Chủ nhật, 24/11/2024, 23:33[GMT+7]

"Tuấn cá" - nghề mới, nghề cũ

Thứ 2, 05/10/2020 | 15:17:43
10,550 lượt xem
...Tuấn bảo nghe đài, báo nói có chương trình mỗi làng xã một sản phẩm, ước gì ở nơi đây chính quyền địa phương cùng vào cuộc thì sản phẩm từ con ốc bươu cổ sẽ làm giàu cho địa phương rất nhanh và biết đâu một ngày nào đó nghề nuôi ốc bươu sẽ trở thành thương hiệu của vùng quê này.

Nuôi ốc một vốn nhiều lời

Mới hơn 5 giờ sáng đài phát thanh đã phát quảng cáo Công ty Giống thủy sản Vĩnh Cơ bán trứng ốc bươu cổ, ốc bươu giống, ốc bươu thương phẩm. Đây là những loại ốc sinh trưởng nhanh, thịt giòn ngọt, giá trị dinh dưỡng cao. Vừa bán ốc, Công ty còn hướng dẫn kỹ thuật cho người nuôi ốc và bảo đảm đầu ra cho sản phẩm - chủ Công ty là Ngô Duy Tuấn ở xã Dương Hồng Thủy (Thái Thụy). Tôi hơi giật mình và trộm nghĩ có phải Tuấn cá đã bỏ nghề nuôi cá để chuyển sang nuôi ốc. Không tránh khỏi sự tò mò tôi bèn lấy điện thoại điện cho Tuấn nhưng đầu kia không có tín hiệu trả lời, tôi càng không hiểu vợ chồng Tuấn đi đâu mà không nghe máy, hơn 2 giờ đồng hồ sau tôi mới thấy Tuấn gọi lại không đợi tôi hỏi Tuấn đã nói như thanh minh: Vì người đến mua ốc nhiều quá hai vợ chồng em vừa vớt ốc giống vừa cân vừa bán, thu tiền nên không biết bác gọi điện. Nghe Tuấn nói vậy tôi liền hỏi bỏ nghề nuôi cá rồi hay sao mà bây giờ lại chuyển sang nuôi ốc. Không trả lời câu hỏi của tôi, Tuấn bảo: Hôm nào bác xuống em sẽ rõ mọi chuyện. Ít ngày sau tôi điện cho Tuấn để xuống chơi nhưng vẫn như lần trước không có tín hiệu trả lời điện thoại; đoán chắc vợ chồng Tuấn bận ngoài ao nên tôi vẫn xuống. Thấy tôi, Tuấn bảo không biết bác xuống chứ biết thì em mời bác xuống sớm một chút để chứng kiến cảnh bán ốc giống. Tôi hỏi thế dạo này cô chú bỏ nuôi cá để đi nuôi ốc à. Bỏ sao được anh, nhưng bây giờ kinh tế thị trường thì phải thức thời hơn một chút, phải biết bán những cái thị trường cần, các cụ xưa có câu “Một vốn bốn lời” chuyển từ nuôi cá sang nuôi ốc một vốn bỏ ra thu về nhiều lời, gấp nhiều lần nuôi cá. Rồi Tuấn chỉ vào những chiếc ao trước mặt và nói đây toàn là những chỗ trước đây nuôi cá bây giờ chuyển sang nuôi ốc giống, ốc thịt. 

Tôi hỏi Tuấn đang nuôi cá sao em lại chuyển được sang cái nghề mới này. “Giàu nhờ bạn mà anh” từ mấy đầu mối em vẫn bán cá rồi từ bạn bè ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh khi vào các quán ăn thấy ốc bươu ăn ngon giòn mà đắt nên điện cho em bảo chuyển nuôi cá sang nuôi ốc, thế là em liền vào mạng xem hướng dẫn cách nuôi ốc, cách làm vệ sinh ao, rồi xem luôn cả thị trường tiêu thụ. Khi nuôi là em nuôi thật luôn, rất may là đúng lúc thị trường cần nên ốc thịt, trứng ốc và cả ốc giống cứ nuôi ra đến đâu bán hết đến đấy. Nuôi ốc tiết kiệm được khá nhiều công lao động so với nuôi cá mà hiệu quả đem lại thì thật bất ngờ, không chỉ em làm giàu mà hầu hết các gia đình mua ốc bươu giống từ cơ sở của em cũng giàu lên, câu nói “Một vốn bốn lời” mà các cụ tổng kết càng ngày càng thấy đúng. Tuấn bảo nghe đài, báo nói có chương trình mỗi làng xã một sản phẩm, ước gì ở nơi đây chính quyền địa phương cùng vào cuộc thì sản phẩm từ con ốc bươu cổ sẽ làm giàu cho địa phương rất nhanh và biết đâu một ngày nào đó nghề nuôi ốc bươu sẽ trở thành thương hiệu của vùng quê này.

Nuôi cá để giữ thương hiệu

Nhấp ngụm nước trà như để xuôi dòng thời gian, tôi hỏi Tuấn nuôi cá mấy chục năm có chuyện nào vui buồn kể anh nghe thử. Tuấn cười và bảo tôi, chuyện vui thì nhiều, chuyện buồn cũng có nhưng em kể anh nghe câu chuyện vừa vui vừa buồn. 

Có lần hò hẹn mãi với một cơ sở ở tỉnh ngoài mới mua được 5 con cá trắm đen, mỗi con nặng trên dưới 20kg, cá mang về thả vào bể chờ khách đến lấy nhưng khách chỉ mua 4 con, còn 1 con nhất định không mua dù có hạ giá chỉ vì con cá này bị tróc nhiều vẩy quá. Buồn vì không bán được cá nên đã bàn với vợ rủ bạn bè, anh em, hàng xóm đến liên hoan xem con cá trắm 20kg ăn ngon như thế nào và quả thật ăn vào ai cũng khen ngon không kém gì thịt gà, giò lụa. Riêng món vảy cá rán vừa giòn vừa ngậy thơm ăn như phồng tôm, ai cũng bảo đúng là quý hiếm lần đầu được ăn. Nghe mọi người khen, Tuấn mới chợt nhớ ra là ở chỗ bắt cá Tuấn trót kể với mấy người được anh thuê đánh cá là ăn vảy cá trắm đen rán ngon như phồng tôm và có lẽ câu chuyện Tuấn kể chính là nguyên nhân mà hàng loạt vảy của con cá trắm đen trên 20kg bị tróc. Đúng là miếng ngon nhớ đời! 

Câu chuyện vừa dứt thì Tuấn lại có điện thoại từ Hà Nội gọi về đặt mua cá trắm đen tầm trên 15kg/con. Tuấn bảo về ngay cá to lúc nào cũng có, trả lời xong Tuấn quay sang nói với tôi, cá em vẫn nuôi nhưng dành một khu riêng và chỉ nuôi những loại cá mà thị trường ít người nuôi được, phải độc quyền thì mới nâng được thương hiệu Tuấn cá và giữ được khách, khách mới nhớ đến mình. 

Đúng là làm nông dân đã khó nhưng làm nông dân dưới thời đại công nghiệp 4.0 càng khó hơn nhiều. Dẫu sao tôi vẫn mong ở tỉnh nông thôn mới này sẽ ngày càng nhiều những tấm gương nông dân cần mẫn làm ăn, hăng hái tìm những con vật nuôi, những cây trồng mới để làm giàu cho gia đình mình, làm giàu cho quê hương và cũng từ những tấm gương như thế sẽ có ngày càng nhiều hơn những người tìm đến và yêu quý hơn mảnh đất, con người Thái Bình.

    

                                                                                                                          Bài: Tuấn Dung

                                                                                                                        Ảnh: Khắc Duẩn