Chủ nhật, 24/11/2024, 21:23[GMT+7]

Hậu phương vững chắc góp phần đánh thắng giặc Mỹ

Thứ 2, 27/04/2020 | 09:31:58
44,125 lượt xem
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cùng với chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến, ở hậu phương, bao người vợ, người mẹ âm thầm hy sinh tuổi xuân, động viên chồng con lên đường chiến đấu. Khi đất nước thống nhất, nhiều người vợ, người mẹ khóc thầm lặng lẽ vì người ra đi không trở về. Sự hy sinh to lớn của họ đã góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Bà Nguyễn Thị Gái, thôn Thuận An, xã Việt Thuận (Vũ Thư) bên di ảnh người chồng hy sinh cách đây 50 năm.

Động viên chồng con lên đường chiến đấu

Đến thăm gia đình mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Sa, tổ 6, phường Tiền Phong, thành phố Thái Bình, chúng tôi được mẹ kể về những kỷ niệm thời chiến nhiều vất vả, hy sinh nhưng rất đỗi tự hào. Năm nay mẹ Sa đã 90 tuổi nhưng còn khá nhanh nhẹn, minh mẫn. Mẹ kể, chồng mẹ tham gia chiến đấu chống Pháp và hy sinh. Năm 1972, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn quyết liệt, mẹ động viên người con trai cả của mình là Phạm Công Ấn lên đường nhập ngũ, chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Dù biết chiến tranh gian khổ, khốc liệt nhưng mẹ vẫn động viên con yên tâm lên đường nhập ngũ. Anh ra đi được vài tháng, mẹ Sa chưa một lần nhận được thư con thì tháng 6/1972 nhận được tin anh hy sinh. Nỗi đau như đứt từng khúc ruột nhưng mẹ vẫn mạnh mẽ lao động sản xuất, tham gia phát triển kinh tế.

Cũng giống như mẹ Nguyễn Thị Sa, mỗi khi nhắc đến người chồng, con trai và người thân đã hy sinh vì Tổ quốc, mẹ Việt Nam anh hùng Đoàn Thị Xuyến, thôn Lũ Phong, xã Tây Phong (Tiền Hải) lại nước mắt tuôn trào. Mẹ kể, năm 1966, chồng mẹ là ông Lê Văn Thíu xung phong nhập ngũ, chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị. Là người vợ ai cũng muốn cùng chồng chăm sóc các con thơ dại nhưng đất nước có chiến tranh, người vợ trẻ vẫn động viên chồng yên tâm ra trận, mọi việc ở nhà sẽ thay chồng chu tất, vẹn toàn. Hai năm sau, mẹ nhận được tin chồng hy sinh, để lại cho mẹ nỗi đau cùng sự vất vả chèo chống một mình nuôi 5 con nhỏ. Tiếp bước anh trai, năm 1971, em trai ông Thíu cũng xung phong ra trận. Nhưng sự nghiệt ngã của chiến tranh, năm 1972 em chồng mẹ Xuyến cũng hy sinh. Nỗi đau mất mát chưa nguôi, 20 năm sau, người con trai thứ ba của mẹ Xuyến cũng anh dũng hy sinh trong khi chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Cho chúng tôi xem kỷ vật của từng liệt sĩ là những tấm huân chương, huy chương, giấy khen hay những danh hiệu cao quý..., ẩn trong nỗi đau của mẹ là niềm tự hào về chồng, con và người thân trong gia đình.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Thái Bình có hàng vạn người vợ, người mẹ sẵn sàng hy sinh hạnh phúc cá nhân vì Tổ quốc, họ sẵn sàng chấp nhận mọi gian khổ, thiếu thốn, thiệt thòi để người ra đi yên tâm làm nhiệm vụ. Giai đoạn 1959 - 1975, Thái Bình đã tiễn đưa 178.114 thanh niên lên đường nhập ngũ. Không chỉ động viên chồng con lên đường ra trận, ở lại hậu phương, những người vợ, người mẹ không tiếc sức người, sức của đóng góp cho cách mạng, chi viện cho kháng chiến, ủng hộ quỹ độc lập, quỹ đảm phụ quốc phòng... Trong vùng địch hậu, những người vợ, người mẹ cũng không ngại nguy hiểm, không quản hy sinh, hết lòng giúp đỡ cán bộ cách mạng. Họ dành dụm từng đồng tiền, bát gạo, từng tấc vải, viên thuốc để tiếp viện, ủng hộ kháng chiến.

Vượt lên nỗi đau

Chiến tranh đã gây biết bao mất mát, đau thương. Nỗi đau lớn nhất là nỗi đau của những người mẹ, người cha mất con, vợ mất chồng. Có nỗi đau nào đau hơn khi trong một gia đình có tới 3 - 4 người là liệt sĩ; trong một năm, có những phụ nữ hai, ba lần phải kiên cường vượt qua nỗi đau khi chiến tranh cướp đi chồng, con... Sự khốc liệt của chiến tranh đã nuôi khát vọng đánh đuổi đế quốc, thực dân để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân. Bà Nguyễn Thị Gái, thôn Thuận An, xã Việt Thuận (Vũ Thư) nhớ lại: 50 năm trước, ngày nhận giấy báo tử của chồng tôi tưởng như không trụ nổi. Tự an ủi sự hy sinh của chồng là vì độc lập, tự do của dân tộc đã tiếp cho tôi sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn. Bà kể: Khi ông ấy mất, con lớn mới 2 tuổi, đứa bé còn trong bụng mẹ. Tôi ở vậy gắng gượng nuôi con. Lúc nào khó khăn tôi lại nhớ đến lời nói của chồng trước khi lên đường vào Nam chiến đấu: Bà ở nhà nhớ chăm sóc, nuôi dạy các con khôn lớn và lo mọi việc trong gia đình, khi đất nước thống nhất tôi sẽ trở về. Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của gia đình, các con tôi đều nỗ lực phấn đấu, có công việc ổn định và cùng tôi tích cực tham gia các hoạt động của địa phương.

Chiến tranh đã đi qua với nhiều hy sinh, mất mát nhưng vượt lên mọi gian khổ, những người vợ, người mẹ liệt sĩ vẫn mãi là biểu tượng cao đẹp, tấm gương sáng ngời về đức hy sinh, cống hiến quên mình cho Tổ quốc.

Ông Nguyễn Văn Bái, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, Thái Bình là một trong những tỉnh đóng góp sức người, sức của lớn của cả nước và cũng là một trong những tỉnh có số người hy sinh đứng đầu cả nước với hơn 34.400 người. Thấu hiểu được những hy sinh, mất mát của thân nhân các liệt sĩ, những năm qua, thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội luôn quan tâm, chăm lo và thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với người có công và thân nhân người có công. Phát động các phong trào xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, “Sổ tiết kiệm tình nghĩa”, “Xây dựng nhà tình nghĩa”, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng... để người có công và thân nhân người có công có cuộc sống ổn định, góp phần xoa dịu nỗi đau sau chiến tranh.

Bà Nguyễn Thị Tỉnh, mẹ liệt sĩ, xã Vũ Ninh, huyện Kiến Xương


Năm 1974, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt, con trai tôi là Mai Xuân Đệ viết đơn tình nguyện tham gia quân ngũ khi mới 16 tuổi. Ngày đất nước thống nhất, con nằm lại chiến trường, với tôi đó là mất mát quá lớn. Nhưng sự hy sinh anh dũng của con cũng là niềm tự hào của gia đình. Chúng tôi luôn giáo dục con cháu phải nỗ lực phấn đấu, sống xứng đáng với sự hy sinh của người đã khuất.

Nguyễn Cường