Thứ 2, 12/08/2024, 20:21[GMT+7]

Trò chuyện với người chiến sĩ gác cầu Hiền Lương

Thứ 5, 16/08/2012 | 14:23:26
1,763 lượt xem
Nhắc lại  một thời oanh liệt, mọi người trong Câu lạc bộ (CLB) cựu sĩ quan Biên phòng tỉnh Thái Bình ai cũng nhắc đến cựu chiến sĩ  đồn Huỳnh Hà thuộc bờ bắc cầu Hiền Lương, anh Trần Văn Mậu thương binh nặng loại 1/4 trú quán tổ 25, phường Trần Lãm, Thành phố Thái Bình.

Anh Trần Văn Mậu

Với thắng lợi vẻ vang của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ (1945-1954) buộc thực dân Pháp phải ký hiệp định Giơnevơ vào tháng 7 năm 1954 chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương, đất nước ta tạm thời bị chia cắt làm hai miền. Dòng sông Bến Hải, cầu Hiền Lương đi vào lịch sử của dân tộc. Cũng từ đó,lớp lớp thanh niên các thế hệ đã anh dũng hy sinh để bảo vệ nền độc lập tự do,bảo vệ thành quả tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc, đấu tranh giải phóng Miền Namon> thống nhất đất nước. Hôm nay chiến tranh đã lùi xa hơn 35 năm nhắc lại  một thời oanh liệt ấy, mọi người trong câu lạc bộ (CLB) cựu sĩ quan Biên phòng tỉnh Thái Bình ai ai cũng nhắc đến cựu chiến sĩ  đồn Huỳnh Hà thuộc bờ bắc cầu Hiền Lương, anh Trần Văn Mậu thương binh nặng loại 1/4 trú quán tổ 25, phường Trần Lãm, Thành phố Thái Bình.

Tiếp chuyện chúng tôi trong phòng khách của gia đình, thời tiết oi ả của những ngày cuối hè, giọng  anh Mậu như lạc đi khi chúng tôi cho anh xem hai bức ảnh cầu Hiền Lương cũ và cầu Hiền Lương mới: “Mình nhớ 2 bờ Bến Hải quá” một dòng sông đầy ắp những kỷ niệm với anh trong những ngày đầu tham ra vào lực lượng Công an nhân dân vũ trang nay là Bộ đội Biên phòng Việt Nam. Một dòng sông mà anh coi là dòng sông quê thứ hai của đời anh. Khi cầm hai bức ảnh trên tay miệng anh mấp máy hát: “Nắng tỏa chiều nay, chiều tỏa nắng đôi bờ anh ơi”.

Anh Trần Văn Mậu sinh tháng 5 năm 1946 quê ở xã Tiến Đức (Hưng Hà). Tháng 2 năm 1964, anh tham ra lực lượng Công an vũ trang. Sau thời gian huấn luyện tại Vĩnh Tú (Vĩnh Linh) anh được điều về đồn 55 Công an vũ trang Vĩnh Linh. Ở đây một ngày, đến đêm anh cùng tiểu đội hành quân về đồn Huỳnh Hạ thuộc xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Linh). Khi sáng dậy anh cùng anh em chiến sỹ mới được chỉ huy đơn vị giới thiệu đồn ta nằm cạnh vĩ tuyến 17 và cây cầu kia là cầu Hiền Lương; nhiệm vụ của đơn vị hết sức quan trọng , bảo vệ khu vực giới tuyến. Đứng lặng nhìn cầu Hiền Lương lòng dâng tràn một cảm xúc mới lạ. Anh kể: “Trước khi nhập ngữ vài hôm, tôi cùng các bạn đồng trang lứa đi xem bộ phim “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” ở sân kho hợp tác xã. Cũng từ đó, vĩ tuyến 17 luôn thôi thúc chúng tôi, những thanh niên của quê lúa Thái Bình phải làm gì để xứng danh là người con  của quê hương.

Trong thời gian 2 năm là chiến sĩ của đồn Huỳnh Hạ, binh nhất Trần Văn Mậu được đồn trưởng lúc đó là thượng sĩ Phạm Sơn quê ở Thanh Hóa cử lên mặt cầu Hiền Lương 2 lần làm nhiệm vụ và một lần được đi cùng đồn trưởng Phạm Sơn sang bên kia giới tuyến làm nhiệm vụ  bảo vệ cuộc giao ban khu vực giới tuyến. Vào đầu năm 1965, anh Mậu cùng đơn vị bảo vệ Đoàn Liên hợp quốc và Đoàn cán bộ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Đại tá Hà Văn Lâu làm trưởng đoàn đi thực tế từ cầu Hiền Lương lên thượng nguồn. Một vinh dự cho anh Mậu là luôn được cấp trên giao nhiệm vụ quan trọng nhất của khu vực giới tuyến là bảo vệ việc kéo cờ và hạ cờ Tổ quốc vào lúc 5 h và 17h mỗi ngày. Mỗi lúc như vậy khi nhìn lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nền trời xanh Vĩnh Linh,  anh cảm nhận được trách nhiệm của mình cao cả và  thiêng liêng xiết bao.

Việc duy tu, bảo dưỡng cầu là công việc của đơn vị công binh, khi đó anh Mậu nhớ là cầu Hiền Lương mỗi năm được thay một mầu sơn. Ở bờ Bắc khi mình sơn mầu trắng thì phía bên kia lại sơn mầu đen, khi mình sơn mầu xanh thì bên kia lại sơn mầu trắng. Kể đến đây, anh Mậu nói “Cây cầu có tội tình gì mà họ phải làm như thế”. Anh Mậu còn nhớ rất rõ: “Một hôm vào trung tuần tháng 7 năm 1965, nước sông Bến Hải rất to. Lúc đó vào khoảng 10h, tôi đang chuẩn bị thay ca gác thì đồn trưởng phát hiện thấy trên sông có một cây gỗ đang lao rất nhanh từ thượng nguồn xuống, nước chảy mạnh có một người bám vào đó kêu cứu. Lệnh của đồn trưởng Phạm Sơn phát đi: “Đồng chí nào bơi tốt hãy xuống sông cứu người”. Lập tức tôi chạy lên phía thượng nguồn cách cầu khoảng 50 m lao xuống sông. Khi bơi ra chỗ cây gỗ đó thì đã gần sát cầu, nhưng cây gỗ và người bị nạn gặp một dòng xoáy đưa sang phía bờ nam. Trên bờ đồn trưởng gọi ra lệnh tôi quay lại vì không được vi phạm giới tuyến, còn bên kia cảnh sát ngụy bắn súng hối hả vào dòng chảy. Một lúc sau, tôi quay lại vào đứng trên bờ nhìn cây gỗ và người bị nạn trôi theo dòng chảy mà lòng đầy thương cảm.

Sau lần đó tôi được cấp trên phong tặng danh hiệu chiến sĩ giỏi và được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Cũng vào năm 1965, một đêm tuần tra lên phía thượng nguồn, anh cùng hai chiến sĩ là binh nhất Khang và binh nhất Thi đi trên bờ để áp tải một chiếc đò dọc của  Hợp tác xã mua bán Vĩnh Sơn trở nước mắm về bán cho bà con. Đò đang đi bên bờ Bắc thì cảnh sát Ngụy hối hả xả súng vào đò, chiếc đò vỡ ra, rất may hai người dân không bị sao và được các anh cứu vớt. Anh Mậu còn nhớ đó là chị Thuyết người xã Vĩnh Sơn là nhân viên bán hàng của HTX. Khi nghe thấy súng nổ, hai đơn vị đồn Huỳnh Hạ và đồn Huỳnh Thượng cho hai đội cơ động đến tăng cường vì nghĩ rằng có đụng độ vũ trang. Lúc bấy giờ chúng tôi có lệnh không được nổ súng trong trường hợp không có xâm lấn vũ trang vào lãnh địa.

Sau đó anh Mậu được điều về đồn  57 xã Vĩnh Trường. Ở đó anh bị thương nặng do đơn vị bị bom  Mỹ  hủy diệt. 11 năm chiến đấu ở khu vực giới tuyến là bao nhiêu kỷ niệm. Đến nay tuổi đã ngoài lục tuần, đôi mắt đã hỏng từ lâu, nhưng một trong những ước nguyện của anh là được thăm lại Vĩnh Sơn, thăm lại cầu Hiền Lương để được gặp lại bà con bên đồn nơi anh công tác một thời.

Đức Viên

(Trung tâm truyền thông tiềm năng Việt)

  • Từ khóa