Thứ 6, 10/01/2025, 10:21[GMT+7]

Địa chỉ đỏ trên quê hương cách mạng

Thứ 4, 02/09/2020 | 08:33:50
13,044 lượt xem
Với thế đất hiểm trở, lòng dân kiên trung một lòng theo cách mạng, xã Quỳnh Nguyên (Quỳnh Phụ) đã được Tỉnh ủy Thái Bình lựa chọn, xây dựng thành an toàn khu (ATK), góp phần làm nên thắng lợi cuộc khởi nghĩa mùa thu tháng tám tại Thái Bình. Địa chỉ đỏ này cũng là nơi diễn ra nhiều hoạt động cách mạng sôi nổi trong kháng chiến chống thực dân Pháp.

Chùa Phương Quả, xã Quỳnh Nguyên (Quỳnh Phụ), an toàn khu của Tỉnh ủy Thái Bình thời kỳ tiền khởi nghĩ

Chúng tôi tìm về địa chỉ đỏ Quỳnh Nguyên để sống lại những hồi tưởng hào hùng của lịch sử. Cùng ông Nguyễn Văn Tú, cán bộ lão thành, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Nguyên tới thăm chùa Phương Quả (Long My Tự) hay còn gọi là chùa Gạo. Những ngày tiền khởi nghĩa, nơi đây từng nuôi giấu, che chở cho nhiều cán bộ Việt Minh cốt cán của Thái Bình như các đồng chí Ngô Duy Đông, Lương Quang Chất, Nguyễn Đức Tâm… Lần giở những trang tài liệu lịch sử, ngay từ mùa hè năm 1939, 2 thanh niên Nguyễn Ngọc Nhị, Nguyễn Ngọc Hoằng, quê thôn Phương Quả đã được giác ngộ cách mạng, tham gia vào tổ chức Thanh niên phản đế. 2 ông đã tích cực tham gia các hoạt động tuyên truyền đấu tranh chống Pháp. Năm 1944, Đoàn Thanh niên cứu quốc xã Quỳnh Nguyên được thành lập cùng đội Thái Hùng có nhiệm vụ trừ gian diệt ác, bảo vệ cơ sở cách mạng ở địa phương. Đầu tháng 4/1945, đồng chí Ngô Duy Đông, Phó Bí thư Tỉnh ủy được cử về Quỳnh Côi tăng cường phát triển phong trào cách mạng. Trước những hoạt động sôi nổi của phong trào Việt Minh cùng tinh thần giác ngộ cách mạng của nhân dân Quỳnh Nguyên, hội nghị Tỉnh ủy tháng 6/1945 quyết định xây dựng Phương Quả thành ATK của tỉnh, lấy chùa Phương Quả là trụ sở làm việc của Tỉnh ủy.

Chùa Phương Quả trở thành nơi liên lạc, canh gác và luyện tập vũ trang của đội tự vệ do đồng chí Đào Văn Trịnh (phụ trách Văn phòng Tỉnh ủy) trực tiếp huấn luyện. Từ Phương Quả, phong trào Việt Minh còn phát triển sang các làng thuộc 2 huyện Đông Hưng và Hưng Hà để đánh lạc hướng chú ý của phát xít Nhật. Việt Minh khu B Quỳnh Côi cũng đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, bảo vệ an toàn tuyệt đối cho cán bộ Tỉnh ủy tại Phương Quả.

Dấu tích còn lưu lại về những ngày sôi động của ATK Phương Quả khi xưa chính là đường hầm nuôi giấu cán bộ trong ngôi chùa đã gần 200 năm tuổi. Sư thầy Thích Đàm Chiên, trụ trì chùa Phương Quả dẫn chúng tôi đi tham quan đường hầm cách mạng khi xưa. Đường hầm được đào ngay dưới chân chính điện, cửa tròn và chỉ đủ cho một người chui xuống. Đây chính là nơi trú ẩn và nơi diễn ra những cuộc họp của Tỉnh ủy Thái Bình khi đó. Trước đây hầm còn có đường ngách dẫn ra phía trước cửa chùa và hào nước sau chùa, khi có động, người trong hầm sẽ tùy nghi di tản. 

Địa lý tuy hiểm yếu song chính lòng dân Phương Quả, Quỳnh Nguyên mới chính là ATK che chở cho cách mạng. Lực lượng Việt Minh, nhân dân và đội tự vệ Phương Quả đã giúp đỡ, bảo vệ cơ quan, tham gia công tác liên lạc, đưa đón cán bộ, chuyển nhận công văn tài liệu cho Tỉnh ủy. Trong câu chuyện của mình, ông Nguyễn Văn Tú và sư thầy Thích Đàm Chiên vẫn kể về tấm lòng trung nghĩa của hòa thượng Thích Thanh Đại là trụ trì chùa cùng nhân dân làng Phương Quả bí mật nuôi giấu cán bộ cách mạng. Mật thám Nhật và bọn việt gian nhiều lần đến chùa truy lùng đồng chí Ngô Duy Đông, song lần nào cũng nhận được câu trả lời từ hòa thượng: “Tôi là Đông đây”. Cảm mến, dân làng Phương Quả thường gọi hòa thượng là thầy Đông. Gác chuông chùa trở thành trạm viễn tiêu, mỗi khi lực lượng cán bộ hội họp hay lực lượng tự vệ luyện tập, thầy Đông thường lên canh gác, tình huống khẩn cấp sẽ dùng chuông chùa làm hiệu lệnh báo động… 

Cách mạng Tháng Tám thành công, nhân dân Thái Bình cùng cả nước bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp bảo vệ nền độc lập non trẻ của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đóng góp vào cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, giai đoạn 1947 - 1950, chùa Phương Quả được Trung đoàn 42, Trung đoàn chủ lực cơ động của Quân khu Tả Ngạn trong kháng chiến chống Pháp lựa chọn làm cơ sở sản xuất vũ khí. Để kịp thời đối phó với âm mưu của giặc Pháp, giữa năm 1949, được sự chỉ đạo của Ủy ban kháng chiến tỉnh và Ty Y tế Thái Bình, bộ phận bắc đường 10 của Bệnh viện tỉnh Thái Bình đã sơ tán về làng Phương Quả. Trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, song được che chở, đùm bọc, cán bộ, y bác sĩ bệnh viện vẫn bảo đảm chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và nhân dân phục vụ kháng chiến. 

Đặc biệt, giai đoạn 1951 - 1953, đồng chí Đỗ Mười, Bí thư Khu ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính khu và Chính ủy Bộ Tư lệnh khu Tả Ngạn thường xuyên chọn mảnh đất Quỳnh Nguyên làm nơi bí mật hoạt động, chỉ đạo kháng chiến. Trong ký ức của ông Nguyễn Văn Tú, khi đó là chàng thanh niên 17 tuổi sôi nổi tham gia rào làng kháng chiến ở địa phương mãi không quên những hình ảnh thân thuộc, giản dị hòa đồng với nhân dân trong cuộc sống, song đầy nhiệt huyết và kiên định trong công việc của bác Ngạn, tức nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười. Tại thôn Trình Uyên, bác Ngạn đã chọn nhà ông Nguyễn Văn Hộc (chú ruột ông Tú) làm nơi ở và làm việc trong giai đoạn hoạt động bí mật tại Quỳnh Nguyên. Khi giữ trọng trách Tổng Bí thư của Đảng, dù bận trăm công nghìn việc, song tình cảm của bác Ngạn qua những lá thư thăm hỏi, qua những lần về thăm Thái Bình và đón tiếp nhân dân Quỳnh Nguyên lên thăm vẫn nồng thắm vẹn nguyên như lòng người Quỳnh Nguyên một lòng theo cách mạng. 

Với những thành tích đáng tự hào, năm 1995, chùa Phương Quả đã được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh với thành tích là cơ sở liên lạc và bảo vệ cơ quan Tỉnh ủy Thái Bình tại ATK Phương Quả giai đoạn 1944 - 1945. Năm 2010, xã Quỳnh Nguyên đã vinh dự đón nhận danh hiệu đơn vị “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp”. 

Bằng tư duy sáng tạo và tinh thần đổi mới, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo niềm tin và sức mạnh trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, tranh thủ và sử dụng hiệu quả các nguồn hỗ trợ từ tỉnh, huyện và các nguồn vốn xã hội hóa, năm 2015, Quỳnh Nguyên đã cán đích xã nông thôn mới. Giai đoạn 2015 - 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 8,61%, Đảng bộ liên tục đạt trong sạch, vững mạnh, an ninh chính trị được giữ vững, cơ sở hạ tầng phát triển đồng bộ, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. 

Phát huy truyền thống của quê hương cách mạng anh hùng, trong công cuộc đổi mới, nguồn sức mạnh của những dấu son lịch sử như điểm tựa để đất và người Quỳnh Nguyên chung sức, đồng lòng cùng nhân dân Thái Bình viết lên những trang sử mới. 

Trịnh Cường

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày