Thứ 6, 10/01/2025, 04:02[GMT+7]

Về nơi in dấu chân Người

Thứ 5, 10/12/2020 | 09:06:31
11,671 lượt xem
Cách đây 58 năm, ngày 26/3/1962, xã Nam Cường (Tiền Hải) vinh dự được đón Bác Hồ về thăm, động viên nhân dân khai hoang lấn biển thành lập xã mới. Khắc ghi những lời Bác dạy, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Nam Cường luôn đoàn kết phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm một xóm của bà con nông dân Hợp tác xã Nam Cường mới thành lập do lấn biển khai hoang, ngày 26/3/1962. Ảnh tư liệu

Ký ức ngày Bác Hồ về thăm

Cùng với cụ Phạm Trung Khoát, thôn Chí Cường đi trên con đường xanh bóng mát dẫn ra Khu lưu niệm Bác Hồ, chúng tôi cảm nhận rõ tình cảm của Bác dành cho nhân dân xã Nam Cường nói riêng, nhân dân huyện Tiền Hải nói chung, tình cảm của nhân dân dành cho Bác - vị Cha già kính yêu của dân tộc mãi còn sắt son. 58 năm qua, hình ảnh bình dị, những lời dạy bảo ân cần của Bác vẫn in đậm trong ký ức của người dân Nam Cường. Những câu chuyện về Bác được cụ Khoát cũng như người dân Nam Cường truyền lại cho con cháu là di sản tinh thần vô giá. Với riêng cụ Khoát, đó là niềm vinh dự và cũng là hạnh phúc lớn nhất khi được gặp Bác Hồ, được trực tiếp nghe Bác căn dặn, cụ luôn ghi nhớ và nguyện phấn đấu suốt đời thực hiện lời Bác dạy. 

Cụ Khoát chia sẻ: 59 năm trước, khi tôi là chàng trai 18 tuổi nghe theo tiếng gọi của Đảng xung phong đi khai hoang lấn biển. Những năm đầu khai hoang lấn biển, người dân Nam Cường bộn bề khó khăn, thiếu thốn nhưng bằng sự đồng sức, đồng lòng và với ý chí “Đẩy sóng ra xa, kéo chân trời gần lại” đã biến vùng bãi sình lầy, sú vẹt hoang hóa thành cánh đồng trồng lúa, trồng cói và nuôi trồng thủy sản. Chỉ trong một thời gian ngắn, từ tháng 4 đến tháng 12/1961, nhân dân Nam Cường đã khai phá được hơn 200ha, mở rộng diện tích đất canh tác nông nghiệp, trong đó có 90ha đất trồng lúa, hơn 100ha trồng cói và nuôi trồng thủy sản. Biết nhân dân Nam Cường có phong trào khai hoang lấn biển và đạt thành tích cao trong sản xuất, ngày 26/3/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm và động viên bà con. Người bước chân trên mảnh đất mới còn nồng chất muối, cỏ chưa mọc được, đến thăm nơi ăn, chốn ở của bà con đi khai hoang, ân cần thăm hỏi cuộc sống, sức khỏe của bà con. Giọng Người thân thương, ấm áp: Được biết đồng bào Nam Cường có nhiều thành tích trong khai hoang lấn biển, Bác cùng các đồng chí lãnh đạo ở Trung ương thay mặt Đảng, Chính phủ về thăm đồng bào. Bác khen ngợi đồng bào đã có tinh thần khắc phục khó khăn, quyết tâm lấn biển, quai đê, mở rộng diện tích canh tác, làm giàu cho mảnh đất quê hương. Rồi Bác xem tấm bản đồ làng mới, góp ý với cán bộ về việc xây dựng khu nhà ở, nơi làm trường học và nhà y tế hộ sinh. Đứng giữa các xã viên, Bác nói: Bản đồ vẽ đẹp lắm. Làm được như bản đồ, các xã viên sẽ có một quê hương mới giàu đẹp. Bác còn căn dặn đồng bào khi đi khai hoang: Mọi việc khi mới bắt đầu làm đều khó, phải có quyết tâm thật lớn, vượt mọi khó khăn thì mới đạt được những điều mong muốn. Hiểu được những khó khăn, vất vả trong những ngày đầu của người đi khai hoang, Bác động viên: Muốn ăn cam thì phải trồng cam, trồng xong phải chăm bón từ ba đến năm năm thì có quả. Xã viên đi khai hoang cũng vậy, phải cố gắng lao động sản xuất để sau này được ấm no.

Là xã mới thành lập nên nhà của người dân nơi đây hầu hết là những tấm phên được trát bằng bùn trộn rơm, mái lợp lá. Thấy vậy, Bác hỏi: Muốn có nhà ở đẹp và tốt, phải làm gì? - Thưa Bác, phải đắp lò vôi, lò gạch. Bác bổ khuyết: Chưa đủ, còn phải trồng cây nữa. Bác xòe bàn tay ra vừa tính vừa nói: Đất ở đây rộng. Hai vợ chồng xã viên mỗi năm trồng 10 cây. Năm năm trồng được 50 cây. Làm nhà ba gian hết 18 cây và các thứ khác hết tất cả độ 25 cây. Còn 25 cây bán rẻ mỗi cây 3 đồng lấy tiền tiêu dùng. Có làm được không? Bà con Nam Cường đồng thanh: Có ạ! Có ạ!

Bác Hồ về thăm Nam Cường giữa lúc muôn vàn khó khăn của buổi đầu dựng nghiệp, sự quan tâm của Bác như tiếp thêm ngọn lửa nhiệt huyết và tình yêu quê hương tha thiết trong mỗi trái tim người dân Nam Cường đồng lòng quyết tâm khai hoang lấn biển, biến mảnh đất lau sậy thành vùng đất trù phú. Khắc ghi lời Bác dạy, nhân dân Nam Cường càng nỗ lực khai hoang, tham gia sản xuất, đạt được nhiều thành tích trong phong trào khai phá đất hoang, quai đê lấn biển và phong trào tăng gia sản xuất của toàn tỉnh Thái Bình.

Diện mạo nông thôn xã Nam Cường (Tiền Hải). 

Diện mạo nông thôn khởi sắc

Trong suốt chặng đường dài gian khó, đến hôm nay cũng như mãi mãi sau này, nhân dân Nam Cường luôn ghi nhớ và làm theo những lời căn dặn của Bác. Đảng bộ và nhân dân Nam Cường luôn mạnh dạn đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế, xây dựng quê hương giàu đẹp. Trong cách nhìn, nếp nghĩ, có được những kết quả thành công đều từ chính khát vọng, những giọt mồ hôi của nhân dân Nam Cường đổ xuống nơi đất hoang để có thành công như ngày hôm nay. Ánh điện đã thay cho đèn dầu leo lét. Đường bê tông, đường đá láng nhựa đã thay cho đường đất lầy lội. Nhiều công trình kiên cố với nguồn vốn đầu tư nhiều tỷ đồng đã tạo ra diện mạo quê hương đổi mới, phục vụ cho nhiệm vụ sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân địa phương.

Dẫn chúng tôi đi thăm một số thôn trên địa bàn xã, các tuyến đường làng, ngõ xóm đều được vệ sinh sạch sẽ, những thảm hoa ven đường khoe sắc tỏa hương, nhiều ngôi nhà cao tầng khang trang mọc lên, ông Đặng Văn Liệu, Phó Bí thư Đảng ủy xã phấn khởi thông tin: Nam Cường giờ đây đã khoác lên mình một diện mạo mới. Thành quả đó là do Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn xã đã đồng lòng thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; tập trung xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xứng đáng với niềm tin và vinh dự được Bác về thăm. Kinh tế của xã theo từng giai đoạn đều có sự tăng trưởng, tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2015 - 2020 đạt 12,03%; thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 53,2 triệu đồng. Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 5 năm 2015 - 2020 đạt 100 tỷ đồng. Đảng bộ và chính quyền xã luôn được công nhận trong sạch, vững mạnh tiêu biểu, các đoàn thể nhân dân đạt tiên tiến và xuất sắc. Bên cạnh đó, các phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư được quan tâm và phát triển sâu rộng với nhiều nét đẹp văn hóa của quê hương. Đặc biệt, ngày 12/10/2015, Bộ Văn hóa,  Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 3438/QĐ-BVHTTDL về việc xếp hạng di tích quốc gia “Di tích lịch sử Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh” tại xã Nam Cường. Khu lưu niệm là địa chỉ đỏ, nơi giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng, truyền thống quê hương cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Mạnh Thắng

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày