Thứ 6, 10/01/2025, 03:55[GMT+7]

Một trái tim nặng tình với Đảng

Thứ 2, 21/12/2020 | 09:22:31
9,174 lượt xem
Mặc dù đã bước sang tuổi “thất thập cổ lai hy”, song ông Nguyễn Hồng Chương, tổ 18, phường Trần Hưng Đạo, thành phố Thái Bình hàng ngày vẫn cần mẫn nghiên cứu, sưu tầm tài liệu và cho ra đời những tác phẩm chuyên sâu viết về lĩnh vực tổ chức xây dựng Đảng. Với hơn 200 tác phẩm nội dung chuyên về công tác cán bộ, tổ chức cơ sở đảng, đảng viên đăng tải trên các tạp chí đã nói lên tâm huyết, trái tim nhiệt thành của ông với ngành Tổ chức xây dựng Đảng.

Hàng ngày, ông Nguyễn Hồng Chương cần mẫn nghiên cứu, sưu tầm tài liệu và cho ra đời những tác phẩm chuyên sâu về lĩnh vực tổ chức xây dựng Đảng.

Dù đã làm báo nhiều năm, song khi được ông kể về số lượng tác phẩm ông đã viết về công tác tổ chức xây dựng Đảng tôi thực sự khâm phục niềm đam mê cầm bút của người đảng viên này. Hơn 200 tác phẩm đã được đăng tải, trong đó nhiều tác phẩm đạt giải cao trong các cuộc thi đối với một “nhà báo không chuyên” như ông thực sự khiến nhiều người khâm phục. Qua những trao đổi thân tình tôi biết được trước đây ông là giáo viên. Năm 1967, khi vừa tròn 20 tuổi, ông vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng và cũng trong năm này, ông xung phong lên đường nhập ngũ vào Nam chiến đấu. Bị thương trên chiến trường, ông trở ra miền Bắc tiếp tục học tập, bằng ý chí và nghị lực ông thi đỗ vào khoa Tiếng Nga của Trường Đại học Ngoại ngữ. Năm 1973, ông được cử sang học tại Liên Xô. Sau khi về nước, ông công tác tại Phòng Tổ chức - cán bộ, Ban Tổ chức chính quyền (nay là Sở Nội vụ); 4 năm sau ông được điều động sang Tổ cán bộ, Ban Tổ chức Tỉnh ủy. Năm 1997, ông được điều động làm Bí thư Huyện ủy Thái Thụy; đến năm 2001, ông được điều về làm Giám đốc Sở Xây dựng. Gần 30 năm công tác, kinh qua nhiều vị trí lãnh đạo, quản lý của tỉnh cũng là ngần ấy thời gian ông gắn bó với nghề tổ chức và công tác cán bộ. 

Ông Chương chia sẻ: “Cái nghề tổ chức - cán bộ là cái nghề “làm dâu trăm họ” rất phức tạp bởi nó liên quan, động chạm đến con người. Cái khó nhất của nghề là tham mưu cho cấp ủy phát hiện, tuyển dụng, đề bạt, bố trí cán bộ đúng người, đúng việc, đúng cái tâm của người làm nghề tổ chức và người cán bộ, đảng viên”. 

Vốn là người không được đào tạo cơ bản về công tác tổ chức xây dựng Đảng nên trong quá trình làm việc ông Chương tự tìm hiểu, học hỏi và dần trưởng thành. Trong suốt quá trình công tác của mình, điều khiến ông tâm huyết nhất không phải là những lớp cán bộ kế cận, trưởng thành, giữ những vị trí lãnh đạo quan trọng mà đó chính là quãng thời gian khi ông tham gia tổ biên tập xây dựng đề án tiêu chuẩn đánh giá cán bộ, công chức, viên chức cấp xã, cấp tỉnh năm 1983. Đây là đề án cấp tỉnh khởi thảo áp dụng cho tỉnh, sau đó gửi lên Trung ương tập hợp, biên soạn và ban hành quy định tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức, viên chức khối nhà nước sau đó. 

Ông Nguyễn Hồng Chương chia sẻ: Tôi coi đó là dấu ấn lớn nhất trong suốt sự nghiệp của mình. Sau nhiều tháng nghiên cứu thực tiễn cơ sở, tôi là một số ít người được phân công tham gia tổ biên tập, chắp bút, nghiên cứu để ban hành một quy định thật sự mới, có sức ảnh hưởng lớn đến toàn bộ hệ thống, bộ máy từ cấp tỉnh đến cấp xã hồi đó. Các khung tiêu chuẩn chúng tôi khởi thảo ngày đó đến nay về cơ bản nội dung đánh giá vẫn như vậy.

Sau khi được nhà nước cho về nghỉ hưu theo chế độ năm 2001, ông Chương không chọn cuộc sống an nhàn tận hưởng tuổi già mà tiếp tục tham gia cống hiến với các phong trào, hoạt động của địa phương; đồng thời không ngừng nghiên cứu, sưu tầm tư liệu, đi thực tế cơ sở để cho ra đời các tác phẩm tâm huyết về công tác tổ chức xây dựng Đảng. Theo ông, làm tổ chức hay viết báo thì đều phải có thực tiễn, vì vậy ông không quản ngại tuổi tác, rong ruổi trên các tuyến đường để đến với cơ sở nắm bắt thực tiễn và cho ra đời các tác phẩm mang đậm hơi thở cuộc sống. Đến nay, ông đã có hơn 200 tác phẩm với nội dung chuyên về công tác cán bộ, tổ chức cơ sở đảng, đảng viên đăng tải trên các tạp chí, trong đó chủ yếu là trên Tạp chí Xây dựng Đảng. Các tác phẩm của ông được đánh giá là mang đậm chất “đời” và chỉ những người đã kinh qua công tác tổ chức - cán bộ mới có được những chất liệu sống động như vậy. 

Ông tâm sự: Trong tất cả các tác phẩm, tôi tâm huyết nhất là tác phẩm “Chống chạy”, trong đó tập trung vào vấn đề nhạy cảm của xã hội đương thời đó là “chạy chức, chạy quyền”, không chỉ phản ánh thực tế, tôi đã đưa ra các giải pháp để chống lại nạn “chạy chức, chạy quyền”. 

Ngoài ra, ông còn tâm huyết với tác phẩm “Xây dựng nông thôn mới trên quê hương 5 tấn”, tác phẩm đạt giải ba tại giải báo chí toàn quốc viết về nông thôn mới. Để có được tác phẩm này ông đã đầu tư rất nhiều tâm huyết, đến trực tiếp từng thôn, từng xã, từng huyện để có tư liệu sống cho tác phẩm của mình. Bên cạnh với công việc “viết lách”, ông còn có 10 năm làm Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác mặt trận tổ dân phố 18, phường Trần Hưng Đạo. Cùng với Chi ủy, ông luôn lắng nghe, gần gũi và nắm bắt nguyện vọng của nhân dân. Vì vậy, tiếng nói của người Bí thư Chi bộ luôn có sức thuyết phục, người dân trong tổ tin tưởng và làm theo, thực hiện tốt nếp sống văn minh đô thị, vì vậy tổ 10 năm liền đạt khu dân cư văn hóa. Chi bộ luôn đạt danh hiệu Chi bộ trong sạch, vững mạnh tiêu biểu.

Thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy).

Dù tuổi đã cao, sức khỏe có nhiều hạn chế, song ông Nguyễn Hồng Chương khẳng định sẽ vẫn tiếp tục sự nghiệp làm báo không chuyên của mình. Ông quan niệm việc truyền tải những bài học kinh nghiệm, những kỷ niệm về công tác tổ chức xây dựng Đảng qua các bài viết cũng là một cách để ông thể hiện tình cảm, trách nhiệm của mình đối với những thế hệ kế cận và góp phần xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Đào Quyên

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày