy hiếp an ninh của vài nước xung quanh trên bán đảo Đông Dương. Hoàng Công Chất lại khống chế được những cuộc nhũng nhiễu, lấn đất, cướp bóc của bọn giặc cỏ từ phương Bắc tới, với sự dung túng của bọn quan lại phong kiến Trung Quốc. Đồng thời, hoạt động rất mạnh chống lại triều đình nhà Lê đã thối ruỗng. Ông thường liên kết với nghĩa quân của Lê Duy Mật tiến đánh những miền Thanh Hóa, Sơn Tây. Cuối năm 1767, chúa Chất đem tới hơn một vạn quân vượt qua Mộc Châu, Mai Châu tiến sâu vào vùng miền Trung du Thanh Hóa. Nhân dân địa phương nhất tề nổi dậy hưởng ứng, làm cho bọn quan quân chúa Trịnh vô cùng hoảng sợ.

Cùng năm 1767, Hoàng Công Chất mất, con trai là Hoàng Công Toản lên thay, tự xưng là Quốc Công. Trong thời gian đó xảy ra sự biến lớn. Một là các cuộc khởi nghĩa của nông dân ở dưới xuôi đã bị dẹp; chúa Trịnh có khả năng tập hợp lực lượng lên đối phó với cuộc khởi nghĩa của Hoàng Công Chất và Lê Duy Mật đang bị cô lập. Hai là giữa hai toán quân trước đó vẫn có sự hòa hảo thì đến cuối năm 1768 đã xảy ra sự bất hòa nghiêm trọng giữa lúc nguy cơ bị quân chúa Trịnh tiêu diệt đang xích lại gần. Đó không kể nội bộ các tướng lĩnh của Công Toản bị lục đục với nhau... Chính vì vậy, lực lượng nghĩa quân Mường Thanh bị giảm sút rất nhiều, nhất là ở mạn sông Đà và sông Thao. Sau trận tập kích bất ngờ, quân Trịnh kéo nhanh vào Mường Thanh, Hoàng Công Toản và các tướng sĩ không kịp đối phó đều phải bỏ thành chạy sang miền Nậm U. Số không chạy kịp và không chịu đầu hàng thì nhảy vào kho đạn tự thiêu. Tướng của chúa Trịnh là Đoàn Nguyên Thúc vào thành không quên tìm mộ Hoàng Công Chất, bổ quan tài, chém thây để trả thù.

Tuy cuộc khởi nghĩa của Hoàng Công Chất bị thất bại, nhưng đây là lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam bùng lên một phong trào nông dân rộng khắp, rầm rộ và kéo dài hàng chục năm. Tưởng nhớ công ơn của người anh hùng áo nâu Hoàng Công Chất và tướng Lò Ngải, Lò Khanh, nhân dân trong vùng đã xây đền, đúc tượng để tôn thờ và hàng năm mở hội cúng tế, tưởng nhớ đến những vị lãnh tụ khởi nghĩa Hoàng Công Chất.

Phạm Viết Thanh


  • Từ khóa