Chủ nhật, 24/11/2024, 21:26[GMT+7]

Khúc tráng ca ngày toàn thắng

Thứ 6, 01/05/2020 | 08:55:55
5,472 lượt xem
Ngày giải phóng miền Nam 30/4/1975 không thể nào quên đối với mỗi người con đất Việt. Niềm hạnh phúc vỡ òa khi khát khao cháy bỏng về một ngày non sông độc lập, thống nhất đã thành hiện thực. Nhưng, cùng với niềm hạnh phúc lớn lao, trong ký ức của những người lính tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử còn có cả khúc bi tráng, những kỷ niệm nghẹn ngào về sự hy sinh của đồng chí, đồng đội trong ngày toàn thắng.

Gần nửa thế kỷ đã đi qua, ký ức về ngày giải phóng Sài Gòn vẫn in đậm trong ký ức của ông Trần Văn Lữu.

Cựu chiến binh tăng thiết giáp Trần Văn Lữu, thôn Khê Kiều, xã Minh Khai (Vũ Thư) xúc động nhớ lại: Tháng 2/1961, ở tuổi 21, tôi tạm biệt vợ và con thơ nhập ngũ vào Binh chủng Tăng - Thiết giáp. Có ý chí rèn luyện trong quân ngũ, trở thành chiến sĩ quyết thắng, tôi vinh dự được đơn vị kết nạp Đảng năm 1967 và cử đi đào tạo sĩ quan chỉ huy tại Trường Sĩ quan Tăng - Thiết giáp năm 1968, là một trong những sĩ quan đầu tiên được đào tạo tại Trường. Ra trường, tôi tham gia nhiều trận đánh ác liệt ở chiến trường Đông Nam Bộ như trận Bình Long, Phước Long, Dầu Tiếng… Thời kỳ đó, ông Lữu là đại đội trưởng đồng thời là người chỉ huy trực tiếp trên 1 chiếc xe tăng gồm: trưởng xe, pháo thủ, nạp đạn và lái xe. Xe tăng là mũi nhọn tấn công của bộ đội ta, xe tăng đi trước có nhiệm vụ mở đường, làm lá chắn cho bộ binh an toàn hoặc bám trên xe để tấn công. Xe tăng có nhiều lợi thế, tuy nhiên do “thân hình” đồ sộ của mình, xe tăng cũng có nhiều khó khăn trong chiến đấu mà chỉ người chiến sĩ tăng thiết giáp mới hiểu và khắc phục được. Ông Lữu chia sẻ, khi dùng lá cây nhưng cũng có khi trát đất đỏ phủ kín xe tăng để ngụy trang xe sao cho khéo nhất, các vết lún trên mặt đường do xích xe tăng để lại đều phải xóa thật kỹ nếu không máy bay địch sẽ lập tức thả bom, thiệt hại sẽ khôn lường. Ông Lữu kể lại câu chuyện: Trong trận Dầu Tiếng, xe của ông bị địch gài mìn ở đường, hất tung một mắt xích khiến xe bị hỏng phải dừng lại sửa. Nhân đà đó, địch ẩn nấp nã súng vào xe và bộ đội ta nhưng do ông cùng đồng đội nhanh trí quan sát “đo tọa độ” ngầm bằng mắt vị trí của địch để phản công lại, nhờ đó cứu được người và xe an toàn.


Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, 3 tiểu đoàn tăng - thiết giáp, trong đó có đơn vị của ông Lữu có nhiệm vụ hỗ trợ Quân đoàn 4 và các đơn vị bộ đội ta đánh địch ở hướng Đông Nam. Nhiệm vụ của mũi tấn công này là đánh chiếm khu vực Biên Hòa - Hố Nai (gồm cả sở chỉ huy không lực Việt Nam cộng hòa và sân bay Biên Hòa), tiến về Sài Gòn chiếm Quận 1, Quận 2, Quận 3, Bộ Tư lệnh Hải quân, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu, Đài Phát thanh Sài Gòn. Từ chiều ngày 27/4, Quân đoàn 4 bắt đầu nổ súng tấn công. Những ngày 27 - 30/4, đơn vị của ông Lữu gặp nhiều gian khổ, hy sinh khi đánh trận Hố Nai. Đêm ngày 29, sáng ngày 30/4, các tiểu đoàn xe tăng của ta, trong đó có xe tăng do ông Lữu trực tiếp điều khiển đi trước, theo sau là các đơn vị bộ đội ta tiến từ hướng Biên Hòa về Sài Gòn. Khoảng 9 - 10 giờ sáng ngày 30/4, khi đến cầu Sài Gòn, địch ở hai bên nhà cao tầng mai phục, liên tiếp nã pháo xuống đoàn quân của ta, đoàn xe tăng không thể tiến tiếp. Ông Lữu cùng anh em trên xe buộc phải nhảy xuống tránh đạn pháo, nhưng khi nhảy xuống, bộ binh của ta đã trú ẩn kín trong gầm xe, không còn chỗ nấp. Ông Lữu buộc phải nhảy vào rãnh nước nhỏ bên đường sát chân hàng rào dây thép gai. Một quả mìn được ném về hướng ông cùng một vài chiến sĩ đang chạy, ông Lữu bị hất văng ra. Khi ông ngoảnh lại, một chiến sĩ đã bị trúng mìn. Ông Lữu đau đớn nhận ra chiến sĩ ấy là người đồng đội còn chưa kịp hỏi tên, chỉ biết quê anh ở huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Trước đó 2 ngày, ông Lữu và người chiến sĩ tuy xa lạ nhưng thân thiết ấy vẫn chung nhau điếu thuốc. Chỉ kịp nhìn đồng đội xót thương trong giây phút cuối, ông Lữu tiếp tục cùng quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn. 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, bộ đội ta cắm cờ trên nóc dinh Độc Lập thì khoảng 12 giờ đơn vị của ông Lữu đến bến Nhà Rồng. Lúc này, niềm vui chiến thắng đã ngập tràn trên những khuôn mặt rạng rỡ, cờ hoa tung bay khắp Sài Gòn. Ông Lữu hòa mình trong niềm vui chiến thắng của cả dân tộc nhưng trong lòng nghẹn ngào, đau xót, tiếc thương người đồng đội mới quen đã ngã xuống khi chiến thắng chỉ còn khoảng cách vài giờ đồng hồ.


45 năm đã qua đi nhưng mỗi dịp tháng 4 về, trong lòng người cựu chiến binh tăng thiết giáp Trần Văn Lữu lại trào dâng niềm tự hào xen lẫn xúc động, bồi hồi. Hơn ai hết, ông hiểu rằng giá trị của ngày chiến thắng được đánh đổi bằng sự hy sinh máu xương của lớp lớp cha ông, của những người đồng chí, đồng đội thân yêu của ông. Ông mong thế hệ trẻ hôm nay trân quý hơn cuộc sống bình yên và ra sức cống hiến xây dựng và bảo vệ đất nước.

Quỳnh Lưu