Thứ 6, 10/01/2025, 10:08[GMT+7]

9X bám ruộng làm giàu

Thứ 2, 31/08/2020 | 08:06:49
6,128 lượt xem
Từ bỏ công việc lái xe trở về quê thuê 24ha đất để sản xuất lúa tập trung, chàng thanh niên trẻ Dương Trọng Vĩnh, thôn Tiên Cầu, xã Quỳnh Trang (Quỳnh Phụ) đang hiện thực hóa giấc mơ làm giàu trên mảnh đất quê hương. Đây là mô hình dân vận khéo về tích tụ ruộng đất cho hiệu quả kinh tế cao của địa phương rất cần được nhân rộng.

Nếu thời tiết thuận lợi, lúa được mùa, sau khi trừ chi phí, trung bình mỗi năm Vĩnh thu lãi gần 500 triệu đồng.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nông nghiệp, ngay từ khi còn nhỏ Vĩnh đã theo bố mẹ phụ giúp các công việc đồng áng. Những công việc như làm đất, cấy lúa, làm cỏ, bón phân, gặt lúa... đã trở nên quen thuộc với chàng trai sinh năm 1991. Đến tuổi trưởng thành, Vĩnh được bố mẹ cho đi học nghề lái xe tải và theo nghề được hơn 3 năm. Thời gian gần đây, do chuyển dịch cơ cấu lao động, người dân chủ yếu đi làm tại các công ty, xí nghiệp; lao động còn lại ở địa phương chủ yếu là những người già, không còn sức lao động; đồng ruộng bị chuột bọ phá hoại nhiều nên người dân không còn mặn mà, nhiều diện tích ruộng của địa phương bị bỏ hoang gây lãng phí. Trước thực trạng trên, là người vốn gắn bó với đồng ruộng từ nhỏ, Vĩnh thấy rất xót xa. Được sự tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương, Vĩnh đã đứng lên thuê, mượn lại đất của người dân. 

Vĩnh cho biết: Việc thuê, mượn đất của người dân rất thuận lợi do người dân cũng không muốn ruộng để hoang lãng phí. Ngoài việc trả hết các chi phí dịch vụ nông nghiệp, mỗi năm chỉ phải trả cho chủ đất 10kg thóc/sào. 

Cùng với diện tích ruộng có từ trước của gia đình, hiện nay tổng diện tích đất trồng lúa của Vĩnh là 24ha. Với diện tích ruộng lớn, để giảm chi phí thuê nhân công, tăng hiệu quả sản xuất, Vĩnh đầu tư máy móc, trang thiết bị đồng bộ từ máy cày, máy cấy, máy gặt đến kho sấy với tổng chi phí đầu tư ban đầu gần 500 triệu đồng. Ngoài ra, Vĩnh còn đăng ký với công ty cung cấp phân bón làm đại lý cấp 1 để được mua phân bón với giá thành rẻ hơn ngoài thị trường. Để bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, Vĩnh ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty giống Đông Triều (Quảng Ninh). Hiện nay, 50% diện tích Vĩnh trồng lúa giống ĐT52 (lúa nếp Thái Lan) hợp đồng với công ty; diện tích còn lại trồng các giống lúa hàng hóa chất lượng cao như nếp nhung lùn, lai thơm 6, BC15... Nếu thời tiết thuận lợi, lúa được mùa, sau khi trừ chi phí, trung bình mỗi năm Vĩnh thu lãi gần 500 triệu đồng. Theo Vĩnh, đây là khoản thu nhập ổn định, bảo đảm cho cuộc sống gia đình, là cơ sở để bản thân yên tâm, gắn bó với nghề nông. Mô hình của Vĩnh đang tạo việc làm cho 5 lao động thường xuyên; 10 đến 15 lao động thời vụ. 

Bà Bùi Thị Điệp, thôn Khang Ninh, xã Quỳnh Trang cho biết: Tôi làm cho gia đình cháu Vĩnh đã nhiều năm. Vụ mùa năm nay diện tích trồng lúa được mở rộng hơn rất nhiều song cháu Vĩnh đầu tư rất nhiều máy móc, các công việc nặng đều đã có máy móc, chúng tôi chỉ làm những công đoạn nhẹ nhàng. Ngoài thời gian làm cho cháu Vĩnh tôi còn làm thêm nghề phụ khác. Thu nhập vì vậy so với trồng mấy sào lúa trước đây cao hơn nhiều, đủ để trang trải cuộc sống.

Chia sẻ về lựa chọn của mình, Vĩnh cho biết: Theo tôi trồng lúa vẫn có thể giàu, quan trọng là phải tích tụ được ruộng đất đủ lớn, áp dụng đồng bộ các khâu sản xuất từ việc chọn giống lúa năng suất, chất lượng cao để canh tác, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, phòng, trừ tốt sâu bệnh bảo vệ sản xuất... Từ đó giảm chi phí đầu tư, hạ giá thành trong sản xuất, tạo ra sản lượng lúa lớn, chất lượng và thu lãi cao. Trong thời gian tới, tôi sẽ mở rộng thêm diện tích, cải tiến một số máy móc phục vụ cho sản xuất đáp ứng cho cả trồng cây vụ đông và chuyển dịch cơ cấu cây trồng trong tương lai khi tìm được thị trường phù hợp.

Ông Bùi Gia Tiến, Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Trang cho biết: Mô hình của anh Dương Trọng Vĩnh là mô hình dân vận khéo tiêu biểu của địa phương về tích tụ ruộng đất, sản xuất tập trung cho hiệu quả kinh tế cao. Đây là mô hình rất cần được nhân rộng, nhất là trong tình hình hiện nay, do xu hướng chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp. Hiện nay, trong xã còn 40ha ruộng bỏ hoang, vì vậy trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tích tụ ruộng đất, sản xuất tập trung, chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao, khắc phục tình trạng ruộng bỏ hoang.

Đào Quyên

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày