Thứ 6, 29/03/2024, 01:51[GMT+7]

Kiến Xương: Vượt khó phát triển

Thứ 2, 08/02/2021 | 16:34:01
7,025 lượt xem
Trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 song với sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh cùng sự điều hành tích cực, chủ động, hiệu quả của UBND huyện, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân, kinh tế - xã hội của huyện Kiến Xương đã đạt được những kết quả khá toàn diện. Trước thềm xuân mới, phóng viên Báo Thái Bình phỏng vấn đồng chí Nguyễn Văn Dực, Chủ tịch UBND huyện Kiến Xương về vấn đề này.

Các đồng chí lãnh đạo huyện Kiến Xương kiểm tra sản xuất vụ đông năm 2020.

Phóng viên: Thưa đồng chí, trong năm 2020, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn song huyện Kiến Xương đã đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật trong năm qua?

Đồng chí Nguyễn Văn Dực: Năm 2020, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là sự tác động không nhỏ của đại dịch Covid-19, song với sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở, Kiến Xương đã hoàn thành tốt “mục tiêu kép” đó là vừa sẵn sàng phòng, chống dịch vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Tình hình an ninh chính trị ổn định; kinh tế tăng trưởng khá, sản xuất nông nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực; sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ dần phục hồi và bảo đảm việc làm cho người lao động; hoạt động thương mại và dịch vụ đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Tổng giá trị sản xuất ước đạt 11.219,9 tỷ đồng, tăng 2,43% so với năm 2019. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực: nông, lâm nghiệp, thủy sản 22,39%; công nghiệp, xây dựng 50,39%; dịch vụ 27,22%. Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2020 ước đạt 1.295,8 tỷ đồng, đạt 128% so với dự toán đầu năm. Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Đến nay, 100% số xã và huyện đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Các xã, thị trấn tiếp tục giữ vững và nâng cao các tiêu chí nông thôn mới, đẩy mạnh sản xuất, nâng cao đời sống và thu nhập cho nhân dân. Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; đời sống người dân ngày càng nâng cao; an sinh xã hội được bảo đảm.

Phóng viên: Những kết quả trên đã được thực hiện trong bối cảnh như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Văn Dực: Năm 2020, có thể nói là năm có nhiều khó khăn, thách thức với nhiều địa phương, không chỉ riêng huyện Kiến Xương do dịch Covid-19. Cụ thể, trong sản xuất công nghiệp, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất bị đình trệ đơn hàng, cắt giảm công nhân cũng như thời gian làm việc, lượng hàng tồn kho nhiều... khiến giá trị sản xuất công nghiệp toàn huyện giảm 1,41% so với năm 2019. Tuy nhiên, Kiến Xương vẫn xác định phát triển sản xuất công nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu để tạo sự bứt phá nên UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của huyện. Huyện đặc biệt quan tâm, chủ động mời gọi các nhà đầu tư về địa bàn, tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Vừa sẵn sàng phòng, chống dịch vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giữ môi trường ổn định, tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh trở lại hoạt động ngay khi dịch bệnh được khống chế. Trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện đã tập trung chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương thực hiện triệt để công tác phòng, trừ sâu bệnh trên lúa, phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, phòng, chống lụt bão và bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân.

Phóng viên: Thưa đồng chí, cùng với những kết quả đạt được, huyện Kiến Xương còn những tồn tại, hạn chế gì cần khắc phục trong thời gian tới?

Đồng chí Nguyễn Văn Dực: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hầu hết các ngành đều đạt mức tăng trưởng thấp so với kế hoạch đề ra, đặc biệt là ngành công nghiệp, dịch vụ. Sản xuất nông nghiệp chủ yếu vẫn là quy mô nhỏ; tỷ lệ tái đàn, tăng đàn lợn trong chăn nuôi nông hộ chưa cao; việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây khác có giá trị kinh tế cao còn chậm. Một số địa phương chưa thực sự coi trọng, quan tâm đúng mức về công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất dẫn đến chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa cao. Công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết triệt để, ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư một số dự án.

Phóng viên: Năm 2021 có ý nghĩa hết sức quan trọng, là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, xin đồng chí cho biết những chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp mà huyện xác định thực hiện?

Đồng chí Nguyễn Văn Dực: Năm 2021, Kiến Xương phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 10,9% trở lên, trong đó nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 2,9%; công nghiệp, xây dựng tăng 16,0%, dịch vụ tăng 7,6% trở lên so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,2%, có ít nhất 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Để thực hiện mục tiêu trên, Đảng bộ và nhân dân huyện Kiến Xương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, tích cực thực hiện tích tụ ruộng đất để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa gắn với tiêu thụ sản phẩm, khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Tăng cường phối hợp, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ đối với các dự án đầu tư lớn, trọng điểm sớm đi vào hoạt động, đặc biệt là các dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng các cụm công nghiệp, tạo chuyển biến mạnh mẽ về năng lực sản xuất công nghiệp của huyện. Tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, điện, nước, xử lý môi trường... đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Thu Thủy

(thực hiện)