Chủ nhật, 24/11/2024, 22:11[GMT+7]

Người “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”

Thứ 2, 31/08/2020 | 08:17:04
2,263 lượt xem
Đó là cách mà nhiều người vẫn gọi ông Phạm Duy Hồng, trưởng ban bảo vệ dân phố, phường Quang Trung (thành phố Thái Bình). Hơn 3 năm nay, dù trời nắng hay mưa, vào các khung giờ cao điểm ông đều có mặt ở khu vực đường Lý Bôn, đoạn cổng Bệnh viện Đa Khoa tỉnh để phân luồng, điều tiết giao thông. Việc làm của ông được đông đảo người dân ghi nhận, góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.

Ông Phạm Duy Hồng phân luồng, điều tiết giao thông trên đường Lý Bôn, đoạn cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Không chỉ phân luồng giao thông, ông Hồng và các thành viên trong tổ tự quản an toàn giao thông còn thường xuyên nhắc nhở mọi người tuân thủ Luật Giao thông đường bộ, giúp đỡ người già, trẻ nhỏ, người dân qua đường... Hình ảnh người đàn ông trong bộ quần áo đã bạc màu, đầu đội mũ bảo hiểm, tay cầm gậy điều tiết giao thông đã quen thuộc với nhiều người dân thường xuyên tham gia giao thông qua khu vực này. Em Nguyễn Ngọc Anh, sinh viên Trường Đại học Y Dược Thái Bình cho biết: Đường Lý Bôn đoạn từ cầu gốc Mít đến ngã ba giao cắt với đường Lê Đại Hành chỉ dài khoảng 200m nhưng cứ vào giờ cao điểm là xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. Nguyên nhân là do lượng phương tiện tham gia trên tuyến đường này rất đông, đặc biệt vào những giờ cao điểm, luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra va chạm, tai nạn giao thông. Trước đây, khi bác Hồng chưa trực tiếp tham gia điều tiết giao thông thì việc đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Từ khi bác Hồng tham gia điều tiết giao thông tại khu vực này thì việc đi lại của người dân rất thuận tiện, không còn xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. Từ đó cũng hạn chế xảy ra các vụ va chạm, tai nạn giao thông, góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông khu vực này.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Hồng cho biết, tổ tự quản an toàn giao thông khu vực cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 4/2017, lực lượng nòng cốt là bảo vệ dân phố, an ninh tự quản tổ dân phố, bảo vệ Bệnh viện Đa khoa tỉnh và bảo vệ Bệnh viện Phụ sản Thái Bình. Nhiệm vụ của tổ tự quản an toàn giao thông là bảo đảm trật tự an toàn giao thông tĩnh, không để người dân bày bán hàng rong trên vỉa hè, dưới lòng đường. Trong thời gian làm nhiệm vụ tại đây, tôi nhận thấy khu vực này thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. Trước thực tế trên, tôi đã tình nguyện đứng tại đường Lý Bôn để phân luồng, điều tiết giao thông. Từ khi tổ tự quản an toàn giao thông đi vào hoạt động, đường Lý Bôn đoạn từ cầu gốc Mít đến ngã ba giao cắt với đường Lê Đại Hành đã hạn chế được tình trạng người dân lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi buôn bán; các vụ va chạm giao thông cũng có chiều hướng giảm. Để nâng cao nhận thức, ý thức cho người dân khi tham gia giao thông, tôi và các thành viên tổ tự quản thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở người dân, các hộ kinh doanh, buôn bán hai bên đường không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, hành lang an toàn giao thông...

Để mô hình tổ tự quản an toàn giao thông tiếp tục được nhân rộng và phát huy hiệu quả nhiều người dân bày tỏ mong muốn các cấp, các ngành sẽ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để các thành viên tham gia tổ tự quản an toàn giao thông được tập huấn nghiệp vụ và những kiến thức cơ bản về pháp luật. Bên cạnh đó, cũng cần có cơ chế phù hợp, hỗ trợ một phần kinh phí hoạt động cho các tổ tự quản cũng như kịp thời khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Phạm Hưng

  • Từ khóa